Đối với mỗi quốc gia, dân tộc trong quá trình tồn tại và phát triển của mình đều phải xử lý, giải quyết tốt những vấn đề do thực tiễn xã hội đặt ra như: giữ gìn trật tự an toàn xã hội, bảo vệ an ninh quốc gia, phòng chống thủ đoạn chống phá nhà nước của các cá nhân, tổ chức phản động. Tuy nhiên, đây là cuộc chiến lâu dài, gian khổ, bởi các thế lực thù địch, phản động sử dụng nhiều chiêu bài nham hiểm, thâm độc khác nhau, khi công khai, lúc ngấm ngầm và một trong những chiêu bài được chúng tiến hành thường xuyên lợi dụng những chuyến thăm của các nguyên thủ quốc gia đến các nước khác để xuyên tạc, công kích. Lợi dụng chuyến thăm đến các nước châu Á của Tổng thống Mỹ Donald Trump, một số phần tử cơ hội cho rằng, Ông Trump đến châu Á chỉ bàn về vấn đề thương mại, mà quên nhân quyền được đăng trên trang baotiengdan.com ngày 15/11/2017 của nhóm phóng viên khu vực Đông Nam Á, viết từ Manila. Xuyên suốt bài viết là những luận điệu xuyên tạc, phản động, bới móc lịch sử, lên án chính phủ một số nước đã vi phạm nhân quyền, giết hại, bỏ tù những người buôn bán, sử dụng ma tuý, và những người có âm mưu lật đổ chính quyền nhà nước một cách thái quá không có căn cứ.
Trước hết, cần khẳng định rõ rằng nhân quyền là giá trị chung của nhân loại; chính phủ các nước Đông Nam Á luôn tôn trọng và bảo vệ những giá trị cao quý được nhân loại thừa nhận về quyền con người
Nhân quyền là một trong những thành quả lớn lao của nền văn minh nhân loại là những nhu cầu, lợi ích tự nhiên, vốn có của con người được ghi nhận và bảo vệ trong pháp luật quốc gia và các thoả thuận pháp lý quốc tế. Những tiến bộ trong việc thực hiện nhân quyền là thành quả đấu tranh của các dân tộc bị áp bức chống đế quốc, thực dân và của nhân dân lao động chống sự áp bức, bóc lột của giai cấp thống trị.
Hiến chương Liên Hiệp Quốc đã xác định mục tiêu, nghĩa vụ và trách nhiệm của Liên Hiệp Quốc trong việc bảo vệ và thúc đẩy tôn trọng các quyền và quyền tự do cơ bản của con người.
Việc cho rằng, Tổng thống Mỹ Donald Trump bỏ qua vấn đề nhân quyền, sẵn sàng bắn bất kỳ người nào ở giữa trung tâm New York mà vẫn được bầu làm tổng thống, Tổng thống Philippines Duterte tiến hành chiến dịch đẫm máu để giải quyết tệ nạn ma tuý… chỉ là sự đánh giá, nhìn nhận phiến diện một chiều theo ý kiến cá nhân chủ quan của một nhóm người.
Thực tiễn cho thấy, việc làm của Tổng thống Duterte đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các tầng lớp nhân dân vì họ cho rằng đây là biện pháp tốt để loại trừ những ung nhọt của xã hội, bảo vệ người dân và phát triển đất nước Philippines; nhờ vào chiến dịch trấn áp tội phạm mạnh tay của Ông, tình trạng phạm tội đã giảm, hàng nghìn kẻ buôn bán thuốc phiện phải ở sau song sắt, hàng triệu con nghiện đã đăng ký điều trị và thế hệ tương lai của Philippines được bảo vệ khỏi đại dịch thuốc phiện. Ngay cả Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ca ngợi chiến dịch truy quét tội phạm ma túy của nhà lãnh đạo Philippines Rodrigo Duterte: “Tôi muốn chúc mừng ông vì ông đang giải quyết vấn đề ma túy một cách đáng kinh ngạc. Nhiều quốc gia đang đối mặt với vấn đề này. Ông đang làm rất tốt và tôi chỉ muốn gọi điện để nói với ông điều này”.
Như vậy, vấn đề nhân quyền của con người đã được cụ thể hoá và thể hiện sinh động trong cuộc sống hàng ngày của mỗi con người, đó là sự tham gia có hiệu quả vào các chương trình, dự án kế hoạch do chính phủ các nước tổ chức, người dân luôn được tôn trọng và có quyền bầu ra, bãi miễn đối với những người đứng đầu nhà nước mình, đó là sự đấu tranh không khoan nhượng với những cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật, ngăn cản những hoạt động tiến bộ vì sự phát triển của xã hội. Vì sự thịnh vượng và những lợi ích của quốc gia, dân tộc, chính phủ các nước trên thế giới đã không ngừng hoàn thiện, bổ sung, điều chỉnh luật pháp, đem lại những quyền lợi thiết thực, cụ thể để con người được cống hiến, hưởng thụ những giá trị vật chất và tinh thần.
Thứ hai, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn có chủ trương, chính sách hành động thiết thực làm cho nhân quyền trở thành các giá trị hiện thực sinh động trong cuộc sống
Đối với Việt Nam, nhân quyền là bộ phận cấu thành bản chất chế độ, và mục tiêu của cách mạng; là một trong các yếu tố tiên quyết để xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa – Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Các thế hệ cách mạng đi trước đã hy sinh xương máu giành lấy chủ quyền, nhân quyền, chúng ta có nhiệm vụ phải giữ vững chủ quyền, phải làm cho nhân quyền trở thành tài sản chung của toàn dân, trở thành điều kiện để các thế hệ người Việt Nam hiện tại và trong tương lai cùng có cơ hội phát triển.
Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã triển khai nhiều hoạt động hết sức cụ thể trên lĩnh vực bảo vệ nhân quyền. Hệ thống văn bản pháp luật đã từng bước thể chế hóa các chính sách của Đảng về quyền con người, tạo cơ sở pháp lý cho việc đảm bảo quyền con người trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Sau hơn 30 năm đổi mới, mức sống của các tầng lớp dân cư được cải thiện rõ rệt, công cuộc xóa đói, giảm nghèo thu được kết quả tích cực; nhân dân được phát huy các quyền cơ bản của con người trên tất cả các lĩnh vực chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội, văn hóa, … phù hợp với đặc điểm, tình hình của đất nước. Vì vậy, việc cho rằng Việt Nam bắt và kết án blogger “Mẹ Nấm” 10 năm tù vì tội tuyên truyền chống nhà nước là vi phạm nhân quyền là luận điệu hoàn toàn sai trái, phản động, bịa đặt. Luận điệu này thể hiện rõ cái nhìn thiển cận, phiến diện, đi ngược lại với những nỗ lực, cố gắng của Đảng, Nhà nước trong việc đem lại những điều tốt đẹp nhất đến với con người.
Thế giới dù có nhiều biến thiên, đổi thay, nhưng những giá trị về quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc của con người vẫn luôn được pháp luật tôn trọng và bảo vệ. Những hiện tượng tiêu cực trong xã hội, cùng với những âm mưu, thủ đoạn vi phạm nhân quyền của con người sẽ bị luật pháp quốc tế và chính những hành động tiến bộ của con người vì một thế giới đại đồng đào thải để nhường chỗ cho hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ của xã hội.
NVV
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét