Đạo đức nghề làm báo điện tử và những vấn đề cần bàn.

        Kể từ sau khi cơn bão khoa học kỹ thuật và công nghệ “đổ bộ” xuống các quốc gia trên thế giới thì mọi mặt của đời sống xã hội nói chung đã dần thay da đổi thịt. Các nước phát triển trên thế giới không ngừng phát minh ra những sản phẩm công nghệ phục vụ nhu cầu con người. Và trong guồng quay công nghệ đó, khi mọi lĩnh vực của cuộc sống đều được ứng dụng khoa học công nghệ thì báo chí không tránh khỏi những tác động. Kết quả là, những tờ báo mạng điện tử ra đời và nở rộ khắp mọi nơi trên thế giới, truyền tải thông tin dưới mọi hình thức mà báo truyền thống đã cung cấp.
     Những tờ báo điện tử ra đời đã đáp ứng được nhu cầu của bạn đọc,đó là cập nhật thông tin một cách nhanh nhất, không theo định kì, bất cứ lúc nào, và bất cứ nơi đâu, chỉ cần một click chuột vào một trang nào đó trên báo mạng điện tử là lập tức có hàng ngàn thông tin được đưa ra, từ thông tin đời sống xã hội, chính trị,pháp luật cho đến thông tin văn hóa, âm nhạc, giáo dục, đều được cập nhật một cách nhanh chóng.
      Hầu hết các cơ quan báo mạng điện tử đã bám sát thực tiễn của đời sống xã hội, thực hiện đúng sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước, thông tin nhanh nhạy, đầy đủ, toàn diện về mọi diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế – xã hội ở trong nước và quốc tế, đặc biệt là các sự kiện lớn, đáp ứng tốt quyền được thông tin của nhân dân. Đồng thời, báo chí đã thực hiện tốt chức năng là diễn đàn của nhân dân, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm đúng tôn chỉ, mục đích, ngày càng thể hiện rõ tính chuyên nghiệp cũng như đạo đức, nghề nghiệp báo chí… các tờ báo điện tử lớn như Dân trí, Vnxpress, VietNamNet…đã đưa khá nhiều thông tin và thông tin luôn mang tính định hướng, tác động tới nhận thức của người đọc. Riêng báo dân trí, còn có chuyên mục nhân ái, đưa những thông tin về hoàn cảnh thương tâm, những tình huống éo le trong cuộc sống của nhiều người. Đó là một điều đáng khích lệ về vấn đề đưa thông tin lên mạng để giúp đỡ những người có số phận bất hạnh.
    Tuy nhiên, cùng với những ưu việt của báo mạng điện tử thì vấn đề bảo đảm an toàn thông tin và chính xác thông tin trên báo mạng điện tử là mối lo hàng đầu. Là bộ phận quan trọng của internet, lại phát hành một bản cho một triệu người đọc, do đó, vấn đề thông tin trên báo mạng điện tử lại hết sức quan trọng, nhiều thông tin trên báo chí thực hiện không nghiêm Luật Báo chí. Đội ngũ làm báo có những người đã vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp nhà báo.
    Yêu cầu của báo mạng điện tử là đưa tin nhanh, kịp thời vào mọi thời điểm. Chính vì phải đưa tin nhanh nên điều đó gâp áp lực lớn đối với các phóng viên báo mạng điện tử, họ bắt buộc phải săn tin và đưa lên trang báo những thông tin nhanh nhạy nhất để đáp ứng nhu cầu của độc giả. Và tất nhiên,cái gì cũng thế, nhanh thì ẩu, thông tin không đúng sự thật.
    Một điều đáng nói nữa đó là hình thức đặt tít của các phóng viên báo điện tử. Mỗi khi lướt nhanh trên các trang báo mạng điện tử, độc giả thường tìm kiếm những thông tin thuộc các vấn đề mà mình quan tâm. Tuy nhiên, bên cạnh đó, bạn đọc vẫn thường bị “đập vào mắt” những cái tít giật gân, kích thích sự tò mò. Theo phản xạ tự nhiên, rất nhiều người sẽ nhấp chuột vào đó.  Kinh hoàng, hãi hùng, rợn người,… đã trở thành những cảm xúc phổ biến trên các tít báo hiện nay, đặc biệt là báo mạng điện tử. Ngày nào cũng có chuyện kinh hoàng, cái gì cũng có thể khiến cho con người ta kinh hoàng. Từ cướp, giết, hiếp đến thiên tai, kẹt xe, trộm cướp, ăn uống, mua sắm… “Cảm giác đọc báo mạng giống như đọc truyện trinh thám pha một chút kinh dị vậy!” Các thông tin từ lớn đến bé, từ quan trọng đến vô nghĩa đều có thể trở thành “món mồi béo bở” để cho người làm báo thoả sức câu khách. Các cụm từ lộ hàng, ngực khủng, đồ lót, nude… với những “mỹ từ” hết sức khiêu gợi cũng là một dạng tít câu khách điển hình trên báo mạng hiện nay. Ví dụ: “Hoa hậu Kiều Trinh trễ nải đồ lót trên cánh đồng cỏ cháy”,  Hoa hậu Điện ảnh Kiều Trinh nude chống ung thư ngực…
      Người ta nói trên báo mạng điện tử hiện nay có đủ loại thông tin đáp ứng nhu cầu đa dạng của đủ loại người nhưng nhiều nhất, phong phú nhất là những thông tin “lộ hàng”, “sốc, sex, sến”, những vụ giết người với những tình tiết dã man đến rợn người. Cùng với đó là kiểu giật tít và đưa tin “bệnh hoạn” khi nhân vật của câu chuyện là bất kỳ ai, không phân biệt già trẻ, giới tính, tuổi tác, quốc tịch miễn có thể “câu view”… Xét trên các khía cạnh của đạo đức nghề nghiệp, nhiều tờ báo mạng điện tử đã chẳng còn ngưỡng nào để vượt. Các nhà báo đưa tin giật gân về đời tư của người nổi tiếng, hay những vị lãnh đạo cấp cao với mục đích câu khách đã khiến cho uy tín cá nhân của họ bị xúc phạm, ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình, bạn bè, nạn nhân. Khai thác triệt để, tối đa mọi góc cạnh của những vụ án mạng, có bao giờ những người tạo ra sức mạnh của dư luận chịu đặt mình vào tâm thế của một người trong cuộc... những đường link vô cảm ấy vô tình khắc sâu thêm vào nỗi đau nghiệt ngã trong cuộc đời em, mấy ai hiểu thấu?
     Bên cạnh đó, trên một số trang báo mạng hiện nay đã đưa thông tin trái phép, thông tin chưa được thẩm định và chưa được chính quyền cho phép, rồi nạn “ăn cắp” hàng chục ngàn tác phẩm báo chí từ các nguồn báo khác nhau như báo: Sài Gòn Giải Phóng, Lao Động, Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Tiền Phong...Quan trọng hơn, trang tin này đăng lại tin, bài từ các báo, website khác, cung cấp thông tin như một tờ báo điện tử với đầy đủ các chuyện mục. Ngoài ra còn đăng lại một số bài viết từ các blog về các vấn đề nhạy cảm, phức tạp, không phù hợp với chủ trương và chính sách đối ngoại của Nhà nước Việt Nam.
     Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin kéo theo các cuộc chạy đua không ngừng nghỉ của các trang báo mạng điên tử trong nước. Cuộc chiến thông tin, thu hút độc giả, mục tiêu lợi nhuận… đã và đang bào mòn tư duy và đạo đức của một bộ phận không nhỏ những người làm báo. Kết hợp với những kẽ hở còn tồn tại trong công tác quản lý hoạt động báo chí, khiến cho nhiều tờ báo thừa nước đục thả câu, thu về lợi nhuận bất chấp mục tiêu vì độc giả, vi phạm nghiêm trọng luật báo chí và đạo đức nghề nghiệp nhà báo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét