Về vấn đề đạo đức của cán bộ, đảng viên trong công tác xây dựng Đảng

         Tác động trực tiếp và mạnh nhất đối với đạo đức của cán bộ, đảng viên chính là mặt trái của quyền lực, khi Đảng đã trở thành Đảng cầm quyền và mặt trái của kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế. Qua thực tiễn xây dựng Đảng, nhất là trong thời kỳ đổi mới, cũng như qua sự đổ vỡ của một loạt đảng cộng sản cầm quyền, có thể thấy đạo đức đã trở thành một nội dung rất quan trọng, cần phải quan tâm trong công tác xây dựng Đảng để Đảng thực sự xứng đáng là Đảng cầm quyền, lãnh đạo thắng lợi sự nghiệp đổi mới.

         Thực ra vấn đề xây dựng Đảng về mặt đạo đức đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra ngay từ khi chuẩn bị thành lập Đảng cũng như trong suốt quá trình Người lãnh đạo cách mạng Việt Nam, ngay trong bài đầu tiên của tác phẩm Đường Cách Mệnh và trong nhiều tác phẩm khác về sau, cho đến bản Di chúc. Trong thực tiễn lãnh đạo xây dựng Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm giáo dục cán bộ, đảng viên về đạo đức nhằm chăm lo cái gốc của người cách mạng. Người đã nêu rõ những chuẩn mực đạo đức, những nguyên tắc và phương pháp xây dựng đạo đức mới trong Đảng và trong xã hội Việt Nam. Người đã thực hiện trước nhất và nhiều nhất những điều Người nói về đạo đức; Người đã nêu một số tấm gương sáng về việc nói đi đôi với làm trong tất cả các hoạt động xã hội và cả trong cuộc sống thường nhật những điều đó nó hoàn toàn xa lạ với thói đạo đức giả vẫn thường thấy ở nhiều chính khách trong các đảng chính trị cũng như trong nhiều chế độ xã hội khác nhau. Chính vì vậy mà mọi người Việt Nam cũng như bầu bạn khắp nơi trên thế giới đã hướng về Người như hướng về một nhân cách lớn, tiêu biểu cho nhân cách của tương lai - một nhân cách có sức toả sáng và thu hút mạnh mẽ bởi chữ tín được xuyên suốt và thể hiện nhất quán trong cái tâm trong sáng, cái đức cao đẹp, cái trí uyên bác và hành xử mẫu mực.
         Từ khi Nước nhà độc lập, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng Cộng sản Việt Nam, một nền đạo đức mới vừa kế thừa truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu tinh hoa đạo đức của nhân loại, vừa mang tính tiên tiến của thời đại đã từng bước được hình thành ở nước ta. Những phẩm chất đạo đức cao đẹp được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra như trung với nước, hiếu với dân, yêu mến con người, cần - kiệm - liêm - chính, chí công vô tư, nhân - nghĩa - trí - dũng - liêm, tinh thần tập thể, tinh thần quốc tế trong sáng - đã trở thành hành động của lớp lớp người Việt Nam thuộc các thế hệ nối tiếp nhau. Phải có những phẩm chất ấy, Đảng ta mới trở thành một Đảng cách mạng vững vàng, vượt qua mọi thử thách, lãnh đạo cả dân tộc làm nên những thắng lợi to lớn của sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
         Hiện nay, trong xã hội ta, bên cạnh những khía cạnh tốt đẹp, vẫn có mặt hạn chế với những tiêu cực, suy thoái ở một bộ phận cán bộ, đảng viên mà nguyên nhân dẫn đến những tiêu cực và suy thoái ấy đó là những tác động trực tiếp của mặt trái của quyền lực, khi Đảng đã trở thành Đảng cầm quyền và mặt trái của kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, là sự yếu kém trong rèn luyện, tu dưỡng của cán bộ, đảng viên; đó là sự lỏng lẻo trong công tác giáo dục và quản lý cán bộ, đảng viên của các tổ chức đảng. Đặc biệt, ba tệ nạn tập trung tiêu biểu nhất của cán bộ đó là tham ô, lãng phí, quan liêu. Ba tệ này được Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi đó là ba thứ giặc nội xâm của đất nước. 
         Từ khi chuyển sang phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, những tiêu cực về đạo đức trong cán bộ, đảng viên diễn biến ngày càng phức tạp. Mặt trái của kinh tế thị trường lại là một thứ ma lực khác, hướng con người chạy theo đồng tiền, trong nhiều trường hợp, đặt đồng tiền lên trên danh dự, lương tâm, tình nghĩa,... Cần đặc biệt lưu ý là mặt trái của quyền lực kết hợp với mặt trái của kinh tế thị trường, hay nói cách khác, sự kết hợp giữa quyền và tiền hoặc ngược lại, đã tạo thành một sự cộng hưởng gây nên những tiêu cực, suy thoái về đạo đức trong cán bộ, đảng viên hết sức nghiêm trọng. Dù những tiêu cực, suy thoái ấy chỉ diễn ra trong một bộ phận cán bộ, đảng viên nhưng tác hại lại rất lớn, làm cho nhân dân bất bình và giảm niềm tin đối với Đảng, với chế độ xã hội chủ nghĩa. Đây mới thực sự là nguy cơ, là quốc nạn, như Đảng ta đã xác định trong những năm gần đây: từ giặc nội xâm đến quốc nạn là một sự chuyển biến theo chiều hướng xấu trong đời sống đạo đức mà Đảng ta không thể coi thường. 
         Xây dựng Đảng về đạo đức phải được đặt thành một khâu quan trọng, then chốt mới đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay về xây dựng Đảng, khi những tiêu cực, suy thoái về đạo đức trong cán bộ, đảng viên có chiều hướng gia tăng và đã trở thành nguy cơ có thể ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng và của chế độ xã hội chủ nghĩa, như Đảng ta đã nhận định trong Cương lĩnh năm 1991, trong Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII năm 1994, trong Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII năm 1999, trong Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, và mới đây trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. 
         Và có thể khẳng định rằng tệ tham ô, tham nhũng, lãng phí chưa được xử lý hiện nghiêm minh, triệt để thì công tác xây dựng Đảng về mặt đạo đức trong đội ngũ cán bộ, đảng viên không thể thực hiện được dẫn đến việc xây dựng văn hóa mới và con người mới trong toàn xã hội sẽ không đáp ứng được kỳ vọng của người dân trong việc thực hiện Hội nghị Trung ương 4 khóa XI và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét