Những luận điệu xuyên tạc, vu khống của bọn phản động

         Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII của Đảng về: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ” đã được đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đồng tình ủng hộ. Bởi vì, Đảng ta đã thẳng thắn thừa nhận những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng và chỉ rõ những biểu hiện cụ thể của hiện tượng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay. Thế nhưng, các thế lực thù địch vẫn tìm mọi cách chống phá, công kích, xuyên tạc, cố tình lái dư luận hiểu sai nội dung của Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII.
          Với tựa đề: “Giải mã hiện tượng suy thoái về tư tưởng chính trị của đảng viên cộng sản” đăng trên báo Tiếng dân, Nguyễn Hữu Đổng đã đưa ra những luận điệu hết sức phản động về công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng ta.
         Thứ nhất, Nguyễn Hữu Đổng nêu nên những khái niệm về “suy thoái”, về “tư tưởng” và “suy thoái về tư tưởng chính trị” một cách mập mờ, suy diễn và không có cơ sở khoa học. Ông ta cho rằng: suy thoái được hiểu là “suy yếu và sút kém dần, có tính chất kéo dài” của một cá nhân hay nhóm người về địa vị, tổ chức và hoạt động; tư tưởng chính trị được nhìn nhận là “ý tưởng” hoặc “khái niệm mơ hồ hay tưởng tượng” của “cá nhân, riêng của một người”. Từ cách lập luận không có cơ sở khoa học, Nguyễn Hữu Đổng suy diễn rằng: “trong thực tế chỉ có “tư tưởng chính trị bị suy thoái” hay ý tưởng chính trị của một cá nhân nào đó ngày càng được nhận thấy rõ là không khoa học, chứ không có suy thoái về tư tưởng chính trị một cách chung chung cho nhiều người”.
         Như vậy, Nguyễn Hữu Đổng không hiểu: Bản chất của suy thoái là sự yếu kém, hư hỏng, làm mất dần đi cái tốt, cái tiến bộ, làm tăng dần cái xấu, cái lạc hậu, làm chậm lại quá trình phát triển dẫn đến sự thoái hóa và biến chất của sự vật, hiện tượng, quá trình hay chính bản thân con người và tổ chức xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra: Trong thế giới cái gì cũng biến hóa, tư tưởng con người cũng biến hoá. Có cái thì biến hóa tiến bộ lên, tức là phát triển; có cái thì biến hóa lạc hậu đi, tức là suy thoái. Suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là sự giảm sút ý chí chiến đấu, phai nhạt lý tưởng, dao động về chính trị, sa sút phẩm chất đạo đức, xuống cấp về lối sống. Suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống khác với những băn khoăn, lo lắng, bức xúc. Đối với suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, từ suy thoái về mặt này dẫn đến hay tất yếu sẽ kéo theo sự suy thoái mặt khác, làm hư hỏng, làm biến chất cán bộ, đảng viên.
         Thứ hai, Nguyễn Hữu Đổng cho rằng con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là sai lầm, không khoa học. Đây là luận điệu sai trái, bời vì:
         Chúng ta có đầy đủ căn cứ để khẳng định rằng, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là khoa học, phù hợp với quy luật phát triển của xã hội loài người. Đó là sự cụ thể hóa lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin một cách sáng tạo, tài tình, phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam mà trước đó trên thế giới chưa từng có tiền lệ. Chính thành công của Cách mạng Tháng Mười Nga đã là tiền đề, là động lực và ảnh hưởng trực tiếp đến con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
         Chủ tịch Hồ Chí Minh là người Việt Nam đầu tiên đã tiếp cận, tiếp thu và vận dụng sáng tạo rất thành công những tư tưởng của Cách mạng Tháng Mười vào sự nghiệp cách mạng nước ta. Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười, Người đã đứng hẳn về phía những đảng viên Đảng Xã hội Pháp, ủng hộ Quốc tế Cộng sản thứ ba do V.I. Lênin sáng lập. Năm 1920, khi đọc bản “Sơ thảo lần thứ nhất luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I. Lênin, Người đã rất cảm động, phấn khởi, vui mừng đến phát khóc lên, ngồi một mình trong phòng mà Người nói to thể như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”.
         Thực tiễn lịch sử Việt Nam trong hơn một thế kỷ qua đã cho thấy, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là con đường tất yếu khách quan, hợp quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam. Sự lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa là sự lựa chọn của Đảng, Bác Hồ, của nhân dân và của lịch sử. Sự ra đời của Đảng ta năm 1930; thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 với sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà; thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp năm 1954; thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc năm 1975; thắng lợi của công cuộc đổi mới từ năm 1986 đến nay là những mốc son chói lọi, minh chứng hùng hồn cho sự lựa chọn đó là hoàn toàn đúng đắn và khoa học.
         Về vấn đề chuyên chính, bất kỳ một giai cấp, một kiểu nhà nước nào trên thế giới đều dùng công cụ bạo lực của mình để chống lại các hành vi xâm hại đến lợi ích của nhà nước mà giai cấp đó xây dựng nên. Đối với Việt Nam, quan điểm xây dựng Nhà nước pháp quyền là: phải giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Nhà nước XHCN, nghĩa là giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước; bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, tất cả vì hạnh phúc của nhân dân, đồng thời chuyên chính với các thế lực thù địch, với những âm mưu, hành động đi ngược lại lợi ích của Tổ quốc và nhân dân.
         Tóm lại, những vấn đề mà Nguyễn Hữu Đổng đưa ra trong bài viết của mình đã bộc lộ rõ bản chất phản động, thiếu khách quan, không có cơ sở khoa học, cố tình bóp méo sự thực, xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và trong quản lý, điều hành đất nước. Vì vậy, chúng ta phải hết sức cảnh giác trước những âm mưu, luận điệu xuyên tạc của Nguyễn Hữu Đổng./.
Theo NVV

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét