Trước âm mưu, hoạt động chống phá cách mạng Việt Nam của
các thế lực thù địch, với sự sắc sảo, nhạy bén trong tư duy lãnh đạo, Đảng ta
đã sớm nhận thức “diễn biến hoà bình” là một trong những nguy cơ đối với sự tồn
vong của chế độ. Xuyên suốt từ Hội nghị Trung ương 3 khoá VII tới Đại hội Đảng
lần thứ XI, Đảng ta luôn quan tâm đến vấn đề này và đã đạt được những kết quả
quan trọng rất đáng khích lệ, góp phần giữ vững nền tảng tư tưởng của
Đảng, ổn định chính trị, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tăng
cường quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam. Tuy nhiên,
bên cạnh ưu điểm là cơ bản, đấu tranh phòng, chống âm mưu, hoạt động
“diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch có mặt còn bị động,
hiệu quả chưa cao như Dự thảo Văn kiện trình Đại hội lần thứ XII của
Đảng đã nhận định.
Hiện nay, trong xu thế toàn cầu hoá, Việt Nam đang chủ động hội nhập quốc tế
một cách toàn diện, sâu rộng và phát triển quan hệ hợp tác với nhiều nước,
nhiều tổ chức quốc tế. Việc mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế một mặt tạo ra nhiều
cơ hội để phát triển đất nước, nhưng đồng thời là điều kiện để các thế lực
thù địch lợi dụng đẩy mạnh thực hiện “diễn biến hoà bình” chống phá cách
mạng nước ta với những âm mưu, thủ đoạn tinh vi, thâm độc và vô cùng xảo quyệt.
Điều đó, đặt ra cho chúng ta những yêu cầu ngày càng cao về tính hiệu quả cũng
như đòi hỏi của cuộc đấu tranh chống “diễn biến hoà bình” trên lĩnh vực tư
tưởng, văn hóa phải đổi mới cả về nội dung, hình thức và biện pháp...
Đối với Quân đội nhân dân Việt Nam, do quán triệt và thực hiện nghiêm túc các
quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương,
Quân uỷ Trung ương, công tác đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hoà
bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa đã thu được nhiều kết quả tích cực,
được các cơ quan chức năng của Đảng, Nhà nước và đông đảo quần chúng nhân dân
ghi nhận, tin tưởng. Nổi bật là, cấp uỷ, chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp đã
thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc quán triệt và
tổ chức thực hiện; nhận thức đúng bản chất, âm mưu, thủ đoạn, lực lượng, phương
thức “diễn biến hoà bình” chống phá cách mạng Việt Nam và luôn đề cao ý thức
trách nhiệm của mỗi người, mỗi tổ chức trong phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi các
hoạt động chống phá của địch. Vì thế, tinh thần chủ động đấu tranh của cán
bộ, chiến sĩ và nhân dân được nâng lên; nội dung, hình thức, biện pháp đấu
tranh ngày càng đa dạng, phong phú và được tổ chức chặt chẽ; lực lượng tham
gia trực tiếp đấu tranh trong quân đội ngày càng đông đảo; năng lực, kinh nghiệm,
chất lượng, hiệu quả đấu tranh chống “diễn biến hoà bình” được nâng cao rõ rệt.
Trong thời gian tới, trên cơ sở kế thừa, phát huy những kết quả đã đạt được, xuất
phát từ thực tiễn trong quân đội, cần tiếp tục đổi mới nội dung và phương
thức đấu tranh trên một số vấn đề sau:
* Đổi mới nội dung
Thực tế chỉ ra rằng, nội dung đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến
hoà bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa diễn ra ở phạm vi rất rộng, hình
thức đa dạng, phong phú. Trên nhiều vấn đề, các thế lực thù địch đã chống phá
ta từ lâu, nhưng chưa đạt được mục tiêu nên chúng tiếp tục chống phá với các
chiêu trò mới. Có một số vấn đề mà các thế lực thù địch đã và đang chống phá ta
ở tầm hệ tư tưởng, đường lối, quan điểm, chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, đồng
thời chống phá cả những vấn đề cụ thể, liên quan trực tiếp đến việc thực hiện
dân chủ ở cơ sở, đến nhu cầu, lợi ích trực tiếp, hàng ngày của cán bộ, đảng
viên và nhân dân. Vì vậy, đổi mới nội dung đấu tranh thực chất là xác định, lựa
chọn nội dung cho phù hợp với từng đối tượng, từng thời điểm cụ thể, nhất là
trước những sự kiện quan trọng của đất nước, đáp ứng yêu cầu của cuộc đấu
tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hoà bình” do các thế lực thù
địch gây ra. Nội dung đấu tranh cần được đổi mới theo hướng sau:
Một là, tập trung phản bác các quan điểm sai trái, phản động
của các thế lực thù địch và bọn cơ hội chính trị, bảo vệ chủ nghĩa
Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính
sách, pháp luật của Nhà nước. Trong điều kiện hiện nay, đòi hỏi phải tích cực,
chủ động, kiên quyết đấu tranh vạch trần những âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, phủ
nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối, quan
điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vạch trần luận điệu xuyên tạc,
phủ nhận bản chất, mục tiêu, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng và Chủ tịch
Hồ Chí Minh đã lựa chọn; đấu tranh làm thất bại ý đồ xuyên tạc, phủ nhận vai
trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, xã hội và đối với lực lượng vũ trang
cũng như những luận điệu đòi “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”..., phủ nhận,
xuyên tạc lịch sử, truyền thống của dân tộc, của Đảng. Đấu tranh chống lại các
quan điểm sai trái, phản động của các thế lực thù địch đòi “phi chính trị hoá”
lực lượng vũ trang; đấu tranh phê phán, khắc phục những nhận thức sai trái, lệch
lạc, tàn dư tư tưởng phong kiến, tư sản đã và đang tác động tiêu cực đến nhận
thức, hành động của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Qua đó, khẳng định
cho được bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ
Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Để
thực hiện nội dung này, các cấp, các ngành cần chú ý làm tốt hơn công tác tổng
kết thực tiễn, phát triển lý luận, đáp ứng yêu cầu thực tiễn xây dựng và bảo vệ
Tổ quốc trong thời kỳ mới.
Hai là, bám sát thực tiễn, tình hình đất nước, kịp thời phê
phán, bác bỏ những luận điệu sai trái, xuyên tạc sự thật, bóp méo tình
hình công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Một trong những thủ đoạn mà
các thế lực thù địch điên cuồng chống phá ta trên lĩnh vực tư tưởng, văn
hóa là triệt để lợi dụng những vấn đề bức xúc, nhạy cảm về chính trị, kinh
tế, xã hội để chống Đảng, Nhà nước và chế độ ta. Vì vậy, nội dung đấu tranh
cần cập nhật, bám sát những vấn đề mà người dân đang quan tâm, những vấn đề bức
xúc trong dư luận xã hội, nhất là trong những thời điểm nhạy cảm như dịp Đại
hội Đảng, bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân, kỷ niệm các ngày lễ lớn, lấy ý kiến
góp ý vào các văn kiện, nghị quyết của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước…;
đồng thời, nội dung đấu tranh cần đảm bảo tính chính trị tư tưởng, tính
đảng, tính khoa học, tính lý luận - thực tiễn, có sức thuyết phục, giáo dục
các đối tượng trong xã hội, giúp họ nhận thức đúng và thực hiện tốt đường lối của
Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Đồng thời, cần phản bác những luận điểm sai trái, bóp méo sự thật, thổi phồng
hạn chế, khuyết điểm và vu cáo, động cơ, ý đồ đen tối "buộc tội" Đảng,
Nhà nước ta của các thế lực thù địch; không nhất thiết phải đấu tranh với
một cá nhân, một con người cụ thể mà cần tổ chức đấu tranh làm thất bại những
quan điểm, lập trường chính trị sai trái, phản động của các thế lực thù địch.
Ba là, định hướng tư tưởng, thống nhất nhận thức, củng cố niềm tin
của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào thắng lợi của cách mạng nước
ta. Nội dung đấu tranh cần hướng vào thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ giữ vững độc
lập dân tộc, chủ quyền lãnh thổ quốc gia; bản sắc văn hoá, con người Việt Nam,
chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và
xã hội, vai trò Đảng lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt đối với lực lượng
vũ trang; góp phần ngăn chặn, đẩy lùi, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến
hòa bình” chống phá Việt Nam của các thế lực thù địch. Cấp ủy, tổ chức
đảng các cấp và người đứng đầu cơ quan, đơn vị cần thường xuyên bám sát thực
tiễn, nắm chắc tình hình diễn biến tư tưởng trong tổ chức Đảng, trong cơ quan,
đơn vị và xã hội; tích cực nắm bắt đúng, trúng và định hướng tốt dư luận xã hội;
nắm bắt thái độ, niềm tin, tâm trạng của cán bộ, đảng viên và nhân dân; nắm chắc
âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch từ sớm, từ xa để lựa chọn,
xác định nội dung đấu tranh phù hợp hơn.