“Lấy dân làm gốc” là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Theo Người, để thực sự “lấy dân làm gốc”, chúng ta cần: Một là, tôn trọng và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân; hai là, làm tốt công tác dân vận và ba là, nâng cao trách nhiệm của nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng. Trong điều kiện hiện nay, phát huy quyền làm chủ của nhân dân được coi là một biểu hiện tập trung của tư tưởng “lấy dân làm gốc”, là một yếu tố bảo đảm sự thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Trong quan niệm truyền thống của người Việt Nam, vai trò của quần chúng nhân dân luôn được đề cao, thể hiện trong các tư tưởng "dĩ nông vi bản", "dĩ dân vi bản"; "dân như nước; chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân; thuyền bị lật mới biết sức dân mạnh như nước"
Hồ Chí Minh đã tiếp thu những quan điểm sâu sắc của chủ nghĩa Mác - Lênin về vai trò của quần chúng nhân dân, coi quần chúng nhân dân là lực lượng lao động cơ bản của xã hội, là chủ thể sáng tạo nên lịch sử; coi sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân và không có quần chúng nhân dân thì cũng không có lịch sử. Vai trò của quần chúng nhân dân ngày càng tăng lên trong lịch sử; quy mô, tầm vóc của các sự kiện lịch sử tuỳ thuộc vào lực lượng quần chúng tham gia vào rộng hay hẹp, nhiều hay ít... Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quán triệt sâu sắc bài học "lấy dân làm gốc" và nêu cao tư tưởng cách mạng là của dân, do dân và vì dân. Người cho rằng, “… cách mệnh là việc chung cả dân chúng chứ không phải việc một hai người” và xác định: lực lượng chính trong công cuộc kháng chiến kiến quốc là nhân dân. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để thực sự "lấy dân làm gốc", cần phải:
Thứ nhất, luôn tôn trọng và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; phải lấy mục đích bảo vệ cho nhân dân sống yên vui, hạnh phúc làm đầu, phải vì lợi ích của nhân dân mà phục vụ; lấy niềm vui, hạnh phúc của nhân dân làm lẽ sống của mình. Đối với cán bộ, Người thường xuyên nhắc nhở rằng, việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm; việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Rằng, "Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta"; "Phải yêu kính nhân dân. Phải thật sự tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân. Tuyệt đối không được lên mặt "quan cách mạng" ra lệnh ra oai". Đặc biệt, cần phải kiên quyết đấu tranh chống lại mọi biểu hiện xâm phạm lợi ích của nhân dân, vi phạm quyền làm chủ của dân, những thói mệnh lệnh, cửa quyền, ức hiếp nhân dân, không chú ý giải quyết những kiến nghị của nhân dân. Theo Hồ Chí Minh, bảo vệ lợi ích của nhân dân còn là tiêu chí để phân biệt bạn, thù. Người khẳng định: "… ai làm gì lợi ích cho nhân dân, cho Tổ quốc ta đều là bạn. Bất kỳ ai làm điều gì có hại cho nhân dân và Tổ quốc ta tức là kẻ thù".
Thứ hai, làm tốt công tác dân vận. Điều đó có nghĩa là, phải "vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho". Đối với công tác đặc biệt quan trọng này, Hồ Chí Minh thường căn dặn cán bộ: làm dân vận phải chân đi, mắt thấy, tai nghe, miệng nói, tay làm, óc nghĩ; không được lãnh đạo chung chung. Người cán bộ phải thường xuyên đi xuống dân, gắn bó với dân; tăng cường đối thoại với nhân dân, trực tiếp gặp gỡ, hỏi han và bàn bạc với dân, để nghe dân nói, xem dân làm, thấy được cách sinh hoạt, làm việc, cuộc sống của dân, và quan trọng hơn là đi sâu tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, thắc mắc của họ, biết họ đang nghĩ gì, cần cái gì, muốn cái gì, lo cái gì v.v.. Từ đó, đề ra hoặc sửa đổi, bổ sung chủ trương, chính sách làm cho ý Đảng, lòng dân thống nhất, hoà quyện với nhau. Mục đích của các hoạt động đó là nhằm xây dựng, củng cố mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa các giai cấp, tầng lớp để tạo ra phong trào cách mạng sâu rộng và phát huy sức mạnh to lớn của quần chúng nhân dân. Người khẳng định: khi đã được dân đồng tình, ủng hộ thì mọi việc sẽ thành công.
Thứ ba, phải nâng cao ý thức cảnh giác của nhân dân đối với những âm mưu phá hoại, những luận điệu xuyên tạc, chống phá mà các thế lực thù địch có thể tuyên truyền trong quần chúng nhân dân hòng hạ thấp uy tín của Đảng, làm cho nhân dân mất lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, kích động nhân dân chống lại chế độ, gây mất ổn định chính trị và chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân.
Kinh nghiệm thực tiễn lịch sử của ông cha ta trong việc an dân, trị quốc cũng như kinh nghiệm của cuộc đấu tranh cách mạng qua các thời kỳ do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã cho thấy, việc giữ dân, giành dân, an dân và đặc biệt là lấy dân làm gốc có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự nghiệp cách mạng và sự bền vững của chế độ. Trong thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ, đường lối phát động cuộc chiến tranh nhân dân của Đảng ta đã tạo nên sức mạnh to lớn để chiến thắng thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, giành lại độc lập và thống nhất đất nước. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là trong công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa ngày nay, Đảng ta tiếp tục khẳng định lấy dân làm gốc là bài học kinh nghiệm hàng đầu, là cơ sở cho việc hoạch định đường lối phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, một trong bốn bài học lớn được Đảng rút ra là, trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng "lấy dân làm gốc", xây dựng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động. Bài học này tiếp tục được quán triệt sâu sắc trong các kỳ Đại hội VII và Đại hội VIII của Đảng. Đánh giá quá trình đổi mới, Đại hội lần thứ IX của Đảng một lần nữa khẳng định: "đổi mới phải dựa vào nhân dân, vì lợi ích của nhân dân, phù hợp với thực tiễn, luôn luôn sáng tạo".
Có thể khẳng định rằng, chủ trương phát huy quyền làm chủ của nhân dân là quan điểm có tính cách mạng và khoa học, là biện pháp tích cực của Đảng trong quá trình phát triển xã hội theo nguyên tắc "lấy dân làm gốc". Việc mở rộng dân chủ hoá đời sống xã hội, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở... đã và đang phát huy vai trò làm chủ, tính chủ động, sáng tạo của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Tuy nhiên, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong những năm vừa qua cũng còn một số yếu kém, hạn chế nhất định. Chẳng hạn, cơ chế thực hiện còn lúng túng, vận hành kém hiệu quả; phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" còn chưa đi sâu vào cuộc sống của người dân ở nông thôn và dường như mới dừng lại ở "dân làm" mà thôi. Tệ quan liêu, tham nhũng, cửa quyền, ức hiếp, trù dập quần chúng, không quan tâm đến những nguyện vọng chính đáng của quần chúng, coi thường kỷ cương phép nước của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức quyền nhưng đã thoái hoá, biến chất… khiến cho quần chúng nhân dân bất bình, bức bối, giảm niềm tin vào Đảng và Nhà nước, làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Tại Đại hội lần thứ XII, Đảng ta nhận định: "tình trạng tham nhũng và sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đang cản trở việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, gây bất bình và làm giảm lòng tin trong nhân dân". Hơn 80 năm trước đây, khi đề cập đến vấn đề này ở nước Nga Xôviết, V.I.Lênin đã từng cảnh báo những người cộng sản rằng: nguy cơ lớn nhất của một đảng cầm quyền là quan liêu, mệnh lệnh, xa rời quần chúng... Một khi không tập hợp được quần chúng thành một khối thống nhất, vững chắc... thì mọi hoạt động của Đảng sẽ vô cùng khó khăn. Ở nước ta, trong những năm qua, tình hình mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, tình trạng khiếu kiện vượt cấp của nhân dân có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Điều đó đòi hỏi Đảng và Nhà nước phải có sự đổi mới trong công tác lãnh đạo, quản lý xã hội và đặc biệt, phải quán triệt bài học "lấy dân làm gốc".
Trong điều kiện hiện nay, chúng ta phải phát huy cao độ quyền làm chủ của nhân dân nhằm khai thác và sử dụng có hiệu quả sức mạnh to lớn của lực lượng đông đảo này. Thực tế cho thấy, “Chỉ có phát huy sức mạnh làm chủ của nhân dân mới có thể chống tiêu cực, chống suy thoái, chống tham nhũng có hiệu quả, nhằm củng cố Đảng, làm trong sạch bộ máy Nhà nước, lành mạnh hoá các quan hệ xã hội”. Những kỳ tích của ông cha ta trong các cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước cũng như những thành tựu to lớn mà chúng ta đạt được trong những giai đoạn cách mạng trước đây đều xuất phát từ đường lối “lấy dân làm gốc”. Trong giai đoạn cách mạng mới, bài học đó vẫn giữ nguyên giá trị. Song, vấn đề không phải chỉ nêu lên khẩu hiệu “lấy dân làm gốc”, hay thực hiện nó một cách hời hợt, hình thức, thiếu triệt để. Điều quan trọng nhất là phải biến tư tưởng đó trở thành hiện thực, nó phải được thể hiện một cách sinh động, nhất quán trong hành động thực tiễn hàng ngày, hàng giờ của mỗi cán bộ, đảng viên. Mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự là “người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”; phải tôn trọng nhân dân, vừa lãnh đạo vừa phát huy quyền làm chủ của nhân dân, vừa giáo dục vừa không ngừng học hỏi nhân dân; phải làm cho dân tin, dân yêu, dân ủng hộ; phải sống chan hoà với nhân dân, quan tâm đến đời sống của nhân dân, biết chia xẻ niềm vui, nỗi buồn cùng nhân dân, phải xây dựng cho mình tác phong, thái độ và hành động đúng với vị trí, vai trò của mình, xứng đáng là người mà nhân dân đặt trọn niềm tin cũng như giao phó trách nhiệm. Có như vậy, chắc chắn chúng ta sẽ góp phần tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực và tiến bộ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, từng bước hiện thực hoá mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn và kiên trì thực hiện.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét