Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, các phong trào yêu nước của dân tộc
ta đã bắt đầu hình thành và phát triển. Nhưng do thiếu đường lối đúng đắn,
thiếu tổ chức và lực lượng cần thiết nên các phong trào đó đã lần lượt thất
bại. Cách mạng Việt Nam chìm trong cuộc khủng hoảng sâu sắc về đường lối cứu
nước. Trước tình hình đó, ngày 5/6/1911 người thanh niên Nguyễn Tất Thành (tức
là Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh sau này) ra đi tìm đường cứu nước theo phương
hướng mới. Người đã đi qua nhiều nước của châu Âu, châu Phi, châu Mỹ và đã phát
hiện ra chân lý: Chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc thực dân là cội nguồn mọi
đau khổ của công nhân và nhân dân lao động ở chính quốc cũng như ở các nước
thuộc địa.
Cuối năm 1929, những người cách mạng Việt Nam trong các tổ chức
cộng sản đã nhận thức được sự cần thiết và cấp bách phải thành lập một Đảng
Cộng sản thống nhất, chấm dứt tình trạng chia rẽ phong trào cộng sản ở Việt
Nam. Nguyễn Ái Quốc đã chủ động tổ chức và chủ trì Hội nghị hợp nhất Đảng tại
Hương Cảng, Trung Quốc. Hội nghị đã quyết định hợp nhất các tổ chức Đảng (Đông
Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn) thành
Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị thảo luận và thông qua các văn kiện: Chánh
cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Điều lệ vắn tắt của
Đảng Cộng sản. Những văn kiện đó do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, được Hội nghị hợp
nhất Đảng thông qua là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện
cụ thể của cách mạng Việt Nam.
Ngày 3/2/1930, Đảng cộng sản Việt Nam ra đời
với cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng đã chấm dứt sự khủng hoảng bế tắc về
đường lối cứu nước, mở ra một thời kỳ mới cho cách mạng Việt Nam: Thời kỳ có
đường lối cách mạng đúng đắn và tổ chức cách mạng tiền phong lãnh đạo. Với việc
thông qua cương lĩnh chính trị, đề ra mục tiêu và phương pháp đấu tranh thích
hợp đã khắc phục được những khó khăn, giải quyết triệt để những mâu thuẫn cơ
bản của xã hội, đồng thời có được tổ chức Đảng cách mạng để lãnh đạo và tổ chức
các phong trào cách mạng.
Đảng cộng sản Việt Nam là sản phẩm của sự
kết hợp của chủ nghĩa Mác - Lê Nin với phong trào công nhân và phong trào yêu
nước Việt Nam. Đó cũng là sự phát triển cao và thống nhất, dưới sự lãnh đạo
sáng suốt tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là lãnh tụ Nguyễn Ái
Quốc, một chính đảng non trẻ đã làm nên kỳ tích có một không hai trong lịch sử
dân tộc, đó là sự kiện tháng 8 năm 1945 toàn dân nhất tề Tổng khởi nghĩa giành
chính quyền, xoá bỏ xiềng gông, thoát khỏi kiếp lầm than nô lệ. Ngày mùng 2
tháng 9 năm 1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc
Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hoà, Nhà nước
dân chủ công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Từ khi thành lập Đảng cộng sản Việt
Nam đã liên tục chèo lái con thuyền Cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến
thắng lợi khác, kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử thống nhất Tổ
quốc, đưa non sông, đất nước liền một dải, từ đây Đảng ta tiếp tục lãnh đạo cả
nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Qua hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới,
Đảng ta đã và đang đưa Đất nước ta thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu và đang từng
bước phát triển, hội nhập bền vững cùng nền kinh tế thế giới, khẳng định được
uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Có được những kết quả đó
chính là nhờ sự lãnh đạo sáng suốt tài tình của Đảng cộng sản Việt Nam, những
thành tựu đó càng khẳng định rõ: chỉ có Đảng cộng sản Việt Nam, Đảng do Chủ
tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện, Đảng của giai cấp vô sản Việt
Nam mới đưa đất nước, đưa dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn thách thức,
nắm bắt thời cơ, kiên trì đi theo mục tiêu lý tưởng đã chọn. Trải qua 88 năm,
Đảng cộng sản Việt Nam vẫn luôn là nhân tố quan trọng, quyết định vận mệnh và
mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét