“Hạ cánh không an toàn” và niềm tin của người dân

       Hiện nay, trong bối cảnh sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên diễn biến phức tạp, việc cương quyết xử lí những cán bộ vi phạm kỉ luật trong thời gian qua, dù đương chức, chuyển công tác hay đã nghỉ hưu cho thấy quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước ta, thể hiện sự nghiêm minh của kỉ luật Đảng và pháp luật Nhà nước.

       Thời gian qua, nhiều vụ đại án như Vũ Quốc Hảo, Phạm Công Danh, Huỳnh Thị Huyền Như, Giang Kim Đạt đã được đưa ra xét xử; những người được xác định có tội đều phải chịu hình phạt nghiêm khắc của pháp luật. Đồng thời, các vụ việc tiêu cực, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, lợi ích nhóm nổi cộm tại ngành Công thương, Tài nguyên – Môi trường và một số địa phương, dù những người liên đới đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu vẫn bị truy cứu, xử lí trách nhiệm tùy theo mức độ vi phạm. Điều này thể hiện rõ sự nghiêm minh của pháp luật, quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực...
       Trong thông báo mới đây, Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định rõ để xảy ra vụ Formosa Hà Tĩnh, có trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT). Ban Cán sự Đảng (BCSĐ) Bộ TN&MT giai đoạn 2008-2016 đã thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo; buông lỏng quản lý, điều hành; thiếu kiểm tra, giám sát; để xảy ra các vi phạm trong công tác thẩm định, phê duyệt, chấp thuận thay đổi đánh giá tác động môi trường, điều chỉnh địa điểm xả thải và quản lý nhà nước đối với dự án Formosa Hà Tĩnh.
       Với tinh thần thẳng thắn, nghiêm túc, Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định rõ trách nhiệm cá nhân của những người đứng đầu Bộ TN&MT. Theo đó, để xảy ra các vi phạm nêu trên, trách nhiệm thuộc về ông Nguyễn Minh Quang, nguyên Ủy viên TW Đảng, nguyên Bí thư BCSĐ, nguyên Bộ trưởng với cương vị là người đứng đầu; ông Bùi Cách Tuyến, nguyên Ủy viên BCSĐ, nguyên Thứ trưởng, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường và ông Nguyễn Thái Lai, nguyên Ủy viên BCSĐ, nguyên Thứ trưởng chịu trách nhiệm trực tiếp về những vi phạm thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách và cùng chịu trách nhiệm về các vi phạm, khuyết điểm của BCSĐ Bộ TN&MT. 
       Ông Mai Thanh Dung trong thời gian giữ chức vụ Cục trưởng Cục Thẩm định, đánh giá tác động môi trường và ông Lương Duy Hanh, Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường đã thiếu trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
       Thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương khẳng định: “Những vi phạm, khuyết điểm của BCSĐ Bộ TN&MT và các cán bộ nêu trên là nghiêm trọng, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật”.
       Cũng trong thông báo này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng làm rõ và kết luận về trách nhiệm của các tập thể và cá nhân tỉnh Hà Tĩnh, trong đó có ông Võ Kim Cự, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư BCSĐ, Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế (2008-2010) và trách nhiệm của ông Hồ Anh Tuấn, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Vũng Áng (2010-2016). Trách nhiệm của hai cá nhân này được xác định là: “Nghiêm trọng, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật”.
       Vài tháng trước, vụ việc Trịnh Xuân Thanh cũng được các đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo quyết liệt. Liên quan đến vụ việc này, ông Vũ Huy Hoàng (từng là Bộ trưởng Bộ Công thương) và một số vị thứ trưởng bộ này và Bộ Nội vụ cũng bị các hình thức kỉ luật. 
       Riêng ông Vũ Huy Hoàng, bị Ban Bí thư xử lí nghiêm khắc bằng hình thức xóa tư cách Bí thư BCSĐ Bộ Công thương giai đoạn 20011-2016; đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng ra Nghị quyết xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương đối với ông Vũ Huy Hoàng… 
       Tiếp đó, Quốc hội còn ra một nghị quyết phê phán nghiêm khắc ông Vũ Huy Hoàng do đã “gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước, Bộ Công thương, gây bức xúc trong xã hội”…
       Nhìn lại lịch sử, thời kì kháng chiến chống Pháp, Bác Hồ đã cương quyết xử lí vụ án Trần Dụ Châu. Là một Đại tá, Cục trưởng Cục Quân nhu, nhưng ông ta đã bòn rút công quỹ, sống xa hoa trên mồ hôi nước mắt của nhân dân và cả xương máu của bộ đội đang ngày đêm lăn lộn trên các chiến trường. Dù đã lập được những công trạng nhưng do tham nhũng, lãng phí, coi thường kỉ cương phép nước, Trần Dụ Châu đã phải trả cái giá đắt nhất cho những sai lầm đã gây ra.
       Hiện nay, trong bối cảnh sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên diễn biến phức tạp, việc cương quyết xử lí những cán bộ vi phạm kỉ luật trong thời gian qua, dù đương chức, chuyển công tác hay đã nghỉ hưu cho thấy quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước ta, thể hiện sự nghiêm minh của kỉ luật Đảng và pháp luật Nhà nước.
       Rõ ràng lâu nay, nhiều trường hợp cán bộ dù gây ra những hậu quả lớn nhưng khi đã nghỉ hưu thì hầu hết đều được coi là “hạ cánh an toàn”, rất hiếm khi bị “sờ gáy”. Nay thì nhiều vị dù đã “hạ cánh an toàn” nhưng vẫn bị kỉ luật Đảng, kỉ luật hành chính, thậm chí bị pháp luật “hỏi thăm”. Như mới đây, trong buổi tiếp xúc cử tri Hà Nội, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Không phải việc kỉ luật với ông Vũ Huy Hoàng đã dừng lại. Bộ Chính trị đã chỉ đạo Đảng đoàn Quốc hội xây dựng căn cứ pháp lý để xử lý những trường hợp cán bộ đến khi về hưu mới phát hiện sai phạm thế này”. Cũng trong phát biểu tại Hội nghị công tác kiểm tra giám sát của Đảng ngày 24-2-2017, đồng chí Tổng Bí thư nêu rõ: “Chúng ta rất nhân văn, nhân đạo, nhân ái, nhân tình; không thích thú gì khi phải kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình; trái lại, rất khổ tâm, đau xót. Nhưng vì sự tiến bộ chung, vì để mong nhiều người không mắc sai phạm, chúng ta phải kỷ luật; kỷ luật một vài người để cứu muôn người!”.
       Những kết quả nêu trên khiến cán bộ và nhân dân phấn khởi, thêm tin tưởng vào sự cương quyết của Đảng, Nhà nước trong việc chấn chỉnh kỉ cương, phép nước nhằm xây dựng bộ máy công quyền trong sạch, lành mạnh, vì dân phục vụ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét