BẢO VỆ TỔ QUỐC GẮN LIỀN VỚI BẢO VỆ CHẾ ĐỘ - MỤC TIÊU NHẤT QUÁN CỦA SỰ NGHIỆP BẢO VỆ TỔ QUỐC VIỆT NAM XÃ HỘI CHỦ NGHĨA HIỆN NAY



Từ lý luận và thực tiễn sinh động của lịch sử cho thấy tổ quốc bao giờ cũng gắn với một chế độ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội nhất định. Sự xuất hiện của các loại hình tổ quốc trong lịch sử luôn gắn với một chế độ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội cụ thể. Chẳng hạn, Tổ quốc phong kiến; Tổ quốc tư sản; Tổ quốc xã hội chủ nghĩa… Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa tồn tại và phát triển với “cương vực” riêng: có một nền văn hóa, ngôn ngữ riêng với một chế độ kinh tế, chính trị xã hội chủ nghĩa không thể tách rời.
Thực tế hiện nay, có người do nhận thức chưa đầy đủ nội hàm của khái niệm Tổ quốc xã hội chủ nghĩa hoặc do những mục đích chính trị đen tối, họ vô tình hoặc cố ý tách rời Tổ quốc và chế độ xã hội chủ nghĩa. Từ đó, họ đưa ra các quan điểm sai trái, phản động, tách dời mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc với bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Cần nhận thức rằng trong điều kiện toàn cầu hóa kinh tế, mở cửa, hội nhập quốc tế thì vấn đề mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa cần được quan niệm toàn diện hơn. Vừa phải bảo đảm lợi ích đất nước, lợi ích quốc gia dân tộc vừa phải đảm bảo giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tạo môi trường thuận lợi cho các nước hợp tác, đầu tư vào Việt Nam. Bảo vệ Tổ quốc trên một ý nghĩa nào đó còn là việc bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp của cả đối tác kinh tế, bạn bè quan hệ với Việt Nam. Trong quá trình mở cửa hội nhập, cùng với những thuận lợi là những khó khăn, thách thức mới nảy sinh, phức tạp hơn. Trong điều kiện đó vấn đề bảo vệ độc lập chủ quyền cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, lợi ích quốc gia dân tộc trên các lĩnh vực, đặc biệt là lợi ích kinh tế, chính trị, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc sẽ được đặt ra cấp thiết và cụ thể hơn.
Hiện nay, cần đặc biệt quan tâm bảo vệ an ninh kinh tế, an ninh tư tưởng, văn hóa và an ninh xã hội. Kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn những cuộc xâm nhập, “tiến công mềm” bằng các thủ đoạn thông tin trên các mặt kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hóa. Bảo vệ Hiến pháp, bảo vệ “Quyền tự bảo vệ” hợp hiến và hợp pháp.
Hội nghị TƯ8 (khóa XI) xác định: vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ sự nghiệp đổi mới; công nghiệp hóa - hiện đại hóa; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và nền văn hóa; giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình để xây dựng, phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Để gắn chặt bảo vệ Tổ quốc với bảo vệ chế độ cần thực hiện tốt các mục tiêu cụ thể: Tạo được sự chuyển biến rõ rệt trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, hiện tượng “tự diễn biến, tự chuyển hóa”… trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, củng cố sự đoàn kết thống nhất trong Đảng và lòng tin của nhân dân với Đảng, nhà nước;  Tập trung thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, đưa đất nước ra khỏi tình trạng khó khăn, có tốc độ tăng trưởng cao, bền vững. Phát triển nông nghiệp, nông thôn, kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh, xây dựng thế trận lòng dân ngày càng vững chắc hơn; Chủ động ngăn ngừa và làm thất bại mọi hoạt động chống phá của các thế lực thù định. Khắc phục hiện tượng sơ hở, mất cảnh giác, phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả các nguy cơ xung đột, chiến tranh biên giới, biển, đảo, chiến tranh mạng, không để xảy ra bạo loạn, khủng bố, không để hình thành các tổ chức chính trị đối lập. Bảo đảm an ninh trên các lĩnh vực làm chuyển biến rõ về trật tự xã hội, xây dựng xã hội an toàn, lành mạnh; Xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại có chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu cao, đảm bảo giành thắng lợi trong mọi tình huống; Giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phát triển toàn diện đất nước, gia tăng đan xen các lợi ích với các nước đối tác quan trọng, các nước lớn, nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực cũng như trên thế giới. Phấn đấu giải quyết cơ bản các vấn đề biên giới trên bộ. Thúc đẩy giải quyết có hiệu quả vấn đề biên giới biển với các nước láng giềng.
Hiện nay cần quán triệt sâu sắc quan điểm, phương châm chỉ đạo bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới:
Giữ vững sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc; Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; Kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Nắm chắc nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, củng cố quốc phòng an ninh là trọng yếu, thường xuyên. Kết hợp chặt chẽ các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại; Xây dựng sức mạnh tổng hợp của đất nước về chính trị, tư tưởng, kinh tế, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; Quán triệt đường lối độc lập, tự chủ, đồng thời chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; Vận dụng đúng đắn quan điểm về đối tác, đối tượng.
Sức mạnh và lực lượng bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa  là sức mạnh tổng hợp của cả vật chất và tinh thần; cả kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh và đối ngoại, của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, của cả truyền thống và hiện đại, cả trong nước và quốc tế. Nền tảng tạo nên sức mạnh tổng hợp là sức mạnh của nền kinh tế phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Sức mạnh chính trị tinh thần được xây dựng vững mạnh đóng vai trò quyết định. Sức mạnh của nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, cùng với sức mạnh của khoa học công nghệ đòng vai trò quan trọng. Sức mạnh của quốc phòng quân sự đóng vai trò trực tiếp. Đại đoàn kết toàn dân tộc là động lực chủ yếu của của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới. Trong mối quan hệ sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, nguồn nội lực của đất nước, nhân tố bên trong là quyết định. Để tạo nên sức mạnh tổng hợp bảo vệ Tổ quốc, cần quan tâm xây dựng, củng cố, tăng cường sức mạnh nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân. Xây dựng “thế trận lòng dân” làm nền tảng phát huy sức mạnh tổng hợp. Phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, lực lượng vũ trang làm nòng cốt, tăng cường tiềm lực quốc phòng an ninh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững mạnh, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Đại hội lần thứ XI của Đảng đã chỉ rõ: Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững chủ quyền biển đảo, biên giới, vùng trời, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đó là tư duy khoa học, gắn chặt lý luận với thực tiễn, thể hiện quan điểm bảo vệ Tổ quốc là gắn bó chặt chẽ bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia với bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN, bảo vệ mọi lợi ích quốc gia, dân tộc. Đây là điều kiện tiên quyết để giữ vững hòa bình, ổn định, tạo môi trưởng phát triển bền vững đất nước đồng thời là quy luật tồn tại phát triển của dân tộc ta trong điều kiện mới./.
                                                            
           Trọng Phúc


                                        

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét