"Nhân cách" người cán bộ lãnh đạo, quản lý theo tư tưởng Hồ Chí Minh

      Nhân cách của người cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị là sự tổng hòa các yếu tố về phẩm chất và năng lực, trong đó nổi lên là vấn đề đạo đức. Việc rèn luyện nhân cách người cán bộ lãnh đạo, quản lý là một nhiệm vụ then chốt, thường xuyên của công tác cán bộ. Trong điều kiện hiện nay, tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là cơ sở để xây dựng nhân cách người cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
     Theo Hồ Chí Minh, nhân cách của người cán bộ lãnh đạo, quản lý trước hết biểu hiện ở lòng "trung với nước, hiếu với dân". Người coi trung với nước, hiếu với dân là một trong những tiêu chuẩn quan trọng nhất của đạo đức cách mạng và là một yếu tố cơ bản của nhân cách người cán bộ, đảng viên. Trong điều kiện cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, trung với nước là dám xả thân vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, dẫu biết rằng đi làm cách mạng thì có thể bị tù đày, lên máy chém, ra pháp trường.... 
      Ngày nay, trong hòa bình xây dựng, những điều kiện ấy không còn, nhưng những thử thách không kém phần nghiệt ngã vẫn còn đó đối với người cán bộ lãnh đạo, quản lý. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, trung với nước là phải đặt quyền lợi của Tổ quốc, của Đảng lên trên hết, trước hết. Người cán bộ lãnh đạo, quản lý là người giữ trọng trách trong bộ máy của hệ thống chính trị càng cần có đức tính hy sinh cho lợi ích của Đảng, của Tổ quốc. Điều này càng đặc biệt quan trọng trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khi các lợi ích đặt ra cho mọi người, trong đó có lợi ích cá nhân trong mối quan hệ với lợi ích của tập thể và lợi ích của Tổ quốc. 
    Đảng ta là Đảng cầm quyền, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý càng phải gần dân, hiểu dân, vì dân, thực hiện đúng quan điểm của Hồ Chí Minh: Đảng, Chính phủ, cán bộ, đảng viên là công bộc của dân, vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân. Sức mạnh của Đảng, của cả hệ thống chính trị; trí tuệ và xung lực của người cán bộ lãnh đạo, quản lý là lấy từ nơi dân, cho nên dân luôn luôn là gốc của cách mạng. Chúng ta không thể chấp nhận tình trạng hiện nay ở không ít nơi, không ít người trong bộ máy của hệ thống chính trị xa dân, không tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, mị dân, theo đuôi quần chúng. Người cán bộ lãnh đạo, quản lý phải luôn thấm nhuần quan điểm của Hồ Chí Minh: việc gì có lợi cho dân dù nhỏ cũng cố làm; việc gì có hại cho dân dù nhỏ cũng cố tránh; phải làm cho dân giác ngộ; chớ có "vác mặt quan cách mạng" để "đè đầu cưỡi cổ nhân dân"; đừng có tưởng cứ "dán lên trán hai chữ cộng sản" là dân tin, dân yêu, dân kính, dân phục mà phải thực sự yêu dân, kính dân.
    Hồ Chí Minh cho rằng, hiếu với dân còn bao hàm cả hiếu với cha mẹ, có tình yêu thương trong gia đình, nghĩa là có một “đời tư trong sáng”. Đứng trước dân, đang ở vị trí lãnh đạo, quản lý mà người cán bộ, đảng viên nêu gương xấu, gương mờ trong đời tư thì tất yếu sẽ dẫn đến tình trạng không lãnh đạo, quản lý được ai một cách thực chất; nói không ai nghe, làm không ai theo, là đạo đức giả, gây phản cảm. 
     Nhân cách của người cán bộ lãnh đạo, quản lý còn biểu hiện ở đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư - điều mà Hồ Chí Minh rất coi trọng trong việc rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Ngoài việc đòi hỏi người cán bộ phải cần cù, siêng năng, chịu khó, biết vượt qua khó khăn, gian khổ để làm việc, còn là yêu cầu tăng năng suất lao động. Đáng chú ý là tình trạng lãng phí ở nước ta hiện nay diễn ra khá nặng và đang có chiều hướng nghiêm trọng hơn. Hồ Chí Minh chỉ rõ: cần phải đi đôi với kiệm; cần mà không kiệm thì tiền như “gió vào nhà trống”. Kiệm không có nghĩa là bủn xỉn, mà là việc gì đáng chi thì phải chi, việc gì chưa đáng chi thì khoan hẵng chi, việc gì không đáng chi thì dứt khoát không chi. Người cán bộ lãnh đạo, quản lý là những người nắm quyền, nắm tiền, nếu không chịu rèn luyện đức tính tiết kiệm theo quan điểm và tấm gương của Hồ Chí Minh thì rất dễ bị tha hoá về nhân cách. Liêm là liêm khiết, là trong sạch, không tham ô, tham lam. Hiện nay, người cán bộ lãnh đạo, quản lý không những cần rèn cho mình đức tính không tham lam, không tham nhũng mà còn phải đấu tranh không khoan nhượng chống lại những biểu hiện tham nhũng. Người cán bộ lãnh đạo, quản lý phải có thái độ rõ ràng, trong cuộc sống và công tác luôn yêu cái thiện, ghét cái ác; luôn hành động, làm gương cho mọi người, chống chủ nghĩa cá nhân, coi khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền, coi thường tập thể, quan liêu, mệnh lệnh....
    Trong thời đại ngày nay, sự nghiệp đổi mới đất nước ta đang cần lắm những tấm gương mẫu mực, theo đúng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, không chút bụi mờ, có tác dụng nhân lên sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nhằm thực hiện thành công sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Người giữ chức vụ càng cao, trọng trách càng lớn thì càng đòi hỏi tấm gương phải trong hơn, sáng hơn. Tự mình không là tấm gương trong sáng thì không thể nào lãnh đạo được quần chúng, đó là điều hiển nhiên, sơ đẳng trong tiến trình cách mạng nước ta theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét