Tôi từng kinh doanh vũ trường, karaoke, nhà hàng. Thường đêm cuối tuần, khách hàng có thể lên tới cả gần nghìn.
Vũ trường và karaoke trên tầng hai, có cầu thang rộng để khách đi lại. Tôi vẫn cho thiết kế, xây dựng hai cầu thang thoát hiểm bên hông, sử dụng khi có sự cố.
Gần chục năm kinh doanh, nhờ Trời, hai cầu thang phụ này chỉ dùng trong việc đi lại của nhân viên, chưa một lần sử dụng cho việc thoát hiểm.
Vũ trường, karaoke, do yêu cầu về trang âm, cần phải kín, sử dụng nhiều vật liệu cách âm, dễ cháy: salon gỗ, đệm mút, bọc vải, trải thảm... Nhiều thiết bị âm thanh, ánh sáng công suất lớn treo trên tường, trên trần. Dây điện, dây dẫn đi ngầm, nổi, trong tường, dưới sàn, dưới thảm, trên trần, có thể nói là khắp nơi.
Chưa nói gì đến phá hoại, chỉ sơ ý nhỏ như một mẩu thuốc lá rơi xuống thảm, một sự cố chập điện, đều có thể trở thành thảm họa lớn cho tài sản và sinh mạng hàng trăm, hàng nghìn người.
Những năm 1990, quy định về phòng chống cháy, nổ chưa đầy đủ, cụ thể; trang thiết bị báo cháy, sơ cứu chưa hiện đại như hiện nay. Đương nhiên, quy trình thẩm định, xét duyệt, cấp phép của cơ quan chuyên môn về cháy, nổ cũng đơn giản, sơ sài hơn.
Thực ra, để được các cơ quan cấp phép chấp thuận, có nhiều cách. Có thể chạy, nộp tiền bảo kê, chí ít cũng nhận được sự dễ dãi khi kiểm tra một cách qua loa, chiếu lệ. Tôi chọn cách làm ăn nghiêm túc, lâu dài, không chọn phương án chạy.
Vũ trường, karaoke là loại kinh doanh có điều kiện, là nơi tập trung đông, ồn ào, tính mạng con người, không phải chuyện đùa. Kinh doanh vũ trường, karaoke phải tự ý thức được tính chất đặc thù và những rủi ro tiềm ẩn. Khi chưa đủ điều kiện kinh doanh lại trông vào sự dễ dãi, được hiểu thực chất là bảo kê của chính quyền, việc sẽ xảy ra cháy nổ là đương nhiên. Chỉ là lúc nào, ngày nào, giờ nào.
Tôi kể lại chuyện này, để liên hệ về vụ cháy quán karaoke hôm qua ở 68 Trần Thái Tông, Hà Nội. Cơ quan cảnh sát điều tra đã quyết định khởi tố vụ án. Qua báo chí đưa tin, dễ dàng nhận thấy: biển quảng cáo bằng vật liệu dễ cháy, che kín toàn bộ mặt tiền, cản trở lực lượng cứu hoả; không có lối thoát hiểm thuận lợi, đủ cần khi xảy ra sự cố; không có họng cứu hoả, hoặc rỉ sét, không có nước; bình cứu hoả nặng về trang trí; nhân viên không được trang bị kĩ năng đối phó với cháy nổ; biển báo, chỉ dẫn khách không đầy đủ; thậm chí, giấy phép kinh doanh còn chưa được cấp mà vẫn cho khách vào hát...
Chủ cơ sở kinh doanh phải chịu trách nhiệm, đương nhiên. Nhưng chẳng lẽ chỉ có họ? Tôi nghe phát biểu của một vị quan chức rằng, quán này đã bị phạt, đã được cảnh báo, nhưng vẫn cố tình hoạt động và khẳng định họ "đã làm hết trách nhiệm" mà muốn bật cười.
Hơn chục mạng người đã chết sau một vụ cháy, nổ giữa thủ đô là một kết cục vô cùng bi thảm không thể chấp nhận được. Các cơ quan có liên quan và chính quyền sở tại không thể vô can.
Từng có cháy lớn ở Zone 9, cháy karaoke Nguyễn Khang, cháy nhà xưởng, cháy chung cư, cháy cửa hàng bán xe, cháy cơ sở kinh doanh không đảm bảo an toàn...
Câu hỏi đặt ra là:
- Có hay không một chính quyền phường, quận, với những công chức, viên chức tử tế, trách nhiệm không bảo kê cho các cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, nhà hàng chưa đủ điều kiện về phòng chống cháy nổ, an toàn vệ sinh thực phẩm?
- Có thật là các cơ sở kinh doanh đỏ đen, cờ bạc; mại dâm trá hình, tiêu thụ đồ trộm cắp, hàng giả, trốn lậu thuế... đều tổ chức chặt chẽ, tinh vi đến nỗi chính quyền dù quyết tâm, mưu trí, toàn tâm toàn ý vẫn bị qua mặt?
Chắc chắn là không phải. Là người từng kinh doanh dịch vụ này, tôi chắc chắn chẳng cơ sở kinh doanh dịch vụ nào che mắt được hệ thống chính quyền tinh tường và dày đặc của ta.
Những tệ nạn xã hội, tiêu cực dẫn đến những bất ổn này, trước hết là trách nhiệm của chính quyền.
Một đốm lửa nhỏ, nếu làm ngơ sẽ trở thành một đám cháy lớn. Một đám cháy lớn, không kiểm soát sẽ thiêu huỷ không chỉ những vật liệu bắt lửa.