“Giáo dục là quốc sách hàng đầu thì Tiết kiệm là quốc sách thứ mấy?”.



        Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị số 31/CT-TTg về tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công. Theo đó, Chính phủ yêu cầu đến năm 2020 giảm khoảng từ 30% - 50% số lượng xe ô tô phục vụ công tác chung đang được trang bị cho các Bộ, ngành, địa phương (trừ lĩnh vực an ninh, quốc phòng). 
       Trong phạm vi quản lý theo luật định, Chỉ thị 31/CT-TTg đề cập đến tài sản công, nhưng một khi tiết kiệm là quốc sách thì còn phải đề cập đến hai nhóm đối tượng khác là khối ngoài quốc doanh và người dân. Có ý kiến cho rằng tiền của chủ doanh nghiệp tư nhân là “mồ hôi nước mắt” của họ nên họ hết sức tiết kiệm, còn khối doanh nghiệp quốc doanh " cha chung không ai khóc", thì "tội vạ ...dân đóng thuế?".
       Chỉ riêng lĩnh vực xe công, số liệu công bố năm 2015 cho thấy: cả nước hiện có gần 40.000 xe ôtô công, chưa bao gồm xe tại các đơn vị vũ trang, doanh nghiệp Nhà nước. Chi phí sử dụng một xe công trung bình khoảng 320 triệu đồng mỗi năm, ước tính mỗi năm ngân sách phải chi khoảng gần 13 nghìn tỷ đồng. Giảm 50% xe công nghĩa là mỗi năm tiết kiệm được khoảng hơn 6 nghìn tỷ chi phí sử dụng, chưa kể tiền thanh lý số xe này. Trong khi để xây dựng mới một trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia với số lớp khoảng từ 25-30, học sinh học 2 buổi/ngày, đầy đủ cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên chỉ cần khoảng 30 tỷ. Vậy nếu số tiền tiết kiệm chi phí từ việc giảm xe công nếu được thực hiện sẽ đủ xây 200 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia?
        Với mục tiêu “Kiểm soát chặt chẽ tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc”, Chỉ thị số 31/CT-TTg của Chính phủ được thực hiện như thế nào, liệu có nên để tình trạng từ phường xã trở lên tồn tại nhiều loại trụ sở: trụ sở cơ quan công quyền và trụ sở các tổ chức đoàn thể, chính trị, xã hội. Thêm trụ sở nghĩa là thêm trang thiết bị, đội ngũ cán bộ và quỹ lương.  Liệu khi yêu cầu giảm 30%-50% xe công, Chính phủ có dự kiến giảm số người hưởng lương tương ứng? Sự hoàng tráng của các lễ động thổ được tô phủ bởi cờ hoa, băng rôn, cổng chào...có làm cho công trình trở nên bền vững hơn hay vừa tốn tiền ngân sách vừa kệch cỡm, phản cảm? 
           Hiến pháp quy định Giáo dục là quốc sách hàng đầu, dù Giáo dục có tiến bộ đến mấy mà sản phẩm của nó là đội ngũ trí thức vẫn thích phô trương, hình thức, đội ngũ cán bộ (kể cả lãnh đạo) vẫn xem ngân sách là “chùm khế ngọt” tha hồ trèo hái thì ngay việc giữ ở mức “thu nhập trung bình” cũng khó chứ chưa nói đến bằng các nước trong khu vực. Như vậy câu hỏi  “Giáo dục là quốc sách hàng đầu thì Tiết kiệm là quốc sách thứ mấy?” khi nào thì mới được giải quyết?.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét