Âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch, chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta hiện nay là tìm mọi cách chia rẽ dân với Đảng, nhằm ly tán “lòng dân”. Do vậy, để xây dựng “thế trận lòng dân”, chúng ta phải chung sức, đồng lòng đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch chia rẽ lòng dân, ý đảng. Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cũng chính là sự khẳng định lập trường của Đảng và Nhà nước ta trước sau như một đều vì dân, hướng đến dân.
Trước hết, phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp. Cần nhận thức sâu sắc tính chất cực kỳ nguy hại của những quan điểm sai trái, thù địch trong chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng, chia rẽ mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và Dân hiện nay. Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, chia rẽ Đảng với Dân, ly tán lòng dân là cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận, đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch. Đó là cuộc đấu tranh để bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ Đảng, bảo vệ sự nghiệp đổi mới và chế độ xã hội chủ nghĩa; vì vậy, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng là điều kiện tiên quyết, là yếu tố quyết định đến sự thành công và tính hiệu quả của cuộc đấu tranh này. Phải huy động được sự vào cuộc của mọi tổ chức, mọi lực lượng đối với cuộc đấu tranh chống quan điểm sai trái; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch chia rẻ ý Đảng, lòng Dân.
Hai là, đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị. Để quần chúng nhân dân không còn do dự, hoài nghi về con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, về tính khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin, đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng, đòi hỏi công tác nghiên cứu lý luận phải có lời giải đáp đúng đắn, thỏa đáng; phải xây dựng một hệ thống quan điểm lý luận thật sáng tỏ, có tính thuyết phục cả cơ sở khoa học và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta; tính đúng đắn, sáng tạo của các chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Mặt khác, cần nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị cho mọi đối tượng, nhằm xây dựng bản lĩnh chính trị kiên định với nền tảng tư tưởng của Đảng; tập trung làm sáng tỏ tính khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin; đồng thời, tăng cường giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lốì, quan điểm của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, tạo nên sự nhất trí cao trong toàn Đảng, toàn dân với đường lối, chính sách và sự lãnh đạo của Đảng.
Ba là, phát huy tốt vai trò lực lượng nòng cốt, lực lượng chuyên trách, tạo điều kiện để các lực lượng nòng cốt thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ được giao. Trong bối cảnh hiện nay, khi các thế lực thù địch liên tục thay đổi cách thức chống phá, điều đó đòi hỏi đội ngũ chuyên trách làm công tác tư tưởng lý luận, các lực lượng trực tiếp đấu tranh của ta cũng phải được tổ chức chặt chẽ, phát huy tốt vai trò trách nhiệm, thường xuyên thay đổi phương thức đấu tranh để đạt hiệu quả. Thường xuyên kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách, các lực lượng nòng cốt trong đấu tranh chống các quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch, bảo đảm các hoạt động đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận theo đúng định hướng của Đảng, chặt chẽ về nguyên tắc, vững vàng về quan điểm chính trị, sâu sắc về lý luận khoa học, sắc bén trong phương pháp và đạt hiệu quả cao.
Bên cạnh đó, cần tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả các bài viết đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, thù địch; các bài viết phải làm rõ được tính chất phản khoa học, vô căn cứ, tính chất phản động, thù địch của các quan điểm sai trái một cách có cơ sở khoa học, cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn chắc chắn. Huy động được các lực lượng trong nhân dân, các dân tộc, tôn giáo và kiều bào ở nước ngoài, các tổ chức tiến bộ … tiến công chống các quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch, bảo vệ lẽ phải, chân lý.
Bốn là, đẩy mạnh hoạt động của các cơ quan báo chí, truyền thông, các trung tâm, viện nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn. Các cơ quan, báo chí, truyền thông phải tích cực tuyên truyền, phổ biến đưa các nghị quyết của Đảng vào thực tiễn cuộc sống của nhân dân; chỉ rõ những thành tựu, hạn chế cũng như những bài học kinh nghiệm về đổi mới và hội nhập quốc tế của nước ta. Tính chất phức tạp của cuộc đấu tranh này đòi hỏi lực lượng làm công tác thông tin đại chúng phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ nghiệp vụ cao, ngòi bút sắc bén; cách tiếp cận sự kiện, cách nêu vấn đề cần phải đứng trên lợi ích lâu dài của đất nước, dân tộc; thông tin mang tính chất xây dựng, nói cái xấu để khắc phục, nêu cái tốt để khuyến khích phát triển. Xây dựng những kênh thông tin trên mạng vừa tin cậy đối với Đảng và Nhà nước, vừa thân thiện với cộng đồng mạng để thông tin, tuyên truyền, trao đổi, tranh luận, giải thích với những người có ý kiến, quan điểm khác biệt, hoặc phản bác những quan điểm sai trái, thù địch, chống đối chế độ.
Mặt khác, cần quan tâm, đầu tư mọi mặt cho các trung tâm, viện nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn, nơi tập trung nhiều nhà khoa học có trình độ cao, có nhiều kinh nghiệm. Trước hết là sự quan tâm lãnh đạo, định hướng về chủ trương, kế hoạch, cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, khách quan; quan tâm, đầu tư vể vật chất, phương tiện, động viên, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân đạt có thành tích trong quá trình tham gia đấu tranh; kết hợp phát huy sức mạnh của mọi tổ chức, mọi lực lượng để tạo nên sức mạnh tổng hợp giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch chia rẽ lòng dân với Đảng hiện nay./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét