Liên quan đến trả lời của Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng Có phải đưa môn Giáo dục công dân vào thi tốt nghiệp sẽ giảm bảo lực học đường?

        Liên quan đến trả lời của Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng đưa môn Giáo dục công dân vào thi tốt nghiệp sẽ giảm bảo lực học đường tôi cho rằng, giảm bạo lực học đường cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: cần có phương pháp giáo dục tại gia đình, nhà trường và giảm bớt tác động tiêu cực xã hội như game, phim bạo lực... chứ đưa môn Giáo dục công dân vào môn thi tốt nghiệp để giảm áp lực bạo lực học đường thì không phải. 
     Qua nhiều năm phát triển giáo dục, môn Giáo dục công dân không phải là môn học chính. Quan điểm cá nhân của tôi là phải giáo dục các cháu từ gia đình, nhà trường, đạo đức xã hội con người chứ không phải chỉ từ môn học này. Hình thành nhân cách đi cùng với hình thành phát triển kiến thức. Điều này cần suy nghĩ nên hay không nên đưa vào môn này vào để thi tốt nghiệp. Tình trạng bạo lực học đường là vấn đề bức xúc, nhức nhối trong toàn xã hội. Trước đây, bạo lực trong nhà trường thường rơi vào nam sinh nhưng nay lại xuất hiện ở nữ giới, không phải một hai người mà đánh nhau tập thể, theo nhóm. “Đây là biểu hiện xuống cấp, thiếu đạo đức, kém văn hoá của học sinh". Tất nhiên, môn Giáo dục công dân là môn học tốt nhưng không phải là môn học quyết định, phải là giáo dục nhân cách con người đi từ mẫu giáo tới các cấp học, được chuyển biến thông qua rèn luyện của thầy, cô giáo cùng sự quan tâm theo dõi chăm sóc của gia đình.
     Việc đưa môn GDCD vào thi tốt nghiệp với mục đích như Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo nói là để tăng cường bồi dưỡng đạo đức, nhân cách cho học sinh, thì công tác giảng dạy môn này ở phổ thông phải thực sự hiệu quả không mang tính hình thức như trước đây. Việc học mà không thi ít nhiều ảnh hưởng đến thái độ học tập của học sinh. Vì vậy, học gì thi nấy giúp cho học sinh nhận thức việc học môn đó một cách nghiêm túc hơn. Qua đó, việc học sẽ có hiệu quả, góp phần bồi dưỡng đạo đức, nhân cách, lối sống cho các em, giúp giảm bạo lực học đường. Lâu nay, các trường trung học được đánh giá theo đầu vào đầu ra để xếp loại nhưng số học sinh trong trường đó ngoan, hiếu thảo với bố mẹ như thế nào hoặc có bao nhiêu vụ bạo lực, học sinh đánh nhau thế nào… lại không được đưa vào tiêu chí đánh giá. 
      Do vậy, theo tôi việc đưa môn GDCD vào thi tốt nghiệp là phù hợp nhưng cần có lộ trình chứ không phải nay thấy đạo đức xuống cấp thì đưa môn GDCD vào thi, mai thấy tai nạn giao thông nhiều thì lại đưa môn luật giao thông vào thi tốt nghiệp?

Ứng xử thiếu văn hóa trong học đường ngày càng tăng

Bạo lực học đường, lệch lạc trong lối sống
Trong nhà trường đang diễn ra những hành vi trái với các chuẩn mực văn hóa, đạo đức của xã hội như: bạo lực học đường, tiêu cực trong thi cử, nghiện Facebook... Một số đại biểu đã dẫn chứng chính số liệu từng được Bộ GD-ĐT đưa ra: trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh (HS) đánh nhau ở trong và ngoài trường học; cứ khoảng trên 5.200 HS thì có 1 vụ đánh nhau; cứ hơn 11.000 HS thì có 1 em bị buộc thôi học vì đánh nhau...


PGS-TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng tình trạng bạo lực trong trường học đã và đang diễn ra nóng bỏng trên khắp cả nước, ở tất cả các cấp học, lớp học, mức độ ngày càng gia tăng, hậu quả nghiêm trọng.
Kết quả nghiên cứu của đề tài “Thực trạng, nguyên nhân và một số giải pháp khắc phục tình trạng bạo lực học đường tại các trường phổ thông trên địa bàn TP.Cần Thơ” của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM do PGS-TS Huỳnh Văn Sơn chủ trì năm 2014 cho thấy HS bạo lực với HS là dạng bạo lực xảy ra phổ biến nhất. Các dạng bạo lực học đường thường là nói xấu, bôi nhọ bạn, ép cho nhìn bài, đánh, đấm, sỉ nhục bạn.
PGS Huỳnh Văn Sơn cho rằng văn hóa trong trường học còn bị lung lay bởi một số thực trạng như: gạ tình đổi điểm, yêu sớm; thiếu tích cực trong học tập; học thêm và dạy thêm tràn lan...
Báo động tình trạng nghiện facebook
PGS Huỳnh Văn Sơn cũng cho rằng xu hướng gia tăng sử dụng Facebook dẫn đến nhiều hệ lụy mà lứa tuổi vị thành niên là một trong những đối tượng cần đặc biệt quan tâm. Đối với nhiều bạn trẻ, Facebook là niềm đam mê “tìm hiểu xã hội” nhưng khi lạm dụng thái quá, thì đam mê ấy lại trở thành nghiện và ảnh hưởng không ít đến thời gian học tập.
Kết quả nghiên cứu “Hành vi nghiện Facebook của vị thành niên từ 15 đến 18 tuổi tại TP.HCM” của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM do PGS-TS Huỳnh Văn Sơn chủ trì năm 2015 cho thấy đa số vị thành niên thuộc mẫu khảo sát sử dụng Facebook trong ngày bình thường từ 1 - 2 giờ và ngày nghỉ từ 3 giờ trở lên; đa số sử dụng bất cứ lúc nào rảnh.