Không thể phủ nhận vai trò quân đội trong sản xuất kinh tế



Trong thời gian gần đây, lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý của số ít doanh nghiệp quân đội, cũng như phát biểu của một số chính khách, chuyên gia có tính chất khêu gợi hoặc bày tỏ quan điểm cá nhân. Các thế lực thù địch, phản động đã triệt để lợi dụng chống phánhư, cố tình hiểu sai hay xuyên tạc các ý kiến phát biểu. Thậm chí trên mạng xã hội, cũng như một số tờ báo “lá cải” còn giật tít: “Quân đội không làm kinh tế là sự đột phá về tư duy”; Mừng vì “quân đội sẽ không làm kinh tế”; Một hình dung “quân đội sẽ không làm kinh tế nữa” hay đáng lẽ quân đội phải ngừng làm kinh tế lâu rồi...bdlktktkammca
Trước hết cần khẳng định, quân đội tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế là một quan điểm, chủ trương hoàn toàn đúng đắn, vừa có tính lý luận và thực tiễn cao và cần phải nhìn nhận vấn đề này một cách khách quan, toàn diện. Về mặt lý luận, chủ nghĩa Mác-Lênin khẳng định rất rõ luận điểm này, điều đó được minh chứng, ngay sau khi Cách mạng tháng 10 Nga thành công, trong điều kiện phải tiến hành cuộc chiến tranh chống can thiệp nước ngoài và bọn phản cách mạng trong nước, V.l.Lê-nin không coi nhẹ nhiệm vụ kinh tế, mà đặt kinh tế và quốc phòng trong mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại. V.l.Lê-nin khẳng định “Mối quan hệ giữa tổ chức quân sự của một nước với toàn bộ chế độ kinh tế và văn hóa của nước ấy chưa bao giờ lại hết sức chặt chẽ như ngày nay”. 
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta có nhiều kinh nghiệm kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, điều đó được thể hiện tập trung trong chính sách “ngụ binh ư nông” của các thời Lý, Trần, Lê. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh đến chức năng Quân đội ta, là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất. Ngày 20-3-1958, nói chuyện với Hội nghị cán bộ cao cấp toàn quân, Bác khẳng định: “Quyết tâm xây dựng Quân đội ta thành một quân đội hùng mạnh, sẵn sàng chiến đấu, học tập giỏi, công tác giỏi, sản xuất giỏi”.
Cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, trong những năm qua, các đơn vị quân đội đã tận dụng mọi tiềm năng, nguồn lực, góp phần ổn định và cải thiện đáng kể đời sống bộ đội. Các doanh nghiệp quốc phòng được củng cố, kiện toàn theo hướng gắn kết, hòa nhập sâu với công nghiệp quốc phòng và đảm bảo tính lưỡng dụng cao. Theo số liệu của Cục Kinh tế (Bộ quốc phòng), năm 2016 tổng doanh thu các doanh nghiệp quân đội là 345,124 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 43.504 tỷ đồng; nộp ngân sách đạt 40.27,3 tỷ đồng. Tiêu biểu trong số đó phải kể đến các doanh nghiệp như: Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel), Tổng công ty Đông Bắc, Tổng công ty Xăng dầu quân đội, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, Tổng công ty Vaxuco. Đặc biệt, từ năm 2012 đến nay, Viettel luôn nằm trong tốp ba doanh nghiệp đóng thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2017, lợi nhuận đầu tư ra nước ngoài trước thuế đạt gần 1 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra các nhà máy, xí nghiệp quốc phòng đã sản xuất được một số vũ khí trang bị, khí tài, đáp ứng yêu cầu sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, cũng như tác chiến hiện đại trong tương lai.
Cùng với đó, hoạt động các khu kinh tế quốc phòng từng bước mang lại hiệu quả, càng khẳng định tính đúng đắn của việc kết hợp kinh tế với quốc phòng trên địa bàn chiến lược, biên giới, hải đảo, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn. Tính đến hết năm 2016, toàn quân xây dựng được 28 khu kinh tế quốc phòng, nhận đỡ đầu hơn 100 nghìn hộ dân, xây dựng mới được 536 điểm dân cư tập trung. Các đơn vị đã xây dựng 202 tuyến đường giao thông, với tổng chiều dài 2.421km, 134 cầu bê tông và cầu treo độc lập, 29.000m2 lớp học, 52 công trình cấp điện, 86 công trình cấp nước tập trung; triển khai các mô hình, dự án giúp nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm cho gần 70.000 hộ; hỗ trợ 126 tỷ đồng cho trên 6.000 hộ ổn định cuộc sống, khắc phục tình trạng “trắng dân”; ổn định cuộc sống lâu dài, tạo nên thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên tuyến biên giới ngày càng vững chắc.
Từ những luận giải trên, cần phải nhận thức đầy đủ và tiếp tục khẳng định, quân đội tham gia lao động, sản xuất kinh tế là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn của Đảng, Nhà nước, quân đội, bảo đảm nhất quán theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII: “Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa xã hội trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội; chú trọng vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Khắc phục triệt để những sơ hở, thiếu sót trong việc kết hợp kinh tế và quốc phòng, an ninh tại các địa bàn, nhất là địa bàn chiến lược”.
Một vấn đề cấp bách đặt ra là phải tiến hành đổi mới, sắp xếp và nâng cao hiệu quả hoạt động các doanh nghiệp quân đội theo tinh thần Nghị quyết số 425-NQ/QUTW, ngày 18-5-2017 của Thường vụ Quân ủy Trung ương. Bảo đảm giảm đầu mới doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thuộc Bộ quốc phòng, xây dựng doanh nghiệp thực sự có năng lực về công nghệ và quản trị, đủ sức cạnh tranh, sẵn sàng chuyển trạng thái khi có tình huống.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động các khu kinh tế quốc phòng, huy động mọi tiềm năng, nguồn lực cùng tham gia xây dựng các khu kinh tế quốc phòng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ X: “Thực hiện đề án xây dựng các khu kinh tế quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo, ưu tiên xây dựng các khu kinh tế quốc phòng mạnh ở biên giới và biển, đảo; thực hiện tốt gắn kết quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng”.
Kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, bác bỏ những luận điểm sai trái, những thông tin bịa đặt, không chính xác, nhằm xuyên tạc, hạ thấp uy tín quân đội; chia rẽ quân đội với Đảng, Nhà nước; quân đội với nhân dân. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân và cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân nhận thức đầy đủ và hiểu rõ ý nghĩa, hiệu quả của việc quân đội tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế; luôn xác định đây là chức năng, nhiệm vụ của Quân đội ta.

Phạm Minh Hoàng và tổ chức phản động “Việt Tân”

       Cơ quan an ninh điều tra (Bộ Công an) đã thông tin với các cơ quan báo chí về vụ án “Phạm Minh Hoàng và đồng bọn hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” xảy ra tại TP Hồ Chí Minh đối với Phạm Minh Hoàng để điều tra về hành vi “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
       Phạm Minh Hoàng, sinh ngày 8/8/1955 tại TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu), là con của một viên chức cao cấp thuộc Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn cũ. Năm 1973, ông ta sang Pháp du học rồi sau đó tốt nghiệp ngành Khoa học ứng dụng với học vị thạc sĩ. Qua quá trình điều tra cho thấy, Phạm Minh Hoàng đã bị lôi kéo và tham gia vào tổ chức phản động “Việt Tân” tại Pháp năm 1998.
      Năm 2000, Phạm Minh Hoàng thực hiện kế hoạch của tổ chức phản động này thông qua việc xin hồi hương về Việt Nam và xin vào làm giảng viên hợp đồng cho Trường Đại học Bách Khoa TP Hồ Chí Minh. Từ tháng 7/2002 tới tháng 5/2010, Phạm Minh Hoàng lấy bút danh Phan Kiến Quốc viết 29 bài có nội dung xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước Việt Nam để gửi cho tổ chức phản động “Việt Tân” phát tán trên mạng Internet. Cuối năm 2009, Phạm Minh Hoàng cùng vợ là Lê Thị Kiều Oanh và Nguyễn Thanh Hùng tham dự một khóa học do tổ chức phản động “Việt Tân” tổ chức tại Malaysia. 
    Trong thời gian ở Việt Nam, Phạm Minh Hoàng đã thực hiện chỉ đạo của “Việt Tân” tìm chọn, tập hợp xây dựng lực lượng nòng cốt cho “Việt Tân”. Cùng với đồng bọn, chúng đã mở 4 lớp học về “Kỹ năng mềm” để tuyên truyền, tập hợp xây dựng lực lượng cho “Việt Tân”. Chúng cũng nhiều lần tổ chức các cuộc họp để bàn về hoạt động chống phá Nhà nước ta tại nhà riêng của Phạm Minh Hoàng (số 423 Nguyễn Tri Phương, P8, Q10). 
     Qua quá trình điều tra, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã có đủ cơ sở pháp lý để đưa ra một số kết luận sau: Thứ nhất, theo quy định của pháp luật Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và thông lệ quốc tế thì tổ chức “Việt Tân” là tổ chức khủng bố hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, vi phạm vào Điều 79 và Điều 84 Bộ luật Hình sự, nên mọi cá nhân tham gia, hoạt động trong tổ chức này đều vi phạm pháp luật Việt Nam. Thứ hai, hành vi tham gia, hoạt động trong tổ chức “Việt Tân” của Phạm Minh Hoàng đã phạm vào Điều 79 Bộ luật Hình sự. 
     Việc cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) bắt, khởi tố, tạm giam đối với Phạm Minh Hoàng là đúng quy định pháp luật. Cũng theo thông tin từ cơ quan điều tra, trong quá trình làm việc với điều tra viên, Phạm Minh Hoàng đã nhận thức được vi phạm pháp luật của mình và đồng bọn, đã khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải và làm đơn xin Nhà nước cho hưởng khoan hồng. Việc xử lý cuối cùng đối với Phạm Minh Hoàng, cơ quan điều tra sẽ xem xét trên cơ sở quy định của pháp luật, chính sách của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và thái độ của Phạm Minh Hoàng. Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an cũng kêu gọi mọi người, nhất là các em học sinh, sinh viên, công nhân trong các khu công nghiệp hãy cảnh giác, không nghe theo và sinh hoạt trong các hội, nhóm hoạt động lén lút, hoặc tụ tập đông người gây rối trật tự công cộng, bởi những hành động này vô tình tiếp tay cho hoạt động chống chính quyền của các tổ chức phản động. 
      Thông tin về tổ chức “Việt Tân” Ngày 30/4/1980 tại Canifornia, Hoa Kỳ, Hoàng Cơ Minh (nguyên Phó Đô đốc Hải quân ngụy) đã cùng một số sĩ quan chế độ cũ lập ra tổ chức “Mặt trận quốc gia thống nhất giải phóng Việt Nam”. Để lãnh đạo mặt trận, chúng lập ra “Đảng Việt Tân”. Bọn chúng lấy quốc ca và cờ ngụy Sài Gòn là quốc ca và cờ của mặt trận, lấy cờ nền xanh có bông mai trắng sáu cánh làm cờ của “đảng Việt Tân”. Cương lĩnh, tôn chỉ mục đích của “đảng Việt Tân” nhằm chấm dứt chế độ độc tài đảng trị… và tiến hành các hoạt động vũ trang, tiến tới xóa bỏ chế độ Cộng hòa XHCN Việt Nam. Năm 1981, Hoàng Cơ Minh và đồng bọn lập căn cứ kháng chiến ở vùng rừng núi Udon (Thái Lan), tập hợp những người là ngụy quân, ngụy quyền của chế độ cũ, những người vượt biên ở các trại tị nạn chưa được đi định cư ở nước thứ 3 để huấn luyện vũ trang, nhằm xâm nhập hoạt động khủng bố chống phá Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Từ năm 1982 tới năm 1989 chúng đã tổ chức nhiều toán biệt kích có vũ trang về Việt Nam để tiến hành các chiến dịch mang tên “Đông tiến 1”, “Đông tiến 2”, “Đông tiến 3”. Bộ đội Việt Nam đã phối hợp với bộ đội Lào bao vây, truy kích và bắt sống 124 tên, thu nhiều vũ khí, tài liệu phản động. 
      Trong chiến dịch “Đông tiến 2” Hoàng Cơ Minh – người cầm đầu tổ chức này đã chết. Đồng bọn của hắn đã bị bắt và đưa ra truy tố trước pháp luật và tổ chức phản động này đã bị tan rã. Tuy nhiên, một số phần tử còn lại đã tiến hành củng cố lại tổ chức, chờ cơ hội để tiếp tục thực hiện mục tiêu phản động của mình. Tháng 8/2006, tổ chức “Việt Tân” đã hoạt động trở lại với các hình thức khác nhau nhưng chủ yếu là tuyên truyền, lôi kéo phát triển tổ chức, đưa người, phương tiện về nước hoạt động khủng bố, phát tán truyền đơn. Chúng đã hình thành nhóm “Sang sông” và nhóm “Liên minh dân tộc”. Năm 2007, bọn chúng đã cử người về Việt Nam để phát tán truyền đơn với nội dung kích động quần chúng nhân dân biểu tình, phá rối an ninh, bạo loạn chống phá Nhà nước. Tuy nhiên, các hoạt động này đã bị cơ quan An ninh của ta kịp thời phát hiện và ngăn chặn.

Mất vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ nào chịu trách nhiệm?

     Theo số liệu của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, trong năm năm qua, mỗi năm Việt Nam chi khoảng nửa tỷ USD để nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật, hằng năm chúng ta nhập về khoảng 100 nghìn tấn thuốc bảo vệ thực vật. Chúng ta nhập tới 4.100 loại thương phẩm khác nhau thuộc 1.643 hoạt chất hóa học để sản xuất thuốc trừ sâu hóa học. Cùng với đó, nhiều loại hóa chất cấm vẫn được nhập lậu như Phospho hữu cơ, Clo hữu cơ, Wofatox, Monitos, Kelthane… là một trong những vấn đề đáng lo ngại hiện nay.
     Đánh giá về việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật vô cơ gây tác hại lâu dài và nguy hiểm trong thời gian dài, GS, TS, NGND Nguyễn Lân Dũng phân tích: “Bất cứ một người nông dân nào cũng có thể dễ dàng mua được thuốc trừ sâu hóa học tại các cửa hàng đại lý, họ sử dụng ra sao, liều lượng như thế nào thì rất khó quản lý. Hiện nay, chúng ta chưa có những máy móc hiện đại để có thể kiểm tra hết được 4.100 thương phẩm hóa học sử dụng trong nông nghiệp. Bởi vậy, để quản lý chất lượng sản phẩm, điều quan trọng phải tổ chức sản xuất tốt từ giống, phân bón và thay đổi tập quán canh tác của người nông dân”.
    Theo Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Thanh Vân, thời gian qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo rất quyết liệt việc xử lý vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhờ vậy trong chín tháng đầu năm 2017, tình trạng nhiễm chất cấm trong chăn nuôi giảm đáng kể. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện bảo đảm vệ sinh thực phẩm trong chăn nuôi vẫn tồn tại nhiều khó khăn, đặc biệt khâu tổ chức sản xuất.
    Ông Vân phân tích: “Quá trình sản xuất một sản phẩm chăn nuôi bao gồm rất nhiều công đoạn: sản xuất giống, nuôi con giống thương phẩm, tổ chức giết mổ, chế biến và đưa ra thị trường. Hiện nay, phần lớn các công đoạn này bị cắt khúc, người chăn nuôi chỉ chăn nuôi, con giống do người khác sản xuất, sau đó lại phải bán con giống thành phẩm cho nhiều thương lái, lò mổ khác nhau rồi mới đưa ra thị trường. Chính vì vậy, các bước thực hiện là an toàn nhưng sản phẩm đưa ra thị trường lại không an toàn”.
      Trước khi Luật An toàn thực phẩm năm 2010 có hiệu lực, việc quản lý an toàn thực phẩm được phân chia theo từng công đoạn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý khâu sản xuất, Bộ Công thương quản lý khâu lưu thông, Bộ Y tế quản lý khâu chế biến. Luật An toàn thực phẩm năm 2010 ra đời đã chuyển đổi quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm theo chuỗi sản phẩm và nhóm ngành nghề, thông suốt từ khâu trồng trọt, chế biến, lưu thông, kinh doanh.
      Theo đó, tại Bộ Y tế, Cục An toàn thực phẩm được thành lập để giúp Bộ này thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Tại Bộ Công thương, công tác quản lý an toàn thực phẩm giao cho Vụ Khoa học và Công nghệ làm đầu mối, ngoài ra còn có Cục Quản lý thị trường. Tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do tính chất đa ngành, để bao quát toàn bộ quá trình sản xuất nông lâm thủy sản, công tác quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản hiện nay được phân công cho nhiều đơn vị thuộc Bộ thực hiện. Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật, Cục Quản lý chất lượng nông lâm, thủy sản, Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối là các đơn vị được giao chức năng, nhiệm vụ giúp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm nông nghiệp.
      Tuy nhiên, chính điều này cũng tạo ra nhiều kẽ hở và chồng chéo. Một số ngành hàng đang có sự đan xen và không phân định rõ Bộ nào chịu trách nhiệm quản lý. Chẳng hạn, việc quản lý chất lượng bún đang được cả ba Bộ chịu trách nhiệm. Nguyên liệu là bột gạo ướt để làm bún thuộc trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; sản phẩm tinh bột thuộc về Bộ Công thương. Nhưng khi sản phẩm bún trên thị trường có chứa chất Tinopal - một loại hóa chất tẩy trắng dùng trong công nghiệp được sử dụng để tẩy trắng bún gây ngộ độc cho người tiêu dùng - thì lại liên quan tới Bộ Y tế. Hoặc với bánh Trung thu, vỏ bánh là tinh bột do ngành công thương quản lý; nhân bánh là thịt, trứng do ngành nông nghiệp kiểm soát, còn ngành y tế quản lý phụ gia phẩm màu. Hàng loạt các sản phẩm khác cũng gặp tình trạng tương tự như ô mai, mứt là sản phẩm từ hoa quả do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý hay là bánh, mứt, kẹo do Bộ Công thương quản lý?
     Theo Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm đều có thành phần thuộc cả ba Bộ cùng quản lý. Đá thực phẩm (nước đá dùng liền và nước đá dùng để chế biến thực phẩm) do cả Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Y tế cùng quản lý. Các sản phẩm có nguồn gốc thực vật dùng làm thực phẩm khác dạng nguyên bản hoặc đã sơ chế, chế biến do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý nhưng nếu đối tượng được sử dụng là dược liệu, thực phẩm chức năng thì lại do Bộ Y tế quản lý…
       Một bất cập khác là Bộ Y tế chỉ quản lý thực phẩm khi đã đến tay người tiêu dùng. Khi kiểm tra nếu trong trường hợp không bảo đảm chất lượng vệ sinh thì Bộ Y tế chỉ thu được mẫu thực phẩm, còn toàn bộ thực phẩm nhiễm bẩn đã bán ngoài chợ thì không thể tịch thu được do không thuộc quản lý của Bộ Y tế.
      Tất cả sự chồng chéo đó gây khó khăn, phiền phức cho công tác thanh, kiểm tra về an toàn thực phẩm, gây trở ngại cho cả người thực hiện nhiệm vụ kiểm tra. Và khi xảy ra vi phạm thì lại đùn đẩy trách nhiệm, không đơn vị quản lý nào nhận.
     Để giải quyết tình trạng này, TP Hồ Chí Minh, một đô thị đông dân cư với tình trạng thực phẩm bẩn diễn ra nhức nhối hàng đầu trong cả nước, đã xin thành lập Ban Quản lý an toàn thực phẩm nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng không bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn; khắc phục các bất cập, tồn tại, rào cản trong hoạt động phối hợp liên ngành... Ban được lập trên cơ sở tổ chức lại Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm thuộc Sở Y tế và một số bộ phận trực thuộc các phòng, chi cục thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương.
    Đề nghị này được Thủ tướng chấp thuận, mới đây Thủ tướng đã ký quyết định thí điểm thành lập Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh trong ba năm tới. Cơ quan này thuộc UBND TP Hồ Chí Minh, có nhiệm vụ giúp thành phố thực thi pháp luật về an toàn, vệ sinh thực phẩm trên địa bàn.
   Trước thực trạng nhức nhối về thực phẩm bẩn, với động thái “bật đèn xanh” để siết chặt quản lý thực phẩm bẩn của người đứng đầu Chính phủ, hy vọng người dân sẽ có nhiều bữa ăn sạch hơn trong thời gian tới.

Chính sách dân tộc, tôn giáo "Điểm nóng" để các thế lực thù địch chống phá Việt Nam

      Hoạt động chính của các thế lực thù địch, phản động là tập trung tuyên truyền xuyên tạc, đả kích chính sách, pháp luật về dân tộc của Nhà nước ta; xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, "chèn ép", "phân biệt đối xử", đàn áp người Dân tộc tiểu số (DTTS). Chúng còn triệt để lợi dụng, khai thác những vấn đề phức tạp do lịch sử để lại ở các vùng dân tộc để kích động xuyên tạc sự thực, vu cáo Đảng, Nhà nước ta ngược đãi, phân biệt, đối xử bất bình đẳng với DTTS.
     Lợi dụng khó khăn về đời sống, chênh lệch giàu nghèo giữa người DTTS với người Kinh; khuyết điểm trong thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo ở vùng đồng bào DTTS, chúng ra sức tuyên truyền xuyên tạc, vu cáo Đảng, Nhà nước ta. Các tổ chức hội nhóm người DTTS lợi dụng các diễn đàn, hội nghị, viết bài vu cáo, xuyên tạc vùng đất của người DTTS và việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, ý đồ là quốc tế hóa vấn đề như "Vương quốc Khmer Krôm", "Vương quốc Chăm", "Nhà nước Mông", "Nhà nước Tin lành Đề-ga" hướng tới ly khai, tự trị, độc lập.
     Trong báo cáo hằng năm, tuy đều thừa nhận Việt Nam có chuyển biến tích cực, nhưng các tổ chức này luôn cố ý đánh giá tiêu cực về tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam; đòi đưa Việt Nam vào diện "những nước vi phạm nhân quyền nghiêm trọng" vì họ cho rằng, Việt Nam "đàn áp tôn giáo trong những vùng DTTS", trấn áp "các chiến sĩ bảo vệ nhân quyền", "còn đàn áp người Thượng biểu tình ở Tây Nguyên".
     Cá nhân, tổ chức DTTS lưu vong với sự hỗ trợ của nước ngoài tiếp tục có nhiều hoạt động "đấu tranh" nhân quyền đối với Việt Nam, tăng cường thực hiện âm mưu quốc tế hóa vấn đề quyền của người bản địa gắn với vấn đề dân chủ, nhân quyền để tạo sức ép từ bên ngoài và kích động bên trong chống đối Nhà nước ta. Chúng tập trung vào các vấn đề về lịch sử, đất đai, những sai sót trong việc thực hiện các chính sách dân tộc, vấn đề bảo tồn văn hóa dân tộc (nhất là vấn đề chữ viết, tôn giáo) và sự khó khăn trong cuộc sống của một bộ phận DTTS để kích động, lôi kéo đồng bào người DTTS, biểu tình, bạo loạn, trốn ra nước ngoài, vu cáo Việt Nam đàn áp đồng bào nhẹ dạ, cả tin, xuyên tạc chính sách dân tộc của Đảng.
      Từ đó, thu hút sự chú ý và tạo sức ép quốc tế từ các quốc gia, tổ chức dân chủ, nhân quyền đối với Việt Nam. Các tổ chức này còn đang tìm cách móc nối, phát triển tổ chức vào trong nước, câu kết, hỗ trợ cho số đối tượng chống đối trong nước bằng cách tuyên truyền phương pháp chống Việt Nam; vận động số nghị sĩ cực đoan trong Hạ viện Mỹ, Nghị viện châu Âu... đệ trình các "Dự luật", "Nghị quyết", "Báo cáo" tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động chống phá Việt Nam và hợp thức hóa sự ủng hộ đối với số chống đối; thu thập thông tin về những sơ hở thiếu sót của ta trong chính sách tôn giáo, dân tộc ở cơ sở để tạo cớ vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền.
      Bọn phản động lưu vong ở nước ngoài đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình, "mít tinh" ủng hộ cái gọi là "tiếng nói đấu tranh đòi dân chủ", một số phần tử cơ hội chính trị trong nước liên kết với "đảng cấp tiến xuyên quốc gia" (TRP) đưa tổ chức "Quỹ người Thượng" của Ksor Kok đến vu cáo Việt Nam tại các diễn đàn của Liên hợp quốc, phản đối ta đàn áp người Thượng.
    Đáng chú ý, thời gian qua, những tổ chức DTTS lưu vong sau đây thường xuyên có hoạt động xuyên tạc, bôi nhọ nhân quyền ở Việt Nam như: Bọn phản động người Thái, Mông, Dao lưu vong ở Mỹ, Pháp, hình thành tổ chức "Hội người Mông thế giới"; "Hội văn hóa cổ truyền người Mông"; "Liên hiệp người Dao Mỹ"; "Trung tâm nghiên cứu Thái học"... Bọn phản động lưu vong ở Mỹ lập các tổ chức "Hội người Thượng Đề-ga" (MDA), "Hội những người miền núi" (MFI), "Hội bảo vệ nhân quyền" (MHRO); "Nhà nước Đề-ga độc lập", "Tin lành Đề-ga"... thành phần là những ngụy quân, ngụy quyền của chế độ Sài Gòn cũ, trí thức có tư tưởng cực đoan mà nòng cốt là số FULRO lưu vong.
    Gần đây, các thế lực thù địch và phần tử dân tộc cực đoan, nhất là một bộ phận trong cộng đồng DTTS Việt Nam sống lưu vong ở nước ngoài đang ra sức lợi dụng bản Tuyên ngôn về quyền của người bản địa của Liên hợp quốc 2007 mà Nhà nước ta đã tham gia, ráo riết kích động đồng bào các DTTS trong nước, đứng lên đòi quyền dân tộc tự quyết, lập "Nhà nước Khmer Krôm"; "Nhà nước Đề-ga", "Vương quốc Chămpa", "Vương quốc Mông" nhằm gây mất ổn định chính trị-xã hội, chia rẽ dân tộc, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, từng bước tiến tới phá vỡ sự toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước.
     Chúng cố ý đánh đồng "quyền dân tộc tự quyết" là quyền của quốc gia, dân tộc- với tư cách là chủ thể của luật quốc tế với "quyền của người bản địa" là những quyền của các DTTS hoặc nhóm sắc tộc, thường là những quyền về văn hóa-xã hội của một bộ phận dân cư trong lòng một quốc gia-dân tộc. Thực chất, "quyền tự quyết" của dân tộc, sắc tộc trong một quốc gia không được phép vượt ra ngoài khuôn khổ "quyền dân tộc tự quyết", không được xâm phạm quyền của cả quốc gia-dân tộc.
    Có thể khẳng định, các thế lực thù địch, phản động và tôn giáo cực đoan lưu vong ở nước ngoài đang thực hiện âm mưu lợi dụng "quyền dân tộc tự quyết" của người bản địa để hình thành các vùng đất tự trị trong lòng đất nước Việt Nam. Đây là ý đồ thâm độc, nguy hiểm mà chúng đã, đang rất quyết tâm thực hiện từ nhiều năm nay, nhất là với sự ra đời Tuyên ngôn về quyền của người bản địa của Liên hợp quốc 2007, đã tạo cớ để xuyên tạc, lợi dụng.

BÀI HỌC SÁNG TẠO TỪ CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI NGA

Việc chuẩn bị lực lượng đầy đủ cho thời điểm quyết định của Cách mạng Tháng Mười Nga đã để lại những kinh nghiệm quý báu cho cách mạng Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh nghiên cứu kinh nghiệm của các cuộc cách mạng trên thế giới, và đã rút ra những kết luận quan trọng từ cuộc cách mạng “... thành công, và thành công đến nơi” của nhân dân Nga dưới sự lãnh đạo của Đảng Bôn-sê-vích.
Để khởi nghĩa thắng lợi, lực lượng cách mạng phải được chuẩn bị đủ mạnh để đè bẹp những kháng cự cuối cùng của phe phản cách mạng. Để có được thắng lợi của cuộc “tổng tiến công” cuối cùng trong Cách mạng Tháng Mười, những người Bôn-sê-vích Nga dưới sự lãnh đạo của V.I. Lê-nin đã chuẩn bị lực lượng lâu dài về mọi mặt tổ chức, chính trị, quân sự, tư tưởng...
Dưới ánh sáng của Luận cương tháng Tư và sự chỉ đạo của V.I. Lê-nin, những người bôn-sê-vích đã xác định nhiệm vụ cấp bách và quan trọng nhất cho toàn đảng là phải lôi cuốn đông đảo giai cấp công nhân và nhân dân lao động về phía cách mạng; thành lập đội quân chính trị đông đảo đủ sức mạnh đánh bại lực lượng phản cách mạng; thành lập lực lượng vũ trang cách mạng làm chỗ dựa vững chắc cho cuộc đấu tranh chính trị và chủ động đối phó với sự thay đổi của tình hình.
Theo những chủ trương đó, đội ngũ Cận vệ đỏ, lực lượng vũ trang nòng cốt của những người cách mạng ra đời. Đây là một sáng tạo của V.I. Lê-nin, kế thừa, phát triển và hiện thực hóa những lý luận về chính quyền và giành chính quyền của giai cấp vô sản khi chủ nghĩa tư bản phát triển đến giai đoạn chủ nghĩa đế quốc.
Cận vệ đỏ là hình thức tổ chức lực lượng vũ trang mới của giai cấp vô sản Nga. Các đội Cận vệ đỏ đều mang tính quần chúng và xây dựng trên cơ sở tự nguyện tham gia tại các trung tâm kinh tế lớn. Nhiệm vụ của các đội Cận vệ đỏ là đấu tranh vũ trang chống lại các cuộc nổi loạn phản cách mạng. Khi tình thế cách mạng càng ngày càng nóng bỏng, các đội Cận vệ đỏ đóng vai trò không những là lực lượng chính trị chủ đạo mà còn là lực lượng quân sự nòng cốt, quyết định thắng lợi của cuộc khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Lực lượng Cận vệ đỏ đã được thành lập tại các nhà máy, khu phố ở 146 thành phố trên khắp nước Nga. Binh lính thủy thủ hạm đội Ban-tích cũng đã ngả về phía những người khởi nghĩa.
Công tác tuyên truyền được đặc biệt coi trọng. Cho đến trước ngày khởi nghĩa, những người bôn-sê-vích đã có tới 53 tờ báo, trong đó tờ “Con đường công nhân” là cơ quan của Trung ương Đảng bôn-sê-vích có số phát hành tới gần 200.000 bản mỗi ngày. Những người bôn-sê-vích đã tập hợp, tổ chức được một lực lượng cách mạng đông đảo và có chất lượng vượt trội so với kẻ thù. Đây là nhân tố chủ quan quyết định thắng lợi của cuộc khởi nghĩa.
Cuộc khởi nghĩa ở Pê-trô-grát đã nổ ra trong thời điểm những người cách mạng không thể hành động chậm trễ hơn kẻ thù. Nhưng đó là cuộc khởi nghĩa nổ ra trong tình thế đã chín muồi, hoàn toàn không phải là một cuộc khởi nghĩa non và thắng lợi nhờ may rủi.
Đối với cách mạng Việt Nam, khi viết về thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945, nhà sử học Pháp Phi-líp Đờ-vi-lê (Philippe Deviller) đã nhận định: “Nó còn là kết quả lô-gích của Việt Minh trong mọi khu vực của đời sống đất nước”. Cụ thể hơn, đó là kết quả của đường lối đúng đắn kiên trì xây dựng lực lượng cách mạng. Lực lượng ở đây nên hiểu là lực lượng tổng hợp, là sự kết hợp sức mạnh của nhiều lực lượng cụ thể: Lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, lực lượng lãnh đạo, lực lượng quần chúng...
Các tầng lớp quần chúng đông đảo được tổ chức trong những Hội Cứu quốc là thành viên của Mặt trận Việt Minh: Nông dân cứu quốc, Công nhân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Phụ lão cứu quốc, Văn hoá cứu quốc... đã làm cho Mặt trận ngày càng phát triển rộng rãi, tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ trong phong trào cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa.
Thông qua Mặt trận Việt Minh, Đảng ta đã xây dựng được một khối lực lượng chính trị quần chúng mạnh mẽ, được rèn luyện qua những cuộc đấu tranh cách mạng. Đây là yếu tố quan trọng nhất để Đảng có thể lãnh đạo thành công một cuộc Tổng khởi nghĩa do đông đảo quần chúng nhân dân tiến hành để giải phóng dân tộc mình.
Cũng do sự phát triển rộng khắp của phong trào Việt Minh, Đảng đã có điều kiện để duy trì các đội du kích, xây dựng những khu căn cứ địa cách mạng, hình thành lực lượng vũ trang cách mạng. Tại nhiều tỉnh ở Việt Bắc, trong cao trào tiến tới Tổng khởi nghĩa đã xuất hiện những xã hoàn toàn, châu hoàn toàn. Tại những nơi đó, Việt Minh nắm chính quyền, bước đầu thử nghiệm mô hình chính quyền nhân dân, xây dựng cuộc sống mới.
Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp chỉ đạo cách mạng Việt Nam cũng mang về những nhận định mới về tình hình thế giới và đề ra sách lược đối ngoại cho cách mạng Việt Nam. Nguyễn Ái Quốc đã tìm cách đặt mối liên hệ với đồng minh cho cách mạng Việt Nam, để cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam hòa nhập trong cuộc đấu tranh chung của toàn nhân loại, để cách mạng Việt Nam có cơ hội nhận được những sự giúp đỡ trực tiếp bằng vật chất cho cuộc kháng Nhật cứu nước..., nhưng điều quan trọng hơn là tạo ra những tiền đề cho việc xác lập vị thế của nước Việt Nam độc lập trên trường quốc tế sau này. Đây cũng là sáng tạo lớn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc huy động tối đa các nguồn lực cho cách mạng. Sáng tạo này xuất phát từ những đặc thù của cách mạng Việt Nam trong bối cảnh tình hình thế giới mới.
Khi thời cơ lịch sử đã xuất hiện, Chủ tịch Hồ Chí Minh hạ quyết tâm cho toàn Đảng, toàn dân: Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới. Dù phải hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam là kết quả của sự kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, giữa phát triển phong trào quần chúng, xây dựng căn cứ địa cách mạng, chuẩn bị lực lượng chính trị và nhạy bén chớp thời cơ phát động toàn dân đứng lên tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Những người cách mạng Việt Nam học được bài học đó trực tiếp từ Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và đã vận dụng đạt kết quả xuất sắc trong Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám 1945.
... Cách mạng là sáng tạo. Những người cách mạng Nga, ở Pê-trô-grát tháng 10-1917, và những người cách mạng Việt Nam ở Hà Nội tháng 8-1945 đã rất sáng tạo khi tiến hành khởi nghĩa thắng lợi. Nhắc lại bài học sáng tạo thành công trong quá khứ cũng là để nhớ rằng, cuộc cách mạng trong thời đại mới vẫn luôn đòi hỏi những sự sáng tạo mới. Bài học sáng tạo trong tập hợp lực lượng cách mạng vẫn cần được chúng ta vận dụng trong bối cảnh mới, khi chúng ta muốn huy động mọi nguồn lực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh mới đầy biến động.