Sự việc đang là vấn đề thời sự nóng đã làm cho mọi người như đang đứng giữa sự tiến thoái lưỡng nan, ăn thì chết vì độc, không ăn thì chết vì đói. Vậy thì chỉ có một cách là thay đổi nhận thức dẫu chậm mà chắc, cả về nhận thức của người làm ra sản phẩm và người tiêu dùng sản phẩm đó …
Rau muống tưới dầu nhớt thải - Măng tươi tẩm chất vàng ô - Dưa cải ngâm chất vàng ô - Thịt lợn nhiểm chất tạo nạc - Phẩm màu nhuộm ruốc - Chất tạo thịt gà đẹp - Dấm gạo chế biến từ acid - Thuốc ngừa thai trong sữa cho trẻ chóng lớn v.v…và còn rất nhiều thứ được gọi là thực phẩm bẩn đang tràn lan trong các chợ trong cả nước.
Các cơ quan chức năng đang ra sức truy lùng kiểm tra vây bắt, có thể xữ phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự, tiêu hủy những mặt hàng nhiểm bẩn, đây là việc cần làm đáng hoan nghênh về trách nhiệm của lãnh đạo quan tâm đến sức khỏe nhân dân. Nhiều diển đàn mạng đã tích cực lên án những người cố ý đầu độc đồng bào mình hoặc than thở không biết ăn uống cái gì trong lúc này mới an toàn cho sức khỏe. Nhưng nếu tẩy chay thì biết ăn cái gì để sống, trong lúc các loại thực phẩm hầu hết là nông sản, đảm bảo năng lượng cho con người.
Việc bắt và xữ lý người vi phạm đã cố ý đầu độc con người là hoàn toàn chính xác, việc phải làm của các ngành chức năng là vấn đề đang là chúng ta không cần phải đề cập nhiều. Ở đây, người viết chỉ muốn nói cái sâu xa của sự việc, câu hỏi đặt ra là tại sao càng ngày thực phẩm bẩn này lại càng xuất hiện nhiều hơn.
Trước hết phải nói đến lợi ích cá nhân, sự hấp dẫn từ nhuận cao, nhanh chóng làm giàu người ta bất chấp tội lỗi, bán rẻ lương tâm, bằng mọi giá kiếm lời, miễn sao cái hầu bao của họ mỗi ngày một chặt và phình to nhanh chóng theo thời gian, cái từ đồng bào, đồng loại đối với họ trở thành xa xỉ trong cuộc sống và họ không hay biết hoặc có thể đang biết rằng chính họ và con cháu họ cũng là nạn nhân của họ, do bởi họ đang bị đồng tiền làm mờ đôi mắt và mù lòa nhân phẩm. Phải chăng đây là một hội chứng của cuộc sống thực tại mà chưa ai có thể đặt tên cho nó. Và hiện tại họ đang mang cái tội rất nặng đó là tội đầu độc đồng bào, đồng loại, hay như cụm từ nặng hơn là “Người Việt đang giết lẫn nhau” mà xã hội đang lên án.
Thế nhưng xét về một khía cạnh khác mà ít ai đề cập đó là sự đồng lõa với những kẻ độc ác kia là ai? Đó là chính những người tiêu dùng chúng ta. Ở đây không nói đến cụm từ người tiêu dùng thông minh, do bởi có thông minh hơn các thần đồng thì cũng phải chào thua và phải hàng ngày ăn bẩn bởi mấy ai phân biệt được cái bẩn sạch này…Mà thực tế là chính chúng ta đã vô tình hoặc cố tình buộc họ làm ra những thứ đáng sợ này…
Ngày nay, trong sự phát triển chung của xã hội, thu nhập mỗi ngày một tăng trưởng, cái ăn uống cũng đòi hỏi theo, nhiều người trong chúng ta còn dùng cái cụm từ “ăn sành điệu”. Ừ thì cứ cho việc sành điệu ấy phát triển là lẽ đương nhiên trong cuộc sống hiện tại, nhưng chính cái sành điệu ấy lại là sự đồng lõa như đã nói ở trên. Có nghĩa là không chỉ ăn bằng miệng mà còn ăn ở con mắt, lỗ mũi hoặc ăn cả các giác quan, đây là mấu chốt của sự đánh giá, bởi khi đi mua thực phẩm tại các quầy bán rau, nếu những cọng rau sạch thật sự có chút xấu về hình dáng hoặc có vài con sâu ăn lá thì y như là quầy rau đó ế ẩm, còn nếu quầy nào có cọng rau đẹp bắt mắt, láng bóng là không đủ để bán. Đâu ai biết cho rằng quầy rau hơi xấu hình dáng kia là rau sạch chính thống, là nông sản thực thụ, nhưng nếu thực thụ thì biết bán cho ai, gần như bị tẩy chay tại chợ đó thôi. Vậy thì vì miếng cơm nuôi sống gia đình trong lúc nhà nông khó khăn về kinh tế họ phải quên đi cái gọi là đạo đức thì mới mong có sự tồn tại. Vậy là họ phải làm cho hàng của mình “bắt mắt” khách là lẽ đương nhiên. Họ đã phải tìm tòi nghiêng cứu cái gọi là “độc ác” ấy. Ví như rau muống khi tưới dầu nhớt thì lá đẹp mơn mỡn có thêm cái bóng loáng của cọng rau, đưa ra thị trường lần đầu khách hàng ưng ý mua mau bán đắt. Còn như con tép khô gọi là con ruốc khi phơi khô trên cát có cái màu trắng nguyên bản thì bị chê bai , dèm pha thậm chí là không bán được, trong khi con ruốc phơi trên nền gạch đất có màu hơi hồng hồng thì lại bán sạch ngay, vậy là ý tưởng nhuộm màu nãy sinh bất chấp nguy hại chẳng có gì lạ lẫm. Hay như măng tươi hoặc dưa cải muối, bản thân nó có cái màu đặc trưng bình thường như thế thì lại không thích không ưng ý, buộc lòng họ phải nhuộm vàng ô để chiều khách…
Phải chăng đấy là tất cả sự đồng lõa mà vô tình chúng ta đã làm và như vậy thì chính chúng ta phải nghiêm túc xem lại mình liệu có một phần phạm lỗi trong việc này? ở đâu cũng có các mặt hàng măng tươi vàng đẹp, dưa cải muối vàng bắt mắt và đã có từ mấy năm rồi chứ đâu phải bây giờ và hiện tại hôm nay, mặt hàng này vẫn bán bình thường và người mua cũng đang ưa chuộng. Mãi đến mấy ngày gần đây khi báo chí phanh phui sự việc, các ngành chức năng vào cuộc thì người mua ở đây mới tá hỏa vì bấy lâu ăn cái thực phẩm này mà không biết. Đó là ăn cái đẹp mã mà rẻ cùi.
Trong khi một số loại thịt heo, thịt bò bản thân nó săn chắc có màu sắc đặc trưng , giá cả thì theo thị trường nhưng bị coi là đắt, trong khi thịt khác có gian dối giá rẽ màu sáng đẹp hơn thì được ưa chuộng. Chỉ cần đến tại các quầy thịt tại một số chợ gần nhà là sẽ được mục sở thị các loại thịt như đã nói, người bán phân tích rất cụ thể về lý do giá cả rẽ hơn nhưng người mua vẫn cứ lao vào mà mua không riêng gì những người lao động nghèo khó mà hầu như 80 % người vào đây đều mua. Vậy là người bán lại cố gắng tạo ra sản phẩm vừa rẻ lại vừa đẹp…và còn nhiều lắm như các loại trái cây rẻ, đẹp; Dấm chua trắng trong rẻ, đẹp; thịt gà vàng ươm rẻ, đẹp v.v. hầu như không thể nào kể hết.
Một điều nữa đáng đề cập là thường người tiêu dùng đến chợ đã gây kích thích sự tò mò của một bộ phận người bán, làm cho họ phải cố tìm ra những thứ mà khách hàng quan tâm, đó là câu hỏi cửa miệng của người mua: “ Rau này có tưới nhớt không? Hoặc “Nghe nói măng tươi có hóa chất gì đó làm cho có màu đẹp lắm? hoặc “Chuối này có ngâm thuốc làm chín không?” v.v. và v.v. từ những lẽ đó đã tạo nên sự bất cập như hiện nay.
Sự việc đang là vấn đề thời sự nóng đã làm cho mọi người như đang đứng giữa sự tiến thoái lưỡng nan, ăn thì chết vì độc, không ăn thì chết vì đói. Vậy thì chỉ có một cách là thay đổi nhận thức dẫu chậm mà chắc, cả về nhận thức của người làm ra sản phẩm và người tiêu dùng sản phẩm đó … Còn về việc có hay không người đứng sau những việc làm đầu độc người Việt Nam mình thông qua sự cám dỗ của kẻ xấu mà nãy sinh sự việc thì mong ngành chức năng cố mà làm sáng tỏ. Riêng với người làm ra sản phẩm phải cảnh giác nhiều hơn nữa, đừng để bị kẻ xấu lợi dụng mà sinh ra tội bất nhân, thất đức, thậm chí còn mang tội hình sự chứ chẳng chơi; còn người tiêu dùng thì chẳng cần phải đem cái thông minh , thông thái ra làm chi cho tốn năng lượng đối với sản vật của nước nhà mà có đem cái bảo bối thông minh ra cũng chẳng làm gì được, Mấu chốt là các cơ quan quản lý thị trường hãy mạnh tay trong việc quản lý lĩnh vực mua bán cái ăn uống hàng ngày của dân và thật nghiêm khắc trừng trị những kẻ cố tỉnh chạy theo lợi nhuận mà đầu độc người tiêu dùng, là đã góp phần tiêu diệt thực phẩm bẩn rồi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét