Mất vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ nào chịu trách nhiệm?

     Theo số liệu của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, trong năm năm qua, mỗi năm Việt Nam chi khoảng nửa tỷ USD để nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật, hằng năm chúng ta nhập về khoảng 100 nghìn tấn thuốc bảo vệ thực vật. Chúng ta nhập tới 4.100 loại thương phẩm khác nhau thuộc 1.643 hoạt chất hóa học để sản xuất thuốc trừ sâu hóa học. Cùng với đó, nhiều loại hóa chất cấm vẫn được nhập lậu như Phospho hữu cơ, Clo hữu cơ, Wofatox, Monitos, Kelthane… là một trong những vấn đề đáng lo ngại hiện nay.
     Đánh giá về việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật vô cơ gây tác hại lâu dài và nguy hiểm trong thời gian dài, GS, TS, NGND Nguyễn Lân Dũng phân tích: “Bất cứ một người nông dân nào cũng có thể dễ dàng mua được thuốc trừ sâu hóa học tại các cửa hàng đại lý, họ sử dụng ra sao, liều lượng như thế nào thì rất khó quản lý. Hiện nay, chúng ta chưa có những máy móc hiện đại để có thể kiểm tra hết được 4.100 thương phẩm hóa học sử dụng trong nông nghiệp. Bởi vậy, để quản lý chất lượng sản phẩm, điều quan trọng phải tổ chức sản xuất tốt từ giống, phân bón và thay đổi tập quán canh tác của người nông dân”.
    Theo Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Thanh Vân, thời gian qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo rất quyết liệt việc xử lý vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhờ vậy trong chín tháng đầu năm 2017, tình trạng nhiễm chất cấm trong chăn nuôi giảm đáng kể. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện bảo đảm vệ sinh thực phẩm trong chăn nuôi vẫn tồn tại nhiều khó khăn, đặc biệt khâu tổ chức sản xuất.
    Ông Vân phân tích: “Quá trình sản xuất một sản phẩm chăn nuôi bao gồm rất nhiều công đoạn: sản xuất giống, nuôi con giống thương phẩm, tổ chức giết mổ, chế biến và đưa ra thị trường. Hiện nay, phần lớn các công đoạn này bị cắt khúc, người chăn nuôi chỉ chăn nuôi, con giống do người khác sản xuất, sau đó lại phải bán con giống thành phẩm cho nhiều thương lái, lò mổ khác nhau rồi mới đưa ra thị trường. Chính vì vậy, các bước thực hiện là an toàn nhưng sản phẩm đưa ra thị trường lại không an toàn”.
      Trước khi Luật An toàn thực phẩm năm 2010 có hiệu lực, việc quản lý an toàn thực phẩm được phân chia theo từng công đoạn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý khâu sản xuất, Bộ Công thương quản lý khâu lưu thông, Bộ Y tế quản lý khâu chế biến. Luật An toàn thực phẩm năm 2010 ra đời đã chuyển đổi quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm theo chuỗi sản phẩm và nhóm ngành nghề, thông suốt từ khâu trồng trọt, chế biến, lưu thông, kinh doanh.
      Theo đó, tại Bộ Y tế, Cục An toàn thực phẩm được thành lập để giúp Bộ này thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Tại Bộ Công thương, công tác quản lý an toàn thực phẩm giao cho Vụ Khoa học và Công nghệ làm đầu mối, ngoài ra còn có Cục Quản lý thị trường. Tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do tính chất đa ngành, để bao quát toàn bộ quá trình sản xuất nông lâm thủy sản, công tác quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản hiện nay được phân công cho nhiều đơn vị thuộc Bộ thực hiện. Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật, Cục Quản lý chất lượng nông lâm, thủy sản, Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối là các đơn vị được giao chức năng, nhiệm vụ giúp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm nông nghiệp.
      Tuy nhiên, chính điều này cũng tạo ra nhiều kẽ hở và chồng chéo. Một số ngành hàng đang có sự đan xen và không phân định rõ Bộ nào chịu trách nhiệm quản lý. Chẳng hạn, việc quản lý chất lượng bún đang được cả ba Bộ chịu trách nhiệm. Nguyên liệu là bột gạo ướt để làm bún thuộc trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; sản phẩm tinh bột thuộc về Bộ Công thương. Nhưng khi sản phẩm bún trên thị trường có chứa chất Tinopal - một loại hóa chất tẩy trắng dùng trong công nghiệp được sử dụng để tẩy trắng bún gây ngộ độc cho người tiêu dùng - thì lại liên quan tới Bộ Y tế. Hoặc với bánh Trung thu, vỏ bánh là tinh bột do ngành công thương quản lý; nhân bánh là thịt, trứng do ngành nông nghiệp kiểm soát, còn ngành y tế quản lý phụ gia phẩm màu. Hàng loạt các sản phẩm khác cũng gặp tình trạng tương tự như ô mai, mứt là sản phẩm từ hoa quả do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý hay là bánh, mứt, kẹo do Bộ Công thương quản lý?
     Theo Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm đều có thành phần thuộc cả ba Bộ cùng quản lý. Đá thực phẩm (nước đá dùng liền và nước đá dùng để chế biến thực phẩm) do cả Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Y tế cùng quản lý. Các sản phẩm có nguồn gốc thực vật dùng làm thực phẩm khác dạng nguyên bản hoặc đã sơ chế, chế biến do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý nhưng nếu đối tượng được sử dụng là dược liệu, thực phẩm chức năng thì lại do Bộ Y tế quản lý…
       Một bất cập khác là Bộ Y tế chỉ quản lý thực phẩm khi đã đến tay người tiêu dùng. Khi kiểm tra nếu trong trường hợp không bảo đảm chất lượng vệ sinh thì Bộ Y tế chỉ thu được mẫu thực phẩm, còn toàn bộ thực phẩm nhiễm bẩn đã bán ngoài chợ thì không thể tịch thu được do không thuộc quản lý của Bộ Y tế.
      Tất cả sự chồng chéo đó gây khó khăn, phiền phức cho công tác thanh, kiểm tra về an toàn thực phẩm, gây trở ngại cho cả người thực hiện nhiệm vụ kiểm tra. Và khi xảy ra vi phạm thì lại đùn đẩy trách nhiệm, không đơn vị quản lý nào nhận.
     Để giải quyết tình trạng này, TP Hồ Chí Minh, một đô thị đông dân cư với tình trạng thực phẩm bẩn diễn ra nhức nhối hàng đầu trong cả nước, đã xin thành lập Ban Quản lý an toàn thực phẩm nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng không bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn; khắc phục các bất cập, tồn tại, rào cản trong hoạt động phối hợp liên ngành... Ban được lập trên cơ sở tổ chức lại Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm thuộc Sở Y tế và một số bộ phận trực thuộc các phòng, chi cục thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương.
    Đề nghị này được Thủ tướng chấp thuận, mới đây Thủ tướng đã ký quyết định thí điểm thành lập Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh trong ba năm tới. Cơ quan này thuộc UBND TP Hồ Chí Minh, có nhiệm vụ giúp thành phố thực thi pháp luật về an toàn, vệ sinh thực phẩm trên địa bàn.
   Trước thực trạng nhức nhối về thực phẩm bẩn, với động thái “bật đèn xanh” để siết chặt quản lý thực phẩm bẩn của người đứng đầu Chính phủ, hy vọng người dân sẽ có nhiều bữa ăn sạch hơn trong thời gian tới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét