Phạm Minh Hoàng và tổ chức phản động “Việt Tân”

       Cơ quan an ninh điều tra (Bộ Công an) đã thông tin với các cơ quan báo chí về vụ án “Phạm Minh Hoàng và đồng bọn hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” xảy ra tại TP Hồ Chí Minh đối với Phạm Minh Hoàng để điều tra về hành vi “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
       Phạm Minh Hoàng, sinh ngày 8/8/1955 tại TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu), là con của một viên chức cao cấp thuộc Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn cũ. Năm 1973, ông ta sang Pháp du học rồi sau đó tốt nghiệp ngành Khoa học ứng dụng với học vị thạc sĩ. Qua quá trình điều tra cho thấy, Phạm Minh Hoàng đã bị lôi kéo và tham gia vào tổ chức phản động “Việt Tân” tại Pháp năm 1998.
      Năm 2000, Phạm Minh Hoàng thực hiện kế hoạch của tổ chức phản động này thông qua việc xin hồi hương về Việt Nam và xin vào làm giảng viên hợp đồng cho Trường Đại học Bách Khoa TP Hồ Chí Minh. Từ tháng 7/2002 tới tháng 5/2010, Phạm Minh Hoàng lấy bút danh Phan Kiến Quốc viết 29 bài có nội dung xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước Việt Nam để gửi cho tổ chức phản động “Việt Tân” phát tán trên mạng Internet. Cuối năm 2009, Phạm Minh Hoàng cùng vợ là Lê Thị Kiều Oanh và Nguyễn Thanh Hùng tham dự một khóa học do tổ chức phản động “Việt Tân” tổ chức tại Malaysia. 
    Trong thời gian ở Việt Nam, Phạm Minh Hoàng đã thực hiện chỉ đạo của “Việt Tân” tìm chọn, tập hợp xây dựng lực lượng nòng cốt cho “Việt Tân”. Cùng với đồng bọn, chúng đã mở 4 lớp học về “Kỹ năng mềm” để tuyên truyền, tập hợp xây dựng lực lượng cho “Việt Tân”. Chúng cũng nhiều lần tổ chức các cuộc họp để bàn về hoạt động chống phá Nhà nước ta tại nhà riêng của Phạm Minh Hoàng (số 423 Nguyễn Tri Phương, P8, Q10). 
     Qua quá trình điều tra, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã có đủ cơ sở pháp lý để đưa ra một số kết luận sau: Thứ nhất, theo quy định của pháp luật Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và thông lệ quốc tế thì tổ chức “Việt Tân” là tổ chức khủng bố hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, vi phạm vào Điều 79 và Điều 84 Bộ luật Hình sự, nên mọi cá nhân tham gia, hoạt động trong tổ chức này đều vi phạm pháp luật Việt Nam. Thứ hai, hành vi tham gia, hoạt động trong tổ chức “Việt Tân” của Phạm Minh Hoàng đã phạm vào Điều 79 Bộ luật Hình sự. 
     Việc cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) bắt, khởi tố, tạm giam đối với Phạm Minh Hoàng là đúng quy định pháp luật. Cũng theo thông tin từ cơ quan điều tra, trong quá trình làm việc với điều tra viên, Phạm Minh Hoàng đã nhận thức được vi phạm pháp luật của mình và đồng bọn, đã khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải và làm đơn xin Nhà nước cho hưởng khoan hồng. Việc xử lý cuối cùng đối với Phạm Minh Hoàng, cơ quan điều tra sẽ xem xét trên cơ sở quy định của pháp luật, chính sách của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và thái độ của Phạm Minh Hoàng. Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an cũng kêu gọi mọi người, nhất là các em học sinh, sinh viên, công nhân trong các khu công nghiệp hãy cảnh giác, không nghe theo và sinh hoạt trong các hội, nhóm hoạt động lén lút, hoặc tụ tập đông người gây rối trật tự công cộng, bởi những hành động này vô tình tiếp tay cho hoạt động chống chính quyền của các tổ chức phản động. 
      Thông tin về tổ chức “Việt Tân” Ngày 30/4/1980 tại Canifornia, Hoa Kỳ, Hoàng Cơ Minh (nguyên Phó Đô đốc Hải quân ngụy) đã cùng một số sĩ quan chế độ cũ lập ra tổ chức “Mặt trận quốc gia thống nhất giải phóng Việt Nam”. Để lãnh đạo mặt trận, chúng lập ra “Đảng Việt Tân”. Bọn chúng lấy quốc ca và cờ ngụy Sài Gòn là quốc ca và cờ của mặt trận, lấy cờ nền xanh có bông mai trắng sáu cánh làm cờ của “đảng Việt Tân”. Cương lĩnh, tôn chỉ mục đích của “đảng Việt Tân” nhằm chấm dứt chế độ độc tài đảng trị… và tiến hành các hoạt động vũ trang, tiến tới xóa bỏ chế độ Cộng hòa XHCN Việt Nam. Năm 1981, Hoàng Cơ Minh và đồng bọn lập căn cứ kháng chiến ở vùng rừng núi Udon (Thái Lan), tập hợp những người là ngụy quân, ngụy quyền của chế độ cũ, những người vượt biên ở các trại tị nạn chưa được đi định cư ở nước thứ 3 để huấn luyện vũ trang, nhằm xâm nhập hoạt động khủng bố chống phá Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Từ năm 1982 tới năm 1989 chúng đã tổ chức nhiều toán biệt kích có vũ trang về Việt Nam để tiến hành các chiến dịch mang tên “Đông tiến 1”, “Đông tiến 2”, “Đông tiến 3”. Bộ đội Việt Nam đã phối hợp với bộ đội Lào bao vây, truy kích và bắt sống 124 tên, thu nhiều vũ khí, tài liệu phản động. 
      Trong chiến dịch “Đông tiến 2” Hoàng Cơ Minh – người cầm đầu tổ chức này đã chết. Đồng bọn của hắn đã bị bắt và đưa ra truy tố trước pháp luật và tổ chức phản động này đã bị tan rã. Tuy nhiên, một số phần tử còn lại đã tiến hành củng cố lại tổ chức, chờ cơ hội để tiếp tục thực hiện mục tiêu phản động của mình. Tháng 8/2006, tổ chức “Việt Tân” đã hoạt động trở lại với các hình thức khác nhau nhưng chủ yếu là tuyên truyền, lôi kéo phát triển tổ chức, đưa người, phương tiện về nước hoạt động khủng bố, phát tán truyền đơn. Chúng đã hình thành nhóm “Sang sông” và nhóm “Liên minh dân tộc”. Năm 2007, bọn chúng đã cử người về Việt Nam để phát tán truyền đơn với nội dung kích động quần chúng nhân dân biểu tình, phá rối an ninh, bạo loạn chống phá Nhà nước. Tuy nhiên, các hoạt động này đã bị cơ quan An ninh của ta kịp thời phát hiện và ngăn chặn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét