Một trong những di sản tư tưởng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại
cho toàn Đảng, toàn dân ta là bài học về phương pháp ngoại giao: “Dĩ bất biến, ứng vạn
biến”. Việc nghiên cứu, vận dụng phương pháp mang tính nguyên tắc chỉ đạo này
trong công tác đối ngoại hiện nay là rất cần thiết, quan trọng. “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” là lấy cái không thể thay đổi
(bất biến) để ứng phó với muôn sự thay đổi (vạn biến). Theo đó, cái “bất biến”
là lợi ích của quốc gia, dân tộc, mà độc lập dân tộc, chủ quyền, thống nhất,
toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc,… là cốt lõi. Cái “vạn biến” là cách ứng phó
tài tình, khéo léo, linh hoạt; kết hợp hài hòa giữa mềm dẻo và kiên quyết, giữa
chiến lược và sách lược, giữa cương và nhu, giữa chủ động và sáng tạo trong những
tình huống cụ thể, mà dù trong hoàn cảnh nào, khó khăn đến đâu cũng phải giữ vững
nguyên tắc để đạt cho được cái bất biến. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Nguyên tắc
của ta thì phải vững chắc, nhưng sách lược của ta thì linh hoạt”. Để thực hiện
được “ứng vạn biến”, điều quan trọng là phải đánh giá đúng tình hình quốc tế và
sự tác động đối với nước ta, cả mặt thuận và mặt bất lợi. Đặc biệt, về sách lược
phải xác định được giới hạn của sự nhân nhượng để đề ra chính sách, phương
pháp, cách thức tiến hành phù hợp, hiệu quả, đảm bảo giữ vững nguyên tắc chiến
lược:
Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Bởi vậy, về lâu
dài, ta phải mạnh lên cả về mặt chính trị và kinh tế, có vị thế quan trọng trên
trường quốc tế thì tiếng nói trong ngoại giao mới có trọng lượng. Chủ tịch Hồ
Chí Minh đã dạy: “Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực lực là cái
chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to, tiếng mới lớn”. Thực hiện
phương pháp ngoại giao “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh,
trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng, Nhà nước ta đã đề ra các chủ
trương, đường lối chiến lược, sách lược ngoại giao phù hợp, vừa đáp ứng nhiệm vụ
trước mắt, vừa có tính chiến lược lâu dài. Hiện nay, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường;
các nước lớn có sự điều chỉnh chiến lược, vừa hợp tác, thỏa hiệp, vừa cạnh
tranh, đấu tranh, kiềm chế lẫn nhau. Do đó, việc nghiên cứu, vận dụng phương
pháp ngoại giao “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm nâng
cao hiệu quả công tác đối ngoại, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định
để xây dựng và phát triển đất nước. Trong phạm vi bài biết, tác giả đề xuất mấy
vấn đề có thể tham khảo, vận dụng:
Trước hết, cần nhận thức, xác định rõ cái “bất biến”, cũng
như cái “vạn biến” trong quan hệ quốc tế hiện nay. Cái bất biến, xuyên suốt,
không có gì khác, đó chính là lợi ích quốc gia, dân tộc, là độc lập dân tộc, chủ
quyền, sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; là chế độ xã hội chủ
nghĩa, vai trò, quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tiếp tục “Thực hiện
nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển”
là một nguyên tắc bất biến trong tình hình hiện nay. Cùng với đó, chúng ta cần
phát huy sức mạnh tổng hợp, kết hợp chặt chẽ giữa sức mạnh dân tộc với sức mạnh
thời đại. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy, có thực lực mạnh,
thì ngoại giao sẽ thắng lợi; trong đó, đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại là
những người giữ vai trò quan trọng. Vì vậy, Đảng, Nhà nước cần “chăm lo đào tạo,
rèn luyện đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại; bồi dưỡng kiến thức đối ngoại
cho cán bộ chủ chốt các cấp” đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Qua đó, góp phần thực hiện
thắng lợi nhiệm vụ, mục tiêu của công tác đối ngoại trong tình hình hiện nay./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét