Với thắng lợi của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc mà đỉnh cao là Đại thắng Mùa xuân năm 1975, nước Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới: kỷ nguyên thống nhất, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân ta khẩn trương tiến hành khắc phục hậu quả tàn khốc của 30 năm chiến tranh, xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội.
Tuy nhiên, vào thời điểm đó, đất nước ta đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách; trong đó có sự đe dọa nghiêm trọng về an ninh quốc gia, xuất phát từ âm mưu, kế hoạch hậu chiến của các thế lực thù địch. Chúng không ngừng chống phá Việt Nam bằng nhiều thủ đoạn, tiến hành "Cuộc chiến tranh phá hoại nhiều mặt", thực hiện "Diễn biến hòa bình", nuôi dưỡng, tiếp sức cho một số đối tượng ngụy quân, ngụy quyền có nhiều nợ máu với cách mạng và nhân dân… Qua đó, hình thành các tổ chức phản động lưu vong, với mục tiêu đưa người và vũ khí xâm nhập Việt Nam, tiến hành các hoạt động ám sát, bạo loạn, lật đổ chính quyền.
Năm 1980 tại Mỹ, nhân kỷ niệm 5 năm sự kiện 30-4, Hoàng Cơ Minh (nguyên chuẩn tướng, phó đề đốc hải quân chế độ Sài Gòn) và một số đối tượng phản động lưu vong đứng ra thành lập tổ chức phản động "Mặt trận quốc gia thống nhất giải phóng Việt Nam". Với sự trợ giúp của một số thế lực thù địch, Hoàng Cơ Minh và đồng bọn lập căn cứ "kháng chiến" ở vùng rừng núi của Thái Lan, làm bàn đạp để đưa người và vũ khí xâm nhập Việt Nam.
Với tham vọng ngông cuồng, đồng thời để lừa mị một bộ phận kiều bào, ngày 10/9/1982 tại căn cứ ở Thái Lan, Hoàng Cơ Minh lập ra tổ chức "Việt Nam canh tân cách mạng đảng" - gọi tắt là "Việt tân", với đầy đủ cương lĩnh, điều lệ, mục tiêu…
Được thai nghén bởi đám tàn binh, bại tướng từng có nhiều nợ máu với nhân dân, "đảng Việt tân" trở thành cơ quan đầu não cực kỳ phản động, chỉ huy toàn bộ hoạt động của "Mặt trận quốc gia thống nhất giải phóng Việt Nam" và một số tổ chức phản động khác tiến hành các hoạt động chống phá, tiến tới lật đổ chính quyền nhân dân ở Việt Nam.
Hoàng Cơ Minh và đồng bọn xác định: Hướng xâm nhập, xây dựng "mật cứ" trong nội địa là các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Chúng hy vọng sẽ móc nối với các tổ chức phản động ở trong nước, đưa người vào rừng huấn luyện rồi tung trở lại thực hiện phương châm "Trong nổi dậy, ngoài đánh vào".
Kế hoạch của "Mặt trận quốc gia thống nhất giải phóng Việt Nam" và "Việt tân" dự kiến gồm 5 giai đoạn: Giai đoạn 1, trong năm 1980, tập hợp lực lượng ở nước ngoài, định ra đường lối hoạt động. Giai đoạn 2, từ 1981 - 1983, kích động ý thức chống "cộng" rộng rãi, tuyển mộ tay chân ở trong và ngoài nước, huấn luyện trở thành nòng cốt.
Giai đoạn 4, từ 1986 - 1990, tổ chức đánh chiếm một số xã, ấp, vô hiệu hóa chính quyền cấp cơ sở, làm bàn đạp cho hoạt động vũ trang. Giai đoạn 5, từ 1992, đồng loạt nổi dậy, bạo loạn lật đổ chính quyền nhân dân trên phạm vi cả nước…
Với những âm mưu và hoạt động trên, "Việt tân" trở thành công cụ đắc lực của các thế lực thù địch chống phá cách mạng Việt Nam thời kỳ hậu chiến, là tên lính xung kích của kiểu "Chiến tranh phá hoại nhiều mặt" và "Diễn biến hoà bình" nhằm vào Việt Nam.
Để đạt được mục tiêu ngông cuồng, từ năm 1982 - 1989, "Việt tân" đã tổ chức nhiều đợt đưa người và vũ khí xâm nhập vào lãnh thổ Việt Nam; tiến hành các chiến dịch "Đông tiến 1", "Đông tiến 2", "Đông tiến 3"… qua đất Lào, Campuchia.
Tuy nhiên, do chủ động làm tốt công tác xây dựng cơ sở trong cộng đồng kiều bào ở nước ngoài nên cơ quan An ninh Việt Nam đã nắm rõ được tổ chức, âm mưu và kế hoạch hoạt động của "Việt tân" ngay từ lúc manh nha đầu những năm 1980; đồng thời xác lập chuyên án mang bí số HM29.
Cùng thời điểm này, cơ quan An ninh Việt Nam đang triển khai thắng lợi Kế hoạch CM12. Thông qua số đối tượng cầm đầu CM12 xâm nhập về nước bị bắt giữ, Ban chuyên án đã nắm được âm mưu, hoạt động của tổ chức phản động "Mặt trận quốc gia thống nhất giải phóng Việt Nam", của "Việt tân" nên đã có đối sách, xây dựng và triển khai kế hoạch đấu tranh.
Cơ quan An ninh Việt Nam đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ với phương châm: Chủ động nắm chắc tình hình địch, chủ động xây dựng thế trận, chủ động phối hợp giữa các lực lượng, đặc biệt là lực lượng vũ trang Lào, Campuchia anh em và chủ động bố trí lực lượng đón đánh địch.
Với thế trận hoàn hảo được giăng sẵn của cơ quan An ninh Việt Nam, mặc dù Hoàng Cơ Minh cùng những kẻ cầm đầu "Việt tân" xây dựng kế hoạch công phu, tổ chức xâm nhập với điều kiện, trang bị hoàn hảo, nhưng toán "Kháng quản" là toán xâm nhập mở đường, chưa kịp lập "mật cứ", thì đã bị cơ quan An ninh Việt Nam tóm gọn.
Tiếp đó, chiến dịch "Đông tiến 1" do Dương Văn Tư cầm đầu gồm 51 tên xâm nhập ngày 15/5/1986 đã bị Bộ đội Biên phòng Việt Nam phối hợp với bộ đội Lào và Campuchia tiêu diệt toàn bộ. "Đông tiến 2" do đích thân Hoàng Cơ Minh chỉ huy, xâm nhập vào Tây Nguyên ngày 7/7/1987 để xây dựng "mật cứ". Nhưng khi mới vào đất Lào, chúng bị lực lượng vũ trang Lào phối hợp với bộ đội ViệtNam chặn đánh từ ngày 15/7 đến 28/8. Trong trận đánh cuối cùng ngày 28/8/1987, Hoàng Cơ Minh đã phải phơi xác cùng đám tàn quân. Kết cục, "Đông tiến 2" hoàn toàn thất bại với 60 tên bị tiêu diệt, 67 tên bị bắt sống…
Đến "Đông tiến 3", do Trần Quang Đô chỉ huy, xâm nhập ngày 22/8/1989 với 68 tên. Ý đồ của chúng là xâm nhập Quảng Trị - Quảng Nam - Đà Nẵng - Gia Lai - Kon Tum xây dựng căn cứ, sau đó phát triển lực lượng xuống đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng mưu sâu thì họa lớn, khi chúng vừa vào đất Lào thì bị quân và dân Lào truy quét quyết liệt phải chịu kết cục bi thảm với 30 tên ngoan cố bị tiêu diệt, 38 tên còn lại bị bắt sống.
Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban Bí thư Trung ương Đảng mà trực tiếp là Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an, với sự mưu trí, sáng tạo của cơ quan An ninh, cùng với sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ của lực lượng Quân đội, Biên phòng Việt Nam và lực lượng vũ trang các nước bạn, Chuyên án HM29 thắng lợi tuyệt đối.
Thắng lợi này không chỉ mang giá trị đơn thuần của một chuyên án mà còn có ý nghĩa đặc biệt vì đã góp phần giữ vững an ninh chính trị trong bối cảnh vô cùng khó khăn; nó là dấu mốc khẳng định "kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt" với phương châm "trong nổi dậy, ngoài đánh vào" của các thế lực thù địch và các tổ chức phản động đã hoàn toàn thất bại…
Cùng với thắng lợi của kế hoạch CM12 và nhiều chiến dịch khác của cơ quan An ninh Việt Nam, thắng lợi của Chuyên án HM29 đã giúp Đảng và Nhà nước ta vững tay chèo lái đưa đất nước vượt qua giai đoạn khủng hoảng toàn diện, bước vào thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.