Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn và những phát ngôn "đỉnh cao trí tuệ"


     1. «Ta là người Việt Nam, nhưng ta hiểu rõ ta không phải là việc dễ, hiện nay chưa phải chúng ta đã hiểu rõ người Việt Nam lắm đâu. Muốn hiểu rõ mình thì cần phải đối chiếu với những người khác, nếu không thì bản thân mình cũng không hiểu rõ được mình». (Lê Duẩn: Xây dựng nền văn hoá mới, con người mới xã hội chủ nghĩa - Nxb Văn Hoá, Hà Nội 1977, trang 59).
     2. «Trong một hoàn cảnh lịch sử nhất định, không phải nhất thiết sự vật chỉ có một khả năng mà luôn luôn có thể có nhiều khả năng tiến lên. Và sự vật tiến lên theo khả năng này hay khả năng kia còn tùy thuộc vào ý định của con người. Và để đạt đến mục đích nhất định, cũng không phải chỉ có một con đường mà luôn luôn có thể có nhiều con đường, cũng như muốn đi đến một điểm trung tâm, người ta có thể đi từ trên xuống, hoặc từ dưới lên, từ tả qua hay từ hữu lại». (Lê Duẩn: sđd trang 21).
      3. «Chế độ ta là chế độ chuyên chính vô sản. Chuyên chính trước hết phải là đường lối của giai cấp vô sản. Cốt tủy của chuyên chính vô sản là ở đó chứ không phải là ở chỗ sử dụng bạo lực. Đường lối đó là sự kết hợp lý luận Mác-Lê Nin với thực tiễn cách mạng của nước mình. Đường lối đó là khoa học nhất, là đúng quy luật, là bắt buộc. Đường lối đó không hề nhân nhượng với ai, chia sẻ với ai và hợp tác với ai cả. Đó là chuyên chính. Đường lối đó là: nhất thiết phải xóa bỏ giai cấp bóc lột, xóa bỏ chế độ sản xuất cá thể, xác lập quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa. Nhất thiết phải làm thế, không cho phép ai đi ngược lại. Đó là chuyên chính. Đường lối đó nhất thiết phải là công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa. Không ai được chống lại. Đó là chuyên chính. Đường lối đó là đường lối của giai cấp công nhân, không ai được chống lại. Ai chống lại những cái đó thì bị bắt. Đó là chuyên chính»! (Văn kiện đảng toàn tập, tập 37, Nxb Chính trị Quốc gia 1976, trang 403-404).
      4. «Mục tiêu của cuộc cách mạng này là làm cho toàn dân, trước hết là nhân dân lao động, thấm nhuần tư tưởng xã hội chủ nghĩa, gạt bỏ thế giới quan và nhân sinh quan cũ, xây dựng thế giới quan của chủ nghĩa Mác-Lê Nin và nhân sinh quan cộng sản chủ nghĩa, làm cho chủ nghĩa Mác-Lê Nin chiếm ưu thế tuyệt đối trong đời sống tinh thần của nước ta và trở thành hệ tư tưởng của toàn dân, trên cơ sở đó mà xây dựng đạo đức mới (2) của nhân dân ta». (Lê Duẩn: sđd trang 10).
     5. «Nhật Bản phải tiến hành công nghiệp hoá trong năm sáu chục năm, nhưng họ không có nhiều nguyên liệu trong nước, họ phải nhập hầu hết; lúc bắt đầu công nghiệp hoá, lương thực bình quân đầu người chỉ có 124, 125 kilôgam. Còn ta thì hiện nay bình quân đầu người về lương thực đã trên 300 kilôgam và ta có nguyên liệu dồi dào, phong phú hơn Nhật Bản. Cho nên, chúng ta có căn cứ vững chắc để tin rằng chừng vài chục năm nữa chúng ta có thể tiến lên thành một nước có nền kinh tế tiên tiến». (Lê Duẩn: sđd trang 41).
      6. «Tất nhiên, cải tạo xã hội chủ nghĩa là nhằm bịt con đường tư bản chủ nghĩa tự phát; bịt con đường đó là để tránh cho nông dân lao động và người thợ thủ công khỏi rơi vào cảnh bị bóc lột và bần cùng hoá. Bịt con đường phát triển tư bản chủ nghĩa không có nghĩa là chặn nhân dân lao động, không để cho họ vươn lên một đời sống dồi dào. Trái lại, đồng thời với việc chặn con đường phát triển tư bản chủ nghĩa, cải tạo xã hội chủ nghĩa nhằm mở ra con đường đưa nhân dân lao động đến ấm no, hạnh phúc». (Lê Duẩn: sđd trang 27).
       7. «Thủ công nghiệp là cách sản xuất của chế độ phong kiến; đại công nghiệp là cách sản xuất của chế độ tư bản chủ nghĩa và cũng là cách sản xuất của chủ nghĩa xã hội, giai đoạn thấp của chủ nghĩa cộng sản» (3). «Dưới chế độ phong kiến, sản xuất nhỏ chỉ có một khả năng là tiến lên sản xuất lớn tư bản chủ nghĩa. Nhưng hiện nay [4/1962] là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội; trên thế giới có phe xã hội chủ nghĩa có nên công nghiệp tiên tiến, cho nên với sự giúp đỡ của phe xã hội chủ nghĩa, sản xuất nhỏ có thể tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Chúng ta đang tiến như thế». «Bằng chứng là trong bảy năm qua, chúng ta đã xây dựng được một số cơ sở công nghiệp nhẹ, trong lúc công nghiệp nặng ta chưa có bao nhiêu. Và chúng ta dự định đến năm 1965 chúng ta có thể sản xuất được gần hết những hàng tiêu dùng thông thường. Chúng ta tiến thẳng từ sản xuất nhỏ cá thể lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Nhờ có sự giúp đỡ và hợp tác của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, chúng ta có điều kiện xây dựng những xí nghiệp kỹ thuật hiện đại, trang bị bằng kỹ thuật mới cho các ngành kinh tế». (Lê Duẩn: sđd trang 37, 39).
      8. «Ta không nên quá sợ chủ nghĩa tư bản, nhất là đừng sợ chủ nghĩa tư bản một cách vô căn cứ». «Các nước xã hội chủ nghĩa khác với các nước tư bản chủ nghĩa ở chỗ bọn tư bản thì cạnh tranh, giành giật nhau, còn các nước xã hội chủ nghĩa thì hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau» (5). «Trong thời gian qua, các nước anh em giúp ta rất nhiều, viện trợ không phải hoàn lại hàng nghìn triệu đồng. Chỉ có những nước xã hội chủ nghĩa mới có thể giúp đỡ nhau như vậy. Nhưng đó là bước đầu, còn sau này khi chúng ta đã trưởng thành lên thì chẳng lẽ chúng ta cứ nhờ vả như vậy mãi sao? Không, chúng ta phải dựa vào sức của mình là chính để tiến hành công nghiệp hoá. Ỷ lại vào sự giúp đỡ một chiều của các nước anh em là không đúng; đó là tư tưởng ích kỷ, ăn bám» [!]. (Lê Duẩn: sđd trang 42, 44).
     9. «Trong chế độ tư bản chủ nghĩa, giai cấp vô sản là giai cấp gồm những người làm thuê, bị tưóc đoạt mọi quyền sở hữu về tư liệu sản xuất, nguồn sống duy nhất của họ là bán sức lao động cho những người chiếm hữu tư liệu sản xuất là giai cấp tư sản; hơn nữa giai cấp vô sản là lực lượng chủ yếu trong việc sản xuất ra của cải vật chất, là giai cấp tiên tiến đại biểu cho một phương thức sản xuất tiến bộ nhất, do đó giai cấp vô sản là giai cấp có tinh thần cách mạng triệt để nhất, là giai cấp duy nhất có khả năng lãnh đạo toàn thể quần chúng bị áp bức, bóc lột đấu tranh nhằm tiêu diệt chế độ người bóc lột người, là giai cấp duy nhất có khả năng lật đổ chủ nghĩa tư bản, xây dựng một xã hội mới: xã hội cộng sản chủ nghĩa».
      «Giai cấp tiểu tư sản không muốn lao động vất vả, không căm ghét ăn bám, bóc lột; ngại khó khăn gian khổ, thường tính toán "được mất" cá nhân mà ít nghĩ đến nhiệm vụ cách mạng. Trong chế độ cũ, giai cấp tư sản thường chỉ nắm những vị trí then chốt về kinh tế, chính trị và để cho những người trong giai cấp tiểu tư sản "làm quan" cho chúng. Ngày nay, có một số thanh niên trí thức cũng muốn "làm quan" cho giai cấp vô sản. Họ muốn làm cách mạng một cách "an nhàn", "thoải mái", sợ đấu tranh gay gắt, sợ hy sinh phấn đấu, thích hoà bình hưởng lạc»(Lê Duẩn: sđd, trang 106, 109).
      10. «Áp dụng phổ biến quy luật của tiến hoá là phê bình và tự phê bình, là biện pháp có tầm quan trọng đặc biệt», «vì tự phê bình và phê bình là quy luật của sự tiến bộ, là vũ khí tốt để rèn luyện tư tưởng». (Lê Duẩn: sđd trang 110, 155).
      11. «Tết Bính Thìn 1976, về thăm quê ở làng Hậu Kiên, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, Quảng Trị. Mồng 1 Tết mà tôi đến thăm nhà nào cũng thấy luộc sắn. Bà con ta còn nghèo quá! Trong đời hoạt động cách mạng, tôi đã chịu nghèo khổ, nhưng bây giờ đất nước đã được thống nhất, phải lo làm sao để cho dân giàu lên. Phấn đấu để đồng bào ta, các ông bà già, trẻ con mỗi bữa có một quả trứng, một cốc sữa mà rất khó». «Trong vòng mười năm nữa, mỗi gia đình ở Việt Nam sẽ có một radio, một TV và một tủ lạnh»! (Quang Hào ghi: 13 năm làm cận vệ cho TBT Lê Duẩn, Văn nghệ Công an online, 05/2//2007).
     12. «Tôi hỏi thì nói không có tiền. Kìa, không có thì in ra! In ra! Không sợ lạm phát! Tư bản đế quốc in tiền mới lạm phát, chứ ta, chuyên chính vô sản thì sao lại là lạm phát mà sợ»! (Trần Đĩnh: Đèn Cù 1, cuối trang 186, đầu trang 187).
     13. «Phạm Dương, tình báo và tham tán của phái đoàn Việt Nam bảy năm tại Liên Hợp Quốc nói sau tháng 5/1975, đám chuyên viên kinh tế bạn anh báo cáo với Lê Duẩn rằng Đông Nam Á, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan tiến mạnh được là nhờ gia công cho các nước v.v. thì Lê Duẩn nạt: Lại muốn học chúng nó làm nô lệ ư? » (Trần Đĩnh: Đèn Cù 2, trang 281).
     14. «Trong xã hội tư bản, người làm nhiều lại hưởng ít, người không làm lại hưởng nhiều; con người chạy theo lợi ích vật chất, vì lợi ích vật chất mà làm hại nhau, chèn ép nhau, mạnh được yếu thua; lợi ích vật chất thể hiện quan hệ giữa người bóc lột và người bị bóc lột. Còn dưới chế độ xã hội chủ nghĩa thì làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít; thực chất của vấn đề lợi ích vật chất ở đây là vấn đề công bằng, hợp lý». (Lê Duẩn: sđd trang 62).
     15. «Có đồng chí làm cho trung nông sợ có "khả năng", vì thế họ không dám sản xuất nhiều nữa, mà chỉ làm vừa đủ ăn thôi. Ở đôi nơi, do vận dụng không thoả đáng đường lối giai cấp, nên có tình hình là bần nông có quyền lợi chính trị nhiều, còn trung nông thì quyền lợi chính trị ít, làm cho trung nông sợ mất quyền lợi chính trị, nông dân sợ trở thành trung nông, nên không tích cực sản xuất nhiều hơn nữa». (Lê Duẩn: sđd, trang 35).
     17. «Chúng ta phải nghiêm khắc phê phán để khắc phục những quan điểm quản lý tư bản chủ nghĩa như lối kinh doanh đơn thuần chạy theo lời lỗ, thiếu quan điểm phục vụ sản xuất, tách rời chính trị, những tập quán kinh doanh theo lối cá thể, phân tán, vô tổ chức, dẫn đến tình trạng cục bộ, bản vị, thiếu tinh thần hợp tác xã hội chủ nghĩa giữa các xí nghiệp, giữa các ngành kinh tế, tài chính với nhau.
     Chúng ta phải kiên quyết tẩy trừ tệ tham ô, lãng phí, quan liêu, vì chẳng những nó làm tổn hại nghiêm trọng đến công quỹ của quốc gia, mà còn có thể đẩy cán bộ công nhân ta ngập sâu dưới vũng bùn của giai cấp tư sản. Tham ô là con đẻ của tư tưởng ăn bám, bóc lột; lãng phí tuy còn do nhiều nguyên nhân khác về trình độ quản lý, trình độ kỹ thuật, nhưng thông thường là con đẻ của óc làm thuê, không xót xa với của cải, mồ hôi nước mắt của nhân dân lao động; bệnh quan liêu xét cho cùng là sự thoái hoá theo tác phong của những giai cấp bóc lột». (Lê Duẩn: sđd trang 105).
    18. «Loài người cho đến nay đã có ba phát minh vĩ đại có ý nghĩa bước ngoặt của lịch sử. Thứ nhất là tìm ra lửa. Thứ hai là tìm ra cách sử dụng kim khí. Thứ ba là làm chủ tập thể». (Thuyết giảng tại trường Nguyễn Ái Quốc, 13/3/1977 * “Hồ sơ lãnh tụ Lê Duẩn”, Kho lưu trữ Học viện Quốc gia HCM). "Làm chủ tập thể chính là cái đúng, cái tốt và cái đẹp cao nhất mà con người đang vươn tới trong thời đại mới”. (Lê Duẩn: Nội dung cơ bản của cách mạng xhcn ở Việt Nam, Nxb Sự thật, Hà Nội 1986, trang 564).
     19. «Con người mới xã hội chủ nghĩa là con người lao động Việt Nam làm chủ tập thể. Chỉ có chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, một chế độ hoàn toàn mới mẻ trong lịch sử, mới giải phóng không những cho cả xã hội, mà còn giải phóng cho từng gia đình, đem lại cuộc sống mới cho cả xã hội và từng gia đình, kết hợp hài hoà lợi ích và hạnh phúc của xã hội với lợi ích và hạnh phúc của gia đình». «Tư tưởng làm chủ tập thể mà chúng ta xây dựng là tư tưởng làm chủ tập thể trên lập trường của giai cấp công nhân. Nó không những chống lại ý thức làm chủ cá thể của bọn tư bản và của những người sản xuất nhỏ, mà còn chống lại cả tư tưởng "tập thể" theo lối phường hội, đem tập thể nhỏ của mình tách rời sự lãnh đạo tập trung của Nhà nước vô sản, đem lợi ích của tập thể này đối lập với lợi ích của tập thể kia». (Lê Duẩn: sđd trang 120, 128).
      20. «Không có nhiệt tình cách mạng thì không thể có hành động cách mạng; song, nếu chỉ có nhiệt tình không thôi thì nhiều nhất cũng chỉ có thể phá được cái cũ chứ không thể xây dựng được xã hội mới». (9) (Lê Duẩn: sđd trang 121).
      21. «Hiện nay, thường có tình hình là đối với một vấn đề nào đó, có nhiều người nói tới nhưng chỉ mới nói theo sách vở, nói những cái của người khác, chứ chưa thực sự biến những điều đó thành cái của mình». (Lê Duẩn: sđd trang 56).


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét