Những chính sách có hiệu lực từ tháng 10

            Thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; quy định mức thưởng cho vận động viên thể thao quân đội… là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 10.

            Nghị định 121 của Chính phủ về thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương đối với tập đoàn viễn thông quân đội giai đoạn 2016 - 2020, có hiệu lực từ 10/10.
            Nghị định quy định thí điểm quản lý lao động, tiền lương giai đoạn 2016 - 2020 đối với: Công ty mẹ - Tập đoàn Viễn thông Quân đội; Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Công ty mẹ - Tập đoàn Viễn thông Quân đội nắm giữ 100% vốn điều lệ; Tổng công ty và công ty do Công ty mẹ - Tập đoàn Viễn thông Quân đội nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Đồng thời, việc xếp lương và phụ cấp lương phải thực hiện theo Nghị định 204, Nghị định 52, Nghị định 49, quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Quốc phòng.
            Chế độ nghỉ phép cho quân nhân chuyên nghiệp: Có hiệu lực từ 8/10, Thông tư 113 của Bộ Quốc phòng quy định chế độ nghỉ của quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng là 20 ngày (dưới 15 năm phục vụ); 25 ngày (từ đủ 15 đến dưới 25 năm phục vụ); 30 ngày (từ đủ 25 năm phục vụ trở lên). Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng ở đơn vị đóng quân cách xa gia đình được ưu tiên nghỉ phép hằng năm như sau:
            Đóng quân cách xa gia đình từ 500 km trở lên hoặc tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, DK được nghỉ thêm 10 ngày mỗi năm; Đóng quân cách xa gia đình từ 300 km đến dưới 500 km.
            Đóng quân ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới cách xa gia đình từ 200 km đến dưới 300 km và đang hưởng phụ cấp khu vực hệ số từ 0,5 đến 0,7 hoặc tại các đảo hưởng phụ cấp khu vực hệ số từ 0,1 đến dưới 1,0 được nghỉ thêm 5 ngày mỗi năm.
Mức thưởng cho vận động viên thể thao quân đội
            Thông tư 138 của Bộ Quốc phòng về chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên (VĐV) thể thao quân đội (TTQĐ) được tập trung tập huấn và thi đấu sẽ có hiệu lực thi hành từ 27/10.
Theo đó, VĐV các đội TTQĐ lập thành tích tại các giải thi đấu sẽ được thưởng theo quy định mới, tiêu biểu khi đạt được huy chương vàng sẽ được mức thưởng như sau:
            Đại hội TTQĐ các nước thế giới: 75 triệu đồng/VĐV; Giải TTQĐ các nước thế giới, Châu Á: 50 triệu đồng/VĐV; Giải TTQĐ các nước Đông Nam Á: 25 triệu đồng/VĐV; Đại hội TDTT toàn quốc: 30 triệu đồng/VĐV; Giải thể thao Vô địch Quốc gia: 25 triệu đồng/VĐV; Đại hội TDTT toàn quân: 10 triệu đồng/VĐV; Hội thao thể thao toàn quân: 7,5 triệu đồng/VĐV.
            Thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Có hiệu lực từ 1/10, Công văn của Bộ Y tế hướng dẫn bổ sung thực hiện Thông tư liên tịch quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc.
            Công văn nêu rõ, trường hợp người bệnh vào khoa cấp cứu, không qua khám chữa bệnh được chi trả tiền khám bệnh như sau:
Nếu thời gian điều trị từ 4 giờ trở lên, thanh toán tiền ngày giường bệnh điều trị nội trú, tiền thuốc và các dịch vụ kỹ thuật theo quy định, không thanh toán tiền khám bệnh.
            Nếu thời gian điều trị dưới 4 giờ, được thanh toán tiền khám bệnh, tiền thuốc và các dịch vụ kỹ thuật, không thanh toán tiền ngày giường bệnh điều trị nội trú.
            Ngoài ra, công văn còn hướng dẫn một số nội dung khác như: Thanh toán ngày giường bệnh điều trị nội trú; Thanh toán chi phí khám, chữa bệnh tại phòng khám đa khoa khu vực trực thuộc bệnh viện/trung tâm y tế huyện.
            Tiền giường lưu tại trạm y tế tuyến xã. Phòng khám đa khoa trực thuộc bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương: áp dụng giá dịch vụ y tế theo hạng bệnh viện đó…
             Bắt buộc báo cáo công tác bảo vệ môi trường
            Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư 19 về báo cáo công tác bảo vệ môi trường, có hiệu lực từ 10/10.
Theo đó, nội dung báo cáo công tác bảo vệ môi trường của Bộ, cơ quan ngang Bộ bao gồm: Đánh giá chung về các nguồn gây ô nhiễm, tác động xấu lên môi trường, các loại hình chất thải đặc trưng và các vấn đề môi trường chính (nếu có) của ngành, lĩnh vực thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ
            Tình hình, kết quả thực hiện công tác quản lý nhà nước và hoạt động bảo vệ môi trường; Định hướng công tác bảo vệ môi trường trong năm tới và đề xuất, kiến nghị.
            Thông tư này cũng quy định, từ UBND cấp xã báo cáo HĐND cùng cấp, UBND cấp huyện về công tác bảo vệ môi trường, trước ngày 15/12 hàng năm.

Mặt trái sự “ngông” của giới trẻ

 Vài năm trở lại đây, giới trẻ bắt đầu định hình cho mình nhiều phong cách khác lạ, thể hiện cái tôi trong đó, mong muốn khẳng định mình và được nhiều người biết đến. Thế nhưng, ở một góc độ khác, cái tôi lại vượt qua giới hạn chấp nhận của xã hội, tạo ra những định kiến, suy nghĩ không tốt với một bộ phận giới trẻ hiện nay.

Thực tế cho thấy, giới trẻ chính là đối tượng thể hiện được nhiều màu sắc và phong cách nhất trong cả đời sống vật chất và tinh thần. Nhìn một cách khách quan, họ là những người tiên phong cho những trào lưu, xu thế mới. Với đặc điểm nhạy bén, năng động, nhiệt huyết, giới trẻ dễ góp phần tạo ra những hướng phát triển mang phong cách riêng. Tuy nhiên, phong cách thể hiện xu hướng lệch chuẩn lại thường nhiều hơn. Chỉ cần tìm kiếm trên mạng, chúng ta sẽ thấy những trào lưu như: Khoe ảnh ngày ấy-bây giờ, khoe vòng eo, chụp ảnh phong cách “follow me” (đi theo tôi)… đến những trào lưu như: Xuất ngoại tổ chức sinh nhật, mang ghế ra ngồi giữa đường, leo cột điện để "tự sướng", hút hít những chất kích thích để thư giãn… Thể hiện những biểu hiện hành vi chẳng qua cũng chỉ nhằm mục đích muốn chứng tỏ “cái ngông”… không giống ai của mình.
Giữa xa lộ thông tin hiện nay, chúng ta dễ dàng nắm bắt và chia sẻ thông tin, nhưng chính điều này dễ phát lộ mặt trái của cái sự “ngông” của giới trẻ. Thời gian gần đây, việc rạch tay vì yêu trở thành một cách giải tỏa tâm lý mà nhiều bạn trẻ áp dụng nhằm níu kéo người yêu, chứng tỏ bản lĩnh, sức chịu đựng, mục đích thể hiện cá tính bản thân, thậm chí vì chữ “hot” mà đánh đổi nhiều thứ. Mốt xăm tròng mắt lại càng đau đớn hơn. Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn nhưng có người trẻ chấp nhận chịu đau đớn để trải nghiệm cảm giác mà họ cho rằng là… đẳng cấp. Hay những hình ảnh, video, vlog phản cảm với lối hành xử lệch lạc, thiếu văn hóa cũng dễ làm méo mó thú chơi “ngông” của giới trẻ…
Sinh thời, Tản Đà có “ngông” với “hầu trời” khi muốn chơi trăng, ngâm thơ tỏ khí ta đây, muốn làm chú Cuội để lên trời chơi với chị Hằng… vừa toát lên sự phóng túng, vừa thể hiện được cái tài vần thơ dẫn ý rất hòa hợp, thú vị. Còn sự “ngông” của Nguyễn Công Trứ là muốn thông qua hình ảnh làm cây thông với hàm ý khát vọng thoát khỏi sự tù túng của kiếp người… Nhưng đấy là cái "ngông” thú vị của các văn nhân, thi sĩ. Ấy vậy mà giờ người trẻ "ngông" nhưng đến mức ngông cuồng, "ngông" đến mức nhận lại những chỉ trích, bất bình và sự khó chịu từ dư luận xã hội.
Thiết nghĩ, mỗi cá nhân chính là một phần của xã hội. Cá nhân tốt sẽ góp phần tạo nên tập thể tốt. Với người trẻ, họ cần nâng cao nhận thức, tích cực tham gia các hoạt động, chương trình cộng đồng bổ ích, rèn luyện kỹ năng sống và quan trọng nhất là nỗ lực học tập, tu dưỡng để không ngừng trưởng thành, tiến bộ.

Học sinh lớp 6 bị trả về lớp 1 ở miền Tây

Phụ huynh ở TP Sóc Trăng "té ngửa" khi được giáo viên thông báo con họ học đến lớp 6 mà không biết đọc, viết. Có em bị trả về học lại chương trình lớp 1.
Chị Tô Thị Quỳnh Giao có con học xong chương trình tiểu học tại trường Tiểu học Lý Đạo Thành, TP Sóc Trăng. Năm học 2016 - 2017, hay tin con trai Lâm Sơn Vũ được tuyển vào lớp 6 ở một trường THCS trên địa bàn, chị rất vui.
"Mừng chưa lâu thì mấy ngày sau khai giảng, giáo viên chủ nhiệm mời tôi đến thông báo con tôi chưa biết đọc, viết nên không thể học lớp 6. Họ đề nghị cho cháu về lại trường cũ học chương trình lớp 1", chị Giao nói.
Kiểm tra thực tế khả năng của Vũ, nhiều người bất ngờ khi em không thể viết được tên của mẹ mình, dù được mọi người xung quanh đánh vần cho từng chữ.
Theo gia đình, trong hai năm Vũ học cuối cấp tiểu học, họ có phát hiện kiến thức của con không đạt nên yêu cầu trường cho em ở lại lớp, nhưng không được chấp nhận. "Trường nói con tôi đủ số điểm để lên lớp, chỉ cần phụ đạo thêm kiến thức là ổn, nhưng giờ sự việc ra thế này tôi cũng không biết phải làm sao", chị Giao tâm sự.


Trường Tiểu học Lê Hồng Phong có nhiều học sinh lớp 3 nhưng không biết đọc. Ảnh: Phúc Hưng
Bị từ chối nhận vào lớp 6, Vũ được trả về trường cũ và được nhà trường bố trí học lại, nhưng hiện em đã bỏ học.
Cô Nguyễn Huỳnh Ngọc Hạnh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lý Đạo Thành xác nhận về trường hợp của Vũ là có thật, đồng thời cho biết, khi tiếp nhận lại Vũ, trường khắc phục bằng cách mỗi buổi sáng cử một giáo viên kèm riêng cho em, bắt đầu từ chương trình lớp 1.
"Chúng tôi đang liên hệ với gia đình để vận động em tiếp tục đến trường", cô Hạnh nói và cho biết khâu kiểm tra chất lượng hàng năm được nhà trường làm rất kỹ lưỡng, nhưng trường hợp của Vũ là do một phần lỗi của nhà trường vì quá tin tưởng vào giáo viên.
Trường hợp của Vũ không phải là cá biệt ở TP Sóc Trăng, thầy cô giáo ở trường Tiểu học Lê Hồng Phong cũng đang đau đầu vì trường này có 8 em học lớp 3 mà không biết đọc, hơn 10 em đọc chữ còn phải đánh vần.
Hồi đầu năm học, nhiều học sinh được lên lớp 2 ở trường Tiểu học thị trấn Lịch Hội Thượng A (huyện Trần Đề, Sóc Trăng) cũng không biết đọc, viết nên phụ huynh làm đơn xin cho con ở lại lớp1. 
Các trường tiểu học trên đều đạt chuẩn quốc gia về giáo dục. Một số giáo viên cho biết, việc giao chỉ tiêu và áp lực của trường chuẩn quốc gia là rất lớn. "Cuối năm, mỗi lớp học sinh lưu ban không được quá một em. Đây cũng là nguyên nhân khiến giáo viên, nhà trường chạy theo thành tích mà quên đi chất lượng giảng dạy", giáo viên chia sẻ.
Trước thực trạng có nhiều học sinh cấp tiểu học không biết đọc, viết nhưng vẫn được lên lớp, trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Sóc Trăng Dương Thị Ngọc Diễm lý giải là do đặc thù của địa phương có đông con em đồng bào Khmer, khả năng tiếp thu của các em còn nhiều yếu kém, mặt khác do năng lực của giáo viên hạn chế. 
"Phòng đã chỉ đạo các trường có biện pháp nhằm giúp học sinh phụ đạo thêm kiến thức, đồng thời giảng dạy theo tiêu chí chất lượng", bà Diễm nói.
Trao đổi với VnExpress, bà Nguyễn Thị Tuyết Hà, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng, thừa nhận thực tế ở một số trường tiểu học trên địa bàn xảy ra tình trạng trên. "Việc này không riêng ở thành phố, mà ngay ở các vùng nông thôn cũng có nhưng chỉ chiếm số ít. Tuy nhiên, đây là sơ sót lớn cần được chấn chỉnh sớm", bà Hà nói và cho biết đã chỉ đạo ngành giáo dục tỉnh tăng cường đến cơ sở kiểm tra, tổng hợp để báo cáo đến UBND tỉnh.
                                                                                                                       Nguồn: Vnexpress

