CƠ SỞ CỦA LÒNG YÊU NƯỚC


Lòng yêu nước được hình thành trên cơ sở tinh thần dân tộc...chúng ta hãy đặt góc độ quan điểm thật khách quan, và đưa ra câu hỏi: "Vì sao chúng ta yêu nước?". Có phải vì đất nước đó cho chúng ta của cải, nền giáo dục tốt? Hay có chế độ đãi ngộ tốt với người dân? Hay vì đất nước đó có lịch sử oai phong, bách chiến bách thắng với bao cuộc trường chinh? 
Không, Chúng ta yêu nước vì đất nước đó đi theo con đường dân tộc chính đáng, mà về tư tưởng, chúng ta chấp nhận và tôn trọng...
Đất nước nào dù ít nhiều, đều có một quãng lịch sử, hình thành, thịnh vượng, suy vong nằm trong quy luật tất yếu. Những quãng ấy, là những quãng gian nan, mà không thật sự có lòng ái quốc, không có lòng can đảm người ta rời bỏ đất nước là điều chẳng tránh khỏi. Vậy nên, phải biết dũng cảm, dám đối diện và hy sinh cho thứ to lớn mà mình hằng trân quý. Trong những thời khắc gian nguy, tình cảm chân thật nhất mới hiển lộ, ta mới hiểu được ai là bạn, là thù, ai mới là người yêu nước thực lòng. Sinh mạng là thứ quý giá nhất, chẳng bạc vàng nào mua được, chỉ có tình yêu quê hương đất nước và lòng ái quốc mạnh liệt thì mới dám thách thức, coi thường. 
Đất nước khác con người, ở chỗ nó không đáp lời. Nó không nói, nhưng nó có cách riêng để thể hiện tình yêu ngược lại. Ta yêu nước, tức ta yêu không chỉ phần cảnh, mà cả phần hồn. Cái hồn đất nước nằm ẩn trong những cánh rừng, trong cuộc sống con người, trong đồng lúa, trong những nụ cười và tiếng khóc với đủ mọi nỗi niềm, trong cả cuộc đời của chính ta đã đi và nhìn bao nhiêu điều để say sưa lại một điều duy nhất. Yêu nước không phải lời nói, suy nghĩ nằm yên, yêu nước là hành động. Và ta thấy tình yêu nảy nở là khi ta muốn bước ra để làm gì tốt đẹp cho đất nước ta yêu. Nước hiểu những gì ta làm, sẽ đền đáp ta xứng đáng. Ta đừng yêu cầu có được vật chất gì, vì bản chất của tình yêu là linh hồn, nó sẽ chẳng bao giờ làm hài lòng ta được với một thứ khác hoàn toàn nó. Từ ấy, ta tìm ra mình, ta có mục đích, và ta không sợ phải lang thang vì biết chắc trái tim ta đặt ở vị trí nào.
Đừng mang nặng cách nghĩ, lòng yêu nước thì buộc phải ở thời chiến. Thời nào cũng vậy, có chăng là khác nhau về phương hướng thể hiện tình yêu ấy ra bên ngoài. 
Trong chiến tranh, lòng yêu nước có điều kiện để bột phát đến mức tối đa. Chứng kiến nơi chốn mình yêu oằn mình dưới đạn bom, bị tung hứng bởi những âm mưu thôn tính vô nhân đạo của các nước ngoại bang, ai mà chẳng xót xa. Và như một phản ứng tự nhiên, chẳng cần có tuyên truyền, cũng nhất nhất có một sự đồng lòng vững chắc trong nhân dân. Chẳng ai lớn mồm nói tôi yêu nước, nhưng hành động của họ đủ chứng minh, họ sẵn sàng xả thân cho sự tồn vong của dân tộc mình. Hình tượng lên, nếu yêu một cô gái/ chàng trai, ta đâu thể để mặc cho kẻ xa lạ nào tự dưng xuất hiện và thô lỗ cướp mất người ta yêu, ta sẽ phản kháng bằng tất cả những gì ta có, với sự khôn khéo, quyết liệt và ta cần cái đầu lạnh để lựa chọn chiến lược phù hợp vì kẻ thù lớn hơn tàn bạo hơn...
Còn lòng yêu nước, sự cống hiến trong thời bình không đòi hỏi mỗi cá nhân phải đem tính mạng mình thử thách trước bom đạn của kẻ thù, mà thay vào đó là bầu trời xanh của hoà bình, của độc lập, tự do. thời kỳ yên bình này thì đòi hỏi chúng ta đã không còn chỉ là bảo vệ đất nước, mà là bảo vệ và xây dựng nước nhà giàu, đẹp và mạnh hơn. để làm được điều đó mỗi chúng ta phải rèn luyện về trí thức, tôi luyện về nhân phẩm, luôn quan tâm chú ý tới những sự kiện, sự việc trong nước nhà...Thiết thực hơn là biết yêu thương người thân, gia đình, bạn bè... Chấp hành tốt pháp luật của nhà nước, ra sức làm kinh tế để Gd ngày càng khá giả hơn như vậy đã là có trách nhiệm xây dựng cho quê hương, đất nước...
Tóm lại, lòng yêu nước thuộc về lựa chọn cảm tính nhưng để yêu nước thì cần có cái đầu lý tính để quyết định cho mình đâu là nơi xứng đáng để ta tin yêu đến cùng. Với tôi, Việt Nam là nơi đó. Khi được sống và sau này có chết, tôi nguyện cống hiến và được chôn trên mảnh đất này. Không phải vì lý do đơn thuần như đất nước đã cho tôi cuộc đời, mà là vì tôi trân quý lịch sử hào hùng mà đất nước đã trải qua và tôi chọn cho mình con đường tiếp nối những trang sử ấy. Dẫu còn khó khăn nhiều bề, nhưng tương lai sẽ phát triển mạnh mẽ, tôi tin. Dù bao nhiêu sự vụ xảy ra trong bộ máy chính quyền, nhưng không có nghĩa chúng ta đánh đồng tất cả và gạt bỏ đi mọi cố gắng mà Đảng và nhà nước đã đạt được. Đừng so sánh nước mình với nước người, dù là nước hơn hay nước kém, vì kiêu căng cũng như hèn nhát chỉ là hai mặt của một loại người tiêu cực. mong mọi người tìm ra lòng yêu nước đúng nghĩa cho mình. Nhiều người không yêu Việt Nam, nhiều người thích nước phương Tây nào đấy, tôi không trách các bạn, vì đó là quyền và sự lựa chọn của các bạn. Nhưng đối với riêng tôi, luôn một và chỉ một, Việt Nam là quê hương cũng là nơi tôi khóa chặt trái tim mình.

Nổi đau của kẻ vọng nô Bùi Tín


Tháo quân hàm Đại tá, chạy theo lời hứa danh quyền, địa vị, danh lợi của Việt Tân, của cái gọi là phục hưng Việt Nam Cộng hoà, chế độ XHCN ở Việt Nam sẽ sụp đổ như Đông Âu – Và lời hối hận sau khi bỏ chạy theo Việt Tân được 17 năm. Thế mới hiểu hơn, lý luận cao, kiến thức rộng mà không có bản lĩnh vững vàng, không có niềm tin thì cũng chỉ là “con sâu bám lá cây”.
Bùi Tín – Nguyên Đại tá quân đội, Phó tổng biên tập Báo Nhân dân; Ông sinh năm 1927 tại Huế, trước khi lầm đường lạc lối ông từng được mệnh danh là người chiến sĩ, sĩ quan, nhà báo lão thành cách mạng, kiên trung với những bài viết khiến hàng triệu người nể phục.
Nếu không có một ngày bi kịch của đời Ông, thì danh phận Ông đã rất rực rỡ. Ngày ấy vào tháng 9 năm 1990 sang Pháp dự hội hàng năm của báo “L’Humanité” và quyết định không trở lại với cơ quan, đồng nghiệp. Ông day dứt “Tưởng Việt Nam cũng sẽ sụp đổ như các nước ở Đông Âu thời ấy” và ông sẽ được bố trí vị trí xứng đáng trong bộ máy nhà nước Việt nam cộng hòa (theo như lời dụ dỗ) và rồi ông quyết định ở lại Pháp để đến nay vẫn mang tiếng với đồng nghiệp là “kẻ đào nhiệm” phản bội Nhân dân, Tổ quốc.
Sự ảo tưởng đã giết chết lý trí, tinh thần và bản lĩnh của tôi. Nó làm tôi lao vào viết, viết và viết điên cuồng như một con thiêu thân. Không từ một thuật ngữ, không ngại ngần viết về những cái không có thật… miễn sao “bôi xấu” vào cái chế độ, Đảng, Nhà nước mà tôi từng khôn lớn, trưởng thành. Tôi ghê sợ những gì tôi viết ra và không giám nhìn, nhớ về những bài viết ấy.
Giờ đây ngồi bên xứ người, bị đối xử thậm tệ của kẻ “hết giá trị lợi dụng”, Ông nói “tôi không ân hận về những gì đang xảy đến với tôi đó là cái giá tôi phải trả nhưng cái đau nhất…”. Ông lặng người nhìn về phía xa xa một cách vô vọng. Ông tiếp “lúc này đây tôi thực sự thấm thía câu nói của cha ông “đồng tiền và danh vọng nó bạc như vôi” và chúng tôi cảm nhận rằng:
Nỗi đau của ông lúc này là nỗi nhớ quê hương, nhớ từng bước chân trên con phố nhỏ hay giữa dòng người đông đúc hoặc nhớ buổi chiều ngồi ngắm cảnh bên dòng sông Hương nơi chôn rau cắt rốn của ông hoặc Hồ Tây nơi gắn bó nhiều kỷ niệm. Chắn hẳn, ông vẫn mong lúc sống không dễ gì nhân dân Việt Nam tha thứ nhưng khi ông chết đi chỉ mong được mang nắm tro tàn về chôn ở quê cha, đất mẹ.
Nỗi đau lớn nhất lúc này với ông đó là sự “ghẻ lạnh”, “hắt hủi” của những người mà ông từng coi là “cùng chiến tuyến”, “cùng phản phản bội Tổ quốc”… Ở cái tuổi 90, ông ốm đau liên tục và không còn sức viết nổi nửa trang tin thì cũng là lúc không có ai “ngó đến xem ông sống thế nào ? đau ốm thế nào ?…”. Giọt nước mắt luôn chảy ra và ông lại hận những kẻ tưởng chừng thề cùng sống chết thì lại dễ dàng bỏ mặc ông trong lúc ông cần chỗ dựa tinh thần.
Giờ đây ở tuổi gần đất xa trời, cái giai đoạn người ta nhận rõ đúng sai nhất của cuộc đời, ngay tại Paris, thân già lủi thủi, cô đơn không một người Việt nào ở Pháp hỏi thăm khi ốm, khi đau, khi trái gió trở trời… và đã làm ông hận vì dự “ảo tưởng” của chính mình. Ông đau đớn khi bị bỏ rơi như một đứa trẻ bơ vơ nơi đất khách. Ông càng đau đớn hơn khi tất cả quay lưng với chính ông vì ông không còn tác dụng… Ông nhớ lại, lúc họ cần mình thì “sao ngọt ngào đến thế nhưng khi không còn sử dụng họ rũ bỏ như rũ một con bọ trên vai áo”.
Khi tiếp xúc với Ông Hà Minh Huệ, nguyên Phó tổng biên tập TTXVN, Ông hối hận rằng: “Nỗi đau thứ nhất, ông bị nhân dân Việt Nam coi như một Trần ích Tắc phản nước hại dân. ở Việt Nam ai cũng căm ghét Bùi Tín. Ai cũng cho rằng Bùi Tín là kẻ vô ơn bạc nghĩa.
Nỗi đau thứ hai, giới trí thức ở hải ngoại cho rằng Bùi Tín được ăn rất nhiều lộc của Việt Nam mà trở cờ như vậy là “thất đức, khó tin”. Trong một lần cùng tiến sĩ Trần Ngọc Vương đến thăm họa sĩ Lê Bá Đảng, Đặng Tiến, nhà phê bình nổi tiếng ở hải ngoại, đã nhận xét: “Bùi Tín thuộc loại ăn cháo đái bát không đáng chơi”. Ngay đến Võ Văn ái, tờ Quê mẹ và Nguyễn Gia Kiểng tờ Thông luận rất phản động cũng viết bài miệt thị coi Bùi Tín là “phần tử bất hảo không đáng tin”.
Nỗi đau thứ ba, nhiều Việt kiều yêu nước không thể tin được hành động chạy trốn của Bùi Tín nên đoán già đoán non rằng Bùi Tín giả danh đào nhiệm để hoạt động gián điệp. Chính vì lẽ đó có người đã cho Bùi Tín vay khá nhiều tiền mà mãi đến nay vẫn không dám đòi”.
Lúc này đây, bệnh tuổi già làm ông đau ốm liên miên nhưng cái đau nhất không phải về thể xác mà đó là lương tâm và sự hận thù những kẻ đã từng “cưng phụng ông”, “tô vẽ ông” lại bỏ lại ông với sự cô đơn.
Nỗi đau của ông lúc này, chỉ có những người quan tâm đến ông mới hiểu được và chúng tôi thực hiện bài viết này cũng không dám mạo muội đặt ra lời khuyên đối với những ai từng ảo tưởng, đang ảo tưởng … như ông sẽ sớm tỉnh ngộ quay lại với thực tế. Có lẽ, ông cũng muốn nói lên điều này mặc dù có thể không thức tỉnh được ai nhưng cũng sẽ là một bài học thực tế cho muôn đời.

Hỡi những tên tay cầm Đôla, miệng hô hào, chửi Đảng, nói xấu chế độ, đả kích, bôi nhọ lãnh tụ, “đấu tranh cho dân chủ”, “nhân quyền”, “tự do”, “tôn giáo” theo ý phản động…..ơi, hãy đọc, ngẫm nghĩ, đừng bỏ cả đời mình đi theo tội lỗi, để rồi cuối đời cô độc, ân hận, oán thân mình. Dừng lại đi, nếu máu các ngươi còn của dân Việt.

Không thể xuyên tạc, phủ nhận mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội

Cũng như trước đây, hiện nay và trong những năm tới, các thế lực thù địch, những phần tử cơ hội đang và sẽ ráo riết tìm mọi cách xuyên tạc, phủ nhận mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội (CNXH) mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.
Họ đòi chúng ta “lựa chọn lại” mục tiêu, con đường mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn; đòi chúng ta phải từ bỏ con đường CNXH, muốn đất nước ta lùi về giai đoạn dân chủ nhân dân, đòi đổi tên Đảng, tên nước, công khai hô hào đi theo con đường tư bản chủ nghĩa. Họ lập luận rằng, đường lối phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa là chắp vá, là không tưởng. Gần đây, họ cho rằng, con đường mà Việt Nam muốn đi là thứ chủ nghĩa tư bản theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng con đường này không thể thành công vì không thể nào giải quyết thỏa hiệp giữa hai chủ nghĩa đối lập nhau!
Thực hiện mưu đồ này, chúng ra sức bôi đen CNXH hiện thực, bác bỏ con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, công khai ca ngợi chế độ tư bản chủ nghĩa và ra sức cổ súy, tô son, trát phấn cho chủ nghĩa tư bản, rằng chủ nghĩa tư bản đã thay đổi bản chất, chủ nghĩa tư bản có thể hội tụ với CNXH trong thời đại hậu công nghiệp, văn minh tin học!
Họ lấy một số khuyết điểm, yếu kém của ta về quản lý kinh tế, quản lý xã hội để quy chụp cho bản chất của CNXH, xuyên tạc rằng, ở nước ta không có CNXH. Trong khi nước ta đang ở trong thời kỳ quá độ đi lên CNXH, họ lại đòi hỏi những nhân tố của CNXH phải xuất hiện đầy đủ ngay ở nước ta. Tiến công vào đường lối của Đảng, các thế lực thù địch cho rằng, phải phát triển chủ nghĩa tư bản dưới sự lãnh đạo của Đảng, giải quyết những vấn đề xã hội ở chừng mực nào đó theo CNXH dân chủ!
Những luận điệu nói trên của các thế lực thù địch và những kẻ cơ hội không có mục đích nào khác là gây sự hoài nghi; phá vỡ sự đồng thuận xã hội, làm suy giảm niềm tin của nhân dân ta đối với mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước; tiến tới xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa, đưa nước ta đi vào con đường tư bản chủ nghĩa. Chính vì vậy, việc đấu tranh, phê phán các quan điểm sai trái, thù địch; củng cố, giữ vững sự kiên định niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân ta vào mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH là nhiệm vụ vô cùng quan trọng của cuộc đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” trên mặt trận tư tưởng, lý luận ở nước ta hiện nay.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) tiếp tục khẳng định: “Nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH-ngọn cờ vinh quang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao lại cho thế hệ hôm nay và mai sau. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện CNXH và CNXH là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc”(1). Đây là một sự tổng kết lịch sử cách mạng Việt Nam, vạch rõ nguồn gốc sâu xa mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đồng thời, chỉ rõ mục tiêu, lý tưởng mà toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải tiếp tục kiên định trong suốt thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam.
Hơn 85 năm qua, đó là khoảng thời gian đủ để mỗi người Việt Nam kiểm nghiệm và rút ra kết luận về sự đúng đắn, sáng tạo của mục tiêu, con đường độc lập dân tộc và CNXH mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lựa chọn. Nhìn lại lịch sử cách mạng Việt Nam trong hơn 85 năm qua cho thấy, độc lập dân tộc và CNXH đã được Đảng ta xác định là mục tiêu, là cái đích phải đến của cách mạng Việt Nam ngay từ Cương lĩnh Chính trị đầu tiên của Đảng (1930). Từ đó cho đến nay, độc lập dân tộc và CNXH luôn luôn là ngọn cờ dẫn dắt cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Giải quyết đúng đắn mối quan hệ gắn kết chặt chẽ giữa độc lập dân tộc và CNXH trong từng thời kỳ cách mạng là nét độc đáo, sáng tạo, thể hiện bản lĩnh và trí tuệ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ở mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ lịch sử, căn cứ vào tình hình của thế giới, khu vực và đất nước, căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng; trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định rõ đường lối, nhiệm vụ để thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH phù hợp với yêu cầu của lịch sử.
Đặc biệt, khi nước ta tiến hành công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tình hình thế giới, khu vực có những biến đổi to lớn và cực kỳ phức tạp. Độc lập dân tộc và CNXH đứng trước những khó khăn, thách thức mới. Trước những biến cố của lịch sử trong những thập niên 90 của thế kỷ 20, công cuộc cải cách, cải tổ, đổi mới CNXH đã trở thành một đòi hỏi tất yếu nhằm khắc phục những hạn chế, khiếm khuyết, sai lầm trong quá trình xây dựng CNXH ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu; tìm ra con đường phát triển thích hợp của CNXH hiện thực đối với mỗi nước.
Trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, Đảng ta khẳng định, đổi mới không phải là từ bỏ mục tiêu CNXH mà chính là để đạt mục tiêu đó một cách có hiệu quả bằng những phương pháp, bước đi thích hợp, phù hợp với quy luật để nhanh chóng đưa đất nước thoát  khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; khắc phục sự tụt hậu, chệch hướng, gắn tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Từ thực tiễn tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, Đảng ta đã tổng kết, rút ra một trong những bài học quan trọng: “Trong quá trình đổi mới phải kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH trên nền tảng Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh”(2).
Trong thời kỳ mới, Đảng ta xác định độc lập dân tộc và CNXH tiếp tục là kim chỉ nam cho sự nghiệp đổi mới đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Tuy nhiên, mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH cần được bổ sung, phát triển cho phù hợp với những đặc điểm về chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học và công nghệ của thời đại và tình hình đất nước. Kết hợp độc lập dân tộc và CNXH phải đặt trong xu thế phát triển của thời đại và quá trình vận động của các nhân tố dân tộc, giai cấp trong điều kiện của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, của xu thế toàn cầu hóa. Quan hệ giữa các quốc gia-dân tộc trên thế giới được hình thành và vận động trên cơ sở tác động tổng hợp của cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc và đấu tranh giải quyết những vấn đề toàn cầu. Sự kết hợp, đan xen và thống nhất giữa lợi ích dân tộc, giai cấp, quốc tế tạo ra động lực mới cho sự phát triển các quan hệ quốc tế trong thời đại ngày nay.
Đi lên CNXH là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử. Độc lập dân tộc và CNXH là hai mặt của một quá trình thống nhất biện chứng của sự nghiệp giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng con người. Đương nhiên, hành trình đi tới mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH thực hiện dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, cùng với những thời cơ, thuận lợi mới, chúng ta vẫn còn gặp phải những khó khăn, thách thức mới.
V.I.Lê-nin đã từng căn dặn những người cộng sản, không bao giờ được chán nản hoặc rơi vào tuyệt vọng. Cần phải kiên định con đường đã chọn, biết củng cố, nuôi dưỡng niềm tin vào thắng lợi ngay cả trong những thời điểm, những hoàn cảnh khó khăn nhất. Trong mọi hoàn cảnh, mọi tình huống, phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH; không bi quan, dao động, mất niềm tin trước những khó khăn, thử thách. Phải nhạy cảm nắm bắt cái mới, giữ vững nguyên tắc chiến lược, đồng thời, phải linh hoạt, mềm dẻo về sách lược, theo phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” để thực hiện mục tiêu, con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước vì độc lập dân tộc và CNXH, xây dựng thành công CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.

“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về đạo đức, lối sống

         Hiện nay ở nước ta hiện tượng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về đạo đức, lối sống đang diễn ra và được biểu hiện ở nhiều mức độ. Biểu hiện đầu tiên của những người “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về đạo đức, lối sống là nhìn nhận đạo đức, lối sống có sự sai lệch, chỉ thấy mặt tiêu cực, mặt xấu mà không thấy mặt tích cực, không thấy những giá trị đạo đức, lối sống tốt đẹp của dân tộc, của cách mạng.
Những người có tư tưởng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về đạo đức, lối sống thường là những người thiếu tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức, lối sống, nên dần bị tha hóa, bị cái xấu lấn lướt những cái tích cực trong con người mình. Đại hội lần thứ XII của Đảng đã nhận định: “Tình trạng thiếu trách nhiệm, cơ hội, suy thoái đạo đức, lối sống vẫn diễn ra khá phổ biến trong một bộ phận cán bộ, đảng viên”. Đó chính là sự yếu kém, mất dần cái tốt, cái tiến bộ, làm tăng dần cái xấu, cái lạc hậu, làm chậm lại quá trình phát triển và dẫn đến sự thoái hóa, biến chất của chính bản thân con người và tổ chức.
Suy thoái về đạo đức, lối sống còn biểu hiện ở việc du nhập lối sống tư sản thực dụng, sống buông thả, ngại học tập, phấn đấu, rèn luyện. Có một bộ phận sa vào tệ nạn xã hội như cờ bạc, rượu chè, sử dụng ma túy, buôn lậu… và tha hóa về quan hệ gia đình, quan hệ xã hội. Những người này thường không còn nhiệt huyết cách mạng, tính tích cực bị giảm sút, phẩm chất cách mạng bị xói mòn. Những cán bộ, đảng viên có quyền lực mà rơi vào “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về đạo đức, lối sống ngoài việc ngại rèn luyện, lười suy nghĩ, lười học tập… họ còn hình thành những “cơ chế ngầm”, tạo “cánh hẩu” để bảo vệ, bao che cho nhau, trù dập những người thẳng thắn, có thái độ đấu tranh phê bình. Họ du nhập, bắt chước lối sống tư sản, coi đó là "lẽ sống của thời đại", trong khi đó họ lại coi thường lẽ phải, đạo lý.
Suy thoái về đạo đức, lối sống tất dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị. Ở mức độ này có thể gọi là “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trầm trọng. Họ rất có thể sẽ chuyển hóa thành đối tượng phản động, chống lại Tổ quốc, chống lại Đảng, chế độ và nhân dân. Thực tế hiện nay đã có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên bị thoái hóa về đạo đức, lối sống, đúng như Hội nghị Trung ương lần thứ tư (khóa XII) nhận định: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc…”. Đây là sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” rất nguy hiểm về đạo đức, lối sống ở nước ta hiện nay, nên cần phải nhận diễn cho rõ và đấu tranh, chấn chỉnh, loại bỏ.

Những “viên sỏi” hận thù sẽ chìm trong biển cả hòa hợp dân tộc

Thời gian gần đây, tuy không phải là dịp kỷ niệm ngày 30-4, nhưng câu chuyện về hòa hợp và hòa giải dân tộc lại nóng lên trên mạng xã hội và một số trang báo hải ngoại. Một lần nữa, mục tiêu cao cả của chủ trương hòa hợp dân tộc lại bị không ít người bóp méo, xuyên tạc gắn với tư tưởng hận thù cùng những ý đồ chính trị đen tối…

Mượn chuyện hòa hợp, gây thêm… chia rẽ.
“Cái bẫy hòa hợp, hòa giải dân tộc” là tiêu đề một bài báo được đăng trên kênh truyền hình SBTN hải ngoại với nội dung thiếu thiện chí, kích động rằng, cộng sản Việt Nam chỉ mượn chuyện hòa giải cho những mục tiêu chính trị nhất thời. Cộng sản và dân tộc như nước với lửa, không thể có hòa hợp dân tộc nếu còn chế độ cộng sản (!).
Trong một chương trình trên Đài Châu Á tự do, Cù Huy Hà Vũ tiếp tục đưa ra nhiều lập luận vòng vo, lái câu chuyện hòa hợp dân tộc sang những vấn đề không liên quan, như: Hòa hợp dân tộc không dừng ở hòa hợp giữa hai bên “thắng cuộc” và thua cuộc sau ngày 30-4-1975 mà còn là hòa hợp giữa những người bất đồng chính kiến, những nhà dân chủ với chính quyền hiện nay. Vũ kêu gọi chỉ có thể hòa hợp được nếu chọn chế độ đa nguyên chính trị. Vũ chỉ trích Đảng Cộng sản “toàn trị” nên chỉ khi nào “chế độ cộng sản sụp đổ, người Việt mới có hòa hợp hòa giải”.
Cũng chung luận điệu ấy, kênh truyền hình Người Việt TV hải ngoại nhiều lần đưa quan điểm của cái gọi là Tập hợp Dân chủ đa nguyên kêu gọi muốn hòa giải thì phải “phục hồi danh dự cho những người trong chế độ Việt Nam cộng hòa”, phải thừa nhận đó là cuộc “nội chiến” và phải coi việc xóa bỏ chế độ cộng sản là một “mệnh lệnh của lương tâm, là tương lai của dân tộc”. Họ cũng kêu gọi Việt Nam nên áp dụng các “mô hình” hòa giải như ở cuộc nội chiến của nước Mỹ hay việc xóa bỏ bức tường Berlin…
Những quan điểm nêu trên, xét cho cùng đều không thể hiện thiện chí hòa hợp, hòa giải dân tộc mà chỉ thể hiện sự hằn học, kích động hận thù, gây thêm chia rẽ, xuyên tạc, bóp méo chủ trương nhân văn, đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta.
Chủ trương nhất quán ngày càng lan tỏa
“Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy chí nhân để thay cường bạo”. Hai câu thơ của Nguyễn Trãi đã phần nào đúc kết truyền thống khoan dung, hòa hiếu của dân tộc ta, ngay cả với kẻ thù xâm lược chứ chưa nói đến đồng bào lầm lỗi. Ngay sau khi Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa mới ra đời, trong khi phải lo đối phó với thù trong, giặc ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra quan điểm nhân văn: “Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi. Năm ngón tay cũng có ngón vắn, ngón dài, nhưng vắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng, đại độ. Ta phải nhận rằng đã là con Lạc, cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc”. Hơn 10 năm sau, Người một lần nữa khẳng định: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.
Bắt nguồn từ đạo lý truyền thống của dân tộc và tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương hòa hợp, hòa giải dân tộc suốt mấy chục năm qua luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm. Dù ít nhiều có những thăng trầm, hạn chế nhưng đó luôn là tư tưởng nhất quán và ngày càng được thực hiện tốt hơn. Ngay cả khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước chưa kết thúc, giữa đất lửa Vĩnh Linh, Quảng Trị, khi nghe câu hỏi: “Sau khi Việt Nam đánh thắng đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước, việc gì là lớn nhất?”, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã trả lời: "Vấn đề lớn nhất sau chiến tranh cần phải làm, đó là hòa hợp dân tộc!".
Từ năm 2003, Hội nghị Trung ương 7 (khóa IX) của Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng như: Nghị quyết số 23-NQ/TW (2003) “Về phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, Nghị quyết số 24-NQ/TW “Về công tác dân tộc”, Nghị quyết số 36-NQ/TW (2004) của Bộ Chính trị (khóa IX) “Về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài”. Trong Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị đã khẳng định: “Xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử do quá khứ hay thành phần giai cấp; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai. Mọi người Việt Nam, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, lý do ra nước ngoài, mong muốn góp phần thực hiện mục tiêu trên đều được tập hợp trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Sau nhiều đại hội, Đảng ta đều đề ra những chủ trương nhất quán về đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc. Nghị quyết Đại hội của Đảng một lần nữa khẳng định: “Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước”.
Nhìn lại 13 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, chúng ta vui mừng nhận thấy, chủ trương đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc ngày càng lan tỏa sâu rộng. Ở trong nước hiện nay, đồng bào thuộc mọi thành phần xã hội, kể cả những người trong chế độ cũ đều không bị phân biệt đối xử, bình đẳng trong lao động, kiến tạo cuộc sống. Ngay cả nhiều nhạc sĩ, ca sĩ từng xác định ở một thái cực khó có thể hòa hợp, như nhạc sĩ Phạm Duy, ca sĩ Khánh Ly, Chế Linh… gần đây cũng được tạo điều kiện về nước biểu diễn, không hề bị phân biệt, kỳ thị.
Một vấn đề từng được coi là “nhạy cảm” như Nghĩa trang Bình An của quân đội Sài Gòn cũ nay cũng được dân sự hóa, mọi người thăm viếng, chăm sóc mộ phần. Ngày 27-4-2014, một đoàn kiều bào đã được tổ chức đến viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Bình Dương và Nghĩa trang nhân dân Bình An (nghĩa trang quân đội Biên Hòa thời Việt Nam cộng hòa). Tại đây, một lãnh đạo Bộ Ngoại giao đã chỉ vào tấm bia mộ cũ mang tên hạ sĩ Hà Hữu Lộc và nói: “Bia mộ vẫn còn nguyên phiên hiệu, đơn vị… Những ngôi mộ thế này xây từ ngày xưa có ai phá đâu. Chân lý ở đâu, sự thật ở chỗ nào khi các anh cứ hô hào, kêu gọi chống cộng, nói rằng cộng sản không làm gì cho nghĩa trang. Nếu đất nước không có đại đoàn kết thì những ngôi mộ kia có còn những tấm bia nguyên vẹn như vậy không?”.
Với đồng bào ở nước ngoài, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách tạo điều kiện ngày càng thuận lợi hơn cho họ trên các lĩnh vực: Xuất nhập cảnh, cư trú, hồi hương, quốc tịch, hộ tịch, về đầu tư kinh doanh; về quyền được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam… Một dẫn chứng sinh động ghi nhận nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta phải kể đến việc ông Nguyễn Cao Kỳ, nguyên Phó tổng thống của chính quyền Sài Gòn sau khi về Việt Nam đã có phát biểu: “Người ta nói trăm nghe không bằng một thấy nên tất nhiên về nước thì có dịp kiểm chứng lại mọi điều một cách cụ thể, rõ ràng và chi tiết hơn. Tôi rất mừng là đất nước đổi mới nhiều”; “Tôi sẽ nói về sự tiến triển, không khí và tình hình của đất nước để cho họ thấy, từ đó thuyết phục những người chưa hiểu: Đã đến lúc phải hòa hợp, hòa giải giữa anh em với nhau để xây dựng đất nước chứ ngoái cổ lại nhìn dĩ vãng rồi hận thù, chua chát, cay đắng thì đâu có được. Nhưng mà chắc chắn là không thể thuyết phục hết được vì vẫn còn một số người - một bộ phận rất nhỏ - cả đời chỉ nghĩ cho cá nhân họ thôi, nhiều khi họ phát nói năng lung tung, để ý làm gì. Tôi nghĩ chuyện chính vẫn là quyền lợi đất nước”. Chứng kiến sự đổi thay của đất nước và những chủ trương, chính sách về hòa hợp, hòa giải của Đảng và Nhà nước Việt Nam, ông Nguyễn Cao Kỳ đã công nhận rằng những người cộng sản Việt Nam hiện đang làm rất tốt và làm tốt hơn các ông.
Hòa hợp không có nghĩa là xóa nhòa lịch sử và đảo ngược chân lý
Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “bàn tay còn có ngón vắn ngón dài” và Đảng ta từng chủ trương “tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia-dân tộc”, hòa hợp dân tộc phải trên cơ sở tôn trọng sự khác biệt, không định kiến, phân biệt đối xử nhưng không có nghĩa là xóa nhòa lịch sử và đảo ngược chân lý. Những vấn đề khác biệt như ý thức hệ, quan điểm chính trị thì cần sự tôn trọng, mà không thể đòi hòa hợp theo kiểu “phải công nhận chế độ Sài Gòn”, “phải phục hồi danh dự cho những người trong chế độ cũ”, “phải xóa bỏ Đảng Cộng sản thì mới có sự hòa hợp”.
Về vấn đề này, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết từng có nhận xét sâu sắc: “Có những người chứng kiến sự hy sinh của dân tộc quá lớn, họ cứng như thép, không dễ xoay chuyển được... Nếu nhìn vào những mất mát, hy sinh to lớn, xét về nguyên tắc là không thể nhân nhượng, bỏ qua được. Nhưng xét về tình dân tộc, nghĩa đồng bào, đã 40 năm rồi, thì trong quan hệ có thể cởi mở, mềm dẻo, đối xử nhẹ nhàng”.
Ông Nguyễn Cao Kỳ cũng từng khẳng định: “Một chính quyền độc đảng mang đến sự ổn định và kỷ luật thì cần thiết cho Việt Nam để ra khỏi sự nghèo khổ… Tôi cho rằng thật là sai lầm khi một số người, đặc biệt là số người Việt ở Mỹ ngày nay đòi hỏi Việt Nam phải chấp nhận và thực hiện một nền dân chủ họ đang hưởng ở Mỹ. Quan niệm của tôi là, đó là một sự sai lầm. Nền dân chủ đó không thích hợp với Việt Nam trong tình thế hiện nay”.
Với những nhận thức nêu trên, có lẽ chúng ta đã có được mẫu số chung cho câu chuyện đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc. Đó chính là mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, đó là sự ổn định để phát triển. Và như thế, những quan điểm định kiến, hẹp hòi, kích động thù hận, khơi sâu thêm chia rẽ như những viên sỏi nhỏ sẽ nhanh chóng chìm trong biển cả bao la của sự hòa hợp, của tình yêu quê hương đất nước luôn lan tỏa và đồng cảm trong trái tim mỗi người dân mang dòng máu con Lạc, cháu Hồng!