Mặt trái sự “ngông” của giới trẻ

 Vài năm trở lại đây, giới trẻ bắt đầu định hình cho mình nhiều phong cách khác lạ, thể hiện cái tôi trong đó, mong muốn khẳng định mình và được nhiều người biết đến. Thế nhưng, ở một góc độ khác, cái tôi lại vượt qua giới hạn chấp nhận của xã hội, tạo ra những định kiến, suy nghĩ không tốt với một bộ phận giới trẻ hiện nay.

Thực tế cho thấy, giới trẻ chính là đối tượng thể hiện được nhiều màu sắc và phong cách nhất trong cả đời sống vật chất và tinh thần. Nhìn một cách khách quan, họ là những người tiên phong cho những trào lưu, xu thế mới. Với đặc điểm nhạy bén, năng động, nhiệt huyết, giới trẻ dễ góp phần tạo ra những hướng phát triển mang phong cách riêng. Tuy nhiên, phong cách thể hiện xu hướng lệch chuẩn lại thường nhiều hơn. Chỉ cần tìm kiếm trên mạng, chúng ta sẽ thấy những trào lưu như: Khoe ảnh ngày ấy-bây giờ, khoe vòng eo, chụp ảnh phong cách “follow me” (đi theo tôi)… đến những trào lưu như: Xuất ngoại tổ chức sinh nhật, mang ghế ra ngồi giữa đường, leo cột điện để "tự sướng", hút hít những chất kích thích để thư giãn… Thể hiện những biểu hiện hành vi chẳng qua cũng chỉ nhằm mục đích muốn chứng tỏ “cái ngông”… không giống ai của mình.
Giữa xa lộ thông tin hiện nay, chúng ta dễ dàng nắm bắt và chia sẻ thông tin, nhưng chính điều này dễ phát lộ mặt trái của cái sự “ngông” của giới trẻ. Thời gian gần đây, việc rạch tay vì yêu trở thành một cách giải tỏa tâm lý mà nhiều bạn trẻ áp dụng nhằm níu kéo người yêu, chứng tỏ bản lĩnh, sức chịu đựng, mục đích thể hiện cá tính bản thân, thậm chí vì chữ “hot” mà đánh đổi nhiều thứ. Mốt xăm tròng mắt lại càng đau đớn hơn. Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn nhưng có người trẻ chấp nhận chịu đau đớn để trải nghiệm cảm giác mà họ cho rằng là… đẳng cấp. Hay những hình ảnh, video, vlog phản cảm với lối hành xử lệch lạc, thiếu văn hóa cũng dễ làm méo mó thú chơi “ngông” của giới trẻ…
Sinh thời, Tản Đà có “ngông” với “hầu trời” khi muốn chơi trăng, ngâm thơ tỏ khí ta đây, muốn làm chú Cuội để lên trời chơi với chị Hằng… vừa toát lên sự phóng túng, vừa thể hiện được cái tài vần thơ dẫn ý rất hòa hợp, thú vị. Còn sự “ngông” của Nguyễn Công Trứ là muốn thông qua hình ảnh làm cây thông với hàm ý khát vọng thoát khỏi sự tù túng của kiếp người… Nhưng đấy là cái "ngông” thú vị của các văn nhân, thi sĩ. Ấy vậy mà giờ người trẻ "ngông" nhưng đến mức ngông cuồng, "ngông" đến mức nhận lại những chỉ trích, bất bình và sự khó chịu từ dư luận xã hội.
Thiết nghĩ, mỗi cá nhân chính là một phần của xã hội. Cá nhân tốt sẽ góp phần tạo nên tập thể tốt. Với người trẻ, họ cần nâng cao nhận thức, tích cực tham gia các hoạt động, chương trình cộng đồng bổ ích, rèn luyện kỹ năng sống và quan trọng nhất là nỗ lực học tập, tu dưỡng để không ngừng trưởng thành, tiến bộ.

1 nhận xét:

  1. Một thông điệp xin gửi đến cho các đ/c sĩ quan trẻ trong Quân đội nói chung và sĩ quan trẻ của Trường SQLQ2 nói riêng, là lực lượng cán bộ nòng cốt, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quản lý, chỉ huy, hướng dẫn triển khai nhiệm vụ ở đơn vị cơ sở. Đừng cố gắng thể hiện cái ngông của mình như trong bài viết trên, mà hãy ra sức học tập, rèn luyện bản thân nhằm nâng cao trình độ về mọi mặt, nhất là việc học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với CVĐ “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, thực hiện tốt NQ số 17 và bộ tiêu chí thực hiện nghị quyết của Đảng ủy Nhà trường xứng đáng với danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ là những người chủ tương lai của đất nước, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong thời kỳ mới…

    Trả lờiXóa