Chủ động ngăn chặn, đối phó hiệu quả với những hoạt động chống phá cách mạng

Thực trạng và xu hướng trên cho thấy tính chất nguy hiểm trong âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Nếu không nâng cao cảnh giác và chủ động ngăn chặn, đối phó có hiệu quả với hoạt động chống phá của chúng, sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thực trạng này đã và đang đặt ra một số yêu cầu cấp thiết sau:
Một là, cấp ủy, chính quyền các cấp cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu, nâng cao nhận thức, quán triệt sâu sắc các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với tôn giáo nói chung, từng tôn giáo cụ thể nói riêng. Chú trọng nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo, khắc phục tình trạng buông lỏng quản lý ở một số địa phương. Cần nhận thức rõ rằng, giải quyết tốt vấn đề tôn giáo sẽ là một trong những nhân tố quan trọng góp phần ổn định chính trị – xã hội trong cả nước cũng như từng địa phương.
Hai là, chú trọng công tác xây dựng lực lượng chính trị, cơ sở cốt cán trong tôn giáo; làm tốt công tác phát triển đảng viên, đoàn viên, hội viên trong tín đồ tôn giáo nhằm phát huy tác dụng làm “hạt nhân” trong phong trào cách mạng của quần chúng ở địa phương, cơ sở. Kiện toàn bộ máy tuyên truyền nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng; đặc biệt là ở những vùng có đông đồng bào theo đạo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nội dung tuyên truyền tập trung vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo để quần chúng tín đồ hiểu rõ và chấp hành nghiêm túc; khai thác các giá trị nhân văn, đạo đức tiến bộ trong giáo lý tôn giáo để vận động, thu hút, tập hợp quần chúng tín đồ tham gia các phong trào thi đua yêu nước.
Trước sự tấn công quyết liệt của các thế lực thù địch, nếu chúng ta không chú trọng, quan tâm, nâng cao hiệu quả công tác vận động quần chúng, không “nắm” được quần chúng thì sẽ phải đối mặt với những nguy cơ như nhiều nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu vào những năm 80 và 90 của thế kỷ trước.
Ba là, đẩy mạnh công tác phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc; thực hiện tốt chính sách đoàn kết lương – giáo; tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, làm cho cộng đồng ổn định, buôn làng phát triển, gia đình ấm no… Bên cạnh đó, phải kịp thời vạch trần mọi âm mưu, phương thức, thủ đoạn mà các thế lực thù địch thường lợi dụng tôn giáo để gây chia rẽ dân tộc, chống phá cách mạng nước ta; vạch trần bộ mặt phản động, đội lốt tôn giáo để phá hoại cách mạng của cái gọi là “Tin Lành Đề-ga” để quần chúng nhân dân hiểu rõ, từ đó nâng cao trình độ nhận thức, giác ngộ, ý thức cảch giác cách mạng trong quần chúng tín đồ.
Bốn là, các tỉnh, thành phố có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo của Đảng, Nhà nước, Mặt trận, đoàn thể; nhất là, đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo chuyên sâu ở tỉnh, huyện, xã, đáp ứng tốt yêu cầu quản lý nhà nước đối với công tác tôn giáo trong tình hình mới. Tổ chức các lớp, các đợt tập huấn riêng cho các chức sắc, chức việc, người có ảnh hưởng, uy tín với cộng đồng tôn giáo, dân tộc để phổ biến chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước; đồng thời, nhắc nhở trách nhiệm của họ trong khi chăm lo việc đạo phải thường xuyên yêu cầu tín đồ chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng cuộc sống “tốt đời – đẹp đạo”, tuân thủ pháp luật, làm tròn nghĩa vụ công dân, cảnh giác và góp phần đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch. Bên cạnh đó, phải nắm chắc số phần tử bất mãn, cơ hội chính trị, cực đoan, quá khích trong các cộng đồng tôn giáo, số đối tượng cầm đầu kích động quần chúng giáo dân khiếu kiện trên từng địa bàn cụ thể để chủ động quản lý, đấu tranh có hiệu quả, ngăn chặn kịp thời.

Những năm qua, công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động tôn giáo đã đạt được nhiều thành tựu rất đáng ghi nhận, đã có những bước tiến tốt hơn và ngày càng đi vào ổn định; công tác tuyên truyền, vận động quần chúng đã đem lại những hiệu quả tích cực hơn, tình hình sinh hoạt tôn giáo ở các chi hội dần đi vào xu thế bình thường, ổn định, quần chúng tín đồ, chức sắc, chức việc vui mừng, phấn khởi, yên tâm, tin tưởng vào chủ trương, đường lối, chính sách tôn giáo đúng đắn của Đảng và Nhà nước, các hoạt động tôn giáo trái phép giảm dần… Tuy vậy, trong thời gian tới các cấp ủy, chính quyền, các ngành chức năng và các đoàn thể ở địa phương, cơ sở phải không ngừng nâng cao cảnh giác cách mạng, tiếp tục có những biện pháp thiết thực, hữu hiệu để đấu tranh ngăn chặn những âm mưu, thủ đoạn hoạt động lợi dụng tôn giáo để chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch trong nước và quốc tế./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét