Tham nhũng "Ai chống-Chống ai?"

      Gần đây, nhiều vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử đã khẳng định, chúng ta không khoan nhượng, làm quyết liệt, làm đến cùng đối với những hành vi, đối tượng tham nhũng. Sau 3 năm, từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng và Ban Nội chính Trung ương đến nay, trong tổng số 40 vụ án, 7 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, đã kết luận điều tra, đề nghị truy tố 26 vụ với 330 bị can; đã truy tố, xét xử sơ thẩm 21 vụ với 247 bị cáo, xét xử phúc thẩm 14 vụ với 137 bị cáo.
      Trong số 29 vụ án thuộc diện Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc đã kết luận điều tra, đề nghị truy tố 21 vụ với 93 bị can, đã truy tố xét xử sơ thẩm 18 vụ với 68 bị cáo, xét xử phúc thẩm 10 vụ với 24 bị cáo, mức án rất nghiêm khắc, qua đó cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa tham nhũng, được nhân dân đồng tình ủng hộ.
     Nhiều ý kiến cho rằng, việc đưa các vụ án tham nhũng có tính nghiêm trọng, được đưa ra xét xử đã khẳng định, chúng ta không khoan nhượng, làm quyết liệt, làm đến cùng đối với những hành vi, đối tượng tham nhũng. Thậm chí có ý kiến có rằng, tình trạng tham nhũng còn tràn lan và ngày càng phức tạp hơn. Các vụ án tham nhũng phát hiện sau có mức độ nghiêm trọng, thiệt hại lớn hơn các vụ án trước. Có những vụ việc phát hiện tham nhũng lớn nhưng khi xử lý lại theo kiểu “đầu voi đuôi chuột”. Hay nói cách khác, nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng nhưng chỉ xử án treo, hoặc kỷ luật về mặt hành chính. Điều này đã khiến dư luận nghi ngờ về tính minh bạch trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, đồng thời có thể tác động không nhỏ tới công tác phòng chống tham nhũng, làm giảm niềm tin của cư tri, nhân dân đối với cơ quan công quyền.
     Do đó, để lấy lại niềm tin của người dân, giữ nghiêm kỷ cương phép nước, những vụ án như vụ Phạm Công Danh, Hà Văn Thắm, Huyền Như… phải được xem như là những vụ án điểm, án mẫu, để tạo ra tính răn đe cán bộ, tạo ra tiền lệ để thời gian tới chúng ta làm mạnh mẽ hơn. Điều này cũng thể hiện rõ quyết tâm của Đảng, Nhà nước, đấu tranh không khoan nhượng đối những hành vi, đối tượng tham nhũng, đồng thời nhận được sự đồng tình của nhân dân.
    Bên cạnh đó, để công tác phòng, chống tham nhũng tạo ra sự chuyển biến cụ thể, ngoài các giải pháp cụ thể đã được đưa ra, thì việc huy động sức dân chống tham nhũng bằng cách tạo điều kiện cho họ tham gia giám sát, phát hiện, đấu tranh đối với các hành vi tham nhũng phải được xem như phần quan trọng, không thể thiếu.
    Vấn đề đặt ra là, nếu người dân phát hiện được tham nhũng thì họ được cái gì? Trong trường hợp tham nhũng tấn công, o ép, có thể làm ảnh hưởng tới tính mạng người dân thì ai là người đứng ra bảo vệ họ? Do đó, phải xây dựng thiết chế cụ thể, để tạo điều kiện cho người dân phát hiện, đấu tranh với tham nhũng, nhưng cũng đồng thời phải có chế tài để khen thưởng, bảo vệ những người chống tiêu cực. Nói như vậy để thấy rằng, công tác chống tham nhũng của chúng ta gặp nhiều khó khăn phức tạp ở chỗ, đối tượng tham nhũng hầu hết nằm trong bộ máy Nhà nước, nhiều khi họ cũng có thể là anh em, đồng chí của chúng ta cả.
    Nghị quyết Trung ương 4 đã đề cập rất rõ, đồng thời thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước. Trong một số báo cáo của Trung ương cũng khẳng định, tham nhũng là một "quốc nạn". Do đó, những phát biểu mới đây của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp thứ 11 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cho thấy, chúng ta không khoan nhượng, làm quyết liệt, làm đến cùng đối với những hành vi tham nhũng, đối tượng tham nhũng.
      Bên cạnh đó, để công tác chống tham nhũng phát huy hiệu quả hơn nữa, bên cạnh việc khuyết khích người dân, cán bộ công chức, viên chức, mạnh mẽ đấu tranh, tố cáo chống tham nhũng, cần phải huy hơn nữa vai trò giám sát của Đại biểu Quốc hội, Quốc hội. Khi phát hiện dấu hiệu tham nhũng từ sự phản ánh của người dân nhanh, đơn vị, tổ chức giám sát cần nhanh chóng đề nghị cơ quan có thẩm quyền vào cuộc làm rõ.


Cần hành động mạnh mẽ!



        Ngày (9-12), Bộ Chính trị đã tổ chức Hội nghị toàn quốc phổ biến, quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Việc tổ chức triển khai sâu rộng Nghị quyết Trung ương 4 lần này cho thấy tầm quan trọng và ý nghĩa mang tính sống còn của công tác tổ chức cán bộ, nhiệm vụ xây dựng và làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên từ trung ương đến cơ sở.
Mặt khác, sự kiện cũng cho thấy rõ hơn vấn đề nghiêm trọng của những tồn tại, yếu kém, khuyết điểm cần kịp thời khắc phục, củng cố của lĩnh vực công tác trọng tâm này.
Có một điều đáng quan tâm là ngay trước ngày diễn ra hội nghị quán triệt Nghị quyết Trung ương 4, Ban Bí thư đã quyết định thi hành kỷ luật hai nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên là lãnh đạo Ban Tổ chức trung ương và tỉnh Hậu Giang, một ủy viên Ban cán sự, thứ trưởng Bộ Nội vụ vì có khuyết điểm, sai phạm liên quan đến việc đề nghị, bổ sung, điều chuyển ông Trịnh Xuân Thanh (đang bị truy nã toàn cầu) giữ chức phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.
Cùng thời điểm, truyền thông báo chí đưa tin vụ tuyển dụng, bổ nhiệm bất thường ông Vũ Minh Hoàng (26 tuổi) tại Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và TP Cần Thơ.
Dù chưa một ngày làm việc tại Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, hầu hết các cán bộ nhân viên tại cơ quan này chưa hề thấy mặt nhưng ông Hoàng vẫn được bổ nhiệm chức phó vụ trưởng Vụ Kinh tế rồi chuyển về làm phó giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư - thương mại và hội chợ triển lãm Cần Thơ!
Cần nhấn mạnh là thời gian gần đây, dư luận liên tục phản ảnh tình trạng khuất tất trong việc tuyển dụng, quy hoạch, đề bạt cất nhắc người thân, người nhà, rồi “tranh thủ trước hoàng hôn”.
Chuyện không phải là cá biệt này không chỉ gây bất bình trong cán bộ, nhân dân mà còn ảnh hưởng, tác hại nhiều mặt, lâu dài làm thui chột nhân tài đất nước, là một nguyên nhân dẫn đến nạn thao túng tổ chức, tha hóa cán bộ trượt dài trên con đường tham nhũng, bè phái, lợi ích nhóm... gây nhức nhối xã hội.
Điều đáng lo ngại là sự khiếm khuyết trong công tác tổ chức, cán bộ đang tồn tại ở nhiều cấp, ngành, nhiều địa phương. Đó là “đất dưỡng” của tình trạng cán bộ “qua mặt tổ chức” khai man lý lịch, sử dụng bằng cấp giả, chạy việc, chạy “ghế”...
Còn đáng lo hơn, mỗi khi vụ việc tiêu cực bị phơi bày ra trước công luận, cấp trên yêu cầu báo cáo giải trình, Quốc hội, HĐND chất vấn, nhiều cán bộ có trách nhiệm luôn khẳng định “đúng quy trình” để thanh minh, che chắn khuyết điểm, sai phạm.
Trong khi đó, việc xử lý thường bị chậm và thiếu kiên quyết, không tới nơi tới chốn, thiếu công bằng đã làm xói mòn lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Từ “phát súng lệnh” xử lý vụ Trịnh Xuân Thanh của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, cán bộ đảng viên, nhân dân cả nước mong chờ sau hội nghị này, việc chấn chỉnh tổ chức và đội ngũ cán bộ các cấp sẽ có chuyển biến tích cực, nhanh và mạnh.
Hi vọng quyết tâm của Trung ương sẽ trở thành động lực và là “bảo kiếm” để các cấp ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước... thực sự hành động mạnh mẽ, thiết thực làm trong sạch bộ máy Đảng và chính quyền.