Xây dựng, chỉnh đốn Đảng có ý nghĩa sống còn

“Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam; xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng ta, chế độ ta”.

                           Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh như vậy khi đề cập đến nội dung về xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) diễn ra sáng nay 9/10 tại Hà Nội.
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đại hội lần thứ XII của Đảng đã đề ra 10 nhiệm vụ cơ bản để xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh; trong đó khẳng định tiếp tục kiên trì, kiên quyết thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII, Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định, Hội nghị lần này cần thảo luận, ra Nghị quyết về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hoá’ trong nội bộ". Đây là vấn đề hệ trọng, vừa cơ bản, vừa cấp bách.
Tại các Đại hội lần thứ VIII, IX, X và XI, Đảng ta đã nhấn mạnh sự cần thiết phải ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống. Đại hội lần thứ XII của Đảng tiếp tục cảnh báo và đặt ra yêu cầu: "Đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hoá’; coi đây là một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ này”.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng, với quyết tâm chính trị rất cao của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, chúng ta đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, nhưng tình trạng suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, có mặt còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn, có thể gây ra những hậu quả khôn lường.
Cho biết, Tờ trình của Bộ Chính trị và các tài liệu liên quan gửi Trung ương đã nêu khá đầy đủ các nội dung của Đề án; Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị các đồng chí tham dự Hội nghị cho ý kiến về tên gọi, chủ đề và phạm vi của Đề án, có gì cần bổ sung, điều chỉnh. Từ đó, đánh giá đúng tình hình và nguyên nhân; xác định rõ mục tiêu, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và những chủ trương, biện pháp phù hợp đối với từng nội dung, vấn đề.
“Trên cơ sở kế thừa các nghị quyết của Trung ương trước đây, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, đề nghị nghiên cứu bổ sung, làm rõ suy thoái về tư tưởng chính trị, về đạo đức, lối sống là thế nào? Những biểu hiện như nêu trong Tờ trình, Đề án và Dự thảo Nghị quyết đã đủ rõ chưa, cần phải nhận diện thêm vấn đề gì? “‘Tự diễn biến’, ‘tự chuyển hoá’ trong nội bộ là thế nào? Mức độ đến đâu? Nguyên nhân là gì? Tác hại ra sao?”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu.
Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị các đồng chí tham dự Hội nghị đi sâu phân tích làm rõ, mổ xẻ, chỉ ra đúng căn nguyên, đề ra các biện pháp hữu hiệu.
“Đề án nêu ra 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp về giáo dục chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình; về cơ chế, chính sách; về kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; về phát huy vai trò của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội. Những nhóm giải pháp nêu trên đã chính xác, đủ mạnh và khả thi để làm chuyển biến tình hình chưa? Cần bổ sung thêm giải pháp nào, nội dung từng nhóm giải pháp cần lưu ý thêm vấn đề gì? Những giải pháp nào chúng ta có thể tổ chức thực hiện ngay; những giải pháp cần có thêm quy định, hướng dẫn thì cách thức tổ chức thực hiện thế nào?...”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu vấn đề.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét