Thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình” đối với Việt
Nam, dân chủ, nhân quyền luôn là hai vấn đề chiến lược được các thế lực thù
địch triệt để lợi dụng nhằm gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội
(ANCT-TTXH), tiến tới xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Tạo sức ép từ bên ngoài, dựng
“ngọn cờ” từ bên trong
Sử
dụng hai chiêu bài này, các thế lực thù địch tiến hành rất nhiều thủ đoạn nguy
hiểm. Trước hết, họ vu cáo, xuyên tạc, bóp méo tình hình dân chủ, nhân
quyền ở Việt Nam, ra sức tuyên truyền, cổ súy cho dân chủ tư sản phương Tây.
Họ cho rằng, chế độ xã hội ở Việt Nam là độc tài, toàn trị. Họ lợi dụng
những hạn chế, yếu kém trong quản lý xã hội, sơ hở, thiếu sót của ta trong quản
lý, điều hành đất nước hoặc những vấn đề bức xúc trong xã hội để lôi kéo, kích
động nhân dân vào các hoạt động biểu tình, gây mất ANCT-TTXH. Họ ra sức tuyên
truyền, cổ vũ, cường điệu hóa các giá trị dân chủ tư sản, tuyệt đối hóa tính
toàn cầu, tính phổ cập của quyền con người với luận điểm “nhân quyền cao hơn
chủ quyền”, “lợi ích cá nhân cao hơn lợi ích cộng đồng, quốc gia”, tuyệt đối
hóa các giá trị phổ quát về quyền con người theo mô hình của phương Tây; xuyên
tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm quyền cơ bản của con người, đàn áp “những người
bất đồng chính kiến” v.v.. Từ chỗ cho rằng, quyền con người là tuyệt đối,
bất biến, các thế lực thù địch đã giải thích nhân quyền là tự do thực hiện
quyền mà không bị cấm đoán, không bị giới hạn nhằm cổ suý hoạt động lợi dụng
nhân quyền vi phạm pháp luật nước ta. Họ đặc biệt đẩy mạnh các chiến dịch phá
hoại tư tưởng khi nước ta diễn ra những sự kiện chính trị quan trọng hay khi
Việt Nam tham gia các hội nghị quan trọng của Liên hợp quốc hòng hạ thấp uy tín
Việt Nam trên trường quốc tế.
Họ dùng dân chủ, nhân
quyền làm điều kiện để gây sức ép, can thiệp vào nội bộ nước ta. Họ tìm cách gắn
vấn đề viện trợ, hợp tác kinh tế với các điều kiện về dân chủ, nhân quyền trong
quan hệ ngoại giao với Việt Nam; đòi nước ta phải chấp nhận đa nguyên chính trị,
đa đảng đối lập, cải cách chính trị, cải cách dân chủ, pháp luật theo kiểu
phương Tây. Thông qua các buổi điều trần, họp báo, hội thảo của Quốc hội Mỹ,
các nước châu Âu để gây sức ép buộc Việt Nam phải có những “tiến bộ cụ thể về
nhân quyền, tôn giáo”. Thông qua các diễn đàn công khai như hội thảo, hội nghị
khoa học, những buổi tiếp xúc, đối thoại với các cơ quan chức năng của Việt
Nam, họ yêu cầu ta phải đưa ra các lộ trình thực hiện các điều ước quốc tế về
dân chủ, nhân quyền, thành lập Tòa án Hiến pháp ở nước ta. Họ còn gửi thư, bản
kiến nghị tới Liên hợp quốc, Quốc hội, Chính phủ các nước, lãnh đạo Đảng, Nhà
nước ta để phản đối việc chính quyền bắt giữ, xét xử một số đối tượng chống đối
trong nước, đòi trả tự do cho cái gọi là “tù nhân lương tâm”. Lợi dụng việc
chính quyền đấu tranh, xử lý số đối tượng bất mãn, cơ hội chính trị vi phạm
pháp luật, họ đã tạo cớ, vu cáo chính quyền vi phạm dân chủ, nhân quyền, đàn áp
người “bất đồng chính kiến” và những người “yêu nước”, kêu gọi sự can thiệp của
cộng đồng quốc tế.
Họ dùng chiêu bài dân chủ, nhân quyền để thúc đẩy,
hình thành hội, nhóm, tổ chức chính trị đối lập với Nhà nước. Họ xuyên tạc
rằng, chế độ độc đảng ở Việt Nam là trở ngại lớn nhất trong quá trình dân chủ
hóa ở Việt Nam, muốn có dân chủ thực sự thì Việt Nam nên xóa bỏ chế độ độc
đảng. Thông qua đó, họ tập hợp lực lượng hình thành các tổ chức dưới danh nghĩa
“bảo vệ dân chủ, nhân quyền”, “yêu nước” như: “Hội phụ nữ nhân quyền”,“Nhóm
công dân tự do”, “Nhóm tuổi trẻ yêu nước”... Họ thúc đẩy sự ra đời của các
khuynh hướng dân chủ cực đoan, phát triển “xã hội dân sự”, hình thành các tổ
chức chính trị, hội nhóm bất hợp pháp; tạo dựng ngọn cờ tập hợp lực lượng chống
phá từ bên trong. Họ còn tuyên truyền, vận động số người có biểu hiện cơ hội,
bất mãn ký tên vào kiến nghị, tuyên bố… nhằm đưa ra yêu sách “dân chủ, nhân
quyền”, “bảo vệ chủ quyền”… Họ còn vận động các tổ chức quốc tế trao “giải
thưởng nhân quyền” cho các đối tượng bất đồng chính kiến, hay những đối tượng
vi phạm pháp luật bị ta bắt, xử lý ở trong nước… nhằm cổ súy, khích lệ số đối
tượng trong nước hoạt động quyết liệt, tích cực hơn.
Các
thế lực thù địch triệt để tác động Quốc hội Mỹ, EU và các nước phương Tây thông
qua các dự luật, nghị quyết, báo cáo thường niên... với nội dung xuyên tạc tình
hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam, vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân
quyền, đàn áp tôn giáo nhằm làm cho cộng đồng quốc tế hiểu không đúng tình hình
trong nước, điển hình như: Báo cáo Tự do tôn giáo quốc tế của Bộ Ngoại giao Mỹ;
Báo cáo tình hình nhân quyền thế giới hằng năm của Anh, Úc; Nghị quyết của Nghị
viện châu Âu... Trong đó, chỉ riêng Hạ viện Mỹ hằng năm đã liên tục thông qua
nhiều dự luật, nghị quyết về tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Báo cáo thường
niên của các tổ chức quốc tế, như: Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW), Tổ chức
Ân xá Quốc tế (AI); Nhà Tự do (FH), Ủy ban bảo vệ nhà báo (CPJ)... mặc dù phải
thừa nhận Việt Nam có “chuyển biến tích cực” về dân chủ, nhân quyền nhưng vẫn
xuyên tạc Nhà nước ta vi phạm dân chủ, nhân quyền. Họ còn tìm cách thông qua
các chính khách cực đoan tác động đưa Việt Nam trở lại danh sách “các nước cần
quan tâm đặc biệt về tôn giáo” (CPC) để áp dụng các biện pháp “trừng phạt” đối
với nước ta.
Để đẩy lùi hai mũi tiến công
nguy hiểm
Trong
những năm tới, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, việc lợi dụng
dân chủ, nhân quyền vẫn là chiêu bài được các thế lực bên ngoài triệt để lợi
dụng nhằm gây mất ổn định, can thiệp sâu vào nội bộ của ta. Để nâng cao hiệu
quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động này, thời gian tới, cần thực
hiện tốt những vấn đề sau:
Một
là, công tác phòng, chống hoạt động lợi dụng dân chủ, nhân quyền xâm phạm an
ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội nước ta luôn phải đặt dưới sự lãnh đạo
trực tiếp, toàn diện, tuyệt đối của Đảng; sự quản lý, điều hành của Chính phủ
nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong triển khai công tác phòng
ngừa, đấu tranh, ngăn chặn làm thất bại âm mưu, hoạt động lợi dụng dân chủ,
nhân quyền, dân tộc, tôn giáo chống phá Việt Nam từ cấp cơ sở. Nâng cao nhận
thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò công tác bảo vệ và
đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn hoạt động lợi dụng nhân quyền chống phá ta,
coi đó là trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành và nhân dân để huy động sự
tham gia của cả xã hội trong công tác này.
Hai
là, tiếp tục tham mưu cho Đảng, Nhà nước xây dựng và hoàn thiện các chính sách,
văn bản pháp luật nhằm bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền con người đi đôi với
việc kiện toàn các cơ quan bảo vệ pháp luật. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành
chính, đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, phát huy quyền dân chủ của
nhân dân trên cơ sở pháp luật. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực
hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các phong
trào thi đua yêu nước ở địa phương, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn
dân tộc. Xây dựng và củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở bảo đảm thực hiện tốt
các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tôn giáo ở địa
phương. Tăng cường công tác quản lý báo chí, xuất bản; kiểm soát chặt chẽ an
ninh thông tin, quản lý internet, tích cực đấu tranh ngăn chặn việc tán phát
tài liệu, tin tức xuyên tạc, thù địch về dân chủ, nhân quyền ở nước ta.
Ba
là, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền chính sách, thành tựu
bảo đảm quyền con người ở Việt Nam. Kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền đối nội
và tuyên truyền đối ngoại; tận dụng thế mạnh của các kênh ngoại giao, đối
thoại, hợp tác làm cho cộng đồng quốc tế, kiều bào ta ở nước ngoài hiểu đúng
quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thành tựu đã đạt được
trong bảo đảm quyền con người ở Việt Nam, góp phần đấu tranh có hiệu quả với
các luận điệu vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, đàn áp dân tộc, tôn
giáo hòng can thiệp nội bộ nước ta.
Bốn
là, chủ động triển khai nắm tình hình, dự báo kịp thời mọi âm mưu, hoạt động
lợi dụng dân chủ, nhân quyền của các thế lực thù địch để triển khai những biện
pháp phòng ngừa, đấu tranh. Kịp thời phát hiện, phối hợp giải quyết dứt điểm
các mâu thuẫn, khiếu kiện, “điểm nóng” ngay từ cơ sở, không để kéo dài, không
lây lan, vượt cấp. Trong xử lý các vấn đề nhạy cảm về dân chủ, nhân quyền phải
tính toán, cân nhắc thời điểm phù hợp, bảo đảm yêu cầu chính trị, pháp luật,
đối ngoại theo hướng kiên định về nguyên tắc nhưng khôn khéo, linh hoạt về
phương pháp, tranh thủ được sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân trong nước và cộng
đồng quốc tế, kiên quyết không làm phức tạp thêm tình hình, không sơ hở để địch
lợi dụng vu cáo, xuyên tạc.
Năm
là, tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói, giảm nghèo…
kết hợp với thực hiện công bằng xã hội, không ngừng nâng cao trình độ dân trí,
đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới,
hải đảo nhằm góp phần bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền và lợi ích chính đáng của
người dân trên cơ sở pháp luật; tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh bảo đảm
ổn định ANCT-TTXH. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các cam kết quốc tế và các
khuyến nghị về nhân quyền mà Việt Nam đã chấp thuận. Tăng cường hợp tác quốc tế
trên lĩnh vực nhân quyền với các quốc gia, tổ chức quốc tế quan tâm vấn đề này
ở nước ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét