UY TÍN GIẢ - “CON SÂU LÀM RẦU NỘI BỘ”

    Uy tín là một hiện tượng tâm lý xã hội hình thành trên cơ sở phẩm chất, năng lực và giá trị xã hội của cá nhân (hay tổ chức xã hội) có tác dụng cảm hóa, thu hút, lôi kéo người khác, được mọi người thừa nhận, tin tưởng và tuân theo. Đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là ở cơ sở, uy tín có vai trò rất quan trọng, giúp cho cán bộ, đảng viên thu hút, cảm hóa quần chúng, nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ quan, đơn vị, địa bàn phát triển…
          Tuy nhiên, dưới những tác động của mặt trái kinh tế thị trường, ảnh hưởng của “bệnh thành tích”, “bệnh hình thức”, nhiều cán bộ, đảng viên sẵn sàng tạo cho mình một “vỏ bọc uy tín” mà không dựa trên phẩm chất, năng lực và giá trị xã hội thật sự. Loại uy tín này trong những thời điểm nhất định có tác dụng che đậy những cái sai, cái xấu, vượt qua các đợt “tín nhiệm”, bầu cử. Nhưng khi bị phát hiện, nó không chỉ ảnh hưởng tới những cá nhân cụ thể, mà còn làm suy yếu tổ chức Đảng, chính quyền, ban hành những quyết định sai gây thiệt hại kinh tế, suy giảm lòng tin của nhân dân, tạo cơ hội cho các thế lực thù địch mượn cớ chống phá Đảng, Nhà nước….
          Để mỗi cán bộ, đảng viên chân chính và quần chúng nhân dân có cơ sở đấu tranh, ngăn chặn hiện tượng uy tín giả trong cán bộ, đảng viên, chúng ta cần chỉ ra những nguyên nhân chủ yếu làm nảy sinh uy tín giả, cụ thể là:
          Thứ nhất là: lạm dụng quyền uy bắt buộc người khác tuân theo. Có không ít người khi được giao trọng trách nào đó đã lạm dụng, coi đó là “tài sản” của mình, ban hành quyết định thiếu cân nhắc, thiếu tính toán. Khi người khác phát hiện những điểm sai sót, không thực hiện họ liền sử dụng quyền lực của mình ép buộc trắng trợn, dọa nạt (như đòi cho thôi việc, chuyển công tác…), yêu cầu phải thực hiện. Người kia vì sợ ảnh hưởng đến quyền lợi của mình mà không dám phản bác, lên án, thực hiện những việc sai quy định.
          Thứ hai là: mỵ dân. Bằng cách sử dụng những lời nói ngon ngọt hoặc ban cho những quyền lợi về kinh tế, chính trị nào đó, người cán bộ đã lôi kéo, dụ dỗ người khác thực hiện những hành động có lợi cho mình hoặc ủng hộ, “bỏ phiếu” cho mình trước tập thể.
          Thứ ba là: hạ thấp yêu cầu đối với cấp dưới. Không ít trường hợp, người cán bộ cấp trên vì muốn tìm sự ủng hộ, quý mến của cấp dưới đã hạ thấp yêu cầu, trong công việc. Chẳng hạn như phân công công việc nhàn hạ,  kiểm tra qua loa, đại khái, không để ý đến mức độ hoàn thành nhiệm vụ…làm cho cấp dưới dễ nhầm lẫn đó là “tình cảm chân thành” mà bỏ qua các khuyết điểm, sai sót.

          Ngoài ra, một số cán bộ, đảng viên còn khéo léo thổi phồng thành tích của mình, đề cao khuyết điểm của người khác cũng là một trong những nguyên nhân gây nên uy tín giả. Nắm bắt được nguyên nhân nảy sinh uy tín giả giúp cho mọi người kịp thời phát hiện những “con sâu làm rầu nội bộ” ở địa phương, đơn vị, tổ chức mình, từ đó có cơ sở đấu tranh ngăn chặn, giữ vững sự ổn định, trong sạch của Đảng, bộ máy chính quyền, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đồng thời, đây cũng là biện pháp “tự soi, tự sửa” từ bên trong, không tạo ra kẽ hở cho các thế lực thù địch xuyên tạc, bôi nhọ, chống phá Đảng, Nhà nước ta./.                                             

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét