Để nhận biết "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"

Những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” xuất hiện với các biểu hiện như: Lười học tập, rèn luyện, nhất là học tập lý luận chính trị, thích khai thác các loại thông tin đa chiều trên mạng internet nhưng thiếu bản lĩnh để phân tích, xử lý thông tin. Một số cán bộ, đảng viên còn thiếu niềm tin vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới đất nước; tham nhũng, lãng phí, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, vi phạm pháp luật Nhà nước; một số khác thì kéo bè kéo cánh, gây mất đoàn kết nội bộ, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh...    
Thực tế cho thấy, sự chống phá của các thế lực thù địch thông qua chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ngày càng diễn biến phức tạp. Các chiêu trò thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ngày càng đa dạng, tinh vi, khó lường. Vì vậy để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cần nhiều giải pháp, nhưng trước hết phải nhận rõ các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch về nền tảng lý luận của Đảng ta.
Từ thực tế trên, việc đẩy mạnh đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là nhiệm vụ tất yếu khách quan. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này thì lực lượng tham gia đấu tranh cần được tổ chức thống nhất, rộng khắp, nhiều tầng đặt dưới sự chỉ đạo và hướng dẫn thống nhất của cấp ủy từng cấp. Cấp ủy, chính quyền từng cấp phải chủ động triển khai đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa. Việc tổ chức đấu tranh cần theo hướng chủ động, kịp thời, nhạy bén, sâu sắc, toàn diện, hiệu quả. Cùng với đó, để công tác đấu tranh đạt hiệu quả thiết thực, cần chăm lo xây dựng đội ngũ nòng cốt, có đủ tri thức, năng lực trong nhìn nhận, phát hiện, phản bác các quan điểm sai trái. Đội ngũ này phải bao gồm các nhà khoa học, nhà lý luận, cán bộ nghiên cứu... thực sự tâm huyết, có bản lĩnh chính trị vững vàng; thường xuyên được cung cấp thông tin, tài liệu chính xác từ các cơ quan chức năng, để có căn cứ xác đáng trong đấu tranh với các thế lực thù địch. Đối với lực lượng rộng rãi cần được tổ chức chu đáo trong từng cơ quan, đơn vị, ban, ngành, đoàn thể; đồng thời kết hợp chặt chẽ nhiều hình thức, biện pháp đấu tranh...

  “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là kẻ thù nội tại hết sức nguy hiểm. Tác hại của nó vô cùng to lớn, làm suy yếu nền tảng tư tưởng của Đảng, làm sai lệch đường lối, gây tổn hại nghiêm trọng đến niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng. Nó là điều kiện để các thế lực thù địch thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”. Việc nghiên cứu và nhận thức, nhận diện, phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ hiện nay là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Cán bộ, chiến sĩ trong LLVT càng cần phải tu dưỡng, rèn mình để luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, ý chí chiến đấu cao, để xứng đáng là lực lượng tiên phong trong nhiệm vụ phòng, chống "Diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch.

Bắt giam và xét xử đối tượng Nguyễn Văn Hóa là thích đáng

Thời gian qua, tình hình ANTT trên địa bàn Hà Tĩnh diễn biến phức tạp do các đối tượng phản động trong và ngoài nước câu kết với một số đối tượng cực đoan lợi dụng sự cố môi trường biển để kích động, lôi kéo quần chúng nhân dân tham gia tụ tập, biểu tình, đập phá tài sản, gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Để đấu tranh với loại tội phạm này, Cơ quan An ninh điều tra Công an Hà Tĩnh đã lập Chuyên án mang bí số V116 để đấu tranh và ra quyết định bắt đối tượng Nguyễn Văn Hóa (SN 1995, trú tại thôn Quảng Ích, xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh).
Tại cơ quan điều tra, Hóa đã khai báo thành khẩn về hành vi tuyên truyền kích động nhân dân biểu tình, gây mất ANTT, xuyên tạc, bôi nhọ Đảng, Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
Cụ thể, năm 2014, Hóa lập ra môt số tài khoản mạng xã hội để giao lưu, kết bạn với nhiều người. Tháng 4/2014, khi xảy ra sự kiện giàn khoan HD 981, qua mạng xã hội, Hóa đã đọc, xem các bài viết có nội dung tuyên truyền xuyên tạc, nói xấu Đảng, Nhà nước, từ đó, y sử dụng mạng xã hội để biên tập, chỉnh sửa và tán phát các bài viết có nội dung chống đối Nhà nước CHXHCN Việt Nam.
Đối tượng trực tiếp quay phim, chụp ảnh các sự kiện một số người dân tụ tập, biểu tình, khiếu kiện nhằm kích động người dân gấy rối, gây mất ANTT, chống lại chính quyền nhân dân. Bước đầu, Hóa sử dụng trang Blog Luoishoa’s để đăng tải các bài viết bôi nhọ lãnh tụ Hồ Chí Minh, nói xấu Đảng, Nhà nước, tuyên truyền các tư tưởng trái với chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam với bút danh "Con kiến con".
Tiếp đó, Hóa sử dụng tài khoản Facebook Nguyễn Văn Hóa (Maria Luygonjaga) để trao đổi với các phần tử cực đoan, đối tượng thuộc các tổ chức phản động như: Tổ chức Voice, Phong trào Con đường Việt Nam, đồng thời biên tập phát tán các nội dung tiêu cực, kích động.
Trên Facebook này, Hóa lập ra fanpage “Giới trẻ giáo hạt Kỳ Anh” để đăng tải các video, hình ảnh có nội dung kích động biểu tình sau sự cố môi trường biển, lũ lụt trên địa bàn Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình do y trực tiếp quay phim, chụp ảnh, phỏng vấn người dân.
Đặc biệt, vào ngày 2/10/2016, Hóa trực tiếp tham gia cùng một số người dân tụ tập biểu tình tại khu vực cổng chính Công ty Formosa, sử dụng thiết bị Flycam quay và truyền trực tiếp lên mạng xã hội, đồng thời trực tiếp hô hào, kích động người dân theo sự chỉ đạo của một số đối tượng cực đoan, nhằm gây mất ANTT, đập phá tài sản của Công ty Formosa.
Nguyễn Văn Hóa còn lập nhiều tài khoản gmail để chia sẻ, gửi hình ảnh, bài viết về các vấn đề nóng đang xảy ra tại địa bàn Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình cho các cá nhân thuộc các tổ chức phản động và làm phương tiện liên lạc, nhận tiền của các tổ chức, cá nhân.
Hóa đã ký hợp đồng với một số đài, trang mạng nước ngoài với mức 1.500 USD cho 16 phóng sự/tháng. Điều đáng nói, những thông tin kích động mà Hóa đăng tải, cung cấp lại thu hút số lượng người xem rất lớn và được phát tán với tốc độ chóng mặt...
Sau quá trình hoạt động tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước và thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Hóa được các thành viên tổ chức Việt Tân hỗ trợ sang Lào, Camphuchia, Thái Lan, Philipin để được trang bị thêm kiến thức về tự do, dân chủ và phát triển lực lượng. Ngày 3/1/2017, Hóa được kết nạp vào tổ chức Việt Tân với nhiệm vụ tuyển lựa, xây dựng và phát triển lực lượng, nắm bắt tình hình trên địa bàn Hà Tĩnh.
Nguyễn Văn Hóa là tội phạm có trình độ về công nghệ thông tin, với nhiều thủ đoạn đối phó, gây khó khăn cho quá trình điều tra. Bằng cách tận dụng các phương tiện thông tin - truyền thông, không gian mạng, dưới sự chỉ đạo của các tổ chức phản động, đối tượng cực đoan, y không chỉ dừng lại ở việc xuyên tạc, bôi nhọ lãnh đạo đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam mà còn tích cực khoét sâu và thổi phồng các vấn đề nóng như sự cố môi trường, lũ lụt trên địa bàn Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình để kích động nhân dân. Hành động đó dẫn tới việc tiếp tay, cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng, sự nghiệp, thành quả cách mạng của Đảng và dân tộc.
Hành vi của Nguyễn Văn Hóa còn có dấu hiệu phạm tội tuyên truyền chống phá nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, quy định tại Điều 88, Bộ Luật Hình sự nước CHXHCN Việt Nam.
Việc phá án thành công, mở rộng điều tra, làm rõ các hành vi phạm tội của Nguyễn Văn Hóa, đồng thời đề xuất xử lý nghiêm các đối tượng này đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của dư luận.
Vì đồng tiền trước mắt, Nguyễn Văn Hóa đã trở thành con rối trong tay Việt Tân và các đối tượng cực đoan để chống Đảng, Nhà nước, thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của quê hương. Sau khi được lực lượng An ninh điều tra Công an Hà Tĩnh tuyên truyền giải thích, Hóa đã nhận thức rõ hành vi vi phạm pháp luật, thành khẩn khai báo và khuyên những ai đã, đang và sẽ ấp ủ hành vi sớm tỉnh ngộ, không theo vết xe đổ của Hóa để nhận sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.


CÔNG TÁC CHỈNH ĐỐN ĐẢNG

 "...Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân... " Đó là lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngày nay có thể nói thực tế Đảng ta hiện nay cho thấy, vì Đảng ta là đảng cầm quyền, nên đảng viên có nhiều cơ hội trở thành "quan", nhiều người thực ra không yêu thích lý tưởng của Đảng, nhưng họ vẫn "chạy" vào Đảng, vì nếu không vào, họ không thể thăng tiến trên con đường hoan lộ. Đó là một vấn đề cực nguy hiểm, liên hệ đến sự sống còn của Đảng.  Như vậy chúng ta có thể thấy rằng thành tựu cách mạng mà Đảng ta và Nhân dân xây dựng đang bị đe dọa nghiêm trọng từ những kẻ cơ hội chính trị, chúng đang là những con sâu mọt đục khoét nền tảng niềm tin của Nhân dân vào Đảng do đó công tác chỉnh đốn xây dựng Đảng vốn đã quan trọng lại càng cấp thiết và đòi hỏi quyết liệt hơn ở thời điểm hiện tại.
Những đại án tham nhũng rồi thói làm việc hách dịch cửa quyền của cán bộ nhất là cán bộ cấp cơ sở cấp xã huyện dù chỉ có ở một nơi cộng với sự xuyên tạc chống phá của các thế lực chống đối đang làm giảm lòng tin của Nhân dân vào Đảng. Nhưng cũng như ngôi nhà của bạn nó đang đẹp đẽ như thế chẳng may có một vài viên gạch bị hỏng hoặc chẳng may tường bị dính vết bẩn thì bạn chỉ sửa đi sẽ đẹp chứ không thể nào đập cả ngôi nhà đi được. Điều này cũng giống trong công tác chỉnh đốn xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh. Cuộc chiến chống cái xấu cái ác luôn cam go khốc liệt nhưng những người đảng viên chân chính, những hậu bối của những nhà cách mạng đi trước như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại Tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng bí thư Lê Duẩn, ...sẽ tiếp tục chiến đấu để bảo vệ thành quả cách mạng, đưa nước Việt Nam sánh vai cường quốc năm châu. Tôi tin chắc sẽ làm được điều đó. Trong những năm tháng khó khăn nhất khốc liệt nhất, thời kì khủng bố trắng của Mỹ với Đảng, chính niềm tin đó đã làm nên chiến thắng vang dội mùa xuân 1975, niềm tin đó cũng giúp Việt Nam đứng vững khi Liên Xô sụp đổ , hội nhập sâu rộng với thế giới.
Tôi luôn thuộc nằm lòng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Cũng như sông phải có nguồn thì mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi đến mấy cũng không thể lãnh đạo được nhân dân”. Do đó để đấu tranh với cái xấu phải đấu tranh xây dựng bản thân tốt đã, để khi ta có quyền lực không bị sa ngã, khi có quyền lực tương ứng ta sẽ loại bỏ những cái u ác tính, còn chỉ chửi suông cái xấu ở bản thân vẫn tồn đọng thì chửi để làm gì?
Chúc cho những người đảng viên chân chính sẽ chân cứng đá mềm đấu tranh loại bỏ những con sâu mọt. Còn tôi vẫn nhớ trong Mãi mãi tuổi hai mươi có đoạn Nguyễn Văn Thạc viết "Miễn rằng anh sống thực sự như một đảng viên, thế đã tạm đủ rồi. Vào Đảng để làm gì nhỉ? Khi người ta đã sống và làm việc như một đảng viên rồi!" - thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh đã giác ngộ thế chẳng có lí gì mình là hậu bối lại không hiểu. Nhiều kẻ vỗ mác đảng viên chưa chắc họ đã hiểu vinh dự và trọng trách họ nặng thế nào đâu.


Từ bỏ chủ nghĩa xã hội là một sai lầm lớn

Sự sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Liên Xô và các nước Đông Âu cuối thập niên 80 đầu thập niên 90 là một cơn động đất chính trị lớn của thế kỷ 20. Nó có ảnh hưởng lớn không chỉ đối với thế giới XHCN và độc lập dân tộc mà còn cả đối với thế giới tư bản chủ nghĩa.
Các ông trùm chiến lược, chiến lược gia và chính khách cỡ bự của chủ nghĩa tư bản đều hoan hỷ ăn mừng rằng đây là hồi chuông báo tử, rằng chủ nghĩa xã hội (CNXH) sẽ diệt vong vào cuối thế kỷ 20. Ta nhận định hoàn toàn ngược lại. Sự sụp đổ ở Liên Xô và các nước Đông Âu kéo theo thoái trào của phong trào cộng sản và công nhân thế giới là một tổn thất lớn, nhưng đó là tạm thời chứ không phải tất yếu, tin rằng, các nước XHCN còn lại sẽ giữ vững trận địa, đảng cộng sản và công nhân sẽ khôi phục hoạt động trong điều kiện mới, và xu thế XHCN sẽ tiếp tục đi dưới hình thức này hay hình thức khác.
Câu trả lời bước đầu đã có vào cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21. CNXH không hề diệt vong. Các nước XHCN còn lại không những giữ vững trận địa mà còn định hướng vững vàng cho sự phát triển tiến lên. Từ vùng Trung-Nam Mỹ đã phát sinh phong trào XHCN kiểu Mỹ Latinh, khởi đầu từ Venezuela rồi lan ra một số nước khác... Chủ nghĩa tư bản thế giới không thể chứng minh được rằng nó là lực lượng thống trị toàn cầu và xã hội tư bản là xã hội tốt đẹp cuối cùng của loài người. Ngay giữa lúc thế giới tư bản chủ nghĩa huênh hoang về sức sống dài lâu của nó cũng lâm vào khủng hoảng cục bộ, rồi đến khủng hoảng toàn diện hơn, kể từ năm 2008 đến nay, vẫn còn chưa hoàn toàn hồi phục. Thế giới từ lưỡng cực thành đơn cực, rồi nay lại thành đa cực. Các nước thuộc các chế độ chính trị, xã hội khác nhau đều tham gia "toàn cầu hóa" và "hội nhập quốc tế", vừa cạnh tranh, vừa hợp tác dưới nhiều cung bậc khác nhau.
Điểm qua như thế để thấy rõ rằng, gần 30 năm qua, xung quanh vấn đề nên theo hay không theo CNXH, diễn biến tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và trong xã hội ở nước ta cũng không thuần nhất và khá phức tạp, nhưng về cơ bản vẫn kiên định con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.
Quan điểm "phê phán quan điểm cho rằng CNXH sụp đổ ở Liên Xô và Đông Âu, vì thế Việt Nam không nên và không thể gắn liền mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH" không phải bây giờ mới có mà đã có từ lâu, từ sau khi CNXH ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ. Nhưng từ đó đến nay, những kẻ chống đối không còn nói nhẹ nhàng như thế, họ thẳng thừng đòi "Đảng Cộng sản Việt Nam tự giác và chủ động thay đổi Cương lĩnh, từ bỏ đường lối sai lầm về xây dựng CNXH, chuyển hẳn sang đường lối dân tộc và dân chủ, trọng tâm là chuyển đổi thể chế chính trị từ toàn trị sang dân chủ một cách kiên quyết nhưng ôn hòa...". Và đến thời điểm chúng ta đang tiến hành "phê phán các quan điểm sai trái, xuyên tạc cuộc đấu tranh chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ", có người mang danh đảng viên, còn ngạo mạn nói rằng, trong lựa chọn đường lối, Đảng ta đã sai lầm không chỉ từ Hội nghị thành lập Đảng (năm 1930) mà là từ Hội nghị Tua (năm 1921). Ý tứ đằng sau những giọng điệu ấy là gì, chắc mỗi người chúng ta đều biết.
 Với quan điểm ấy, họ đã sai lầm ít nhất là ở 8 điểm sau đây:
Về sự sụp đổ ở Liên Xô và Đông Âu:
Thứ nhất: Sự sụp đổ ở Liên Xô và Đông Âu là sự sụp đổ của một mô hình xây dựng CNXH, chứ không phải sự sụp đổ của CNXH nói chung, với tư cách là một nấc thang phát triển của xã hội loài người, theo quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin.
Thứ hai: Chế độ Xô viết ngay từ lúc mới ra đời ở Nga sau Cách mạng Tháng Mười (năm 1917) và sau này trên toàn Liên bang Xô viết, đã tỏ rõ được tính ưu việt so với các chế độ chính trị-xã hội trước đó. Chính quyền Xô viết thực sự là chính quyền của công-nông-binh và của nhân dân lao động nói chung. Nhờ tính ưu việt đó, nó đã đánh thắng cuộc chiến tranh can thiệp của các nước đế quốc sau Cách mạng Tháng Mười, lập lại hòa bình và xây dựng chế độ mới, thực hiện công nghiệp hóa và tập thể hóa nông nghiệp thành công, đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược của phát xít Đức-Nhật, dẫn tới sự ra đời của hệ thống XHCN thế giới. Vào thập niên 60 và 70 của thế kỷ 20 sự nghiệp xây dựng CNXH ở Liên Xô đạt được những thành công lớn, khiến cho Đảng và Nhà nước Xô viết ngộ nhận là CNXH đã xây dựng xong và chủ trương Liên Xô bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa cộng sản. Sự thật thì cũng thời gian đó, nhiều nhược điểm và khuyết tật trong nội bộ Nhà nước Xô viết cũng bắt đầu hé lộ, nhất là khi so sánh với những bước phát triển của hệ thống tư bản chủ nghĩa thời đó. Nếu vì sự sụp đổ sau này mà phủ nhận sạch trơn những gì chế độ Xô viết đã giành được là một sai lầm trong cách nhìn lịch sử.
Thứ ba: Vào những năm cuối thập niên 70, đầu thập niên 80 của thế kỷ 20, sau khi phát hiện sự chậm trễ của mình, Liên Xô đề ra chính sách cải tổ; các nước XHCN Đông Âu cũng đề ra cải cách. Cải tổ và cải cách nhằm mục tiêu tăng tốc về kinh tế và thực hiện chế độ dân chủ rộng rãi hơn. Sai lầm của Liên Xô và các nước Đông Âu lúc đó là đã sa vào chủ nghĩa đa nguyên, đa đảng đối lập, buông lỏng vai trò lãnh đạo của Đảng, gây hoang mang, dao động trong đông đảo quần chúng, dẫn đến hỗn loạn xã hội, khiến cho ở Đông Âu, chính quyền bị các thế lực thù địch cướp lấy, còn Liên Xô thì chia rẽ sâu sắc trong nội bộ lãnh đạo, cuối cùng chính quyền cũng lọt vào tay nhóm chống đối trong Bộ Chính trị, những kẻ chống chính quyền Xô viết từ rất sớm. Không thấy nguyên nhân trực tiếp của sự sụp đổ là ở đây, mà coi sự sụp đổ là tất yếu của chính quyền Xô viết cũng là sai lầm trong cách nhìn lịch sử.
Thứ tư: Bên cạnh những nguyên nhân chủ quan nêu trên (tuy chưa hết), còn có một nguyên nhân trực tiếp khác nữa là âm mưu và thủ đoạn trong chiến lược "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch đế quốc chủ nghĩa. Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, chúng đẩy mạnh chạy đua vũ trang. Trong khi lãnh đạo Liên Xô chủ trương thi đua hòa bình thì chúng một mặt đẩy mạnh chạy đua vũ trang, mặt khác đề ra chiến lược "diễn biến hòa bình" để xóa bỏ CNXH mà không cần chiến tranh và súng đạn. Liên Xô và nhiều nước khác đã sa vào cái bẫy này của chúng mà không tự giác phát hiện.
Về sự lựa chọn độc lập dân tộc gắn liền với CNXH ở Việt Nam.
Thứ năm: Đúng là ngay từ ngày mới thành lập, Đảng ta đã đề ra chủ trương "làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới chủ nghĩa cộng sản". Như cách nói ngày nay, đó là làm cách mạng giải phóng dân tộc, tiến lên làm cách mạng XHCN. Đường lối độc lập dân tộc gắn liền với CNXH được đề ra xuất phát từ thực tế tình hình nước ta lúc bấy giờ là thuộc địa của Pháp, cũng xuất phát từ xu thế phát triển có tính quy luật của thời đại mới sau Cách mạng Tháng Mười Nga là tiến lên CNXH. 87 năm qua, những chặng đường phát triển của cách mạng Việt Nam và những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử đạt được đã chứng minh sự đúng đắn của đường lối này, cớ sao vì sự sụp đổ ở Liên Xô và Đông Âu mà phải từ bỏ nó?
Thứ sáu: Trong xây dựng CNXH, Việt Nam học tập kinh nghiệm của Liên Xô và các nước XHCN đi trước nhưng hoàn toàn không có sự sao chép. Mô hình xây dựng CNXH ở Việt Nam không phải là mô hình Xô viết của Liên Xô, bởi sự khác biệt cơ bản là ở chỗ, một bên là từ cơ sở của chế độ tư bản đi lên, một bên từ độc lập dân tộc đi lên. Bác Hồ từng nói: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(1). CNXH đối với Bác, như ngày nay chúng ta vẫn nói, là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Nhầm lẫn giữa mô hình xây dựng CNXH ở Việt Nam với mô hình Xô viết là một sự sai lầm lớn.
Thứ bảy: Vào những năm Liên Xô và Đông Âu tiến hành cải tổ và cải cách, Việt Nam cũng đề ra đuờng lối đổi mới. Những nhân tố đầu tiên của đổi mới xuất hiện từ những năm 70 đầu những năm 80 của thế kỷ 20, nhưng đổi mới toàn diện trở thành đường lối chính thức của Đảng Cộng sản Việt Nam vào cuối năm 1986 theo Nghị quyết Đại hội VI của Đảng. Đổi mới của chúng ta không đi theo vết xe đổ của cải tổ và cải cách ở Liên Xô và Đông Âu. Đảng ta đã nêu rõ 6 nguyên tắc của đổi mới, trong đó vấn đề giữ vững định hướng XHCN, đổi mới chứ không đổi màu là nguyên tắc đầu tiên. Chúng ta cũng bác bỏ quan điểm cho rằng “đổi mới là nửa vời, không nhất quán”. Sự thật là đổi mới của chúng ta qua hơn 30 năm đã đưa lại những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, làm cho Việt Nam càng vững bước đi lên trên con đường độc lập dân tộc và CNXH. Đánh đồng đổi mới của Việt Nam với cải tổ và cải cách ở Liên Xô và Đông Âu là một sai lầm có dụng ý.
Thứ tám: Tổng kết 30 năm đổi mới cho thấy: Nhận thức của Đảng ta về CNXH và về con đường đi lên CNXH ở Việt Nam ngày càng sáng tỏ hơn.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) chỉ rõ: "Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử"(2) .
Cương lĩnh nêu lên 8 đặc trưng của CNXH mà nhân dân ta xây dựng, trong đó 3 đặc trưng đầu tiên là: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp.
Thử hỏi, con đường độc lập dân tộc đi lên CNXH xán lạn như vậy tại sao chúng ta phải từ bỏ chỉ vì mô hình XHCN ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ?

Trong khi nêu lên 8 sai lầm cơ bản như trên, người viết bài này muốn đặt ra câu hỏi đối với các tác giả đòi chúng ta từ bỏ con đường XHCN, ý đồ thực sự của các vị phía sau đòi hỏi này là gì?

Sự tác động của “diễn biến hòa bình” tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

 Nhiều bạn đọc thắc mắc rằng “diễn biến hòa bình” và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có liên quan gì tới nhau, chúng tác động tới nhau như thế nào. Chúng tôi xin gửi tới bạn đọc một số thông tin.
Các chuyên gia đã chỉ ra rằng, “diễn biến hòa bình” là yếu tố cơ bản thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đối với cách mạng Việt Nam, việc các thế lực thù địch thực hiện “diễn biến hòa bình” chính là nhằm đẩy nhanh tiến độ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ nước ta. Việc thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” được chúng thực hiện trên tất cả các lĩnh vực, với mọi cá nhân, tổ chức, nhất là đối với cán bộ, đảng viên, hòng làm chuyển hóa từ nội bộ Đảng, tiến tới chuyển hóa chế độ sang chiều hướng tư bản chủ nghĩa một cách “êm thấm, hòa bình”. Có thể hiểu “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là kết quả logic, là hệ quả trực tiếp của “diễn biến hòa bình”.
Nhìn vào thực tiễn có thể thấy, một trong những đòn tiến công quan trọng của “diễn biến hòa bình” là nhằm phá hoại về chính trị, tư tưởng, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Biểu hiện của đòn tiến công này là các thế lực thù địch luôn chú trọng khoét sâu những sai lầm, khuyết điểm trong lãnh đạo, duy trì kỷ luật của các tổ chức đảng. Chẳng hạn, chúng lợi dụng việc Đảng ta xử lý các cán bộ, đảng viên sai phạm, suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống trong thời gian vừa qua để rêu rao, bịa đặt rằng Đảng ta “thanh trừng nội bộ”, “đấu đá lẫn nhau” v.v.. hòng hướng lái dư luận, gieo rắc tâm lý hoài nghi trong nhân dân về mục tiêu, ý nghĩa của việc kỷ luật Đảng. Các thế lực thù địch cũng đã tập trung mạnh vào việc xuyên tạc nền tảng lý luận Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, xuyên tạc chế độ XHCN ở nước ta, hòng làm “tan rã lý tưởng và niềm tin”, gây ra “khủng hoảng về ý thức hệ” trong Đảng và nhân dân. Mặt khác, chúng không ngừng tạo dựng, cấu kết những phần tử ly khai, bất mãn, cơ hội chính trị, hòng hình thành những tổ chức, lực lượng đối lập về chính trị để tiến tới tranh giành quyền lãnh đạo với Đảng Cộng sản Việt Nam. Những chiêu trò này sẽ hỗ trợ cho tiến trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” diễn ra nhanh hơn.

Khi “diễn biến hòa bình” tác động bằng những mưu mô, thủ đoạn đa dạng, phức tạp, sẽ gây nhiều khó khăn cho chúng ta trong việc nhận biết, phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Tính đa dạng, đa chiều, thể hiện trên nhiều lĩnh vực của “diễn biến hòa bình” khiến chúng ta gặp khó khăn trong phân định đâu là “diễn biến hòa bình”, đâu là “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đâu là những hạn chế, khuyết điểm hoặc đâu là ảnh hưởng, tác động của “diễn biến hòa bình” tới sai phạm của cán bộ, đảng viên. Sự khó khăn trong nhận thức có thể sẽ dẫn đến lúng túng trong xác định quan điểm, nội dung, biện pháp phòng, chống “diễn biến hòa bình” và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Vì vậy, đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” phải gắn thật chặt với phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Phải kết hợp chặt chẽ các biện pháp giữa đấu tranh với các thế lực thù địch với giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên. Dứt khoát phải xây dựng cho được đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, tài năng, tận tâm tận lực với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc thì mới tạo dựng và giữ vững được thành trì niềm tin trong nhân dân. Đó cũng là thành trì mà không thế lực thù địch nào có thể xuyên phá.

Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do tôn giáo

            Gần đây, các cơ quan chức năng của Việt Nam tiếp tục bắt giữ, xử lý những đối tượng vi phạm pháp luật, trong đó một số đối tượng là giáo dân. Đã thành thói quen, các thế lực thù địch, phần tử phản động lưu vong lại lợi dụng sự việc này để thông qua một số phương tiện truyền thông ở nước ngoài tuyên truyền xuyên tạc, bóp méo sự thật nhằm chống phá Nhà nước Việt Nam. Họ vu cáo rằng Nhà nước Việt Nam “đàn áp tôn giáo”, vi phạm tự do tôn giáo.
             Chiêu trò lợi dụng những vụ việc vi phạm pháp luật, nhất là các vụ việc liên quan đến những vấn đề nhạy cảm, như: Dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo... để tuyên truyền xuyên tạc, kích động chống đối chính quyền; cổ súy, bao che cho những hành vi vi phạm pháp luật của các thế lực thù địch không có gì mới nhưng vẫn hết sức nguy hiểm. Đặc biệt, khi mà nhận thức về pháp luật, sự am hiểu về quyền tự do dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo của một bộ phận nhân dân còn hạn chế và các thế lực thù địch có sự móc nối với những phần tử bất mãn, cực đoan ở trong nước. Trong số những đối tượng vi phạm pháp luật Việt Nam bị các cơ quan chức năng bắt giữ, xử lý thời gian qua, có một số đối tượng là giáo dân mà một trong số đó là Trần Thị Xuân, trú tại xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, giáo dân thuộc Giáo xứ Cửa Sót - Hà Tĩnh. Lợi dụng việc các cơ quan bảo vệ pháp luật bắt giữ đối tượng Trần Thị Xuân về hành vi "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" theo Điều 79, Bộ luật Hình sự, một số phần tử phản động ở nước ngoài đã cấu kết tán phát tài liệu "Bắt giữ giáo dân Trần Thị Xuân, an ninh Cộng sản Việt Nam đang tự hủy diệt chế độ" có nội dung xuyên tạc tính chất vụ việc, phản đối chính quyền nhân dân, cổ xúy cho những hành vi vi phạm pháp luật của đối tượng này. Chưa dừng ở đó, chúng còn vu cáo Việt Nam "đàn áp tôn giáo", vi phạm tự do dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo. Chúng kêu gọi các tổ chức nhân quyền quốc tế lên tiếng gây áp lực yêu cầu Việt Nam "trả tự do vô điều kiện" cho Trần Thị Xuân và một số đối tượng.
Đồng bào theo tôn giáo trước hết phải là công dân của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cũng như mọi công dân khác, đồng bào theo tôn giáo phải nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, thực hiện tốt trách nhiệm và nghĩa vụ công dân. Không phải ngẫu nhiên mà trong Huấn từ và Sứ điệp của Giáo hoàng Benedict XVI gửi Giáo hội Công giáo Việt lại viết: “Bằng đời sống xây nền trên đức ái, sự liêm chính, việc quý trọng công ích, anh chị em giáo dân phải chứng tỏ rằng là người công giáo tốt cũng là người công dân tốt”. Là công dân và cũng là giáo dân nhưng Trần Thị Xuân đã vi phạm pháp luật Việt Nam. Hành vi vi phạm pháp luật của công dân Trần Thị Xuân là rất rõ ràng. Trần Thị Xuân là thành viên của cái gọi là "Hội anh em dân chủ miền Trung". Ngày 3-4-2017, Trần Thị Xuân đã có hành vi tham gia kích động giáo dân biểu tình chống chính quyền tại huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh). Trước đó, vào tháng 5-2016, thông qua mạng xã hội, Trần Thị Xuân làm quen với đối tượng Nguyễn Trung Trực, trú tại xã Thạch Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) là trưởng ban điều hành của cái gọi là "Chi hội anh em dân chủ miền Trung" (đối tượng này cũng đã bị cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình bắt giữ để xử lý về hành vi "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" theo Điều 79, Bộ luật Hình sự). Tháng 7-2016, Trần Thị Xuân được bầu làm phó ban điều hành "Chi hội anh em dân chủ miền Trung" tham gia chỉ đạo chi hội với vai trò móc nối, tuyển nhận các đối tượng tham gia vào chi hội, tổ chức các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp, tập trung phát triển lực lượng tại địa bàn Hà Tĩnh. Từ đó đến khi bị bắt, Trần Thị Xuân đã tán phát, chia sẻ nhiều bài viết, hình ảnh của các tổ chức, cá nhân phản động, cực đoan có nội dung xuyên tạc, nói xấu Đảng, Nhà nước; kêu gọi, kích động người dân tụ tập biểu tình chống phá chính quyền nhân dân... Sự thật về hành vi vi phạm pháp luật "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" của công dân Trần Thị Xuân là rất rõ ràng, mà hoàn toàn không phải như những gì các thế lực thù địch, phản động tuyên truyền xuyên tạc, bóp méo trên một số trang mạng. Trước khi là một giáo dân, Trần Thị Xuân là một công dân, do đó phải tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật Việt Nam. Trần Thị Xuân có hành vi vi phạm pháp luật và các cơ quan chức năng của Việt Nam bắt giữ, xử lý đối tượng này là bắt giữ, xử lý đối với một công dân vi phạm phát luật chứ không phải là đàn áp tôn giáo.
Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam luôn tôn trọng và bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo Hiến pháp và pháp luật. Các quy định của Hiến pháp, pháp luật Việt Nam đều tương thích với Công ước quốc tế. Điều 18, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị nêu rõ: “1. Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng và tôn giáo. Quyền này bao gồm tự do có hoặc theo một tôn giáo hoặc tín ngưỡng do mình lựa chọn, và tự do bày tỏ tín ngưỡng hoặc tôn giáo một mình hoặc trong cộng đồng với những người khác, công khai hoặc kín đáo, dưới các hình thức như thờ cúng, cầu nguyện, thực hành và truyền giảng. 2. Không ai bị ép buộc làm những điều tổn hại đến quyền tự do lựa chọn hoặc tin theo tôn giáo hoặc tín ngưỡng của họ. 3. Quyền tự do bày tỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật và khi sự giới hạn đó là cần thiết để bảo vệ an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức xã hội, hoặc để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người khác...”. Nhà nước Việt Nam nghiêm cấm bất kỳ ai, nghiêm cấm mọi hành vi lợi dụng tôn giáo, núp bóng tôn giáo để vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức xã hội, của các công dân. Ở Việt Nam không có chuyện phân biệt đối xử giữa các tôn giáo. Mọi tôn giáo ở Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật. Mọi trường hợp liên quan đến tôn giáo vi phạm pháp luật đều bị xử lý nghiêm minh để giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, vì lợi ích chung của cộng đồng. Ở Việt Nam không có chuyện giáo dân bị đàn áp, mà chỉ có công dân vi phạm pháp luật bị xử lý. Các cơ quan chức năng bắt giữ, xử lý những công dân vi phạm pháp luật là việc làm bình thường không chỉ ở Việt Nam mà ở mọi quốc gia trên thế giới. Nếu tổ chức, cá nhân nào đó cố tình lợi dụng vụ việc các cơ quan bảo vệ pháp luật Việt Nam bắt giữ, xử lý những công dân là giáo dân vi phạm pháp luật để vu cáo Việt Nam đàn áp tôn giáo là luận điệu xuyên tạc, bịa đặt nhằm dụng ý xấu hòng kích động gây mất ổn định chính trị, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân... Luật pháp Việt Nam không cho phép tồn tại những hành vi thấp hèn như vậy.

Không thể xuyên tạc, bóp méo sự thật về nhân quyền Việt Nam

           Bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản của người dân là chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Thời gian qua, các nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc không ngừng bảo đảm và cải thiện các quyền cơ bản của người dân đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Vậy mà đây đó vẫn có những giọng điệu lạc lõng xuyên tạc, bóp méo, phản ảnh không đúng về tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Nhưng dù bằng chiêu trò gì chăng nữa, các thế lực thù địch, phản động cũng không thể phủ nhận được những thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền của người dân.
Quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là quyền con người được bảo đảm và thực hiện bằng Hiến pháp và pháp luật. Ngay từ khi ra đời, Nhà nước Việt Nam đã đặt nhiệm vụ bảo đảm quyền con người vào vị trí trung tâm. Trong bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy". Sau đó, các nội dung liên quan đến quyền con người được thể chế hóa thành những quyền hiến định trong bản Hiến pháp đầu tiên (Hiến pháp 1946). Qua 4 lần sửa đổi, bổ sung từ Hiến pháp 1946 đến Hiến pháp 1959, rồi Hiến pháp 1980, Hiến pháp 1992 và năm 2013, quyền con người ở Việt Nam đã thực sự trở thành quyền hiến định.
Trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử xuyên suốt tiến trình đấu tranh cách mạng, thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN, Đảng và Nhà nước ta luôn hướng tới mục tiêu cao nhất là tôn trọng và bảo đảm các quyền con người. Đảng ta chủ trương xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN với bản chất là "Nhà nước của dân, do dân và vì dân". Trong hệ thống các quan điểm cơ bản, chính sách nhất quán và khuôn khổ pháp luật, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn xác định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam đều hướng đến mục tiêu cao nhất là vì con người, cho con người. 
Để thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước Việt Nam đã từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và cơ chế, coi đây là yếu tố then chốt trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Đảng và Nhà nước Việt Nam rất quan tâm đến đổi mới công tác xây dựng pháp luật và đẩy mạnh cải cách tư pháp. Công việc này được đặt trong mối quan hệ với chủ trương đẩy mạnh cải cách hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước, hướng tới mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN. Những năm gần đây, Nhà nước Việt Nam đã ban hành mới và bổ sung, sửa đổi nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, trong đó bảo vệ quyền của nhóm các đối tượng dễ bị tổn thương được đặc biệt quan tâm. Hiến pháp và pháp luật Việt Nam bảo đảm đầy đủ các quyền cơ bản của con người trên tất cả các lĩnh vực chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội, văn hóa. Hệ thống pháp luật của Việt Nam đều phù hợp với thực tế đất nước và tương thích với các chuẩn mực quốc tế được quy định trong Tuyên ngôn Nhân quyền và các Công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam tham gia.
Hệ thống luật pháp không ngừng hoàn thiện là tiền đề và điều kiện để Việt Nam từng bước thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước về quyền con người, tạo hành lang pháp lý cho việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Những thành tựu về bảo đảm và cải thiện các quyền cơ bản của người dân Việt Nam được thể hiện rất rõ trong việc thực hiện các quyền về dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... Đặc biệt ở Việt Nam, các quyền bầu cử, ứng cử và tham gia quản lý Nhà nước, quản lý xã hội của người dân luôn được bảo đảm. Nhà nước Việt Nam chủ trương mở rộng dân chủ, thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; nhân dân là người quyết định mọi công việc của Nhà nước. Công dân Việt Nam có quyền tham gia quản lý xã hội một cách trực tiếp hoặc thông qua người đại diện do mình tin tưởng bầu ra. Nhà nước Việt Nam không ngừng phấn đấu để bảo đảm và tạo điều kiện cho mọi công dân thực hiện quyền tham gia quản lý Nhà nước, quản lý xã hội, coi đây là một trong những nhóm quyền quan trọng nhất của công dân.
 Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do thông tin của người dân theo Hiến pháp và pháp luật. Những năm gần đây, hoạt động của các phương tiện thông tin đại chúng ngày càng cởi mở, sôi động. Sự phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ, đa dạng về loại hình, phong phú về nội dung và các phương tiện thông tin đại chúng ở Việt Nam là một minh chứng về tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do thông tin ở Việt Nam. Báo chí ở Việt Nam đã trở thành diễn đàn ngôn luận của các tổ chức xã hội, nhân dân, là công cụ quan trọng bảo vệ lợi ích của xã hội, các quyền tự do của nhân dân. Báo chí còn là lực lượng quan trọng trong công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách và pháp luật của Nhà nước. Báo chí đã đóng vai trò quan trọng trong phát hiện, đưa ra ánh sáng nhiều vụ việc vi phạm pháp luật, góp phần không nhỏ vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực và các tệ nạn xã hội, xây dựng bộ máy công quyền trong sạch, vững mạnh.
Các quyền của người dân về tự do hội họp và lập hội được bảo đảm và quy định cụ thể trong Hiến pháp, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự và nhiều văn bản pháp luật. Ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam, ở Việt Nam còn có Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, 5 đoàn thể bao gồm: Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh Việt Nam và hàng trăm tổ chức nhân dân bao gồm các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp với hàng chục triệu hội viên. Cùng với các tổ chức công đoàn cấp quốc gia, ở Việt Nam còn có hơn 6.000 tổ chức công đoàn cơ sở. Ngoài ra ở Việt Nam còn có hàng nghìn hiệp hội, câu lạc bộ... hoạt động trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Các tổ chức và hiệp hội hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện, tự quản, độc lập và tuân thủ pháp luật... Sự tăng nhanh của các tổ chức, hiệp hội, câu lạc bộ, chứng tỏ quyền tự do hội họp và lập hội của người dân được tôn trọng và bảo đảm. 
Nhà nước Việt Nam nhìn nhận tín ngưỡng, tôn giáo là một nhu cầu tinh thần chính đáng của con người. Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm các quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Điều này được ghi rõ trong Hiến pháp và pháp luật của Việt Nam; được bảo đảm tôn trọng trên thực tế. Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và bảo vệ quyền của các tín đồ được tự do thờ cúng và thực hành tín ngưỡng, tôn giáo và chính sách này đã được thể chế hóa bằng pháp luật. Số chức sắc, nhà tu hành và những người hoạt động tôn giáo chuyên nghiệp không ngừng tăng qua từng năm nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tâm linh của nhân dân. Các chức sắc tôn giáo cũng có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, có quyền ứng cử vào Quốc hội và hội đồng nhân dân như mọi công dân khác. Các tôn giáo có quyền và được Nhà nước Việt Nam tạo điều kiện mở trường, cơ sở đào tạo chức sắc, xuất bản kinh sách, tham gia các hoạt động xã hội...  Nhà nước Việt Nam đã và đang thực thi nhiều chính sách và biện pháp cụ thể để bảo đảm người dân được thụ hưởng đầy đủ các quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng, trong đó có Luật Tín ngưỡng và Tôn giáo được Quốc hội thông qua vào tháng 11-2016 (có hiệu lực vào tháng 1-2018). Nhà nước Việt Nam đặc biệt coi trọng chính sách dân tộc, bảo đảm quyền bình đẳng giữa các dân tộc, coi đó là một trong những nhân tố quyết định cho sự phát triển bền vững của đất nước. Chính sách này được thể hiện một cách toàn diện trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, được thể hiện trong đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Công dân Việt Nam không phân biệt dân tộc đều bình đẳng trước pháp luật, được hưởng các quyền và thực hiện nghĩa vụ công dân như nhau...
Trong khi kinh tế thế giới có lúc lâm vào khủng hoảng và suy thoái, nhưng bằng những giải pháp hữu hiệu, nền kinh tế Việt Nam vẫn giữ được ổn định và tốc độ tăng trưởng được duy trì ở mức khá. Thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam tăng từ 1.024 USD (năm 2008) lên 2.200 USD (năm 2016). Tăng trưởng kinh tế đã tạo ra những tiền đề quan trọng để Việt Nam giải quyết những vấn đề bức thiết về xã hội, thực hiện tốt hơn các mục tiêu công bằng xã hội, bảo đảm tốt hơn những giá trị quyền con người, quyền công dân. Công cuộc xóa đói, giảm nghèo được Đảng và Nhà nước Việt Nam hết sức quan tâm và đạt nhiều kết quả được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Việt Nam nằm trong số các quốc gia được Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc vinh danh là nước có nhiều thành tích trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Đặc biệt Việt Nam đã hoàn thành Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ như: Xóa đói, giảm nghèo cùng cực; đạt phổ cập giáo dục tiểu học; thúc đẩy bình đẳng giới và đạt nhiều tiến bộ trong các chỉ tiêu về y tế như giảm tỷ số tử vong mẹ và tỷ suất tử vong trẻ em; đạt mục tiêu về kiểm soát sốt rét và bệnh lao cũng như đẩy lùi tỷ lệ lây lan HIV/AIDS… Tổng thư ký Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2007-2016) Ban Ki-moon đánh giá: Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ....
Việt Nam đã tham gia hầu hết các công ước quốc tế về quyền con người và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ được nêu trong các công ước mà mình đã tham gia, tuân thủ nghiêm túc các cam kết quốc tế về quyền con người. Tại các tổ chức và diễn đàn quốc tế, Việt Nam luôn được đánh giá cao về cách tiếp cận, ủng hộ đối thoại và hợp tác trong vấn đề quyền con người. Cộng đồng quốc tế đánh giá cao những thành tựu quan trọng trong bảo đảm các quyền cơ bản của con người mà Việt Nam đạt được và đã dành cho Việt Nam số phiếu ủng hộ cao nhất trong cuộc bầu chọn thành viên tham gia Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016.
Những thành tựu cơ bản trong bảo đảm và phát triển quyền con người ở Việt Nam nêu trên là kết quả từ chính sách nhất quán luôn đặt con người vào vị trí trung tâm của sự phát triển, thực hiện nghiêm túc các chuẩn mực và nghĩa vụ quốc tế. Những giọng điệu lạc lõng xuyên tạc, bóp méo phản ánh không đúng về tình hình nhân quyền tại Việt Nam của các thế lực thù địch, những phần tử cơ hội là nhằm dụng ý xấu hòng phá hoại sự ổn định và kìm hãm sự phát triển của đất nước Việt Nam. Khi thấy vị thế của Việt Nam ở khu vực và thế giới ngày càng được nâng cao, họ tỏ ra tức tối và tìm cách xuyên tạc, nói xấu nhằm làm giảm uy tín, vai trò của Việt Nam. Thế nhưng "vải thưa không che nổi mắt thánh", những ghi nhận, đánh giá của cộng đồng quốc tế và thực tiễn sinh động trên đất nước Việt Nam đã bác bỏ hoàn toàn các luận điệu xuyên tạc, bóp méo sự thật của các thế lực thù địch cùng một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí đối với Việt Nam.