Việc chuẩn bị
lực lượng đầy đủ cho thời điểm quyết định của Cách mạng Tháng Mười Nga đã để
lại những kinh nghiệm quý báu cho cách mạng Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh
nghiên cứu kinh nghiệm của các cuộc cách mạng trên thế giới, và đã rút ra những
kết luận quan trọng từ cuộc cách mạng “... thành công, và thành công đến nơi”
của nhân dân Nga dưới sự lãnh đạo của Đảng Bôn-sê-vích.
Để khởi nghĩa
thắng lợi, lực lượng cách mạng phải được chuẩn bị đủ mạnh để đè bẹp những kháng
cự cuối cùng của phe phản cách mạng. Để có được thắng lợi của cuộc “tổng tiến
công” cuối cùng trong Cách mạng Tháng Mười, những người Bôn-sê-vích Nga dưới sự
lãnh đạo của V.I. Lê-nin đã chuẩn bị lực lượng lâu dài về mọi mặt tổ chức,
chính trị, quân sự, tư tưởng...
Dưới ánh sáng của Luận cương
tháng Tư và sự chỉ đạo của V.I. Lê-nin, những người bôn-sê-vích đã xác định
nhiệm vụ cấp bách và quan trọng nhất cho toàn đảng là phải lôi cuốn đông đảo
giai cấp công nhân và nhân dân lao động về phía cách mạng; thành lập đội quân
chính trị đông đảo đủ sức mạnh đánh bại lực lượng phản cách mạng; thành lập lực
lượng vũ trang cách mạng làm chỗ dựa vững chắc cho cuộc đấu tranh chính trị và
chủ động đối phó với sự thay đổi của tình hình.
Theo những chủ
trương đó, đội ngũ Cận vệ đỏ, lực lượng vũ trang nòng cốt của những người cách
mạng ra đời. Đây là một sáng tạo của V.I. Lê-nin, kế thừa, phát triển và hiện
thực hóa những lý luận về chính quyền và giành chính quyền của giai cấp vô sản
khi chủ nghĩa tư bản phát triển đến giai đoạn chủ nghĩa đế quốc.
Cận vệ đỏ là
hình thức tổ chức lực lượng vũ trang mới của giai cấp vô sản Nga. Các đội Cận
vệ đỏ đều mang tính quần chúng và xây dựng trên cơ sở tự nguyện tham gia tại
các trung tâm kinh tế lớn. Nhiệm vụ của các đội Cận vệ đỏ là đấu tranh vũ trang
chống lại các cuộc nổi loạn phản cách mạng. Khi tình thế cách mạng càng ngày
càng nóng bỏng, các đội Cận vệ đỏ đóng vai trò không những là lực lượng chính
trị chủ đạo mà còn là lực lượng quân sự nòng cốt, quyết định thắng lợi của cuộc
khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Lực lượng Cận vệ đỏ đã được thành lập
tại các nhà máy, khu phố ở 146 thành phố trên khắp nước Nga. Binh lính thủy thủ
hạm đội Ban-tích cũng đã ngả về phía những người khởi nghĩa.
Công tác tuyên
truyền được đặc biệt coi trọng. Cho đến trước ngày khởi nghĩa, những người
bôn-sê-vích đã có tới 53 tờ báo, trong đó tờ “Con đường công nhân” là cơ quan
của Trung ương Đảng bôn-sê-vích có số phát hành tới gần 200.000 bản mỗi ngày.
Những người bôn-sê-vích đã tập hợp, tổ chức được một lực lượng cách mạng đông
đảo và có chất lượng vượt trội so với kẻ thù. Đây là nhân tố chủ quan quyết
định thắng lợi của cuộc khởi nghĩa.
Cuộc khởi nghĩa ở Pê-trô-grát đã
nổ ra trong thời điểm những người cách mạng không thể hành động chậm trễ hơn kẻ
thù. Nhưng đó là cuộc khởi nghĩa nổ ra trong tình thế đã chín muồi, hoàn toàn
không phải là một cuộc khởi nghĩa non và thắng lợi nhờ may rủi.
Đối với cách
mạng Việt Nam, khi viết về thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945,
nhà sử học Pháp Phi-líp Đờ-vi-lê (Philippe Deviller) đã nhận định: “Nó còn là
kết quả lô-gích của Việt Minh trong mọi khu vực của đời sống đất nước”. Cụ thể
hơn, đó là kết quả của đường lối đúng đắn kiên trì xây dựng lực lượng cách
mạng. Lực lượng ở đây nên hiểu là lực lượng tổng hợp, là sự kết hợp sức mạnh
của nhiều lực lượng cụ thể: Lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, lực lượng
lãnh đạo, lực lượng quần chúng...
Các tầng lớp quần chúng đông đảo
được tổ chức trong những Hội Cứu quốc là thành viên của Mặt trận Việt Minh:
Nông dân cứu quốc, Công nhân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc,
Phụ lão cứu quốc, Văn hoá cứu quốc... đã làm cho Mặt trận ngày càng phát triển
rộng rãi, tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ trong phong trào cách mạng thời kỳ
tiền khởi nghĩa.
Thông qua Mặt trận Việt Minh,
Đảng ta đã xây dựng được một khối lực lượng chính trị quần chúng mạnh mẽ, được
rèn luyện qua những cuộc đấu tranh cách mạng. Đây là yếu tố quan trọng nhất để
Đảng có thể lãnh đạo thành công một cuộc Tổng khởi nghĩa do đông đảo quần chúng
nhân dân tiến hành để giải phóng dân tộc mình.
Cũng do sự
phát triển rộng khắp của phong trào Việt Minh, Đảng đã có điều kiện để duy trì
các đội du kích, xây dựng những khu căn cứ địa cách mạng, hình thành lực lượng
vũ trang cách mạng. Tại nhiều tỉnh ở Việt Bắc, trong cao trào tiến tới Tổng
khởi nghĩa đã xuất hiện những xã hoàn toàn, châu hoàn toàn. Tại những nơi đó,
Việt Minh nắm chính quyền, bước đầu thử nghiệm mô hình chính quyền nhân dân,
xây dựng cuộc sống mới.
Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước
trực tiếp chỉ đạo cách mạng Việt Nam cũng mang về những nhận định mới về tình
hình thế giới và đề ra sách lược đối ngoại cho cách mạng Việt Nam. Nguyễn Ái
Quốc đã tìm cách đặt mối liên hệ với đồng minh cho cách mạng Việt Nam, để cuộc
đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam hòa nhập trong cuộc đấu tranh
chung của toàn nhân loại, để cách mạng Việt Nam có cơ hội nhận được những sự
giúp đỡ trực tiếp bằng vật chất cho cuộc kháng Nhật cứu nước..., nhưng điều
quan trọng hơn là tạo ra những tiền đề cho việc xác lập vị thế của nước Việt
Nam độc lập trên trường quốc tế sau này. Đây cũng là sáng tạo lớn của Đảng và
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc huy động tối đa các nguồn lực cho cách mạng.
Sáng tạo này xuất phát từ những đặc thù của cách mạng Việt Nam trong bối cảnh
tình hình thế giới mới.
Khi thời cơ
lịch sử đã xuất hiện, Chủ tịch Hồ Chí Minh hạ quyết tâm cho toàn Đảng, toàn
dân: Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới. Dù phải hy sinh tới đâu, dù phải đốt
cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập.
Thắng lợi của
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam là kết quả của sự kết hợp chặt chẽ giữa
đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, giữa phát triển phong trào quần
chúng, xây dựng căn cứ địa cách mạng, chuẩn bị lực lượng chính trị và nhạy bén
chớp thời cơ phát động toàn dân đứng lên tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính
quyền. Những người cách mạng Việt Nam học được bài học đó trực tiếp từ Cách
mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và đã vận dụng đạt kết quả xuất sắc trong Tổng khởi
nghĩa giành chính quyền Tháng Tám 1945.
... Cách mạng là sáng tạo. Những
người cách mạng Nga, ở Pê-trô-grát tháng 10-1917, và những người cách mạng Việt
Nam ở Hà Nội tháng 8-1945 đã rất sáng tạo khi tiến hành khởi nghĩa thắng lợi.
Nhắc lại bài học sáng tạo thành công trong quá khứ cũng là để nhớ rằng, cuộc
cách mạng trong thời đại mới vẫn luôn đòi hỏi những sự sáng tạo mới. Bài học
sáng tạo trong tập hợp lực lượng cách mạng vẫn cần được chúng ta vận dụng trong
bối cảnh mới, khi chúng ta muốn huy động mọi nguồn lực cho công cuộc xây dựng
và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh mới đầy biến động.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét