"DẸP VỈA HÈ, CÁCH LÀM VÀ DƯ LUẬN"


     Vỉa hè là phần đường dành cho người đi bộ. Đó là luật. Còn thực tế thì vỉa hè bị chiếm dụng gần hết để làm bãi giữ xe, buôn bán hoặc hàng rong “xí phần”. Người dân mệt mỏi từ lâu. Và đó là lý do mà chiến dịch giành lại vỉa hè nhận được sự chú ý của cộng đồng dân cư.
     Một số người dân cố cựu ở Sài Gòn 40 năm tâm sự rằng, thành phố làm được rất nhiều việc đáng khen nhưng đáng buồn là cái việc lớn nhất của một thành phố trên 10 triệu dân là quy hoạch và quản lý thì lại không làm nổi. Chuyện quy hoạch đô thị, vốn gắn chặt với nỗi khổ ngập lụt và ách tắc giao thông thường trực của thành phố, đã được nói tới quá nhiều. Nhưng ngay cả trong cái quy hoạch đang phải tạm chấp nhận ấy, sự quản lý cũng không nghiêm.
    Có tuyến phố các biệt thự, đình chùa thâm nghiêm - trông cũng chẳng khác nào phố ẩm thực, Một số khu vực quanh chùa thành hàng quán ăn nhậu suốt đêm ầm ĩ... Những con đường với mức đầu tư hiện đại giá trị tỷ USD cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, nay tràn ngập quán nhậu, xe cộ để tràn lan...Nhiều người dân sống ở các con đường, đô thị than phiền rằng giao việc quản lý vỉa hè cho phường là một sai lầm cực lớn, vì ở cái nơi “khuất mắt trông coi” ấy nó hoàn toàn có thể trở thành nguồn lợi của nhiều người.
     Việc lấn chiếm vỉa hè gây bức xúc cao độ vì chúng không chỉ là các hành vi tự phát, mà còn nhuốm  màu lợi ích, một mét vàng đều có những “ông chủ” tàng hình. Nếu không "sòng phẳng" sẽ có "lực lượng" quậy phá mọi lúc, mọi nơi. Việc kinh doanh cũng chỉ cầm chừng được một thời gian vì không đủ kiên nhẫn khi phải thường xuyên tiếp những người đến hỏi thăm. Cuối cùng, chủ nhà hàng quyết định đóng cửa, chuyển sang chổ khác. 
       Việc lấn chiếm vỉa hè hiện nay là một thực tế nhức nhối, quyết tâm trả lại cái vỉa hè theo đúng nghĩa của nó, là điều cần làm, nhưng cách làm như hiện nay, mang theo cả đội quân với đủ máy xúc, máy cẩu, xà beng... sẵn sàng lật tung và tháo dỡ, theo họ là hơi... nôn nóng. Chẳng hạn, câu chuyện ở những bốt gác công an trước cửa Ngân hàng Nhà nước, liệu có thể chậm lại một chút, tìm hiểu rõ vấn đề, giải quyết theo quy định của pháp luật thay vì đối đầu, đập phá rồi lắp lại. Sự việc dường như phản ánh một khoảng cách giữa tư duy và hành động.
    Tất nhiên, đó có thể là một cách làm, một quan điểm. Sẽ có nhiều người cho rằng những việc như thế này không thể thương lượng, không thể chậm trễ, phải cần đến máy xúc, cẩu, xà beng và phải có những người thích hành động theo kiểu ngay và luôn...Nhưng thiết nghĩ có luật pháp, có Thông tư, có Nghị định...có bộ máy chính quyền cơ sở... tại sao phải "nóng vội" hành động như thế?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét