Trước khi Tuần
lễ Cấp cao APEC được khai mạc, trên nhiều trang mạng, tờ báo hải ngoại, xuất
hiện không ít thông tin mang tính kích động về câu chuyện nhân quyền ở Việt
Nam. Trang Việt ngữ Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) dẫn lại
việc Nghị sĩ Đảng Bảo thủ Canada Ngô Thanh Hải-nguyên sĩ quan quân lực Việt Nam
Cộng hòa đưa ra nhiều thông tin sai sự thật trong bức thư gửi lãnh đạo nhà nước
Canada, nói về tự do tôn giáo, tự do nhân quyền và cả vấn đề Formosa tại Việt
Nam. Ông Hải cố tình gọi 7 người vi phạm pháp luật Việt Nam là những “tù nhân
lương tâm”. Ông này kêu gọi lãnh đạo nhà nước Canada nêu vấn đề nhân quyền khi
gặp lãnh đạo Việt Nam và kêu gọi thực hiện luật Magnitsky (luật trừng phạt
những người vi phạm nhân quyền).
Coi APEC là
một cơ hội tốt để “la làng” như thường thấy, Tổ chức theo dõi nhân quyền quốc
tế (Human Rights Watch-HRW) gây sự chú ý bằng việc đưa ra tới danh sách 105
blogger và “nhà hoạt động nhân quyền” mà tổ chức này cho là Việt Nam đang giam
giữ, trong đó có Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (tức blogger Mẹ Nấm), Trần Thị Nga, Cấn
Thị Thêu, Trần Thị Xuân. HRW đã cố tình quên rằng những đối tượng này đều vi
phạm pháp luật Việt Nam, bị kết án về tội tuyên truyền chống Nhà nước, hoạt
động nhằm lật đổ chính quyền chứ không phải là những “nhà hoạt động vì quyền
lợi đất đai”, “nhà hoạt động vì môi trường” hay “nhà hoạt động nhân
quyền”. Tổ chức này kêu gọi lãnh đạo các nền kinh tế dự APEC can thiệp để
Việt Nam ngay lập tức thả tự do cho 15 trường hợp.
Những lời kêu
gọi trên không nhận được sự ủng hộ của truyền thông quốc tế và công luận nhưng
một số bài trên trang Youtube vẫn tiếp tục chiêu thổi phồng sự
việc. Ngay như bài trả lời phỏng vấn của một giáo sư tại Hoa Kỳ nói về APEC
không đề cập nhiều đến vấn đề nhân quyền nhưng vẫn được đăng với tiêu đề “Quốc
tế kêu gọi tẩy chay hội nghị APEC vì Việt cộng đàn áp nhân quyền”. Lố bịch hơn,
họ còn bịa ra chuyện Tổng thống Donald Trump “dằn mặt” Việt Nam vì vi phạm nhân
quyền.
"Gậy ông
đập lưng ông", trong phần phản hồi bình luận, nhiều bạn đọc thẳng thắn phê
phán trò đưa tin kiểu “xàm láo”, bịa đặt đó. Họ chỉ ra rõ chẳng có “quốc tế”
nào kêu gọi tẩy chay APEC mà thực tế tại APEC, chương trình nghị sự bàn nhiều
vấn đề thiết thực và những thông tin sai sự thật trên đã không được quan tâm.
Trả lời một tờ
báo hải ngoại, ngay cả Giáo sư Ngô Vĩnh Long ở Hoa Kỳ, cũng thừa nhận thực tế,
không có chuyện Tổng thống Hoa Kỳ can thiệp vấn đề nhân quyền tại APEC.
Ngược lại,
trong bài phát biểu của mình tại APEC, Tổng thống Hoa Kỳ đã ghi nhận nhiều
thành tựu, nỗ lực của Việt Nam vì quyền con người. Ông nói: “Ngày nay, chúng ta
không còn là kẻ thù nữa. Chúng ta là bạn. Và thành phố cảng này ngày càng tấp
nập, nhộn nhịp với tàu, thuyền từ khắp nơi trên thế giới đổ về. Những công
trình kỳ công, như Cầu Rồng, chào đón hàng triệu người đến tham quan, tận
hưởng, những bãi biển tuyệt đẹp, ánh đèn rực rỡ, cũng như những nét quyến rũ cổ
xưa của Đà Nẵng... Đầu thập niên 1990, gần một nửa người dân Việt Nam sống
với chỉ vài USD mỗi ngày và cứ 4 người lại có một người phải chịu cảnh thiếu
điện. Ngày nay, Việt Nam, với nền kinh tế mở cửa, là một trong những nền kinh
tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, tăng hơn 30 lần. Sinh viên, học sinh Việt
Nam được xếp vào hàng những người trẻ ưu tú nhất toàn cầu. Điều đó thật ấn
tượng!”.
Thực tế cũng
cho thấy, trong Tuyên bố chung Việt Nam-Canada nhân chuyến thăm chính thức Việt
Nam của Thủ tướng Canada Justin Trudeau trong dịp tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC
cũng nêu rõ: “Canada và Việt Nam ghi nhận tầm quan trọng của việc bảo vệ và
phát huy nhân quyền tuân theo hiến pháp của mỗi nước và các cam kết quốc tế,
bao gồm việc thực thi Công ước Liên hợp quốc và Tuyên bố phổ quát về nhân
quyền”. Như vậy, việc bảo vệ nhân quyền phải tuân theo hiến pháp của mỗi nước
và các cam kết quốc tế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét