Nhân sự kiện hoạt động “Đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ” lần thứ 21 diễn ra tại Hà Nội, các thế lực thù địch, bất mãn chính trị ở cả trong nước và nước ngoài đều tìm mọi cách xuyên tạc, bôi nhọ, bóp méo mục đích tốt đẹp của Việt Nam khi tổ chức và tham gia sự kiện này. Mới đây, trên trang báo mạngdanlambaovn.blogspot.com đã cho đăng tải bài viết của Le Nguyen với nhan đề: “Đối thoại nhân quyền là canh bạc bịp của cộng sản Việt Nam”. Xuyên suốt bài viết, tác giả đã có những bình luận, dẫn chứng mang tính chất xuyên tạc, bóp méo sự thật về tình hình nhân quyền tại Việt Nam cũng như mục đích của Việt Nam khi tham gia đối thoại nhân quyền với Mỹ. Người đọc không khó để nhận ra cái nhìn phiến diện, một chiều, cách suy diễn thiếu trung thực, phản khoa học và thái độ thù địch, phản động của tác giả bài viết thông qua một vài nhận thức cơ bản sau đây:
Thứ nhất, nếu Đối thoại nhân quyền là một canh bạc bịp của Việt Nam, thì tại sao Mỹ lại chơi canh bạc ấy với Việt Nam lâu đến thế? Đến nay, đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ đã trải qua 21 lần. Đó là một hành trình dài trong việc nhìn thẳng vào sự thật, thu hẹp bất đồng và đi đến nhận thức chung về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam của 2 nước. Và sự thật đã cho thấy, thông qua những cuộc đối thoại này, Mỹ đã hiểu Việt Nam hơn, đã nhận thức khác hơn rất nhiều về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam, so với cách nhìn nhận phiến diện mang đầy định kiến trước đây. Rõ ràng, 2 bên phải tạo lập được lòng tin thì mới có thể duy trì hoạt động này lâu đến như vậy. Nếu Việt Nam chỉ coi đây như một thủ đoạn chính trị, một “canh bạc bịp” thì liệu rằng Mỹ có chấp nhận ngồi vào bàn đối thoại tới 21 lần như thế? Điều này đủ để chỉ ra sự phi lý trong nhận định của Le Nguyen về sự “không thật lòng” của Việt Nam khi tham gia đối thoại nhân quyền.
Thứ hai, tại sao Việt Nam có thể tự tin tham gia đối thoại nhân quyền với Mỹ nếu tình hình nhân quyền tại Việt Nam là thực sự đáng báo động, là “tồi tệ” như cách nhìn của Le Nguyen? Kể từ năm 1995, khi Mỹ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam đến nay, chính quyền và nhân dân 2 nước đã có rất nhiều nỗ lực để gác lại vết thương chiến tranh, từng bước xích lại gần nhau, củng cố niềm tin và gia tăng các hoạt động hợp tác trên mọi lĩnh vực. Sự phát triển quan hệ Việt – Mỹ đem lại lợi ích to lớn cho nhân dân cả 2 nước. Chính phủ và nhân dân Việt Nam cũng như chính phủ và nhân dân Mỹ hiểu rõ điều đó. Việc mở ra hoạt động Đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ chính là một trong những biểu hiện rõ nhất về nỗ lực của 2 nước trong việc thu hẹp những khác biệt, bất đồng. Về phía Việt Nam, việc này thể hiện rõ thái độ cởi mở, thiện chí cũng như sự tự tin của Việt Nam về tình hình nhân quyền trong nước trước Mỹ. Việt Nam luôn tích cực tham gia các công ước, luật pháp quốc tế về vấn đề bảo vệ nhân quyền. Các văn bản cao nhất của Nhà nước Việt Nam từ Hiến pháp đến pháp luật đều thể hiện cao độ tinh thần tôn trọng và bảo đảm, bảo vệ quyền con người. Và trên thực tiễn, vấn đề bảo vệ quyền con người luôn được thực thi một cách nghiêm túc tại Việt Nam. Điều đó là cơ sở hiện thực để Việt Nam sẵn sàng tham gia các cơ chế đối thoại, hợp tác nhằm giúp bạn bè thế giới, trong đó đặc biệt là Mỹ hiểu rõ, hiểu đúng hơn về tình hình nhân quyền tại Việt Nam, từng bước thay đổi những định kiến tồn tại trước đó. Những cáo buộc về tình hình vi phạm nhân quyền tại Việt Nam đều là xuyên tạc, bóp méo sự thật, phục vụ cho những âm mưu chính trị đen tối. Các thế lực phản động và những kẻ bất mãn chính trị luôn tìm cách đồng nhất các hoạt động gây rối, chống phá, vi phạm pháp luật với hành động đấu tranh cho “dân chủ”, “nhân quyền”, để rồi khi bị trừng trị trước pháp luật, chúng lại vu cáo Việt Nam bóp nghẹt nhân quyền. Điều đó là hết sức phi lý, phản động.
Thứ ba, có phải chăng mục đích thực sự của Mỹ khi tham gia đối thoại nhân quyền với Việt Nam chỉ dừng lại ở vấn đề bảo vệ nhân quyền? Đã từ lâu, trên nhiều diễn đàn quốc tế cũng như trong hoạt động ngoại giao giữa 2 nước, Mỹ luôn sử dụng những vấn đề như “dân chủ”, “nhân quyền” để gây sức ép với Việt Nam trong các quan hệ hợp tác. Chưa khi nào, Mỹ đặt lòng tin chiến lược vào vấn đề này đối với Việt Nam. Những hành động cụ thể của Mỹ còn cho thấy, việc sử dụng các yêu sách về nhân quyền đối với Việt Nam hoàn toàn không phải là mục đích, mà chỉ là phương tiện để thực hiện những mục đích chính trị khác của Mỹ. Mỹ dung chứa, ủng hộ, hỗ trợ nhiều phần tử lưu vong chống phá chế độ chính trị tại Việt Nam. Mỹ gây sức ép đòi Việt Nam thả các đối tượng chống đối về chính trị đã bị chính quyền Việt Nam bắt giữ… “Dân chủ” hay “nhân quyền” thực chất cũng chỉ là những quân bài để Mỹ thực hiện ý đồ muốn chống phá, lật đổ chế độ chính trị ở Việt Nam mà thôi. Điều đó là một thực tiễn chưa bao giờ thay đổi.
Chính vì vậy, ở đây nên chăng cần đặt vấn đề theo chiều ngược lại: ai mới là người chơi “canh bạc bịp” trong đối thoại nhân quyền với Việt Nam? Le Nguyen hay nhiều tay bút khác đang ngày đêm đăng tải hàng loạt những bài viết trên các trang mạng phản động có lẽ đều biết rõ câu trả lời cho những câu hỏi như thế này. Có chăng, họ có dám nhìn thẳng vào sự thật hay không mà thôi.
Theo NVV
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét