Để chống phá cách mạng Việt Nam, các thế lực thù địch coi “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hoá là mũi đột phá, hòng làm tan rã niềm tin, gây hỗn loạn về lý luận, tư tưởng, tạo ra “những khoảng trống” để đưa hệ tư tưởng tư sản thâm nhập vào cán bộ, đảng viên và nhân dân, tiến tới chuyển hóa, xóa bỏ hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Bởi vậy, nhận rõ bộ mặt thật của thủ đoạn thâm độc này để có phương sách đấu tranh phù hợp, hiệu quả là rất cần thiết.
Không mấy khó hiểu khi các thế lực thù địch sử dụng con bài tư tưởng, văn hóa làm đòn tấn công phủ đầu, dọn đường thực hiện các thủ đoạn khác để chống phá cách mạng nước ta. Bởi, chúng hiểu quá rõ vai trò to lớn của tư tưởng, văn hóa trong chỉ đạo hành động của con người và định hướng quá trình đi lên của một quốc gia, dân tộc. Thực tế cho thấy, nền tảng văn hóa, tư tưởng vững chắc sẽ làm cho con người luôn gắn bó với cộng đồng, tạo sức mạnh nội sinh, sự đồng thuận xã hội, truyền thống yêu nước, thương nòi, khối đại đoàn kết toàn dân tộc và sự phát triển bền vững trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Nếu tư tưởng, văn hóa không vững, sẽ dẫn đến sự thiếu đồng nhất, phân rã về tư tưởng trong xã hội; lai căng, xuống cấp về bản sắc văn hóa; suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; người dân thiếu niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và con đường đi lên của dân tộc. Và điều đó sẽ dẫn đến hậu quả: chính trị khủng hoảng, kinh tế trì trệ, pháp luật kém hiệu lực, nền tảng xã hội lung lay, tạo mảnh đất màu mỡ để các thế lực thù địch “tự tung tự tác” bằng những mưu mô, thủ đoạn để chuyển hóa, thay đổi chế độ. Tình trạng đó sẽ dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và trong xã hội, gây nên những tổn thất khó lường đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc và vận mệnh của Đảng, chế độ. Kịch bản này đã từng xảy ra ở Liên Xô và các nước Đông Âu vào những năm 90 của thế kỷ XX.
Trong chiến lược “Diễn biến hòa bình”, trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, âm mưu chống phá của các thế lực thù địch đối với cách mạng nước ta là không thay đổi. Bởi mục tiêu cuối cùng của chúng là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và chế độ xã hội chủ nghĩa, đưa Việt Nam phát triển theo quỹ đạo tư bản chủ nghĩa. Để đạt điều đó, chúng từng bước phá vỡ, đẩy lùi lý luận chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh ra khỏi nền tảng tư tưởng của Đảng, đời sống tinh thần của xã hội với thủ đoạn tuyên truyền, rằng: “Chủ nghĩa Mác – Lê-nin đã thuộc về quá khứ, một quá khứ thật oanh liệt, đầy hào hùng và những bi kịch, mà không thuộc về hiện tại, lại càng không thuộc về tương lai”; “Tư tưởng Hồ Chí Minh không còn phù hợp với điều kiện mới của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, nên không thể lấy tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng”, v.v. Đồng thời, tăng cường công kích, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và mục tiêu, con đường độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội mà dân tộc ta đã lựa chọn. Chúng lý sự rằng, con đường đó “không còn phù hợp với quy luật của lịch sử, làm cho đất nước không thể phát triển” và đòi Việt Nam từ bỏ con đường đi lên theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Càng gần đến thời điểm tiến hành Đại hội lần thứ XII của Đảng thì chiến dịch chống phá của các thế lực thù địch càng được đẩy lên cao. Lợi dụng việc Đảng ta tổ chức lấy ý kiến trong Đảng và nhân dân về dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII, chúng tập trung chống phá đường lối, Cương lĩnh, nhân sự cấp cao của Đảng và cho rằng “Văn kiện Đại hội XII sắp tới chỉ mang tính lý luận hình thức, không dám chỉ ra khuyết điểm, mâu thuẫn cơ bản trong xã hội, không giải quyết được những bức xúc của nhân dân, đặc biệt là vấn đề dân chủ, nhân quyền và phòng, chống tham nhũng”. Từ đó, đòi hỏi được thành lập nhóm “đặc biệt” có toàn quyền chuẩn bị dự thảo, báo cáo chính trị và đề xuất những ý kiến theo nhận thức chủ quan mà không câu nệ vào Hiến pháp, Cương lĩnh, Điều lệ Đảng. Thông qua mạng xã hội, với cái gọi là “Chân dung quyền lực”, chúng bịa đặt, thổi phồng thiếu sót, khuyết điểm, bôi nhọ danh dự cán bộ lãnh đạo chủ chốt Đảng, Nhà nước, Quân đội, Công an, gây sự phân tâm, nghi ngờ, phai nhạt niềm tin của quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Cùng với đó, các thế lực thù địch còn thúc đẩy “dân chủ hóa” hoạt động Quốc hội, lợi dụng “cải cách hành chính” nhằm chuyển hóa chế độ chính trị ở nước ta thông qua việc đòi “cải tổ hệ thống chính trị, cải tổ Chính phủ, cải tổ cách thức điều hành đất nước”; tăng cường quảng bá “3 trụ cột”: xã hội dân sự, kinh tế thị trường và nhà nước pháp quyền theo hướng tư bản chủ nghĩa, làm cho Việt Nam chệch con đường xã hội chủ nghĩa.
Với mưu đồ chuyển hóa hệ thống thang giá trị trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt Nam, chúng phủ nhận Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) khi cho rằng, đánh giá thành tựu 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) là hoàn toàn “thiếu cơ sở” vì thực tế cho thấy ở Việt Nam, đạo đức xã hội đang bị “băng hoại nghiêm trọng”, các quyền tự do báo chí, ngôn luận, biểu tình của người dân đã bị Đảng “khất nợ”, v.v. Tranh thủ những yếu tố khách quan xuất hiện trong bối cảnh nước ta đổi mới, mở cửa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các thế lực thù địch đẩy mạnh truyền bá các “giá trị” văn hóa, lối sống phương Tây, hệ tư tưởng tư sản; xóa bỏ truyền thống văn hóa, chuẩn mực đạo đức, lối sống tốt đẹp của dân tộc, làm phai nhạt bản sắc xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Thông qua con đường hợp tác trên các lĩnh vực: giáo dục - đào tạo, quốc phòng - an ninh, báo chí, truyền thông, hội thảo, triển lãm, tài trợ,… để từng bước hình thành các tổ hợp, tập đoàn, câu lạc bộ, nhóm nhà báo, báo tư nhân, trang thông tin điện tử, cơ quan ngôn luận của “lực lượng dân chủ” ở Việt Nam. Lợi dụng cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, chúng xuyên tạc thực trạng xã hội, khoét sâu yếu kém, làm ra vẻ như ở Việt Nam đang có khủng hoảng về kinh tế - xã hội, tình trạng tham nhũng tràn lan, không kiểm soát được, v.v. Trên lĩnh vực văn học - nghệ thuật, báo chí, xuất bản, chúng ra sức vận động thành lập “Văn đoàn độc lập”, “Hội nhà báo độc lập”, “Công đoàn độc lập”; tán phát một số cuốn sách được xuất bản ở hải ngoại, như: “Con đường Việt Nam” của Trần Huỳnh Duy Thức, “Bên thắng cuộc” của Huy Đức, “Đèn cù” của Trần Dĩnh,… nhằm “bôi nhọ” đời tư của các cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, v.v.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét