CUỘC DI CƯ VÀO MIỀN NAM NĂM 1954 VÀ CHIÊU BÀI BẨN THỈU, THÂM ĐỘC CỦA MỸ.

Sau thất bại ở Điện Biên Phủ, thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Giơnevơ (21/7/1954). Thế nhưng, thực dân Pháp cấu kết với đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm tìm mọi cách phá hoại Hiệp định Giơnevơ hòng chia cắt lâu dài đất nước ta, biến miền Nam Việt Nam trở thành thuộc địa kiểu mới, một tiền đồn chống cộng lý tưởng của chúng ở Đông Nam Á. Để đạt được âm mưu đã vạch ra, một trong những thủ đoạn nham hiểm mà Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm đưa ra là chính sách "Di cư".
Ngay từ khi vấn đề chấm dứt chiến tranh Việt Nam và Đông Dương còn đang được đàm phán ở Giơnevơ, giới cầm quyền Washington đã dự báo sẽ có sự chia đôi tạm thời nước Việt Nam trong một thời gian nhất định, và sau đó sẽ có cuộc tổng tuyển cử để đi đến thống nhất đất nước. Dưới nhãn quan của giới cầm quyền Washington, việc tiến hành tổng tuyển cử đồng nghĩa với thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Để điều này không diễn ra, Tổng thống Mỹ, Eisenhower đã tính đến kế hoạch di cư của đồng bào miền Bắc vào Nam. Với nhãn quan chính trị như vậy, khi Hiệp định Giơnevơ còn chưa ráo mực, Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm bắt tay ngay vào việc thực thi kế hoạch này.
Chính sách di cư của Mỹ - Diệm nhằm đạt ba mục đích cơ bản sau:
Một là, về mặt chính trị, đối với thế giới, Mỹ và tay sai cố tạo ra dư luận xấu về chế độ của Việt Nam ở miền Bắc nhằm ngăn chặn sự ủng hộ của nhân dân thế giới đối với cuộc đấu tranh thống nhất đất nước của nhân dân ta; tạo ra ảnh hưởng xấu của cách mạng Việt Nam đối với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.
Hai là, về kinh tế - xã hội, đối với miền Bắc, Mỹ - Diệm hi vọng rút được một số lượng trí thức, công nhân kĩ thuật vào Nam, tạo ra những xáo động lớn, phá hoại sản xuất, làm cho miền Bắc không ổn định về kinh tế, khiến cho lòng người li tán, nội bộ lục đục, gây khó khăn cho ta trong cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà và hàn gắn vết thương sau chiến tranh. Đối với miền Nam, vùng bị tạm chiếm, dân di cư sẽ là nguồn cung cấp nhân công rẻ mạt cho các đồn điền cao su, cà phê, cây ăn quả và một số cây công nghiệp mới du nhập sau Chiến tranh thế giới thứ hai ở miền Nam.
Ba là, ở miền Nam, với số người di cư, Mỹ - Diệm nhằm “thăng bằng sự chênh lệch giữa dân số miền Bắc 12 triệu và dân số miền Nam 11 triệu”. Điều này có nghĩa là “tăng thêm hi vọng của thắng lợi tổng tuyển cử đối với những lãnh tụ quốc gia, đồng thời tạo ra cơ sở xã hội vững chắc cho chế độ Diệm. Đồng bào di cư là nguồn nhân lực quan trọng đáng kể để xây dựng ngụy quân, củng cố ngụy quyền. 
Những biện pháp thực hiện:

Về chính trị - tư tưởng: Để chuẩn bị cho những chiến dịch di cư, Mỹ - Diệm đã thành lập các tổ chức, các cơ quan chuyên chỉ đạo, đôn đốc, giúp đỡ di cư. Ngày 9-8-1954, tại Sài Gòn, Ngô Đình Diệm kí quyết định thành lập Phủ Tổng ủy di cư tị nạn do Bùi Văn Lương đứng đầu, với nhiệm vụ điều khiển việc di cư từ Bắc vào Nam. Bên cạnh Phủ Tổng ủy di cư tị nạn, một tổ chức cứu trợ di cư cũng được thành lập do Linh mục Phạm Ngọc Chi đứng đầu. Sau đó, chúng còn thành lập “Hội đồng di cư Bắc Việt” lo việc huấn luyện gián điệp, tổ chức hoạt động dụ dỗ, cưỡng bức di cư… Bộ máy ngụy quyền được tập trung ở mức cao độ cho chiến dịch cưỡng ép di cư.
Trước hết, Mỹ - Diệm tuyên truyền, xuyên tạc chính sách của Đảng và Nhà nước ta, như cộng sản là vô thần nên sẽ cấm đạo, bỏ tù những người từng theo Pháp. Ngoài ra, chúng còn cố tình đặt ra những chuyện khủng khiếp để lung lạc quần chúng nhân dân.
Một thủ đoạn khác là Mỹ - Diệm lợi dụng những sai lầm của ta trong cải cách ruộng đất, tuyên truyền gây cho nhân dân hoang mang, sợ sệt và mất niềm tin vào Đảng và Nhà nước, Mỹ - Diệm còn triệt để khai thác việc những địa chủ gian ác làm tay sai cho đế quốc bị đấu tố trong cải cách ruộng đất, để dọa dẫm rằng ở lại miền Bắc, những người hợp tác với đối phương sẽ bị trả thù.
Thâm độc nhất là Mỹ - Diệm nắm bắt được sự hiểu biết hạn chế của giáo dân và dựng lên hình ảnh: “Đức Mẹ và con trai là Chúa Giêsu đã vào Nam”, rằng “nếu họ ở lại dưới chính quyền cộng sản họ sẽ bị bom nguyên tử huỷ diệt và sẽ mất linh hồn”. Có nơi, địch bố trí ảnh Đức Mẹ, làm cho khi giáo dân đến cầu nguyện trông lên ảnh thấy mắt nhấp nháy và tay cử động, rồi nhân đó nói rằng Đức Mẹ hiện về khuyên giáo dân đi Nam.
Khi thấy tâm lý giáo dân có sự dao động, địch dùng biện pháp rút cha cố đi rồi cho tay sai lôi kéo con chiên đi sau. Mỹ - Diệm còn ra lệnh chuyển địa điểm các kì thi vào Nam, đóng cửa, phá phách các trường học, buộc thầy giáo và học trò phải đi theo chúng.
Về kinh tế: Thứ nhất, Mỹ - Diệm tuyên truyền rằng vào Nam sẽ có tự do, đời sống sung túc. Uỷ ban Trung ương di cư của Diệm ra lời kêu gọi: “Hỡi anh chị em Gia tô giáo, hàng trăm máy khổng lồ đang đợi chờ để chuyên chở miễn phí các anh chị em vào Sài Gòn, ở miền Nam. Ở đó, anh chị em sẽ được tặng ruộng đất phì nhiêu… Nếu ở lại miền Bắc, anh chị em sẽ gặp nạn đói và linh hồn sẽ sa hoả ngục”, rằng “nông dân vào Nam sẽ có mỗi người 3 mẫu ruộng, 2 con trâu, nhà cửa sẵn”.
Thứ hai, đối tượng mà Mỹ - Diệm tập trung cưỡng ép di cư vào Nam bao gồm ngụy binh và gia đình của họ, giáo dân, thanh niên, công chức, giáo viên, những người trí thức và nhà chuyên môn… Để cưỡng bức được nhiều đồng bào di cư vào Nam, sau Hiệp định Giơnevơ, địch đóng cửa Ngân hàng Đông Dương, không cho rút tiền ra rồi sau đó chuyển tiền vào Nam, buộc những người gửi phải vào Sài Gòn để lĩnh.
Thứ ba, Mỹ - Diệm bày trò làm công tác từ thiện, phát chẩn gạo cho một số người túng thiếu. Khi họ đưa thẻ ra lĩnh, chúng đóng dấu dòng chữ “đồng ý đi Nam” vào rồi cho mật thám, công an ra sức “hỏi thăm”, lùng bắt những người này hoặc thưởng tiền cho những kẻ thừa hành nếu “rủ được một thanh niên hay phụ nữ đi thì được thưởng từ 300 đến 800 đồng”.
Thứ tư, tay chân của Mỹ - Diệm còn tìm mọi cách làm cho tài sản của giáo dân trở nên khánh kiệt, không còn một chút gì để hi vọng trở lại quê hương, như bắt giáo dân phải bán nhà cửa, đồ đạc, trâu bò, thuyền lưới, ngăn cấm đồng bào đi làm ăn hoặc đi buôn các nơi, không cho thuê mướn người làm việc. Thâm độc hơn, địch thả côn trùng xuống một số địa phương để phá hoại sản xuất, phá hoại mùa màng. Có nơi địch cho tay chân “lén lút tháo nước làm cho ruộng khô, vài nơi chúng phá bờ cho nước mặn vào…” như ở Tĩnh Gia (Thanh Hoá).
Ngày 19-8, chuyến tàu Mỹ chở dân di cư đầu tiên tới Sài Gòn. Cũng trong thời gian này, Mỹ phái các giáo chủ, giám mục cùng với nhân viên C.I.A ở Sài Gòn phối hợp với bọn phản động đội lốt Giáo hội Việt Nam tổ chức chiến dịch dụ dỗ, cưỡng ép đồng bào ta, nhất là số người theo đạo Thiên chúa ở miền Bắc di cư vào miền Nam.
Chính phủ Mỹ đã bỏ ra 55 triệu đô la, Pháp chi 66 tỷ phrăng cho việc thực hiện chiến dịch này.
Về phương diện di cư, ngoài đường bộ thì đường biển và đường hàng không cũng được sử dụng. Mỹ và Pháp đã đưa một đoàn gồm 19 máy bay, 41 tàu thuỷ để chuyên chở những người bị cưỡng ép, dụ dỗ di cư vào Nam, ngoài ra Mỹ còn đài thọ toàn bộ chi phí chuyên chở.
Chính sách di cư của Mỹ - Diệm diễn ra với quy mô lớn. Việc cưỡng ép di cư được tiến hành trên khắp miền Bắc, từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền ngược, từ đồng bào Kinh đến đồng bào dân tộc. Với việc áp dụng tất cả những biện pháp trên, chính sách di cư của Mỹ - Diệm thu được một số kết quả.
Trong khoảng gần 10 tháng, đã đưa được gần 1 triệu người ở miền Bắc di cư vào miền Nam, trong đó có khoảng 800.000 người Công giáo, tức khoảng 2/3 số người Công giáo ở miền Bắc đã bỏ vào Nam. Đến tháng 9/1955, chính quyền Ngô Đình Diệm đã lập được 286 làng định cư, trong đó có đến 265 làng định cư Thiên Chúa giáo. Mỗi làng do một vị linh mục đứng đầu. Số người di cư được chính quyền Ngô Đình Diệm phân phối định cư ở hầu hết các tỉnh ở miền Nam, từ Quảng Trị đến Cà Mau, trong đó Tây Nguyên: 30.878 người, Trung Bộ: 101.738 người, Nam Bộ: 606.914 người.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét