Thực hiện âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” chống phá
cách mạng nước ta, các thế lực thù địch đã, đang đẩy mạnh nhiều hoạt động thâm
độc, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” gây chia rẽ, mất đoàn kết từ bên
trong nội bộ Đảng và Nhà nước ta; khi thời cơ đến chúng sử dụng tổng hợp các biện
pháp cả vũ trang và phi vũ trang; kết hợp “cả trong và ngoài”, trong đánh ra,
ngoài đánh vào để hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, tiến tới xóa
bỏ chế độ XHCN, chuyển hoá Việt Nam theo con đường tư bản chủ nghĩa.
“Tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, có thể hiểu là nguy cơ xảy
ra từ bên trong mỗi con người, mỗi tổ chức, mỗi cơ quan, đơn vị. Nguyên nhân dẫn
đến hiện tượng này là do sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống…
sự xa rời mục tiêu lý tưởng của Đảng, sự vô nguyên tắc, mất dân chủ, xem thường
luật pháp Nhà nước. Hiện tượng chia bè, kéo cánh, quan liêu, trục lợi, tranh
quyền, tranh chức, đi ngược lại đường lối chủ trương của Đảng trong một bộ phận
cán bộ, đảng viên
Sự thiếu tu dưỡng, học tập, rèn luyện hoặc tôn sùng lối sống
thực dụng, thích hưởng thu vén cá nhân hơn là cống hiến … trong một bộ phận cán
bộ, đảng viên. “Tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” là một trong những mục tiêu cơ bản
và hết sức nguy hiểm, đã được chủ nghĩa đế quốc sử dụng từ nhiều thập kỷ trước
để chống phá các nước XHCN. Bằng thủ đoạn chống phá tạo sự chuyển hóa từ bên
trong và bên trên, các thế lực thù địch đã thành công trong việc xóa bỏ chế độ
XHCN ở Liên Xô và một số nước Đông Âu trước đây.
Những âm mưu và thủ đoạn mà các thế lực thù địch, những kẻ
cơ hội thường làm là: phản bác chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, họ
cho rằng chủ nghĩa Mác-Lênin đã lỗi thời(!). Và như vậy, họ đã tập trung công
kích vào nền tảng chính trị tư tưởng của Đảng mà trong “Cương lĩnh xây dựng đất
nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”, Đảng ta đã xác định chủ nghĩa
Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần xã
hội. Họ phủ định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, phủ định tính ưu việt của
chủ nghĩa xã hội. Tuyên truyền đề cao các giá trị của chủ nghĩa tư bản về thể
chế chính trị, đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, dựng ngọn cờ “tự do”, “dân
chủ”, “nhân quyền”; chia rẽ giữa nhân dân, Quân đội, Công an với Đảng, với Nhà
nước; chia rẽ Quân đội với Công an với các tổ chức quần chúng khác trong hệ thống
chính trị, chia rẽ giữa các tôn giáo, các dân tộc, phá hoại khối đại đoàn kết
dân tộc, sức mạnh đoàn kết toàn dân; tuyên truyền chủ nghĩa thực dụng, chủ
nghĩa cá nhân, chạy theo ham muốn vật chất tầm thường, gieo rắc văn hoá đồi truỵ,
tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan… Mặt khác, chúng lợi dụng những yếu kém trong nội
bộ ta tình trạng quan liêu, tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức
lối sống ở một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa được khắc phục.
Trên thực tế, không ít trường hợp từ những biểu hiện suy
thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống, dẫn tới suy thoái về chính trị, ảnh hưởng
không nhỏ đến uy tín, thanh danh, sức chiến đấu của Đảng và kết quả thực hiện
đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Vì thế,
phòng chống, ngăn chặn và loại trừ tình trạng đó trở thành một trong những nhiệm
vụ quan trọng hàng đầu của Đảng, Nhà nước ta hiện nay. Hơn nữa, một trong những
nội dung chống phá quyết liệt nhất của các thế lực thù địch đối với nội bộ ta
là thông qua sự tha hoá về phẩm chất đạo đức, lối sống của từng cán bộ, đảng
viên để dẫn tới làm lu mờ bản chất giai cấp công nhân của Đảng. Báo cáo chính
trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI trình Đại hội XII của Đảng chỉ rõ:
“Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra tiếp tục tồn tại, nhất là
nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới,
nguy cơ “diễn biến hòa bình” của thế lực thù địch nhằm chống phá nước ta; tình
trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự
diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức,
viên chức và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí diễn biến phức tạp; khoảng cách
giàu - nghèo, phân hóa xã hội ngày càng tăng, đạo đức xã hội có mặt xuống cấp
đáng lo ngại, làm giảm lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng và
Nhà nước”. Như vậy, “Tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trên lĩnh vực tư tưởng
chính trị diễn ra rất phức tạp, đa dạng, nhiều cấp độ, trong đó cấp độ cao nhất
là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trên các vấn đề, như:
phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng ta, phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng
Hồ Chí Minh; thiếu niềm tin, hoài nghi phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng; xa rời
các nguyên lý về xây dựng Đảng kiểu mới, đòi Đảng từ bỏ nguyên tắc tập trung
dân chủ và cổ suý cho tư tưởng đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập; phê phán lịch
sử thiếu khách quan, toàn diện; đòi xét lại con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở
nước ta, kêu gọi thay bằng chế độ tư bản chủ nghĩa; xuyên tạc, bôi đen hình ảnh
lãnh tụ và các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta...
Chúng ta cần nhận thức sâu sắc vấn đề này, có nhiều biện
pháp tích cực, thiết thực để xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tăng cường mối liên hệ
giữa Đảng và nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, trong đó nòng cốt
là khối liên minh giữa công nhân, nông dân và trí thức. Điều đặc biệt chú ý là
phải củng cố và xây dựng "thế trận lòng dân", mà nội dung cơ bản là:
củng cố sự nhất trí về chính trị-tinh thần trong nhân dân, sự gắn bó giữa nhân
dân với Đảng, giữa nhân dân với chế độ chính trị do Đảng lãnh đạo. Bởi vậy, nhiệm
vụ cấp bách hiện nay là đổi mới nội dung, phương thức công tác tuyên truyền,
giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho mỗi cán bộ, đảng viên. Dự
thảo Văn kiện trình Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh: “Đổi mới công tác tuyên
truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên. Đấu
tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức,
lối sống; ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”.
Tăng cường đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động “diễn biến hoà bình” của
các thế lực thù địch; chủ động ngăn chặn, phản bác các thông tin, quan điểm
xuyên tạc, sai trái, thù địch”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét