Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi (điều 283 BLHS) là tội mà người phạm tội có hành vi cố ý trực tiếp lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào.
Điều 283 của Bộ luật Hình sự năm 1999 (Bộ luật hình sự sửa đổi bổ sung năm 2009) quy định về Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi gồm:
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, để dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm hoặc liên quan trực tiếp đến công việc của họ hoặc làm một việc không được phép làm, thì bị phạt tù từ một năm đến sáu năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ sáu năm đến mười ba năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội nhiều lần;
c) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười ba năm đến hai mươi năm:
a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng:
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số tiền hoặc giá trị tài sản đã trục lợi.
Dấu hiệu pháp lý của Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi (điều 283):
* Khách thể của tội phạm:
Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước và tổ chức xã hội. Người phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn đã tác động đến người có chức vụ, quyền hạn khác để người này làm hoặc không làm một việc theo yêu cầu của người đưa lợi ích vật chất. Việc làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm hoặc liên quan trực tiếp đến công việc của người có chức vụ, quyền hạn hoặc làm một việc không được phép làm xâm phạm đến hoạt động chung của cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, đồng thời gây thiệt hại đến uy tín của cơ quan, tổ chức này.
* Mặt khách quan của tội phạm:
Người có chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác. Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác phải có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên; trong trường hợp giá trị dưới 2 triệu đồng thì phải gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm.
Hành vi của người có chức vụ, quyền hạn dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn khác làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm hoặc liên quan trực tiếp đến công việc của họ hoặc làm một việc không được phép làm. Đây cũng là dấu hiệu để phân biệt tội danh này với tội nhận hối lộ. Nếu như trong tội nhận hối lộ, người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc theo yêu cầu của người đưa hối lộ thì trong tội này, người có chức vụ, quyền hạn lại dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy, tác động người có chức vụ, quyền hạn khác để người này làm theo yêu cầu của người đưa hối lộ.
Trong thực tế, người có ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn thường là người có chức vụ cao hơn. Tuy nhiên, cũng có trường hợp người có ảnh hưởng chỉ là người có chức vụ, quyền hạn tương đương hoặc thậm chí thấp hơn. Điều này không có nghĩa đối với việc định tội.
* Mặt chủ quan của tội phạm:
Động cơ của người phạm tội là động cơ tư lợi. Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý trực tiếp.
Chủ thể của tội phạm:
Chủ thể của tội phạm là chủ thể đặc biệt, là người có chức vụ, quyền hạn.