Người vợ 11 năm kêu oan cho Hàn Đức Long

Suốt 11 năm kêu oan cho chồng, bà Nguyễn Thị Mai (46 tuổi) ở thôn Yên Lý, xã Phúc Sơn, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang không nhớ nổi đã trải qua bao nhiêu khó khăn, nhọc nhằn. Ngần đấy thời gian trôi qua, làng Yên Lý đã "thay da đổi thịt" khi càng nhiều ngôi nhà cao tầng khang trang mọc lên, nhưng nhà của bà Mai bao năm vẫn cũ kỹ thế.
Bà Mai kể, ngày 17/9/2005, Đảng ủy xã mời ông Long tới giải quyết vụ đánh nhau với gia đình hàng xóm tên Khuyến. Sáng hôm sau, vì không có xe máy, ông Long nhờ đứa cháu chở tới xã bên cạnh lấy nốt tiền công làm thuê 600.000 đồng, rồi mới tới xã làm việc. Ông Long bị bắt ngay hôm đó. Hai ngày sau, bà Mai đang làm thuê ở Bắc Ninh thì được một người báo tin dữ này. Hàng xóm đồn thổi, ông Long bị bắt vì lý do đánh nhau. Bà Mai tới cơ quan công an xin gặp chồng nhưng không được.
"Lúc đó tôi nghĩ đơn giản, chắc tại vì nhà tôi nóng tính đánh nhau với người nhà bà Khuyến và còn thiếu 300.000 đồng trong 1,6 triệu đồng bồi thường nên công an giữ người, chứ không có gì to tát", bà Mai nói.
Đến ngày 21/9/2005, gia đình bà Mai choáng váng khi Công an tỉnh Bắc Giang gửi thông báo tới nhà về việc bắt tạm giam ông Hàn Đức Long do nghi ngờ hiếp dâm và giết một bé gái trong vụ án chưa tìm ra hung thủ.
“Tôi không bao giờ tin chồng mình làm thế vì chứng kiến ông ấy có mặt ở nhà vào lúc xảy ra việc cháu bé bị hiếp và giết”, bà Mai khẳng định. Suốt nhiều năm qua điều này cũng chính là sợi dây buộc chặt niềm tin của bà Mai rằng chồng mình bị oan.
Hành trình kêu oan cho chồng của bà đã bắt đầu như thế. Bà bảo gửi đơn không sót cơ quan tố tụng hay cơ quan có thẩm quyền nào, từ công an tỉnh Bắc Giang đến Bộ Công an, từ TAND tỉnh đến TAND Tối cao.
                                         Ông Long đoàn tụ với gia đình

Nghĩ lại những nhọc nhằn ngày cũ, bờ vai bà Mai không ngừng run run, những giọt nước mắt tủi cực chực chờ nơi khóe mắt. Dù bao khó khăn, nhưng bà Mai vẫn không ngừng gửi đơn đi khắp nơi kêu oan cho chồng. Có đợt mỗi tuần bà gửi một lá đơn, sau này thưa hơn mỗi tháng gửi một lá. Dù rằng chẳng bao giờ nhận được hồi âm nhưng bà vẫn cứ gửi với một niềm tin biết đâu đó may mắn họ sẽ đọc một trong những lá đơn mình đã gửi.
Theo hồ sơ vụ án, khoảng 19h ngày 26/6/2005, một đôi vợ chồng ở thôn Yên Lý, xã Phúc Sơn, Tân Yên, Bắc Giang đi làm đồng về không thấy con gái 5 tuổi ở nhà. Hôm đó, mọi nỗ lực tìm kiếm của gia đình không có kết quả. Sáng sớm hôm sau, một phụ nữ cùng xã đi làm sớm phát hiện thấy xác bé gái tại mương nước gần bờ ruộng. Nhà chức trách xác định, đứa trẻ bị hiếp dâm rồi dìm chết.
Đến tháng 10/2005, cơ quan điều tra nhận được đơn của hai mẹ con tố cáo cùng bị người cùng thôn là Hàn Đức Long hiếp dâm. Bị triệu tập, Hàn Đức Long thú nhận việc này, sau đó làm đơn tự thú là thủ phạm hiếp dâm, giết đứa trẻ 5 tuổi nêu trên.
Từ năm 2007 đến năm 2011, qua 4 phiên tòa, ông Long bị TAND tỉnh Bắc Giang và TAND Tối cao tuyên phạm tội Hiếp dâm trẻ em và Giết người, hình phạt chung là tử hình. Suốt thời gian này, ông Long liên tục kêu oan, nói do bị ép buộc nên thời điểm bị triệu tập mới nhận tội.
Ngày 9/5/2014, TAND Tối cao ra kháng nghị lần thứ hai. Theo đó, tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm chỉ căn cứ duy nhất vào lời khai nhận tội ban đầu của bị cáo Long trước cơ quan điều tra và các tài liệu do cơ quan điều tra cung cấp. Song chứng cứ thu thập của cơ quan điều tra còn nhiều mâu thuẫn với lời khai nhận của bị cáo. Nhiều chứng cứ quan trọng, tòa các cấp chưa phân tích đánh giá khách quan, toàn diện.
"Chưa có đầy đủ căn cứ vững chắc xác định chính xác thời gian bị cáo thực hiện hành vi phạm tội và phạm tội như thế nào", kháng nghị nêu và đề nghị hủy các bản án trước đó, giao hồ sơ vụ án cho VKSND Tối cao để điều tra lại theo trình tự thủ tục chung.
Giữa năm 2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang trong kết luận điều tra bổ sung vẫn tiếp tục đề nghị truy tố ông Long vì cho rằng đủ căn cứ kết tội.

Học để làm gì?





  
      Đa phần, chúng ta học để tìm được việc làm và để được làm việc đúng với, sở trường, năng lực của mình. Do vậy lâu nay các trường đại học tuyển sinh đầu vào vẫn phải dựa vào khối A, B, C, D... Nhưng nếu như dự thảo quy chế tuyển sinh đại học 2017 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố được thông qua, thì “trật tự cũ” sẽ xóa bỏ mà điều kiện cần nhất để thí sinh đăng ký xét tuyển đại học 2017 là tốt nghiệp THPT, cũng có nghĩa là thí sinh chỉ cần có một năng lực nổi trội nào đó là hoàn toàn có thể trúng tuyển đại học, chứ không nhất thiết 3 môn trong một khối đạt tổng điểm cao.
       Trên thực tế, có nhiều em đam mê công nghệ hay đam mê hội họa, đam mê âm nhạc... dành rất nhiều thời gian cho đam mê ấy. Thậm chí có nhiều em bộc lộ năng khiếu từ lúc còn rất nhỏ, vậy thì khi chọn ngành học đại học, đó là yếu tố quan trọng nhất để đánh giá năng lực của thí sinh. Học ngành nào cũng được, trường nào cũng được, miễn là giỏi, miễn là làm tốt công việc mà mình đã chọn để học.
       Vì vậy, nếu quy chế tuyển sinh đại học năm 2016 bỏ xét tuyển điểm sàn sẽ tạo ra nhiều cơ hội mới cho các em có năng khiếu chuyên sâu ở một lĩnh vực nào đó phát triển, đấy chính là điểm tích cực của dự thảo này. Có nghĩa là việc bỏ quy chế xét điểm sàn sẽ tạo thêm cơ hội cho nhiều trường tuyển sinh đạt số chỉ tiêu mong muốn. Tức là yêu cầu về chất lượng đào tạo đại học ở các trường sẽ được nâng cao, đồng thời, các trường cũng dần dần được tự chủ, buộc phải đổi mới, phải dạy sao cho thật chất lượng để thoát ra khỏi tình trạng tốt nghiệp là thất nghiệp.
    Một ý kiến mà Bộ Giáo dục cũng cần tham khảo đó là: chúng ta tổ chức thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ, thi lấy bằng lái xe quanh năm, khám sức khỏe làm căn cứ học tập, làm việc cũng làm quanh năm...vậy tại sao cứ phải dồn học sinh vào một kỳ thi đại học khiến cho cả xã hội căng thẳng? Các em đã tốt nghiệp phổ thông có thể lựa chọn thời điểm đăng ký xét tuyển vào các trường tùy theo hoàn cảnh kinh tế và tính thời điểm mà gia đình các em thấy phù hợp chứ "tuyển sinh không phải chơi chứng khoán".
     Tại sao ở các nước phát triển hình thức giáo dục đại học tín chỉ được áp dụng rộng rãi ở các đơi tượng không cần thiết phải yêu cầu thời gian nộp hồ sơ, thời gian xét duyệt hồ sơ mà hoàn toàn có thể tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh học đại học ở mọi cấp, mọi ngành học, mọi lứa tuổi...nhưng ở nước ta việc học đại học là một quá trình "nhà có điều kiện". Tình trạng cứ tốt nghiệp THPT là ùn ùn kéo nhau vào đại học nhưng học xong đại học mà cũng chẳng biết học để làm gì cũng là điều kiện phổ biến nếu  "nhà không có điều kiện" ? Thế rồi nhiều em phải dấu bằng để xin làm công nhân, nhiều em quay sang học một ngành trung cấp, cao đẳng phù hợp với nhu cầu tuyển dụng thì mới có việc làm. Như vậy là rất lãng phí cho gia đình lãng phí mà nhà nước cũng bị lãng phí, gánh nặng với xã hội ngày càng nhiều thêm. Vì vậy, trước khi thí sinh đăng ký học một ngành nào đó cần phải suy ngẫm đó là học ngành nào, học để làm gì và theo thống kê mới nhất so với thế giới, tỷ lệ lao động có trình độ cao của Việt Nam vẫn ở mức rất thấp trong khi Đảng và Nhà nước ta coi giáo dục là quốc sách hàng đầu.
    Ví dụ nhìn sang Hàn Quốc, hơn 40 năm trước, họ cũng có xuất phát điểm khó khăn như chúng ta, thế mà bây giờ họ là cường quốc của thế giới, vì họ thực sự biết đầu tư cho giáo dục. Đến bây giờ, Hàn Quốc có nhiều trường đại học nổi tiếng thế giới. Ngay trong khu vực, Singapore là một quốc gia cũng đi lên từ chủ trương đầu tư cho giáo dục. Họ cũng mất tới trên dưới 40 năm để có được nền giáo dục tiên tiến như bây giờ. Nếu chúng ta không nghĩ đến những điều lớn lao hơn, không có định hướng rõ ràng và không kiên trì với mục tiêu ấy thì chúng ta mãi mãi không phát triển được.

BẢO VỆ TỔ QUỐC TRONG THẾ TRẬN
QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN TOÀN DIỆN

Một trong những chiến lược quan trọng đó là xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, gắn kết chặt chẽ với thế trận an ninh nhân dân; sức mạnh Quân đội và Công an luôn song hành. Trên cơ sở đó, kết hợp có hiệu quả giữa nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; giữa kinh tế với quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Đặc biệt, từ khi đổi mới đất nước đến nay, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, Đảng ta luôn chăm lo xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân. Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, vững vàng về chính trị, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh, tăng cường mọi nguồn lực, tạo cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện đại cho lực lượng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân. Xây dựng lực lượng phòng thủ vững chắc, nâng cao năng lực thực thi pháp luật của các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới, biển, hải đảo.
Cùng với việc tiếp tục tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững mạnh, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm xây dựng thế trận lòng dân vững chắc. Trang bị cho cán bộ, đảng viên và nhân dân kiến thức về quốc phòng, an ninh, đồng thời cung cấp đầy đủ những thông tin về âm mưu, hoạt động chống phá, nhất là chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch cũng như những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” từ bên trong. Bên cạnh đó, tiếp tục chăm lo, nâng cao phẩm chất, đạo đức cách mạng, trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân; Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ chiến sĩ phục vụ trong quân đội và công an để Quân đội nhân dân và Công an nhân dân đủ sức hoàn thành tốt yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tăng cường thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của các cấp, các ngành, của mỗi cán bộ, đảng viên và từng người dân đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc của cả hệ thống chính trị, do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, lấy lực lượng vũ trang làm nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về quốc phòng, an ninh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Kiên trì giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn bằng biện pháp hoà bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế; tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân trong nước, dư luận quốc tế; phân hóa, cô lập các phần tử, thế lực ngoan cố chống phá Cách mạng Việt Nam.