Cuộc tranh luận thứ nhất giữa Hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ - Bà Hillary Clinton và Ông Donald Trump

          Hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ năm 2016 Hillary Clinton, đảng Dân chủ và Donald Trump, đảng Cộng hòa, ngày 26-9, đã bước vào cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên. Hai ứng cử viên đã tranh luận gay gắt về một loạt các chủ đề từ chính sách đối ngoại đến kinh tế, trong đó tập trung vào các vấn đề liên quan đến thuế, việc làm, chủng tộc và khủng bố,…
          Cuộc tranh luận nóng ngay từ khi bắt đầu, với việc ông Trump thường xuyên tìm cách ngắt lời và nói chen vào những câu trả lời của bà Clinton. Trong khi đó bà Clinton cho thấy sự chừng mực và tự chủ hơn nhưng cũng gây khó dễ cho ông Trump liên quan đế hồ sơ kinh doanh và tài sản của ông.
Bà Clinton chỉ trích ông Trump không công khai bảng kê khai thuế cá nhân cũng như các thỏa thuận kinh doanh của mình và là người phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính. Trong khi đó, ông Trump tìm cách nhắm vào các câu hỏi liên quan đến sự minh bạch về bà Clinton. Ông tuyên bố sẽ công bố thông tin về kê khai thuế của mình khi bà Clinton trình ra hơn 30 nghìn thư điện tử bị xóa khỏi máy chủ bà sử dụng khi còn là Ngoại trưởng Mỹ.
          Trong cuộc tranh luận kéo dài 90 phút, hai ứng cử viên cũng đã tranh luận về thương mại, thuế và các giải pháp nhằm mang lại những công việc lương cao quay trở lại Mỹ. Bà Clinton kêu gọi giảm thuế cho tầng lớp trung lưu trong khi ông Trump chú trọng hơn vào việc thương lượng lại các thỏa thuận thương mại mà ông cho rằng đã khiến các công ty chuyển việc làm ra khỏi nước Mỹ.
          Bà Clinton nói, đối thủ đảng Cộng hòa của bà đang thúc đẩy chính sách chú trọng vào việc giảm thuế cho tầng lớp giàu có. Bà kêu gọi tăng mức lương tối thiểu liên bang, chi ngân sách nhiều hơn cho các dự án cơ sở hạ tầng và bảo đảm chi trả công bằng cho phụ nữ. 
          Ông Trump chỉ trích gay gắt các chính sách mà ông cho là đã khiến việc làm của người Mỹ bị chuyển ra nước ngoài, một phần là do các thỏa thuận thương mại mà bà Clinton ủng hộ. Tuy nhiên, ứng cử viên Tổng thống đảng Cộng hòa đã bị gây khó dễ khi tìm cách trả lời những câu hỏi liên tục về việc tại sao ông chỉ mới đây thừa nhận rằng Tổng thống Mỹ Barack Obama sinh ra tại Mỹ. Trong nhiều năm ông Trump đã là người khởi xướng nghi vấn cho rằng ông Obama được sinh ra ở bên ngoài nước Mỹ. 
          Trọng tâm chiến dịch vận động tranh của của ông Trump là thúc đẩy các biện pháp nhằm hạn chế nhập cư, bao gồm việc xây dựng một bức tường dọc theo biên giới Mỹ-Mexico và đề xuất tạm cấm người Hồi giáo nước ngoài tới Mỹ. Tuy nhiên, ứng cử viên Tổng thống đảng Cộng hòa không đưa ra được kế hoạch chi tiết cho các ý tưởng khác, bao gồm kế hoạch của ông nhằm tiêu diệt tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Trung Đông. 
          Trong khi đó, bà Clinton, một cựu Thượng nghị sĩ và Ngoại trưởng Mỹ, hy vọng cử tri xem bà như là một ngư ời kiên định có thể phát triển hơn nữa thành tích của Tổng thống Obama, người đang có sự ủng hộ của công chúng ngày một tăng lên khi sắp kết thúc nhiệm kỳ hai. Bà Clinton kêu gọi kéo dài các sắc lệnh của ông Obama nếu Quốc hội không thông qua luật đối với việc xem xét lại hệ thống nhập cư của Mỹ và các biện pháp tăng cường kiểm soát súng. Ở nước ngoài, bà kêu gọi thiết lập vùng cấm bay tại Syria nhưng cam kết giữ cho lực lượng quân đội khỏi cuộc chiến quy mô lớn trên mặt đất chống lại IS.
          Theo kết quả một cuộc khảo sát nhanh của CNN/ORC đối với những người theo dõi cuộc tranh luận, 62% những người được hỏi cho rằng bà Clinton là người chiến thắng trong cuộc tranh luận đầu tiên trong khi chỉ 27% người được hỏi cho rằng ông Trump là người chiến thắng.

Việt Nam cảnh báo xung đột Biển Đông tại Liên Hợp Quốc

           Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nêu rõ tranh chấp Biển Đông đang đe dọa hòa bình và an ninh ở khu vực, trong khi luật pháp quốc tế bị xem nhẹ.
            "Khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang tiềm ẩn những nguy cơ xung đột, nhất là tại bán đảo Triều Tiên, Biển Đông, đe dọa hòa bình, an ninh và thịnh vượng chung", ông Phạm Bình Minh nêu rõ tại Phiên thảo luận cấp cao Khóa 71 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) cuối tuần qua tại New York, Mỹ.
            Phó thủ tướng Việt Nam cho rằng luật pháp quốc tế, chủ nghĩa đa phương là những nhân tố cốt yếu xây dựng châu Á - Thái Bình Dương thịnh vượng, giúp ổn định cấu trúc an ninh quốc tế. Tuy nhiên các chuẩn mực, nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế vẫn bị xem nhẹ. Một số nước có biện pháp áp đặt, đơn phương, cường quyền, sử dụng vũ lực để giải quyết các vấn đề an ninh, điều đó đã và đang gây căng thẳng, đối đầu, cản trở các nỗ lực giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Trên phạm vi thế giới, khi căng thẳng và bất ổn diễn biến phức tạp, tư duy đề cao sức mạnh, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế cũng đang đe dọa an ninh chung.
           Ông Phạm Bình Minh nhấn mạnh mọi quốc gia dù lớn hay nhỏ đều phải tuân thủ luật pháp, đề nghị LHQ tăng cường vai trò trong giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. 
           Đề cập tới những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông, đại diện Việt Nam kêu gọi tất cả bên liên quan cần kiềm chế, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS), tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký kết giữa Trung Quốc và ASEAN, sớm tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử (COC).
           Phó thủ tướng đề nghị các nước tăng cường chủ nghĩa đa phương, cam kết Việt Nam sẽ thúc đẩy các tiếp cận này để đóng góp cho hoà bình, hợp tác và phát triển giữa các nước. Ông Phạm Bình Minh cũng thông báo Việt Nam ứng cử làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021.

Cuộc sống, mưu sinh, sự tắc trách và hậu quả.

          Chiều ngày 23/9/2016 một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng giữa xe ba gác chở tôn và cháu bé chạy xe đạp ở phố Tân Mai - Hà Nội, nhìn ảnh hiện trường cảm thấy thật là đau lòng.
            Cháu bé là nạn nhân của sự cẩu thả, vô tội vạ của người lớn. Ấy thế nhưng lại có bài đăng trên báo viết về vụ việc là nguyên nhân trẻ không có sân chơi, tôi chưa hiểu tác giả muốn nói đến cái Vĩ Mô như thế nào từ trường hợp này.
            Xin xem xét sự việc từ góc độ vi mô như thế này, phần lớn những vụ tai nạn thương tích của trẻ em nhìn chung cũng đều có bóng dáng từ sự vô tâm của người lớn, không là của người thân thì cũng là của người ngoài xã hội.
            Và cũng mới chiều hôm qua 25/9 chúng ta lại chứng kiến thêm một trường hợp tử vong tôn cứa cổ dây chun chằng xe bò bị đứt, tấm tôn bung ra cứa trúng cổ nạn nhân. Cả hai trường hợp trên đặt ra cho chúng ta câu hỏi vì sao??? 
            Vì sao ư? Vì sự chủ quan của chính chúng ta, những người tự cho mình là đã lớn. Trong vụ tai nạn này, chúng ta đã thấy hậu quả như thế nào. Rất nhiều người tự tin là tay lái mình tốt, là mình đã chuẩn bị chu đáo, rất tốt để rồi tình huống xảy ra thì không thể xử lý kịp.
            Ra đường tôi rất sợ mấy xe chở tôn, chở sắt cây trên những chiếc xe ba gác máy, những xe tải thùng không che hết được hiểm nguy. Có khó gì một việc che chắn, bịt kín tấm tôn, có treo tín hiệu trên đầu để người khác nhận biết và quan trọng hơn là anh chở hàng nguy hiểm thì đi đâu mà vội, chẳng ai phạt anh chạy chậm (trừ trên cao tốc), chậm một chút thôi, có tín hiệu rõ ràng để mà xử lý thì đã không xảy ra những tai nạn thương tích cho bất cứ ai...
            Những tai nạn kiểu này thì người nào cũng có nguy cơ trở thành nạn nhân của nó chứ không riêng gì trẻ em.
            Trong trường hợp này phương tiện không có lỗi, con đường không có lỗi, mà lỗi đó là từ sự cẩu thả mà ra vậy mà.
            Cũng vì cuộc sống, mà sống cũng để lo cho bản thân và gia đình, ai cũng là người, vậy mỗi người hãy cẩn thận nhé...

Bắn nhau như trên phim ở Thụy Điển

Vụ việc xảy ra vào tối 25-9 ở trung tâm thành phố Malmö, thành phố lớn ở phía nam đất nước Thụy Điển thanh bình.
Cảnh sát đang khám nghiệm xe chở bốn nạn nhân

           Theo thông báo từ cảnh sát, bốn người đã bị thương trong đó có một bị Thương nặng. Những tên hung thủ chạy trên xe máy và đã tẩu thoát sau khi nổ súng.
           Theo AFP, vụ nổ súng xảy ra vào khoảng 19g, ngay ngoài phố. Lực lượng cảnh sát tuần tra đã có mặt đưa nạn nhân bị thương nặng vào bệnh viện.
           Nhật báo Thụy Điển SydSvenskan đã ghi nhận lời chứng và biết rằng ba người bị thương nhẹ được những người qua đường đưa lên xe chở vào bệnh viện giúp.
           Nhiều nhân chứng cho biết đã nhìn thấy cuộc rượt đuổi trên phố quyết liệt như trên phim giữa chiếc xe hơi chở bốn nạn nhân và hai xe máy. Chiếc xe hơi sau đó đã tông vào một gốc cây.
           Các sát thủ bịt mặt trên xe máy nhân đó đã nổ súng ngay vào những người ngồi mắc kẹt trong xe. Các nhân chứng nghe thấy khoảng 20 tiếng nổ.
           Một nhân chứng kể với nhật báo Expressen rằng bọn sát thủ dùng súng tự động. Có một nạn nhân bị trúng đạn vào đầu và tình trạng sức khỏe rất nguy kịch.
           Thụy Điển vốn là đất nước thanh bình với tỉ lệ phạm tội rất thấp nhưng những năm gần đây, tại các khu phố nghèo ở các thành phố lớn như Stockholm, Göteborg và Malmö, tình trạng bạo lực có gia tăng đáng kể. Theo cảnh sát, nguyên do là sự cạnh tranh giữa các băng nhóm tội phạm đang giành quyền kiểm soát địa bàn để mua bán ma túy và chăn dắt gái mại dâm.
           Hồi cuối tháng 8 vừa qua, một đứa trẻ tám tuổi đã thiệt mạng trong căn hộ tại Göteborg sau khi có một quả lựu đạn của ai đó ném vào và phát nổ.
           Căn hộ này được cho là nơi cư ngụ của một người thuộc cộng đồng gốc Somalia và có dính líu vào một vụ thanh toán kiểu băng đảng.
           Hồi cuối tháng 7, khoảng 16g chiều theo giờ địa phương, một tay súng đã xông vào trung tâm thương mại tại thành phố Malmo và nổ súng trúng chân một người. Theo truyền thông địa phương, nạn nhân đã được chuyển đi cấp cứu lập tức và may mắn không nguy hại đến tính mạng. Cho đến nay cảnh sát vẫn chưa biết động cơ của vụ nổ súng và vẫn chưa bắt được hung thủ.