Mỗi năm, cứ đến ngày 14/3, cả
nước lại tổ chức tưởng niệm các anh, những người lính đã hy sinh xương máu của
mình trong trận hải chiến bảo vệ đảo Gạc Ma năm 1988.
Theo các tài liệu, trận chiến
Trường Sa năm 1988 được ghi lại khá đầy đủ, chi tiết.
Tại khu vực đá Gạc Ma, sáng
ngày 14 tháng 3, từ tàu HQ-604 đang thả neo tại Gạc Ma làm nhiệm vụ xây dựng,
Trần Đức Thông, Lữ đoàn phó Lữ đoàn 146, phát hiện thấy bốn chiếc tàu lớn của
Trung Quốc đang tiến lại gần. Tổ 3 người gồm thiếu uý Trần Văn Phương và hai
chiến sĩ Nguyễn Văn Tư, Nguyễn Văn Lanh được cử lên đá bảo vệ lá cờ Việt Nam
đang tung bay trên đá Gạc Ma.
Phía Trung Quốc cử hai xuồng
chở tám lính có vũ khí lao thẳng về phía đá. Chỉ huy Trần Đức Thông ra lệnh cho
các thủy thủ từ tàu 604 tiến về bảo vệ để hình thành tuyến phòng thủ, không cho
đối phương tiến lên.
Khoảng 6h sáng, Hải quân
Trung Quốc thả ba thuyền nhôm và bốn mươi quân đổ bộ lên đá giật cờ Việt Nam.
Hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh bị lê đâm và bắn bị thương. Thiếu úy Trần Văn Phương bị
bắn tử thương.
Lúc 7 giờ 30 phút, Trung Quốc
dùng hai chiến hạm bắn pháo 100 mm vào tàu 604, làm tàu bị hỏng nặng. Hải quân
Trung Quốc cho quân xông về phía tàu Việt Nam. Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ chỉ huy
đánh trả quyết liệt, buộc đối phương phải nhảy xuống biển bơi trở về tàu.
Hải quân Việt Nam vừa chiến
đấu, vừa tổ chức băng bó, cứu chữa thương binh và hỗ trợ các chiến sĩ bảo vệ
cờ. Trung Quốc tiếp tục nã pháo, tàu 604 của Việt Nam bị thủng nhiều lỗ và chìm
dần xuống biển. Vũ Phi Trừ - thuyền trưởng, Trần Đức Thông - lữ đoàn phó Lữ
đoàn 146, cùng một số thủy thủ trên tàu đã hy sinh cùng tàu 604 ở khu vực đá
Gạc Ma.
Tại đá Cô Lin, 6h, tàu HQ-505
của Việt Nam đã cắm hai lá cờ trên đá. Khi thấy tàu 604 của Việt Nam bị chìm,
thuyền trưởng tàu HQ-505, Vũ Huy Lễ ra lệnh nhổ neo cho tàu ủi bãi. Phát hiện
tàu 505 đang lên bãi, 2 tàu của Trung Quốc quay sang tiến công tàu 505. Khi tàu
HQ-505 trườn lên được hai phần ba thân tàu lên đá thì bốc cháy.
8h15, thủy thủ tàu 505 vừa
triển khai lực lượng dập lửa cứu tàu, bảo vệ đá, và đưa xuồng đến cứu thủy thủ
tàu 604 bị chìm ở phía bãi Gạc Ma ngay gần đó.
Hành động dũng cảm ủi bãi của
thuyền trưởng Vũ Huy Lễ và đồng đội đã giữ được đá Cô Lin.
Tại đá Len Đao, 8 giờ 20 phút
ngày 14 tháng 3, Hải quân Trung Quốc bắn mãnh liệt vào tàu HQ-605 của Hải quân
Việt Nam. Tàu 605 bị bốc cháy và chìm lúc 6 giờ ngày 15 tháng 3.
Thượng uý Nguyễn Văn Chương
và trung uý Nguyễn Sĩ Minh tổ chức đưa thương binh và chiến sĩ về tàu 505 (sau
khi bị bắn cháy nằm trên đá Cô Lin). Thi hài các chiến sĩ Trần Văn Phương,
Nguyễn Văn Tư, cùng các thương binh nặng được đặt trên xuồng. Số người còn sức
một tay bám thành xuồng một tay làm mái chèo đưa xuồng về đến đá Cô Lin.
Nhiều cứ liệu lịch sử, nhiều
bài báo nhắc đến sự kiện này. Trong đó, có đoạn video đầy xúc động về trận
chiến Trường Sa, do một bạn trẻ yêu nước đưa lên mạng từ năm 2009. Video thu
hút hàng triệu lượt người xem, khi xem video này nhiều người xúc động không cầm
được nước mắt
Khoảng một tháng sau trận hải
chiến tại Gạc Ma, Hải quân Việt Nam đưa ba mươi lăm công binh và bảy thủy binh
cùng vật liệu xây dựng bí mật đổ bộ trong đêm lên đá Len Đao xây nhà đánh dấu
chủ quyền. Lặp lại kịch bản Gạc Ma, trong ngày Trung Quốc đưa bảy tàu chiến và
nhiều xuồng nhỏ bao vây uy hiếp số quân Việt Nam trên đá. Tuy nhiên lần này
Việt Nam cho bảy máy bay chiến đấu từ đất liền bay ra phía đá hỗ trợ nên số tàu
chiến của Trung Quốc tản ra, đụng độ không nổ ra, phía Việt Nam giữ được đá và
hoàn thành việc xây dựng nhà trên đá. Như vậy là Quân Đội nhân dân Việt Nam đã
bảo vệ thành công Cô Lin và Len Đao trước âm mưu xâm chiếm lãnh thổ bằng vũ lực
của Trung Quốc.
Trận chiến này, 64 chiến sĩ
đã hy sinh, 11 chiến sĩ bị thương. Máu và thân xác các anh đã hòa cùng sóng
biển nhưng tấm gương dũng cảm, mưu trí bảo vệ chủ quyền Tổ quốc của các anh sẽ
mãi là những thiên sử anh hùng, bất diệt.
Có những sự kiện sau vài năm
trôi qua đã lạc khỏi trí nhớ của nhiều người. Nhưng có những sự kiện lịch sử
xảy ra hàng chục năm trước vẫn còn nguyên giá trị, để nhắc nhở các thế hệ sau
về những biến cố khôn lường có thể xuất hiện trong tương lai. Trận chiến Gạc Ma
1988 cách đây 30 năm là một sự kiện như vậy!
30 năm đã qua là một khoảng
thời gian tương đối dài…
Nhưng nó không bao giờ có thể
xòa mờ đi sự kiện lịch sử đau thương vào ngày 14 tháng 3 năm 1988, khi 64 chiến
sĩ quân đội nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh trước nòng súng của quân
Trung Quốc, trong quá trình bám đảo, giữ chủ quyền Tổ quốc.
Và sự kiện Gạc Ma của 30 năm
trước cũng chưa khi nào vơi giá trị trong việc nhắc nhở các thế hệ cháu con
Việt Nam không những không được phép chủ quan, mà còn phải nỗ lực phát triển
kinh tế, công nghệ, quốc phòng để bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của
Tổ quốc Việt Nam yêu dấu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét