Lợi dụng dân chủ, nhân quyền - hai mũi tấn công nguy hiểm

Thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình” đối với Việt Nam, dân chủ, nhân quyền luôn là hai vấn đề chiến lược được các thế lực thù địch triệt để lợi dụng nhằm gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội (ANCT-TTXH), tiến tới xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.


Tạo sức ép từ bên ngoài, dựng “ngọn cờ” từ bên trong
Sử dụng hai chiêu bài này, các thế lực thù địch tiến hành rất nhiều thủ đoạn nguy hiểm. Trước hết, họ vu cáo, xuyên tạc, bóp méo tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam, ra sức tuyên truyền, cổ súy cho dân chủ tư sản phương Tây. Họ cho rằng, chế độ xã hội ở Việt Nam là độc tài, toàn trị. Họ lợi dụng những hạn chế, yếu kém trong quản lý xã hội, sơ hở, thiếu sót của ta trong quản lý, điều hành đất nước hoặc những vấn đề bức xúc trong xã hội để lôi kéo, kích động nhân dân vào các hoạt động biểu tình, gây mất ANCT-TTXH. Họ ra sức tuyên truyền, cổ vũ, cường điệu hóa các giá trị dân chủ tư sản, tuyệt đối hóa tính toàn cầu, tính phổ cập của quyền con người với luận điểm “nhân quyền cao hơn chủ quyền”, “lợi ích cá nhân cao hơn lợi ích cộng đồng, quốc gia”, tuyệt đối hóa các giá trị phổ quát về quyền con người theo mô hình của phương Tây; xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm quyền cơ bản của con người, đàn áp “những người bất đồng chính kiến” v.v..  Từ chỗ cho rằng, quyền con người là tuyệt đối, bất biến, các thế lực thù địch đã giải thích nhân quyền là tự do thực hiện quyền mà không bị cấm đoán, không bị giới hạn nhằm cổ suý hoạt động lợi dụng nhân quyền vi phạm pháp luật nước ta. Họ đặc biệt đẩy mạnh các chiến dịch phá hoại tư tưởng khi nước ta diễn ra những sự kiện chính trị quan trọng hay khi Việt Nam tham gia các hội nghị quan trọng của Liên hợp quốc hòng hạ thấp uy tín Việt Nam trên trường quốc tế.
Họ dùng dân chủ, nhân quyền làm điều kiện để gây sức ép, can thiệp vào nội bộ nước ta. Họ tìm cách gắn vấn đề viện trợ, hợp tác kinh tế với các điều kiện về dân chủ, nhân quyền trong quan hệ ngoại giao với Việt Nam; đòi nước ta phải chấp nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, cải cách chính trị, cải cách dân chủ, pháp luật theo kiểu phương Tây. Thông qua các buổi điều trần, họp báo, hội thảo của Quốc hội Mỹ, các nước châu Âu để gây sức ép buộc Việt Nam phải có những “tiến bộ cụ thể về nhân quyền, tôn giáo”. Thông qua các diễn đàn công khai như hội thảo, hội nghị khoa học, những buổi tiếp xúc, đối thoại với các cơ quan chức năng của Việt Nam, họ yêu cầu ta phải đưa ra các lộ trình thực hiện các điều ước quốc tế về dân chủ, nhân quyền, thành lập Tòa án Hiến pháp ở nước ta. Họ còn gửi thư, bản kiến nghị tới Liên hợp quốc, Quốc hội, Chính phủ các nước, lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta để phản đối việc chính quyền bắt giữ, xét xử một số đối tượng chống đối trong nước, đòi trả tự do cho cái gọi là “tù nhân lương tâm”. Lợi dụng việc chính quyền đấu tranh, xử lý số đối tượng bất mãn, cơ hội chính trị vi phạm pháp luật, họ đã tạo cớ, vu cáo chính quyền vi phạm dân chủ, nhân quyền, đàn áp người “bất đồng chính kiến” và những người “yêu nước”, kêu gọi sự can thiệp của cộng đồng quốc tế.
Họ dùng chiêu bài dân chủ, nhân quyền để thúc đẩy, hình thành hội, nhóm, tổ chức chính trị đối lập với Nhà nước. Họ xuyên tạc rằng, chế độ độc đảng ở Việt Nam là trở ngại lớn nhất trong quá trình dân chủ hóa ở Việt Nam, muốn có dân chủ thực sự thì Việt Nam nên xóa bỏ chế độ độc đảng. Thông qua đó, họ tập hợp lực lượng hình thành các tổ chức dưới danh nghĩa “bảo vệ dân chủ, nhân quyền”, “yêu nước” như: “Hội phụ nữ nhân quyền”,“Nhóm công dân tự do”, “Nhóm tuổi trẻ yêu nước”... Họ thúc đẩy sự ra đời của các khuynh hướng dân chủ cực đoan, phát triển “xã hội dân sự”, hình thành các tổ chức chính trị, hội nhóm bất hợp pháp; tạo dựng ngọn cờ tập hợp lực lượng chống phá từ bên trong. Họ còn tuyên truyền, vận động số người có biểu hiện cơ hội, bất mãn ký tên vào kiến nghị, tuyên bố… nhằm đưa ra yêu sách “dân chủ, nhân quyền”, “bảo vệ chủ quyền”… Họ còn vận động các tổ chức quốc tế trao “giải thưởng nhân quyền” cho các đối tượng bất đồng chính kiến, hay những đối tượng vi phạm pháp luật bị ta bắt, xử lý ở trong nước… nhằm cổ súy, khích lệ số đối tượng trong nước hoạt động quyết liệt, tích cực hơn.
Các thế lực thù địch triệt để tác động Quốc hội Mỹ, EU và các nước phương Tây thông qua các dự luật, nghị quyết, báo cáo thường niên... với nội dung xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam, vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, đàn áp tôn giáo nhằm làm cho cộng đồng quốc tế hiểu không đúng tình hình trong nước, điển hình như: Báo cáo Tự do tôn giáo quốc tế của Bộ Ngoại giao Mỹ; Báo cáo tình hình nhân quyền thế giới hằng năm của Anh, Úc; Nghị quyết của Nghị viện châu Âu... Trong đó, chỉ riêng Hạ viện Mỹ hằng năm đã liên tục thông qua nhiều dự luật, nghị quyết về tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Báo cáo thường niên của các tổ chức quốc tế, như: Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW), Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI); Nhà Tự do (FH), Ủy ban bảo vệ nhà báo (CPJ)... mặc dù phải thừa nhận Việt Nam có “chuyển biến tích cực” về dân chủ, nhân quyền nhưng vẫn xuyên tạc Nhà nước ta vi phạm dân chủ, nhân quyền. Họ còn tìm cách thông qua các chính khách cực đoan tác động đưa Việt Nam trở lại danh sách “các nước cần quan tâm đặc biệt về tôn giáo” (CPC) để áp dụng các biện pháp “trừng phạt” đối với nước ta.
Để đẩy lùi hai mũi tiến công nguy hiểm
Trong những năm tới, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, việc lợi dụng dân chủ, nhân quyền vẫn là chiêu bài được các thế lực bên ngoài triệt để lợi dụng nhằm gây mất ổn định, can thiệp sâu vào nội bộ của ta. Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động này, thời gian tới, cần thực hiện tốt những vấn đề sau: 
Một là, công tác phòng, chống hoạt động lợi dụng dân chủ, nhân quyền xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội nước ta luôn phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện, tuyệt đối của Đảng; sự quản lý, điều hành của Chính phủ nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong triển khai công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn làm thất bại âm mưu, hoạt động lợi dụng dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo chống phá Việt Nam từ cấp cơ sở. Nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò công tác bảo vệ và đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn hoạt động lợi dụng nhân quyền chống phá ta, coi đó là trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành và nhân dân để huy động sự tham gia của cả xã hội trong công tác này.
Hai là, tiếp tục tham mưu cho Đảng, Nhà nước xây dựng và hoàn thiện các chính sách, văn bản pháp luật nhằm bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền con người đi đôi với việc kiện toàn các cơ quan bảo vệ pháp luật. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, phát huy quyền dân chủ của nhân dân trên cơ sở pháp luật. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Xây dựng và củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở bảo đảm thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tôn giáo ở địa phương. Tăng cường công tác quản lý báo chí, xuất bản; kiểm soát chặt chẽ an ninh thông tin, quản lý internet, tích cực đấu tranh ngăn chặn việc tán phát tài liệu, tin tức xuyên tạc, thù địch về dân chủ, nhân quyền ở nước ta. 
Ba là, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền chính sách, thành tựu bảo đảm quyền con người ở Việt Nam. Kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền đối nội và tuyên truyền đối ngoại; tận dụng thế mạnh của các kênh ngoại giao, đối thoại, hợp tác làm cho cộng đồng quốc tế, kiều bào ta ở nước ngoài hiểu đúng quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thành tựu đã đạt được trong bảo đảm quyền con người ở Việt Nam, góp phần đấu tranh có hiệu quả với các luận điệu vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, đàn áp dân tộc, tôn giáo hòng can thiệp nội bộ nước ta.
Bốn là, chủ động triển khai nắm tình hình, dự báo kịp thời mọi âm mưu, hoạt động lợi dụng dân chủ, nhân quyền của các thế lực thù địch để triển khai những biện pháp phòng ngừa, đấu tranh. Kịp thời phát hiện, phối hợp giải quyết dứt điểm các mâu thuẫn, khiếu kiện, “điểm nóng” ngay từ cơ sở, không để kéo dài, không lây lan, vượt cấp. Trong xử lý các vấn đề nhạy cảm về dân chủ, nhân quyền phải tính toán, cân nhắc thời điểm phù hợp, bảo đảm yêu cầu chính trị, pháp luật, đối ngoại theo hướng kiên định về nguyên tắc nhưng khôn khéo, linh hoạt về phương pháp, tranh thủ được sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân trong nước và cộng đồng quốc tế, kiên quyết không làm phức tạp thêm tình hình, không sơ hở để địch lợi dụng vu cáo, xuyên tạc.
Năm là, tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói, giảm nghèo… kết hợp với thực hiện công bằng xã hội, không ngừng nâng cao trình độ dân trí, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo nhằm góp phần bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền và lợi ích chính đáng của người dân trên cơ sở pháp luật; tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh bảo đảm ổn định ANCT-TTXH. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các cam kết quốc tế và các khuyến nghị về nhân quyền mà Việt Nam đã chấp thuận. Tăng cường hợp tác quốc tế trên lĩnh vực nhân quyền với các quốc gia, tổ chức quốc tế quan tâm vấn đề này ở nước ta.

Internet không phải là công cụ kích động hận thù, chia rẽ đoàn kết quốc tế

Thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, các phương tiện truyền thông, đặc biệt là internet ngày càng trở thành phương tiện hữu ích đối với đời sống con người. Không chỉ góp phần bảo đảm tốt hơn quyền tự do ngôn luận, các phương tiện truyền thông hiện đại nói chung, internet nói riêng còn giúp các quốc gia trên thế giới thêm hiểu và ngày càng xích lại gần nhau hơn.
Thế nhưng những năm qua, nhất là thời gian gần đây, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng những ưu thế của internet để gia tăng hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc, cổ xúy cho tư tưởng phân biệt chủng tộc, kích động hận thù, phá hoại đoàn kết quốc tế.
Trên internet, các thế lực thù địch, những phần tử cơ hội chính trị, phản động lập ra hàng nghìn website, trang mạng xã hội, diễn đàn trực tuyến... để sử dụng như một công cụ chủ yếu tuyên truyền, xuyên tạc, bịa đặt nhằm kích động hận thù, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, phá hoại mối quan hệ giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Những vấn đề nhạy cảm, phức tạp, những sự kiện “nóng” thu hút sự quan tâm của dư luận, như: Dân tộc, tôn giáo; Biển Đông; phân giới cắm mốc giữa Việt Nam với các quốc gia láng giềng; ô nhiễm môi trường; phòng, chống tham nhũng v.v.. được các thế lực thù địch, phản động triệt để lợi dụng chống phá.
Còn nhớ, sau khi Hiệp ước về biên giới đất liền được ký kết (ngày 30-12-1999), Việt Nam và Trung Quốc đã cùng nhau phân giới cắm mốc trên thực địa. Đây là việc làm cần thiết và đã được Việt Nam và Trung Quốc thực hiện chặt chẽ, thỏa đáng, thấu tình đạt lý, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản, đáp ứng các yêu cầu đặt ra. Thế nhưng trong quá trình tiến hành, một số tổ chức, cá nhân phản động ở trong và ngoài nước qua internet đã tung ra hàng loạt những luận điệu xuyên tạc, thông tin trái chiều gây nhiễu loạn dư luận. Họ cho rằng “Trung Quốc giành được một số vùng lãnh thổ mà trước đó Việt Nam tuyên bố chủ quyền”. Có ý kiến cho rằng, trong phân giới, cắm mốc với Trung Quốc, Việt Nam “chịu nhiều thua thiệt”. Có kẻ còn dựng chuyện, bịa đặt rằng “Chính phủ Việt Nam nhường đất cho Trung Quốc”, “Việt Nam đã mất một phần lãnh thổ trong quá trình phân giới, cắm mốc với Trung Quốc”... Rồi từ những thông tin xuyên tạc, bịa đặt ấy, qua internet, họ kích động nhân dân Việt Nam “cần đòi lại bằng vũ lực...”. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần khẳng định, những thông tin ấy là thất thiệt, vô căn cứ. Các thế lực thù địch, một số tổ chức, cá nhân phản động muốn lợi dụng sự kiện ấy để tuyên truyền xuyên tạc làm giảm sút niềm tin của quần chúng nhân dân vào Đảng và Nhà nước Việt Nam, kích động bạo lực, gây chia rẽ mối quan hệ đoàn kết hữu nghị giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam-Trung Quốc.
Tương tự quá trình đàm phán thực hiện Hiệp ước hoạch định biên giới năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 về biên giới, phân giới, cắm mốc giữa Việt Nam và Campuchia đã và đang được tiến hành hoàn toàn hợp pháp, công khai, minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế. Thế nhưng lợi dụng một số vấn đề nảy sinh trong công tác phân giới, cắm mốc giữa Việt Nam và Campuchia, những người có tư tưởng thù địch, một số phần tử chống đối, cực đoan phản động đã qua internet tán phát thông tin, tuyên truyền xuyên tạc, kích động, lôi kéo những người dân thiếu thông tin và kiến thức về quá trình đàm phán, phân giới, cắm mốc giữa hai nước để tiến hành các hoạt động phá hoại. Trên mạng xã hội, chúng cho rằng Campuchia đã “cúi đầu quá nhanh” trước Việt Nam; “Việt Nam tạo áp lực với Campuchia”... Chưa hết, qua mạng xã hội, chúng còn vu cáo Việt Nam sử dụng bản đồ giả, ngụy tạo thông tin về đường biên giới với Campuchia... Từ những thông tin xuyên tạc, bịa đặt ấy chúng không nhằm mục đích nào khác là gây sự hiểu lầm, tạo hiềm khích dân tộc, gieo rắc những tư tưởng thù địch, hoài nghi về mối quan hệ tốt đẹp của hai dân tộc, hai Chính phủ và nhân dân hai nước Việt Nam - Campuchia.
Hay trong sự cố môi trường biển ở các tỉnh miền Trung, ngay sau khi xảy ra sự việc, lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta đã chỉ đạo quyết liệt, triển khai kịp thời các biện pháp hỗ trợ, ổn định cuộc sống của người dân vùng bị thiệt hại... Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, các cơ quan khoa học khẩn trương vào cuộc với tinh thần thận trọng, khoa học, chính xác, khách quan và đúng pháp luật; xác định rõ nguyên nhân, đối tượng gây ra sự cố và có giải pháp xử lý kịp thời. Thế nhưng thông qua internet, với chiêu trò xuyên tạc, bịa đặt, cắt dán, gán ghép thông tin, các thế lực thù địch đã tạo nên sự nhiễu loạn trên truyền thông xã hội, làm cho thật giả, trắng đen lẫn lộn. Chúng vu cáo rằng, các cấp lãnh đạo “vì lợi ích nhóm mà bỏ quên môi trường”, “biết nguyên nhân gây ô nhiễm nhưng che giấu thông tin”, "bao che cho nhà thầu nước ngoài"... Chúng xuyên tạc chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam, tuyên truyền, kích động người dân “tẩy chay” các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà thầu đến từ Trung Quốc và Đài Loan... Chưa dừng ở đó, chúng còn soạn ra cái gọi là "tâm thư”, “khuyến nghị”... gửi ra nước ngoài kêu gọi các tổ chức quốc tế can thiệp.
Trên đây chỉ là một vài ví dụ dẫn ra để thấy internet đang bị những đối tượng có tư tưởng thù địch, phản động triệt để sử dụng làm công cụ tuyên truyền kích động hận thù, chia rẽ mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước và các tổ chức quốc tế. Những hành động đó đã vi phạm pháp luật Việt Nam và công ước quốc tế.
"Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị" năm 1966 quy định rất rõ về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Khoản 2, Điều 19 của Công ước quy định: “Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tùy theo sự lựa chọn của họ”. Tuy nhiên, cần nhớ rằng những quyền ấy không phải là quyền tuyệt đối. Khoản 3, Điều 19 "Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị" năm 1966 ghi rõ: “Việc thực hiện những quyền quy định tại Khoản 2 điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, việc hưởng thụ quyền này có thể phải chịu một số hạn chế nhất định (những hạn chế này phải được quy định trong pháp luật) để tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của xã hội". Năm 1982, Việt Nam tham gia "Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị". Từ đó đến nay, Việt Nam luôn quan tâm nội luật hóa các quy định của công ước vào hệ thống pháp luật quốc gia.
Ở Việt Nam, quyền tự do ngôn luận, báo chí của người dân được quy định rất rõ. Tại Điều 25 của Hiến pháp năm 2013 nêu: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Điều 9, Luật Báo chí Việt Nam 2016 nghiêm cấm: “1. Đăng, phát thông tin chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nội dung: a) Xuyên tạc, phỉ báng, phủ nhận chính quyền nhân dân; b) Bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; c) Gây chiến tranh tâm lý. 2. Đăng, phát thông tin có nội dung: a) Gây chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân, giữa nhân dân với chính quyền nhân dân, với lực lượng vũ trang nhân dân, với tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội; b) Gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ, ly khai dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam; c) Gây chia rẽ người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người theo các tôn giáo khác nhau, chia rẽ các tín đồ tôn giáo với chính quyền nhân dân, với tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội; xúc phạm niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; d) Phá hoại việc thực hiện chính sách đoàn kết quốc tế”. Những quy định ấy đều tương thích với "Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị".
Trên thế giới, không một quốc gia nào dung túng, bao che cho những hành động sử dụng internet làm công cụ để xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và tạo mọi điều kiện để người dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do internet trên cơ sở tuân thủ công ước quốc tế và pháp luật Việt Nam. Chính phủ Việt Nam luôn chủ động phối hợp, tích cực hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế để đẩy mạnh phát triển công nghệ thông tin, phát triển internet và các phương tiện truyền thông hiện đại. Nhưng Việt Nam cũng làm hết sức mình để ngăn chặn thông tin xấu độc, thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam và công ước quốc tế. Việt Nam luôn mong muốn chung tay với các nước, các tổ chức quốc tế xây dựng môi trường internet lành mạnh, an toàn, hữu ích ở Việt Nam và toàn cầu. Cũng như mọi quốc gia trên thế giới, Việt Nam lên án mạnh mẽ, đấu tranh kiên quyết, không cho phép bất kỳ ai được lợi dụng tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do internet để tán phát những thông tin xuyên tạc, bịa đặt, những luận điệu thù hận, phỉ báng, kích động có thể gây căng thẳng, gây chia rẽ đoàn kết và đưa đến xung đột. Mọi hành vi vi phạm trong lĩnh vực sử dụng internet và phương tiện truyền thông đều bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật.

CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI NGA SOI SÁNG CON ĐƯỜNG CÁCH MẠNG VIỆT NAM

Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, cách mạng Việt Nam bế tắc về con đường cứu nước, giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ, áp bức của chế độ thực dân, phong kiến. Nhiều phong trào do các sĩ phu yêu nước tiến hành đều không mang lại kết quả thiết thực. Trước tình hình đó, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân. Sau nhiều năm bôn ba ở nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc đã đến với ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lê-nin và Cách mạng Tháng Mười Nga. Người đã tìm thấy ở chủ nghĩa Lê-nin và Cách mạng Tháng Mười như “cuốn cẩm nang thần kỳ” của con đường giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc Việt Nam.
“Cuốn cẩm nang thần kỳ”
Như một cuộc hẹn lịch sử, Nguyễn Ái Quốc lựa chọn con đường giải phóng dân tộc Việt Nam là đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga. “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Đó là sự lựa chọn hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với xu thế thời đại và nguyện vọng cháy bỏng của nhân dân ta. Xác định rõ cách mạng Việt Nam phải đi theo Cách mạng Tháng Mười Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ con đường, lực lượng, phương pháp cách mạng Việt Nam. Đó là con đường đánh đổ thực dân phong kiến, tư sản phản động, giành độc lập dân tộc, đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH). Lực lượng cơ bản của cách mạng là công nông, bởi “công nông là gốc cách mệnh; còn học trò, nhà buôn nhỏ, điều chủ nhỏ… là bầu bạn của cách mệnh”. Sử dụng phương pháp bạo lực của quần chúng nhân dân, bởi “dân khí mạnh thì quân lính nào, súng ống nào cũng không chống lại được”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh, để cách mạng Việt Nam thắng lợi nhất thiết phải xây dựng được một Đảng kiên trung, lấy chủ nghĩa Mác-Lê-nin làm nòng cốt.
Con đường cách mạng được khẳng định rõ ràng trong những văn kiện thông qua tại Hội nghị hợp nhất, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3-2-1930, đó là “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, với cương lĩnh đúng đắn của Đảng là kết quả của sự vận động, phát triển cách mạng trong hoàn cảnh cụ thể ở Việt Nam, phù hợp với xu thế của thời đại được mở ra từ Cách mạng Tháng Mười Nga, kết thúc thời kỳ khủng hoảng đường lối cách mạng Việt Nam. Không chỉ soi sáng về lý luận, kinh nghiệm, sự lớn mạnh của Liên Xô và những chiến thắng quyết định của Hồng quân đối với chủ nghĩa phát xít tạo điều kiện quốc tế thuận lợi làm xuất hiện tình thế và thúc đẩy sự chín muồi thời cơ cho cách mạng Việt Nam. Ngày 8-8-1945, Liên Xô tuyên chiến với phát xít Nhật. Chỉ ít ngày sau, Hồng quân Liên Xô đã tiêu diệt đạo quân Quan Đông trên 1,2 triệu tên, lực lượng chủ yếu của phát xít Nhật. Ngày 15-8-1945, phát xít Nhật đầu hàng quân Đồng minh. Việc Liên Xô đè bẹp chủ nghĩa phát xít, trực tiếp đánh bại đạo quân Quan Đông buộc chính phủ Nhật phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện là yếu tố tạo nên thời cơ cho thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Cùng với nhân dân các nước thuộc địa trên thế giới, nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chớp lấy thời cơ “ngàn năm có một” “để đem sức ta mà giải phóng cho ta” đã tiến hành tổng khởi nghĩa làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, tuyên bố độc lập và khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Cũng từ đó, cách mạng Việt Nam đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác như đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, thống nhất đất nước và bước vào thời kỳ quá độ lên CNXH. Với tinh thần quốc tế vô sản cao cả, Liên Xô đã ủng hộ to lớn, toàn diện công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, xây dựng CNXH của nhân dân ta. Nếu không có sự giúp đỡ quý báu, chí tình, chí nghĩa đó, cách mạng Việt Nam ắt sẽ gặp không ít khó khăn và khó có được thành tựu như hiện nay. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Uống nước nhớ nguồn. Càng nhớ lại những ngày tủi nhục mất nước, nhớ lại mỗi bước đường đấu tranh cách mạng đầy hy sinh, gian khổ mà cũng đầy thắng lợi vẻ vang thì giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam càng thấm thía công ơn to lớn của Lê-nin và Cách mạng Tháng Mười”.
Sự lựa chọn đúng đắn
Bước vào thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước theo định hướng XHCN, từ những giá trị bất hủ của Cách mạng Tháng Mười, từ những bài học thành công và thất bại của quá trình xây dựng CNXH trên thế giới, Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành nhiều thành tựu quan trọng. Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, chịu hậu quả nặng nề của nhiều năm chiến tranh, lại bị bao vây cấm vận, Việt Nam đã vượt lên, phát triển kinh tế khá nhanh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều thành phần kinh tế, nhiều hình thức sở hữu, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế. Đất nước ta không những thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội, phá được thế bao vây cấm vận, vượt qua những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ khu vực và thế giới những năm 1997, 1998 và cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế những năm gần đây mà vẫn giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Kinh tế đối ngoại phát triển mạnh, mở rộng hơn trước, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội. Vị thế Việt Nam trên trường quốc tế ngay càng được nâng cao. Việt Nam là thành viên Liên hợp quốc và có quan hệ với hầu hết các nước trên thế giới cùng nhiều tổ chức quốc tế, khu vực.
Thực tiễn thành tựu của Việt Nam là thực tế sinh động góp phần phản bác sự xuyên tạc, phủ nhận giá trị của Cách mạng Tháng Mười, phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lê-nin và con đường xây dựng CNXH của nước ta. Xét cả về lý luận và thực tiễn, thành tựu mà Việt Nam giành được trong những năm qua đã chứng minh sự lựa chọn con đường đi theo Cách mạng Tháng Mười của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng và nhân dân Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn.


KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN QUY LUẬT KHÁCH QUAN

Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy biến động với nhiều sự kiện diễn ra nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Thế giới ấy nhìn có thể nhìn ở nhiều góc độ, nhiều cách tiếp cận khác nhau, song mang hai nội dung chính yếu, thống nhất biện chứng trong tổng thể của sự vận động, phát triển của thế giới đương đại, mà thế kỷ XXI đã, đang và sẽ chứng kiến. Trong đó, sự quá độ của xã hội loài người từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới, mở đầu bằng Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga vĩ đại là nội dung chủ yếu của thời đại, đó là cái nhìn tổng quát, mang tính biện chứng, khách quan, khoa học, từ góc độ hình thái kinh tế – xã hội; và sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, kinh tế tri thức, xét từ góc độ kinh tế – kỹ thuật, sự phát triển của lực lượng sản xuất mới.
Có thể thấy rằng, lịch sử thế giới kể từ sau Cách mạng Tháng Mười Nga 1917 đến nay đã có những thay đổi và biến động hết sức to lớn, sâu sắc. Chủ nghĩa xã hội từ lý luận đã trở thành hiện thực sinh động; từ một nước trở thành hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới, là chỗ dựa và là động lực chủ yếu thúc đẩy sự phát triển của các phong trào cách mạng khắp hành tinh; rồi từ hệ thống thế giới còn lại những nước tiếp tục xây dựng, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa với diện mạo mới, sức sống mới. Điều đó phản ánh những bước thăng trầm, quanh co, khúc khuỷu nhưng tất thắng của chủ nghĩa xã hội với tư cách là một học thuyết khoa học và cách mạng, một hình thái kinh tế – xã hội và với tư cách một chế độ xã hội mới đầy ưu việt mà nó vốn có, là sự kết tinh, thâu thái tất cả những thành tựu tinh hoa mà các hình thái kinh tế – xã hội trước đã tạo ra, trên con đường đấu tranh khẳng định sự tồn tại hợp quy luật của của sự vận động, phát triển của tự nhiên, xã hội và tư duy nhân loại. Sự biến đổi to lớn và sâu sắc ấy là sự biến đổi của thế giới khách quan trong thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn cầu mà Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga 1917 đã mở ra. Đi lên chủ nghĩa xã hội là xu thế vận động khách quan của lịch sử. Vì thế, sẽ chẳng có thế lực nào, dù có dã tâm thâm độc với đầy mưu ma chước quỷ và sức mạnh quấy phá đến đâu, cũng không thể “nắn” lại xu thế ấy hoặc cố tình lấy gậy chọc bánh xe, nuôi hy vọng chặn bước, ngăn đường, cản trở lịch sử.
Sự phát triển và những thành tựu to lớn của chủ nghĩa xã hội hiện thực đối với loài người tiến bộ trên thế giới đã chứng tỏ lý tưởng xã hội chủ nghĩa là lý tưởng phù hợp với quy luật vận động, phát triển khách quan của lịch sử; chủ nghĩa xã hội là giá trị nhân văn của nhân loại. Mọi người đều rõ, chính Liên xô, đất nước – quê hương của Cách mạng Tháng Mười Nga, đã cùng với các lực lượng yêu chuộng hoà bình, tiến bộ, là lực lượng quyết định tiêu diệt chủ nghĩa phát xít; chính Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa là trụ cột của hoà bình và cách mạng, làm nguội đi những cái đầu hiếu chiến của các thế lực đế quốc, phát xít, bảo đảm nền hoà bình của thế giới trong nửa cuối thế kỷ XX. Không có Cách mạng Tháng Mười Nga và chủ nghĩa xã hội hiện thực thì giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cũng như các dân tộc bị áp bức trên thế giới vẫn chìm đắm trong sự áp bức, nô dịch của chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa thực dân, đế quốc. Và, trong gần 100 năm qua, nếu như chủ nghĩa tư bản có sự tiến bộ nào đó về mặt xã hội, thì đó cũng là kết quả của quá trình đấu tranh bền bỉ, liên tục của giai cấp công nhân, nhân dân lao động ở các nước tư bản và sự ảnh hưởng to lớn bởi những giá trị nhân văn, vì con người của chủ nghĩa xã hội hiện thực thế giới. Tính chất ưu việt, bản chất hòa bình, nhân đạo, nhân văn và cống hiến của chủ nghĩa xã hội đã được lịch sử kiểm nghiệm, khẳng định, không thể bác bỏ, dù thời cuộc có đổi thay, dù lịch sử đang diễn ra những bước quanh co, phức tạp, song tính chất của thời đại và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là một tất yếu khách quan, không thế lực thù địch nào có thể cản bước, ngăn đường. Chúng ta ý thức sâu sắc rằng, chủ nghĩa xã hội đến sớm hay muộn, bằng hình thức này hay hình thức khác, thành công sớm ở nơi này hay nơi khác mà thôi.

Chủ nghĩa xã hội hiện thực đang ở thập kỷ thứ 10 của sự phát triển với những bước thăng trầm, gồm cả những thành tựu, công lao to lớn đối với nhân loại và cả những tổn thất nặng nề, để rồi một số nước còn lại tiếp tục con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, tạo cho chủ nghĩa xã hội hiện thực một diện mạo mới năng động, sáng tạo và phong phú hơn. Hiện nay, gần 1,5 tỷ người trên hành tinh vẫn đang đi theo con đường xã hội chủ nghĩa với những thành tựu đáng trân trọng, tự hào. Dù còn nhiều khó khăn, thách thức, phức tạp, nhưng sự phát triển của các nước xã hội chủ nghĩa còn lại đã chứng minh một cách rõ ràng: chủ nghĩa xã hội là hiện thực, là thực tế, đã và đang đổi mới, được xây dựng, phát triển trên cơ sở những bài học kinh nghiệm rút ra trong quá khứ; từ sự nhận thức lại và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin trong điều kiện mới, dựa trên cơ sở “hiện thực khách quan” mới, dựa chắc vào đặc điểm, đặc thù của từng quốc gia – dân tộc. Điều đó cho thấy sức sống mới của chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh lịch sử mới là vô địch./.

Nhận diện các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị


      Hiện nay ở Việt Nam, các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị được sự cổ vũ, hà hơi, tiếp sức của các thế lực xấu, đang đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất ổn định chính trị để phục vụ ý đồ làm rối loạn tư tưởng xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín, vị thế và sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, đến mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
     Xét một cách tổng quát, biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là những người có quan điểm, thái độ chính trị thiếu nhất quán, không kiên định, vững vàng; khi cách mạng phát triển thuận lợi thì tỏ ra tích cực, hăng hái; khi cách mạng gặp khó khăn thì dao động, thoái chí, thỏa hiệp, thậm chí phản bội, đầu hàng, quay lại chống phá cách mạng. Các phần tử này thường núp dưới danh nghĩa đổi mới, cải cách, dân chủ, nhân quyền để mưu đồ lợi ích riêng. Các phần tử này đều có xu hướng câu kết với các thế lực thù địch, hoặc bị các thế lực thù địch tìm mọi cách lôi kéo, hỗ trợ, tiếp sức, câu kết nhằm biến thành kẻ phản bội, phản động, đứng hẳn về phía đối lập, chống lại sự nghiệp cách mạng. Có thể nhận dạng những người có biểu hiện cơ hội, bất mãn chính trị ở nước ta, đó là:
     1. Những người có lập trường tư tưởng chính trị không vững vàng, dễ dao động, thiếu niềm tin, luôn hoài nghi, thiếu tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Do bản chất cơ hội, lập trường mơ hồ, thiếu kiên định, cho nên khi cách mạng gặp khó khăn, bất lợi thì hoang mang, thỏa hiệp, phụ họa theo nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái, thù địch, quay lại chống phá cách mạng, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chống phá Đảng và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
     2. Những người lợi dụng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để mưu cầu lợi ích riêng. Họ thường che giấu mặt thật, ít bày tỏ quan điểm, chính kiến rõ ràng, thái độ chính trị trung dung, thỏa hiệp, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, “dĩ hòa vi quý”, chỉ làm việc có lợi cho bản thân; lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy lòng, hoặc vu khống, bôi nhọ, chỉ trích, phê phán người khác với động cơ không trong sáng. Họ lợi dụng chủ trương, chính sách, móc ngoặc với người có chức, có quyền để trục lợi, tiến thân. Họ lợi dụng thiếu sót, sơ hở của chính sách để công kích, chống phá, gây mất đoàn kết nội bộ, làm mất uy tín của Đảng, bôi nhọ, nói xấu chính quyền. Họ lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo để gây chia rẽ nội bộ, chia rẽ giữa các dân tộc, giữa các tôn giáo, giữa dân tộc với tôn giáo, giữa các dân tộc, tôn giáo với Đảng và Nhà nước.
     3. Những người suy thoái, biến chất về tư tưởng chính trị, hoặc bị kỷ luật, không kiếm được lợi lộc sinh bất mãn, bị các thế lực thù địch tác động, lôi kéo, mua chuộc. Hầu hết những phần tử này có tham vọng chính trị, chức quyền và khi tham vọng không được đáp ứng thì họ bất mãn. Họ lợi dụng xu thế dân chủ hóa, mạng xã hội, tranh thủ sự hậu thuẫn của các thế lực thù địch ở nước ngoài dưới các chiêu bài dân chủ, nhân quyền, ráo riết tập hợp lực lượng, từng bước công khai hóa tổ chức chính trị đối lập dưới hình thức hội, nhóm để thực hiện mưu đồ xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
     4. Những người thực dụng về kinh tế và muốn thể hiện mình trước tổ chức, tập thể. Họ sẵn sàng rẽ theo bất cứ con đường nào miễn là có lợi ích kinh tế lớn hơn; thường tự coi là người có học, hiểu biết, tỏ ra nổi trội, muốn đưa ra “phát kiến” mới, rồi lôi kéo, tổ chức, gây thanh thế. Khi mục đích kinh tế không đạt được, do các nguyên nhân khác nhau mà “phát kiến” không được chấp nhận, hoặc mối quan hệ kinh tế không trong sáng bị phát hiện, ngăn chặn, các phần tử này lập tức thể hiện thái độ chống đối Đảng, chế độ; phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh...
     Đấu tranh với các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị là yêu cầu khách quan, thường xuyên, là vấn đề cấp bách, liên quan trực tiếp đến sự tồn vong của chế độ, tới sinh mệnh của Đảng. Để đấu tranh với những người cơ hội và bất mãn chính trị có hiệu quả, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, các cấp, các ngành cần đồng thời vào cuộc thực hiện quyết liệt, đồng bộ và toàn diện các giải pháp về chính trị, tư tưởng, tổ chức, cơ chế, chính sách, pháp luật với quyết tâm cao, nhất là của đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu các tổ chức đảng, chính quyền các cấp.
    Trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, phản động của các phần tử cơ hội và bất mãn chính trị, cần dựa trên cơ sở khoa học xác đáng, với luận điểm đúng đắn, luận cứ rõ ràng, luận chứng sắc bén, có tính thuyết phục cao. Bên cạnh đó, cần quản lý chặt chẽ các phương tiện thông tin truyền thông, nhất là in-tơ-nét và mạng xã hội; kiểm soát, tổ chức tốt việc thu hồi tài liệu, ấn phẩm mà các phần tử cơ hội và bất mãn chính trị phát tán để xuyên tạc đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kích động phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.



CẢNH GIÁC TRƯỚC ÂM MƯU, HOẠT ĐỘNG "DIỄN BIẾN HÒA BÌNH" CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH

Tại Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh 4 nguy cơ mà Đảng đã chỉ ra vẫn tồn tại, trong đó có nguy cơ “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch nhằm chống phá nước ta
Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động quốc tế đã và đang thực hiện Chiến lược "Diễn biến hoà bình" (DBHB) dưới một phương thức, thủ đoạn mới để chống phá và đi đến xoá bỏ chủ nghĩa xã hội. Nội dung cơ bản của chiến lược DBHB là bằng mọi cách nhằm phá hoại các nước xã hội chủ nghĩa về chính trị, tư tưởng, kinh tế, văn hoá, xã hội… Thành quả quan trọng sau hơn 30 năm đổi mới đất nước là minh chứng cho thấy đường lối, quyết sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta trên con đường xây dựng Tổ quốc Việt Nam XHCN. Dẫu thế, đất nước ta hiện vẫn đang đứng trước nhiều nguy cơ, thách thức, trong đó có nguy cơ đáng lo ngại là các thế lực thù địch, phản động vẫn đang ráo riết thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, nhằm chống phá nước ta, nhất là trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng.
          Những năm gần đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, trang mạng xã hội xuất hiện ngày càng nhiều. Với sự tiện lợi, thông tin nhanh và lan tỏa trong phạm vi rộng khắp, mạng xã hội được nhiều người sử dụng để cập nhật tin tức. Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động cũng đã và đang triệt để tận dụng các trang mạng không chính thống, để thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, với biểu hiện tinh vi, xảo quyệt.
Chúng lợi dụng một số vấn đề bức xúc của nhân dân, để đưa ra những thông tin thiếu chính xác, bịa đặt, xuyên tạc trên các trang mạng xã hội, với mục đích bôi nhọ chủ trương, đường lối của Đảng, hòng làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ta.
Thời gian qua, có hàng loạt trang Facebook, mạo danh lấy tên của lãnh đạo Đảng, Nhà nước khiến nhiều người nhầm tưởng là trang cá nhân của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Nhưng kỳ thực, đó là chiêu trò của các thế lực thù địch trong thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”. Đối với các trang mạng này, để người đọc quan tâm, tin tưởng, trước hết các thế lực thù địch đưa những thông tin nhanh và đúng như các tờ báo chính thống tại Việt Nam, dần về sau thì đưa những thông tin trái chiều, nhằm tác động đến nhận thức, tư tưởng, tạo sự hoài nghi, hoang mang đối với người đọc.
Trên thực tế, có một số cán bộ, đảng viên và người dân không biệt được thật, giả của các trang Facebook, thông tin trên mạng xã hội, nên đã tham gia bình luận, chia sẻ, phát tán thông tin trên các trang mạo danh này.
Âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch ngày càng thâm sâu, vì vậy mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân phải đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh chống lại âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Trách nhiệm này bắt nguồn từ tình yêu Tổ quốc trong mỗi người, phải hết sức chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia các trang mạng xã hội. Mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần gương mẫu, tuyên truyền, giáo dục, vận động người dân hiểu được bản chất, âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; đồng thời là những tuyên truyền viên tích cực để đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân và nâng cao ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân. Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kịp thời nắm bắt, định hướng thông tin dư luận, nhằm tạo sự đồng thuận cao trong triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần phải có giải pháp hữu hiệu trong công tác quản lý thông tin trên môi trường mạng.


.


BỘ MẶT THẬT CỦA TỔ CHỨC KHỦNG BỐ VIỆT TÂN

        Tổ chức khủng bố Việt tân manh nha xuất hiện khi Hoàng Cơ Minh thành lập cái gọi là “mặt trận quốc gia thống nhất giải phóng Việt Nam” (“mặt trận”) và ra đời tại Ubon năm 1983. Với dã tâm chống phá Việt Nam, Hoàng Cơ Minh đã dẫn một đám tàn quân xuyên qua Thái-lan và Lào để thực hiện mưu sâu kế hiểm. Ngỡ đây sẽ là cú bất ngờ có thể xoay chuyển cục diện, cho nên Hoàng Cơ Minh chủ trương thực hiện ba đợt Đông tiến: Đông tiến I (1985 - 1986), Đông tiến II (1987), Đông tiến III (1989). Nguồn tài chính của đám tàn quân dưới sự dẫn dắt của Hoàng Cơ Minh lấy từ việc làm “giả chiến khu” để lừa gạt bà con ở hải ngoại quyên góp. Tuy nhiên, Hoàng Cơ Minh đã phải bỏ mạng, xác được đám đàn em chôn vội ở bìa rừng heo hút trên đất Lào. Nếu thông tin về cái chết của Hoàng Cơ Minh và ba lần “Đông tiến” thất bại thảm hại đến với người Việt ở hải ngoại thì Việt tân khó vượt qua được sóng gió, vì vậy, mấy kẻ đầu não còn lại trong gia đình họ Hoàng Cơ tiếp tục lún sâu vào tội ác bằng thủ đoạn lừa dối, tráo trở. Hoàng Cơ Minh tự sát ngày 28-8-1987 nhưng cho tới 14 năm sau, trước sức ép của các nhân chứng sống vụ “Đông tiến” và tin tức từ một số cơ quan truyền thông, Việt tân mới công bố Hoàng Cơ Minh đã chết. Trong 14 năm ấy, Việt tân vẫn trơ tráo đưa Hoàng Cơ Minh lên các trang báo chúc mừng các ngày lễ của bà con người Việt ở hải ngoại!...
        Năm 2004, Việt tân chính thức hoạt động công khai ở hải ngoại. Được hỏi về “mặt trận”, Việt tân ngúng nguẩy, coi như không liên quan, và cố gắng chứng minh sự khác nhau giữa hai tổ chức! Trong khi đó Hoàng Cơ Minh lại được xem là “ông tổ” cùng đồng bọn mấy lần “Đông tiến”, dùng tính mạng đổi lấy niềm tin của người Việt tại hải ngoại rót tiền vào quỹ. Thật lạ lùng khi quỹ này được Việt tân thao túng, tiêu xài và đầu tư phở bò! Hệ thống “phở Hòa” ở Mỹ, Ca-na-đa, Ô-xtrây-li-a, Hàn Quốc... lên tới hơn 50 tiệm, chưa kể tới hệ thống hàng quán Cadao và xưởng may mặc ở Xlô-va-ki-a... Theo thông tin từ mấy kẻ đầu não Việt tân, chỉ trong khoảng hai năm, số tiền người Việt ở hải ngoại chắt bóp gửi cho Việt tân lên tới vài chục triệu USD! Phạm Văn Thành - kẻ từng leo đến chức “Phó ban Đông tiến”, phải đắng cay thốt lên: “Vô vàn tiếc xót là các ông đã dùng đồng tiền ấy để làm hàng quán kinh doanh, để rồi nổi trôi vào những tính toán thấp hèn của kẻ tiểu tâm mà sinh ra xào xáo, giành giật, thóa mạ lẫn nhau, tận tình giẫm đạp lên niềm tin của người vượt biển vừa qua cơn bão táp! Hành vi ấy tàn nhẫn bất nhân vô cùng, vì đã giết chết đi nguồn sức mạnh đoàn kết của cộng đồng dân tộc nơi hải ngoại, kéo dài thê lương cuộc chiến đấu đơn độc của những tổ chức yêu nước trong nước. Tội lỗi ấy, trời sẽ không dung, đất cũng sẽ không tha được!”!
          Từ một tổ chức khủng bố, Việt tân đã tự tô vẽ, thổi phồng lên thành “đảng phái chính trị”, rồi liên tục ru ngủ bằng đủ trò lừa dối táo tợn. Chúng bỏ tiền mua chuộc, khống chế truyền thông, lập các trang mạng, trang web để lèo lái thông tin trong và ngoài nước. Chúng dùng tập đoàn con cháu, họ hàng để “gia đình trị” và đè bẹp sức ảnh hưởng từ các tổ chức khác đang ngo ngoe muốn cạnh tranh với Việt tân. Chúng tập trung nguồn lực, tài chính để nuôi dưỡng hàng trăm người chỉ làm công việc duy nhất là sống trên các diễn đàn, các trang mạng ảo để thực hiện chiêu trò đánh bóng, ma-két-tinh cho Việt tân. Những thủ đoạn, mưu kế, kiếm chác trên mồ hôi, xương máu của người Việt tại hải ngoại của Việt tân khiến xung đột trong tổ chức khủng bố này hình thành, âm ỉ và đã lên đến đỉnh điểm khi Trần Xuân Ninh và Hoàng Cơ Định công khai, trực tiếp “phun châu nhả ngọc, bắn súng” vào nhau năm 2006. Đó là khi trong Việt tân nổi lên phe cánh của Trần Xuân Ninh và người này công khai chỉ đích danh Hoàng Cơ Định phản bội “truyền thống, bản sắc của Việt tân thuở ban đầu”… Hoàng Cơ Định ranh mãnh khi tính toán cho thành viên của Việt tân hoạt động “bất bạo động”, nếu xảy ra trường hợp ngoài ý muốn thì chính thành viên ấy phải trực tiếp chịu trách nhiệm, kẻ đầu não không hề hấn gì…
          Sau khi Hoàng Cơ Minh chết tại Lào, cái gọi là “mặt trận” giải tán, rồi Việt tân thay thế. Dù không ra mặt nhưng Hoàng Cơ Định chính là người nắm quỹ tài chính, điều hành hoạt động của Việt tân từ đó đến nay. Người phát ngôn chính thức của Việt tân là Hoàng Tứ Duy. Hoàng Tứ Duy là con trai của Hoàng Cơ Định. “Chủ tịch tổ chức khủng bố Việt tân” là Đỗ Hoàng Điềm. Cha Đỗ Hoàng Điềm là Đỗ Thúc Vịnh, mẹ của Điềm là Hoàng Thị An, chị ruột của Hoàng Cơ Long, Hoàng Cơ Minh, Hoàng Cơ Định. Đây là nguyên nhân giải thích việc phe cánh Trần Xuân Ninh mặc dù trực tiếp, công khai đứng ra chỉ trích, thậm chí chỉ đích danh Hoàng Cơ Định là kẻ phản bội song đã bị chìm xuồng nhanh chóng. Các vị trí chủ chốt của Việt tân nằm gọn trong tay dòng họ Hoàng Cơ và không khác gì tổ chức gia đình trị thao túng.
Một nguồn thông tin khác cho biết, lý do Trần Xuân Ninh “phản” là do chia chác không đều. Giữa thập niên 1980, bà con ở hải ngoại đóng góp cho Việt tân hơn 20 triệu USD, đến nay là hơn 100 triệu USD. Tuy nhiên, Hoàng Cơ Định và dòng họ Hoàng Cơ dùng số tiền này để kinh doanh, không bao giờ minh bạch hóa nguồn đóng góp. Ngay cả vây cánh thân cận mà Hoàng Cơ Định cũng không chia chác lợi nhuận cho đồng đều dẫn đến mâu thuẫn, xích mích. Phạm Thành, một cựu Phó ban Đông tiến khảng khái nhìn vào sự thật và tuyên bố Việt tân thực chất là “một bọn ăn cướp”, ăn cướp lòng tin và tàn phá cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại: Số tiền khổng lồ thu được vì công cuộc chung, nhưng nằm trong tài khoản ngân hàng của một cá nhân, gia đình người cầm đầu, không công khai nguồn thu chi, không có bất cứ giấy tờ, tài liệu cụ thể chứng minh thì làm sao công luận biết được chi thu nhằm mục đích gì, cho ai, bao nhiêu. Tất cả là do sự gian tham mà ra. Muốn biến của công thành của riêng. Một hành vi chiếm đoạt có tính toán không lương thiện. Một hình thức kinh doanh chính trị. Đây được coi là một loại tội phạm hình sự xét theo luật pháp xã hội hiện đại,…!
         Bản chất của Hoàng Cơ Định và dòng họ Hoàng Cơ được ngụy trang dưới lớp áo “đấu tranh” rồi cũng sẽ bị chính đồng bọn phanh phui, đấu tố. Một trong những người tích cực, dám vạch rõ bộ mặt thật của Hoàng Cơ Định, dòng họ Hoàng Cơ và tổ chức khủng bố Việt tân từng nói: “Hoàng Cơ Định trong hơn 30 năm qua ở hải ngoại cũng đã chứng tỏ cho cộng đồng người Việt thấy rằng Định là một con người bảo thủ, cứng đầu, không biết nghe lời nói phải. Việt tân rồi cũng đi vào con đường bế tắc, không có lối thoát khi một quá khứ nặng nề của họ luôn bị cộng đồng phê phán, xa lánh, dù cho họ cố bày mưu lập kế dựng ra tổ chức này, hội đoàn nọ trong nước để lấy vải thưa che mắt thánh”! Bằng Phong Đặng Văn Âu không ngần ngại đương đầu với những kẻ vuốt đuôi Việt tân: “Mỗi khi tôi viết bài đề cập đến “mặt trận” hay Việt tân thì lập tức có những kẻ dùng nick để xỉ vả tôi bằng những ngôn từ hết sức bẩn thỉu. Bắt buộc tôi phải nghi kẻ đó là người của Mặt trận hay Việt tân. Tôi không thèm trả lời, vì tôi khinh”. Ghê sợ nhất là hai cây bút Đạm Phong và Lê Triết công khai viết bài đả kích, vạch trần bộ mặt thật của Việt tân là bịp bợm, lừa đảo, sau đó bị giết thảm. Hoàng Cơ Minh chết từ thuở nào nhưng Hoàng Cơ Định và dòng họ Hoàng Cơ còn lừa người Việt tại hải ngoại qua một số bài đăng trên các trang mạng, web để kêu gọi quyên góp. Ông Đặng Văn Âu tức giận khi nhắc lại bản chất bẩn thỉu không từ bất cứ thủ đoạn nào của “Việt tân” khi tổ chức khủng bố này dùng “cờ vàng ba sọc” để “dán vào các thùng giấy, lon kim loại đặt lây lất ở các xó chợ, tiệm ăn để xin tiền đồng bào quyên góp”. Ông Âu gọi đó là điều sỉ nhục, vì đồng tiền mà Việt tân trơ trẽn, không một chút danh dự, sĩ diện… Những nhân chứng sống sau vụ Đông tiến đang cùng nhau kêu gọi Việt tân hãy có lòng tự trọng, kẻo sự việc như “cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”, đến khi người Việt hải ngoại biết được thủ đoạn đê tiện thì “Việt tân… chỉ còn có cách tự sát hoặc đào cái lỗ mà chui xuống”. Những người này cũng kêu gọi những kẻ biết được mặt thật của Việt tân nhưng đang vì sợ hãi, vì sợ bị chết thảm như cái chết của Đạm Phong, Lê Triết và nhiều người khác, hãy công khai ra mặt để vạch trần bản chất của Việt tân. Họ kêu gọi: “Tôi muốn Việt tân phải trong sáng, công khai trả lời với quần chúng các việc làm sai sót trong quá khứ; chứ đừng lấp liếm, hễ ai đụng đến thì vu cho người ta là phản bội, là âm thầm khử tiêu”!
         Những thủ đoạn đê tiện nhằm lừa dối lòng tin của một số người Việt Nam ở hải ngoại của Việt tân được che đậy bằng vẻ hào nhoáng bên ngoài. Và không có ý nghĩa nào khác, tổ chức khủng bố này đang sống bằng các chiêu trò trí trá, đồng tiền được sử dụng nuôi đội ngũ thành viên chỉ chăm chú công việc tô vẽ cho Việt tân và chống phá đất nước. Chúng đã và đang sống bằng đồng tiền mồ hôi nước mắt của một số người ở hải ngoại, hoặc còn đeo đẳng mối hận thù với quê hương, hoặc vì mơ hồ mà tin theo luận điệu tuyên truyền của Việt tân. “Ngôi nhà” của tổ chức khủng bố Việt tân được dựng lên bằng nền móng của sự dối trá, lừa đảo, cùng vô số thủ đoạn bẩn thỉu, đen tối, cho nên chắc chắn “ngôi nhà” ấy sẽ bị sụp đổ. Và khi bộ mặt phản dân, hại nước của Việt tân ngày càng lộ rõ, thì ngày tàn của tổ chức khủng bố này cũng đang đến gần./.



Không để xảy ra tự chuyển hoá trong quân đội



Làm việc tại Quân khu 4, Tổng bí thư nhấn mạnh: Quân đội phải tuyệt đối trung thành, đặc biệt không để xảy ra “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. 
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm việc với Bộ Tư lệnh Quân khu 4, kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng tại địa bàn.
Tổng bí thư đánh giá Quân khu 4 có vị trí quan trọng, đóng quân trên địa bàn sáu tỉnh có chiến lược, cả trước mắt và lâu dài. Chia sẻ với cán bộ, chiến sĩ về tình hình đất nước, Tổng bí thư lưu ý: "Không bao giờ được chủ quan, thoả mãn vì sự nghiệp còn lâu dài, phức tạp, khó khăn”. Để làm được điều đó, Tổng bí thư nhấn mạnh các lực lượng phải vững mạnh, trong sạch, tuyệt đối tin vào Trung ương, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc.
Theo Tổng bí thư, lực lượng vũ trang Quân khu 4 nói riêng và toàn quân phải gương mẫu đi đầu thực hiện nhiệm vụ này. Quân đội là lực lượng nòng cốt của chế độ, phải rất kiên định, tuyệt đối trung thành, đặc biệt không để xảy ra “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong quân đội.
Sáng cùng ngày, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dâng hoa, dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Di tích Kim Liên, huyện Nam Đàn. Tổng Bí thư đã đến dâng hương tại mộ bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu của Bác Hồ; khu di tích lịch sử văn hóa mộ và Đền thờ Mai Hắc Đế.