Lễ hội vốn là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt với mong ước cầu an, may mắn, sức khỏe, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt... trong năm mới. Bởi lễ hội là của cộng đồng đưa lại lợi ích, nguồn lợi cho xã hội. Đấy cũng là định hướng trong việc gắn phát triển văn hóa với phát triển kinh tế, biến di sản thành tài sản cho các cộng đồng để phát triển kinh tế địa phương.
Những nét đẹp của các lễ hội ngày nay thể hiện sự biến tướng khi tại nhiều lễ hội gần đây diễn ra sự tranh giành, thậm chí là đổ máu chỉ để cướp các vật phẩm tượng trưng cho sự may mắn. Trong lễ hội hiện nay có nhiều hoạt động, dịch vụ phát sinh mà không phải là văn hóa truyền thống, người ta tự tổ chức, mang danh lễ hội truyền thống để trục lợi.
Dưới góc độ quản lý một thực tế là các doanh nghiệp đứng ra tổ chức hội lễ hội, lấy danh nghĩa là mong muốn của cộng đồng, nhưng thực chất là để bán vé, thu tiền. Ví dụ như Lễ hội chọi trâu ở Hải Phòng, vào xem lễ hội được ban quản lý bán vé thu tiền, trâu thắng hay trâu thua đều đem thịt hết, rồi bán với giá rất cao để kiếm lời. Rồi kéo theo nhiều hiện tượng như cá cược, làm phát sinh những vấn đề bất ổn về an ninh trên địa bàn.
Nhiều nơi tổ chức khai ấn, phát ấn cũng là một biểu hiện của biến tướng với ý nghĩa khai ấn là mang lại “thăng quan tiến chức” để trục lợi lợi bằng các dịch vụ bán vé, kinh doanh... Nhiều nghiên cứu chỉ ra là không có một chứng cứ nào của lễ hội khai ấn giúp thăng quan tiến chức. Vài năm trở lại đây bỗng dưng nổ ra việc khai ấn, nhiều nơi tổ chức khai ấn, thành “dịch”, thành hiện tượng khai ấn... Không hiểu việc tuyên truyền như thế nào mà ai cũng tin rằng có ấn đấy là sẽ may mắn, có lộc. Đó là những hiện tướng mới trong công tác quản lý di sản văn hóa, hoạt động lễ hội hiện nay.
Bên cạnh đó, hiện nay có hiện tượng lãnh đạo địa phương tham gia vào ban này, ban kia để tổ chức lễ hội, đưa ra nhiều hoạt động để tạo nguồn thu, coi mùa lễ hội là mùa kiếm tiền, nó làm bùng ra những biến tướng mới. Vì vậy, không có sự quản lý của cơ quan nhà nước thì việc đảm bảo an toàn trật tự, vệ sinh môi trường sẽ diễn biến phức tạp. Chưa kể trước đây người ta tham gia lễ hội rất lành mạnh, để tỏ lòng thành kính, cầu mưa thuận gió hòa, gia đình hạnh phúc. Còn bây giờ người ta thổi phồng vào đó quá nhiều yếu tố tâm linh, để thu hút người dân, tạo hiệu ứng kích động tâm lý.
Thiết nghĩ, để mùa lễ hội là một mùa của tâm linh, là những ngày đầu năm mới thực sự là nét đẹp văn hóa của con người Việt từ bao đời nay, về lâu dài đề Nghi Bộ VHTT&DL cần đề xuất, xây dựng những quy định về hoạt động lễ hội để trình Chính phủ ban hành trong trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, căn cứ vào từng địa bàn (Bắc, Trung, Nam), Bộ sẽ xây dựng bộ quy tắc ứng xử khi tham gia lễ hội để lễ hội trở về đúng giá trị, nét đẹp vốn có của nó làm cho các di sản văn hóa Việt được quảng bá và là một nét hưởng thụ độc đáo của du khách thế giới cũng như người dân Việt Nam trên mọi miền đất nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét