Ở quốc gia nào cũng vậy, hoạt động của luật sư có ảnh hưởng
lớn đến vai trò của nhà nước pháp quyền và bảo đảm, bảo vệ các quyền của công
dân. Vì thế, để có thể thực thi trách nhiệm xã hội của mình, cùng với việc nắm
vững pháp luật, luật sư còn phải là công dân gương mẫu…
Trong thế giới hiện đại, một số nguyên tắc pháp lý có tính
phổ quát ra đời từ các nước phát triển đã được nhiều quốc gia trên thế giới tiếp
nhận, vận dụng phù hợp với hoàn cảnh lịch sử, điều kiện chính trị, kinh tế, văn
hóa, xã hội,… của mình. Tuy nhiên từ thời chiến tranh lạnh đến nay, từ tính
nhân loại phổ biến của một số nguyên tắc pháp lý mà ở phương Tây, một số người
lại coi các quan niệm, hệ thống luật pháp của họ là chuẩn mực cho toàn nhân loại!
Thậm chí, họ lập luận rằng, nước nào ít luật sư hoạt động thì ở đó, tính nhà nước
pháp quyền ít được bảo đảm, rồi họ đưa ra tỷ lệ số luật sư theo dân số để chỉ
trích những nước bị họ coi là "thiếu dân chủ", bị họ gán cho tên gọi
chế độ toàn trị (một định danh mập mờ mà họ sử dụng để chỉ chế độ độc tài, hoặc
chế độ xã hội do Ðảng Cộng sản lãnh đạo!). Trong chừng mực nhất định, tỷ lệ luật
sư trên số dân có thể phản ánh sự phát triển hệ thống pháp luật của một quốc
gia, song nếu coi tỷ lệ này là chuẩn mực để đánh giá một cách tuyệt đối thì lại
hết sức phi lý. Nhất là khi thực tế cho thấy nhiều thủ tục xét xử ở Mỹ và nhiều
nước phương Tây đã gây ra tranh cãi gay gắt, thậm chí đẩy tới làn sóng phản đối,
vì người phản đối cho rằng bên giành phần thắng trong một phiên tòa là người
giàu có cho nên họ có thể đổ tiền bạc thuê "thầy cãi tài ba", như vụ
xét xử O.J Simpson (O.J Sim-sơn) - cựu cầu thủ và diễn viên Mỹ bị nghi tội giết
người, hoặc vụ án M.J Jackson (M.J Giắc-sơn) bị tố cáo lạm dụng tình dục trẻ
em...
Ngày 10-10-1945, ngay sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng
hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh số 46/SL quy định về
hoạt động của luật sư Việt Nam. Sau đó, do hoàn cảnh chiến tranh, việc đào tạo
luật gia để sau này họ đảm nhận công việc của luật sư gặp nhiều khó khăn, nên
trong thời gian dài, đội ngũ luật sư của nước nhà khá ít ỏi. Nhưng khi chính
sách đổi mới của Ðảng và Nhà nước đi vào cuộc sống, việc xây đựng đội ngũ luật
sư đã có nhiều chuyển biến đáng kể cả về số lượng và chất lượng. Cơ sở pháp lý
cho hoạt động của luật sư là Luật Luật sư số 65/2006/QH11 do Quốc hội nước
CHXHCN Việt Nam (Quốc hội) ban hành ngày 29-6-2006, có hiệu lực thi hành từ
ngày 1-1-2007. Và do nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, tiến trình cải cách tư
pháp đã và đang được thực hiện trong bối cảnh đó. Ngày 20-11-2012, Quốc hội ban
hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư số 65/2006/QH11, có hiệu
lực thi hành từ ngày 1-7-2013. Với hơn 10 nghìn thành viên, Liên đoàn Luật sư
Việt Nam có mạng lưới rộng khắp cả nước. Ðiều đáng mừng là các đoàn luật sư, luật
sư ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống xã hội,
và nghiêm túc thực hiện Ðiều 3 Luật Luật sư: "Hoạt động nghề nghiệp của luật
sư góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi
ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng
Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xã hội dân chủ, công bằng, văn
minh". Song đáng buồn là, có một số luật sư lại vi phạm nguyên tắc, đạo đức
nghề nghiệp, mà nổi lên trong đó là hiện tượng có luật sư đã có những phát biểu
tiêu cực, để rồi BBC, RFA, VOA… phát tán; có luật sư đăng tải thông tin bịa đặt,
bôi nhọ danh dự lãnh đạo Ðảng, Nhà nước; thậm chí công khai chỉ trích hội đồng
xét xử sau khi tuyên án. Vì thế, cần phải đặt ra câu hỏi: Những luật sư này yếu
kém chuyên môn, hay họ lợi dụng nghề nghiệp xã hội để về hùa với kẻ chống phá
chính quyền? Trong tiến trình hoàn thiện hệ thống pháp lý và tư pháp, để khẳng
định vai trò của nhà nước pháp quyền và bảo đảm, bảo vệ các quyền của công dân,
chúng ta cần chú trọng đào tạo đội ngũ luật sư để không phát triển lệch lạc, bị
lợi dụng như ở một số nước phương Tây. Ưu tiên hàng đầu là chất lượng, nhất là
nghiệp vụ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp. Một luật sư có uy tín phải có sự kết
hợp chặt chẽ giữa năng lực chuyên môn với tư cách công dân gương mẫu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét