Bàn về nhân cách của người lãnh đạo.

    Chuẩn mực đạo đức của người lãnh đạo là quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng, đó là điều chủ yếu nhất. Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỉ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng. Đặt lợi ích của Đảng và nhân dân lao động lên trên, lên trước lơi ích riêng của cá nhân mình. Một lòng phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì nhân dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi công việc.

    Khi đã ở cương vị quản lý, người lãnh đạo tự quyết định mình phải làm gì, làm như thế nào, đồng thời chịu trách nhiệm về các quyết định của mình trước tập thể, trước cấp trên. Người lãnh đạo giữ vị trí trung tâm của tập thể lao động, mang sức mạnh quyền lực - sức mạnh được Nhà nước đảm bảo tác động trực tiếp với đối tượng quản lý của mình. Mặt khác, người lãnh đạo là cầu nối giữa cơ quan quản lý cấp trên và tập thể lao động; mọi chỉ thị, nghị quyết của Nhà nước ban hành thông qua người lãnh đạo để đến với tập thể và chịu trách nhiệm trước cấp trên về trạng thái hoạt động, kết quả hoạt động, cũng như các mặt về đời sống của tập thể do mình quản lý...

    Để thực hiện tốt vai trò, chức năng trên và để khẳng định tốt vị trí của mình, người lãnh đạo cần phải có những phẩm chất và năng lực cần thiết, những nét đặc trưng về nhân cách của người cán bộ lãnh đạo. Nhân cách nhà lãnh đạo chứa đựng những phẩm chất tốt đẹp của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam, có những trình độ và năng lực cần thiết thực hiện các nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao cho, là lòng trung thành với lý  tưởng XHCN,  với đường lối, quan điểm của Đảng ta, niềm tin và thắng lợi cuối cùng của cách mạng, có lập trường kiên định của giai cấp công nhân. Trong sáng về đạo đức, sự tận tâm với công việc, sự quan tâm  chăm sóc mọi người lao động, tinh thần phê và tự phê nghiêm túc, tinh thần tập thể, tính trung thực, công bằng, giản dị, khiêm tốn... có năng lực tổ chức, năng lực chuyên môn ...

    Đạo đức người lãnh đạo là phải biết cách xử thế giữa người lãnh đạo và người bị lãnh đạo trong quá trình quản lý, nhằm xây dựng được những quan hệ tốt đẹp với nhau, trên cơ sở đó mà bảo đảm thực hiện công việc chung đạt kết quả cao. Chẳng hạn, trong công tác đòi hỏi người lãnh đạo, quản lý  phải có tính khách quan công bằng đối với mọi cán bộ, công nhân viên dưới quyền, không được "yêu là tốt, ghét là xấu"; không thiên vị, không định kiến. Người lãnh đạo phải biết nghe lời nói phải, nghe những ý kiến bị coi là trái với ý kiến của mình, để xử lý, chọn lọc những thông tin đúng phục vụ cho công tác lãnh đạo .

      Người lãnh đạo phải có tư chất đúng mực, tự chủ, thể hiện: phải là người biết tự kiềm chế sự bột phát tình cảm của bản thân, nếu không biết làm chủ được tâm trạng của mình thì không thể làm lãnh đạo được. Dù tâm trạng riêng như thế nào chăng nữa thì người lãnh đạo khi đến cơ quan làm việc vẫn phải luôn vui vẻ với mọi người, bình tĩnh để giải quyết công việc được tốt nhất. Người lãnh đạo biết lắng nghe ý kiếm của người khác, biết phát biểu đúng nơi đúng chỗ, biết im lặng và biết tránh những kích động không cần thiết. Mọi hành vi và lời nói của người lãnh đạo đều phải có suy nghĩ, có sự kiểm soát.
     Trong ứng xử hàng ngày phải luôn tỏ ra hồn nhiên, khiêm tốn, biết tôn trọng mọi người. Quan hệ với mọi người chân thật, đúng mức; trên không nịnh hót, dưới không quyền uy; tránh tình trạng nịnh trên, nạt dưới. Người lãnh đạo cần sống giản dị, chân thật, có lối sống phù hợp với thực tại khách quan, với truyền thống dân tộc, không xa hoa phù phiếm, phô trương hình thức, dối trá, lừa lọc, độc ác.
     Đạo đức trong công tác còn đòi hỏi người lãnh đạo làm việc tận tâm, có sáng kiến, công tác đạt hiệu quả cao, phải thực hiện "lời nói đi đôi với việc làm",  luôn lấy chữ tâm làm đầu; làm việc phải có lề lối, có quy tắc, có chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện phải theo chương trình, kế hoạch đó. Người cán bộ phải giám nghĩ, dám làm và giám chịu trách nhiệm trước những công việc của mình.
          Người lãnh đạo cần phải nhạy cảm với tình hình để luôn đi đầu, đón trước sự phát triển của sự việc. Chẳng hạn, người lãnh đạo ở các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể trong tình hình hiện nay cần nhanh chóng nắm bắt tình hình chính trị, xã hội để kịp thời động viên giáo dục tư tưởng chính trị cho nhân viên luôn đề cao cảnh giác trước những âm mưu của các thế lực thù địch. Cũng như đề ra những biện pháp chủ động, kịp thời trong việc bảo vệ an ninh, bí mật, tài sản của nhà nước.
   Trong thời đại ngày nay, dù ở trong cương vị nào, tài năng và đức độ vẫn là những phẩm chất cần thiết cho kết quả của công tác quản lý. Vì vậy mỗi cán bộ lãnh đạo cần luôn luôn tự hoàn thiện bản thân, tự học tập, trau dồi kiến thức thông qua sách vở và thực tiễn để tự nâng cao trình độ, năng lực quản lý của bản thân, đáp ứng nhu cầu công tác lãnh đạo và quản lý

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét