Cán bộ cần phải học để làm “đầy tớ” nhân dân

          
          Cách đây 71 năm, ngay sau khi đất nước được độc lập, ngày 8-9-1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào “xóa nạn mù chữ” trong cả nước, thực hiện chống “giặc dốt” - kẻ thù nguy hiểm cùng với “giặc đói” và “giặc ngoại xâm” lúc bấy giờ. Sau nhiều thập kỷ, trình độ văn hóa của người dân Việt Nam tuy đã được nâng lên, hết mù chữ nhưng theo đánh giá của các chuyên gia còn nhiều khiếm khuyết về văn hóa, trong đó có giáo dục, đào tạo đối với cán bộ và nhân dân. Điều đó cho thấy rằng, rất cần phải tiếp tục mổ xẻ vấn đề “học” ở nước ta hiện nay. 
          Tại sao phải học? Giặc dốt là muốn nói đến sự thiếu thốn về tinh thần, tức tri thức và văn hóa - thuộc phần “đầu” của thể trạng con người; còn giặc đói là muốn nói đến sự thiếu thốn về vật chất, tức chính trị và kinh tế - thuộc phần “thân” của thể trạng con người. Điều đó có nghĩa là, vật chất và tinh thần được nhìn nhận là hai mặt cơ bản trong thể trạng con người. Theo đó, học tập kiến thức các môn như tự nhiên, xã hội là để sáng tạo ra giá trị, lợi ích văn hóa - tinh thần; còn thực hành công việc bằng lao động chân tay, trí óc là để tạo ra giá trị, lợi ích vật chất. Vật chất và tinh thần là hai vấn đề không thể thiếu đối với đời sống con người. Sinh thời, Hồ Chí Minh thường nói đến việc học và hành như vậy, tức vừa phải học, vừa phải làm (nói và làm). Cũng như muốn đánh thắng giặc “ngoại xâm” (đế quốc, thực dân) thì phải tăng gia sản xuất; còn muốn đánh thắng giặc “nội xâm” (nghèo đói, dốt nát) thì phải học và hành. Nói một cách hình ảnh, giặc ngoại xâm là muốn nói đến kẻ đã xâm phạm vào luật pháp (biên giới) của quốc gia, tức phần “cổ” của thể trạng con người; còn giặc nội xâm là muốn nói đến những kẻ đã xâm phạm vào vật chất và tinh thần của quốc gia, tức phần “đầu” và “thân” của thể trạng con người. Học là để nâng cao thể chất của cái đầu, tức nâng cao trình độ tri thức và văn hóa; còn hành là để nâng cao thể lực của cái thân, tức nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý kinh tế xã hội. Không có học và hành con người sẽ không tồn tại được. Do vậy, học vừa là nhu cầu, vừa là trách nhiệm của mỗi người sống trong xã hội. Đã là con người thì cần phải học; không học thì con người chỉ có thể quay trở lại thành con vật. 
          Học để làm gì và học như thế nào? Trong mỗi quốc gia đều có các cán bộ, tức những người có trách nhiệm trước quốc dân; đều có những người dân, tức những người có bổn phận, nghĩa vụ với Tổ quốc. Hai loại công dân này đều cần phải học. 
          Nhìn từ phía người dân, học là để biết cách “làm chủ” xã hội. Nếu người dân không học các kiến thức phổ thông, trong đó có các kiến thức cơ bản như luật pháp, lịch sử, đạo đức… sẽ không thể biết làm chủ. Lâu nay nhiều người dân chỉ được nghe, chứ chưa biết thế nào là làm chủ với tư cách một người dân. Trước đổi mới, chiến tranh vừa chấm dứt thì kinh tế thị trường bắt đầu hình thành. Do vậy, thực tế nhiều người chỉ biết đến “làm thuê” cho các “ông chủ” có vốn đầu tư trong kinh tế thị trường. Học để làm chủ, tức là mỗi người dân cần phải nhận thức được thế nào là một công dân. Trong mỗi quốc gia, mỗi công dân đều có quyền công dân, quyền con người; mỗi người dân khi mất quyền công dân, vẫn còn quyền con người. Công dân chỉ có trong nhà nước pháp quyền, vì nhà nước pháp quyền hình thành trong kinh tế thị trường. Trong kinh tế thị trường thì có những người làm thuê và những người làm chủ. Nhiều khi có người làm thuê ở lĩnh vực này nhưng lại là người làm chủ ở lĩnh vực khác. Nói cách khác, làm thuê và làm chủ chỉ là các cách thức khác nhau để đạt được các mục tiêu. Không nên kỳ thị người làm thuê hoặc kỳ thị người làm chủ, nếu họ đều làm tốt công việc theo pháp luật. Người làm chủ kém không bằng người làm thuê giỏi. Muốn trở thành người làm chủ, người dân cần phải biết cách (khéo) phê bình cán bộ, tức phê bình nhưng không được “chửi” như Hồ Chí Minh đã nói; đồng thời, người dân phải biết giám sát cán bộ thông qua các tổ chức xã hội, báo chí. 
          Nhìn từ phía cán bộ, học là để biết cách làm thuê cho nhân dân. Nếu cán bộ không học các kiến thức như lý luận chính trị, luật pháp, chuyên môn, ngành nghề sẽ không biết làm thuê. Lâu nay nhiều cán bộ chỉ nghe nhiều, chứ chưa biết thế nào là làm thuê với tư cách một cán bộ - người đầy tớ. Do vậy, họ lãnh đạo nhưng cứ thản nhiên dùng “quyền lực”, chứ không biết rằng “lãnh đạo là làm đầy tớ nhân dân” như Hồ Chí Minh đã nêu rõ. Muốn trở thành người làm thuê giỏi, mỗi cán bộ cần phải biết thế nào là một công chức; tức một công chức “có danh dự” khi người dân tín nhiệm, phải thấy được “trách nhiệm” nặng nề của mình. Do vậy, mỗi cán bộ cần phải học, nhận thức đúng đắn về kinh tế thị trường, biết thế nào là người làm thuê. Muốn trở thành người làm thuê, cần phải “biết cách làm việc” với nhân dân. 
          Hồ Chí Minh đã chỉ rõ rằng, cán bộ có hai cách làm việc với nhân dân: Một là, làm việc theo cách “quan liêu”. Hai là, làm việc theo cách dân chủ. Cách làm việc quan liêu, tức là cán bộ đã coi dân là đầy tớ; còn làm việc theo cách dân chủ, tức là cán bộ coi dân là người chủ. 
Từ các phân tích trên cho thấy, các cán bộ của Đảng, Nhà nước cần phải nhìn nhận rõ vấn đề làm thuê và làm chủ trong kinh tế thị trường để có những đổi mới tiếp theo về kinh tế, chính trị và văn hóa. Đồng thời, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải nhận thức đúng đắn về kinh tế thị trường, cũng như thế nào là người làm thuê, để có thể trở thành những “người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” như Chủ tịch Hồ Chí Minh khi sinh thời thường nhắc nhở.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét