Đã 5 năm kể từ khi Đảng ta triển khai Nghị quyết Trung ương 4
(khóa XI) về "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Đây
là một nghị quyết thể hiện bản lĩnh chính trị, tính chiến đấu cao của Đảng ta
nhằm không ngừng xây dựng, chỉnh đốn Đảng, được đông đảo cán bộ, đảng viên và
nhân dân đồng tình, đánh giá cao. Thế nhưng, vẫn có những kẻ cố tình tung tin
hỏa mù để hạ thấp uy tín của Đảng ta. Song thực tiễn luôn là thước đo chân lý
để chúng ta tiếp tục cuộc chiến đấu cam go này, đi tới thành công hơn nữa.
Cảnh tỉnh, răn đe, siết lại kỷ cương
Những luận điệu đả phá cuộc chiến phòng, chống tham nhũng của
Đảng, Nhà nước ta vẫn lặp lại các “bài ca” cũ như: Càng chống tham nhũng càng
tăng, tham nhũng chuyển từ hình thái đơn lẻ sang phe nhóm có tổ chức; bộ máy
chống tham nhũng có cải tổ nhưng chưa hiệu quả... Họ rêu rao, xuyên tạc: Đánh
tham nhũng mà còn e dè, nể nang như đánh rắn khúc giữa, phòng chống tham nhũng
kiểu đầu voi đuôi chuột, càng làm cho tham nhũng nhờn thuốc. Từ một vài hiện tượng
đơn lẻ, họ hồ đồ quy kết: Cuộc chiến chống tham nhũng và Nghị quyết Trung ương
4 (khóa XI) có xu hướng “thoái trào”, không làm thay đổi tình hình vì cách làm
không có gì mới và đột phá. Do đó, uy tín của Đảng ngày càng giảm sút…
Trước hết, cần khẳng định rằng, nhìn lại 5 năm qua, trong quá
trình triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), cuộc chiến chống tham nhũng
nói riêng, việc giải quyết một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng nói chung
của Đảng ta ngày càng được triển khai kiên quyết, sắc nét và hiệu quả hơn,
không có xu hướng “thoái trào”, giảm hiệu quả.
Nhìn lại việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), với
vai trò là thành viên Tổ giúp việc Bộ Chính trị, Ban Bí thư thực hiện Nghị
quyết Trung ương 4, ông Nguyễn Đức Hà, Vụ trưởng-Ban Tổ chức Trung ương
cho biết: Với quan điểm khách quan, toàn diện và thái độ nghiêm túc, chúng ta
có thể khẳng định rằng, những kết quả tuy chưa được như mong muốn, nhưng đã tạo
được một số chuyển biến quan trọng bước đầu về công tác xây dựng Đảng, với 6 chuyển
biến quan trọng. Trong đó, qua kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, kết hợp với
công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; với công tác thanh tra, kiểm toán của Nhà
nước và công tác điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan bảo vệ pháp luật,
chỉ tính trong 3 năm (2012-2014), toàn Đảng đã xử lý kỷ luật hơn 54.000 đảng
viên ở các cấp và xóa tên, cho ra khỏi Đảng hàng nghìn trường hợp khác. Qua đó,
đã có tác dụng cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe và phòng ngừa sai phạm; siết lại kỷ
cương, kỷ luật, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng; đấu tranh, ngăn
chặn, đẩy lùi được một số biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức,
lối sống của cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, góp phần
làm trong sạch nội bộ Đảng.
Ngày càng quyết liệt
Vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm xảy ra tại Ngân hàng Thương
mại Cổ phần Xây dựng Việt Nam khi được phát hiện cũng có không ít dư luận cho
rằng, nó sẽ bị “chìm xuồng” vì “vướng nọ, vướng kia”. Nhưng sau đó, Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã
quyết liệt chỉ đạo, yêu cầu khẩn trương điều tra, sớm đưa ra xét xử. Chỉ đạo
nêu rõ: “Trong quá trình xử lý, cần tuân thủ theo quy định của pháp luật, không
chịu bất kỳ một sức ép nào của bất cứ tổ chức, cá nhân nào, bảo đảm nghiêm
minh, đúng người, đúng tội”. Mới đây, TAND TP Hồ Chí Minh đã đưa vụ án ra xét
xử nghiêm túc, khách quan, tuyên phạt tù với 36 bị cáo trong vụ án gây thiệt
hại hơn 9.133 tỷ đồng, được coi là thiệt hại lớn nhất trong lịch sử ngành ngân
hàng từ trước đến nay. Từ vụ án, có thể rút ra nhiều bài học về công tác cán
bộ. Đây là một trong 8 vụ án trọng điểm mà Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng,
chống tham nhũng yêu cầu đưa ra xét xử nghiêm minh, thể hiện quyết tâm của
Đảng, Nhà nước trong việc phòng, chống tham nhũng, thể hiện tinh thần thượng
tôn pháp luật; đồng thời củng cố niềm tin vào công lý trong dư luận cán bộ,
đảng viên và nhân dân ta.
“Đây là cuộc đấu tranh vô cùng phức tạp giữa phần tốt-xấu trong
mỗi con người, liên quan đến cả lợi ích, danh dự cá nhân. Cuộc đấu tranh càng
phức tạp khi lợi ích hiện giờ đang rất chằng chịt.
Đảng ta luôn coi đây là nhiệm vụ trọng tâm. Vừa qua các cơ quan
đã làm, đã xử được nhiều vụ lớn như vụ Dương Chí Dũng, "bầu" Kiên,
Huyền Như. Vụ Phạm Công Danh là một trong 8 “đại án”.
Vụ việc được dư luận quan tâm, hoan nghênh như vụ Trịnh Xuân
Thanh, chỉ là một ví dụ nhưng cũng đủ thấy sự phức tạp. Chúng ta phải có bước
đi vững chắc, thận trọng, làm sao để giữ được ổn định, để phát triển kinh tế,
vì vụ việc này còn mở ra nhiều đầu mối khác”
Nhiều chủ trương, cách làm mới
Nhìn lại lộ trình thực hiện nghị quyết cho thấy, Nghị quyết
Trung ương 4 (khóa XI) của Đảng ngày càng đi vào cuộc sống. Năm 2012, toàn Đảng
tiến hành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, tự phê bình và phê bình. Từ năm
2013, đưa thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) gắn với kiểm điểm, xếp
loại đảng viên cuối năm. Trong 3 năm (2012-2014), các cấp đã xử lý kỷ luật hơn
54.000 đảng viên, trong đó có cả diện Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương
quyết định. Có thể nói, cuộc chiến chống tham nhũng tiêu cực ngày càng
quyết liệt, không có vùng cấm, vùng hạn chế.
Các giải pháp chống tham nhũng ngày càng đổi mới, thiết thực
hơn, với nhiều cách làm mới. Theo đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính
trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Đại hội XII của
Đảng tiếp tục khẳng định trọng tâm là kiên quyết, kiên trì tiếp tục thực hiện
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). Nghị quyết Đại hội XII của Đảng
nêu 10 nhiệm vụ về xây dựng Đảng, bổ sung thêm hai nhiệm vụ mới so với Đại hội
XI, trong đó có nhiệm vụ “đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng
phí”. Đại hội XII đã đề ra một số giải pháp mới như: Hoàn thiện các
quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để bảo đảm công tác
phòng, chống tham nhũng, lãng phí có hiệu lực, hiệu quả, nhất là trong các lĩnh
vực có nguy cơ tham nhũng cao như: Quản lý và sử dụng đất đai, khai thác tài
nguyên, khoáng sản, thu, chi ngân sách và mua sắm công, thực hiện các dự án đầu
tư xây dựng cơ bản... Kiên quyết, kiên trì xây dựng cơ chế phòng ngừa để không
thể tham nhũng; cơ chế răn đe, trừng trị để không dám tham nhũng. Thực hiện
nghiêm quy định về kê khai, kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập của đội ngũ cán
bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý; hạn chế giao dịch
bằng tiền mặt…
Cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực còn cam go, quyết liệt,
không thể một sớm một chiều. Quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước ta thời
gian qua cùng nhiều việc làm kiên quyết đã giúp nghị quyết ngày càng đi vào
cuộc sống. Những thông tin tung hỏa mù cho rằng cuộc chiến chống tham nhũng
“giảm uy tín, kém hiệu quả” là hết sức hồ đồ. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
khẳng định: “Cử tri nói là mong Tổng Bí thư đánh trống liên hồi, làm đến cùng,
nhưng một mình Tổng Bí thư vào cuộc chưa đủ, toàn dân, cả hệ thống phải cùng
làm. Rất mừng, và cũng là điều mới, là vừa rồi sau khi có chỉ đạo, dường như cả
bộ máy, hệ thống đã vào cuộc. Chính phủ, Quốc hội, các bộ ngành đều vào cuộc và
vận hành. Có việc nói được, có việc chưa nói được, nhưng đang có một khí thế
mới, tin tưởng là sẽ làm tốt hơn nữa”.