"Không chúc tết lãnh đạo, không phong bao phong bì", một Chính phủ liêm chính, văn minh, vì dân phục vụ


            Tại phiên họp thường kỳ tháng 11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo: “Ngay trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, đề nghị tất cả hệ thống hành chính không chúc Tết lãnh đạo, không biếu xén, không phong bao, phong bì..." Có thể khẳng định, đây là động thái quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, nhằm ngăn chặn sự lãng phí, biến tướng của việc chúc Tết lãnh đạo trong thời gian qua. Và khẳng định, trước hết, Chính phủ sẽ làm gương nên có ý nghĩa tích cực và có tác dụng thực thi trong toàn bộ hệ thống hành chính.
          Mục đích của việc tặng quà Tết là cầu chúc an lành và may mắn cho năm mới. Thông qua việc đem tặng nhau những món quà đầu năm, không chỉ lời cảm ơn những người đã giúp đỡ, quan tâm và thương yêu mình, mà còn thông qua đó mong muốn tăng cường mối quan hệ tình cảm, tình bạn tốt hơn trong năm mới và là dịp để giao lưu tình cảm giữa mọi người với nhau. 
       Ý nghĩa nhân văn là thế, tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân vẫn lợi dụng phong tục tặng quà Tết để mang những món quà như tiền, vàng, xe ôtô, nhà cửa hoặc những tài sản có giá trị khác nhằm hối lộ cán bộ, công chức để được quan tâm, giúp đỡ công việc làm ăn trong năm mới. Đối với cơ quan nhà nước thì ngày Tết cũng thường chuẩn bị quà để tặng lãnh đạo cấp trên; cán bộ, công chức cũng chuẩn bị quà riêng để tặng cho lãnh đạo trong dịp Tết để cầu xin sự giúp đỡ hoặc nhờ lãnh đạo quan tâm, giúp thăng quan, tiến chức… Đây thường xem là dịp để tham nhũng, hối lộ một cách hợp pháp. 
        Do vậy, cần phải ngăn chặn và đẩy lùi tiêu cực này; xử lý nghiêm đối với người dân, cán bộ, công chức lợi dụng phong tục tặng quà Tết để tham nhũng, hối lộ… Một số trường hợp lợi dụng tình trạng chúc Tết lãnh đạo thông qua việc quà cáp, phong bao, phong bì là sự trao đổi, thỏa thuận ngầm, ăn chia lợi ích, hoa hồng với nhau hoặc chạy dự án, chạy chức, chạy quyền… khó có thể kiểm soát được. Bởi người đưa quà, người nhận quà không khai ra giá trị phần quà, không khai ra mục đích của việc tặng quà thì không có cơ sở để xác định có tiêu cực xảy ra hay không.
        Mặt khác, tình trạng cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước lợi dụng ngày Tết để sử dụng ngân sách nhà nước trái với nguyên tắc tài chính như dùng tiền ngân sách để mua quà hoặc bỏ phong bì để biếu xén lãnh đạo cấp trên… Việc tặng quà và nhận quà trong bộ máy hành chính nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ trở thành bệnh nan y khó có thể chữa, xuất hiện tình trạng đòi hỏi, vòi vĩnh quà cáp nhân dịp Tết đến; nếu không đáp ứng sẽ gây khó dễ, làm ách tắt, không thông suốt trong mối quan hệ giữa các cấp hành chính với nhau, giữa lãnh đạo cấp trên trên với lãnh đạo cấp dưới; giữa lãnh đạo đơn vị với cán bộ, công chức với nhau. 
       Nếu thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ sẽ khắc phục tình trạng lãng phí tài sản công, lãng phí thời gian, công sức của cán bộ, công chức; khắc phục tình trạng tiêu cực, tham nhũng có thể xảy ra; nâng cao đạo đức công vụ của từng cán bộ, công chức, hướng đến xây dựng các cơ quan hành chính liêm chính, văn minh, hiện đại và vì dân phục vụ. Và có thể khẳng định, chỉ đạo không chúc Tết lãnh đạo của Thủ tướng Chính phủ rất hợp lòng dân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét