Sau thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của Việt
Nam, chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đặc
biệt, khi biết được chủ tịch Hồ Chí Minh chính là Nguyễn Ái Quốc - một chiến sĩ
cách mạng kiên trung đấu tranh cho độc lập dân tộc, dân chủ và phong trào cộng
sản quốc tế. Các nhà báo nước ngoài đặc biệt quan tâm đến chủ tịch Hồ Chí Minh,
khi được họ hỏi về những ham muốn của mình, Bác giản dị trả lời: “Tôi
chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn
độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai
cũng được học hành”.
Những ham muốn của Bác rất đỗi
giản dị nhưng vô cùng cao cả. Sự giản dị về khát vọng được sống trong độc lập,
tự do, được đáp ứng những điều kiện sống tối thiểu như cơm ăn, áo mặc và cuối
cùng là được học. Nhưng mong muốn ấy lại vô cùng cao cả, vì đó không chỉ là
khát vọng của riêng Người mà còn của cả dân tộc Việt Nam và toàn thể nhân loại.
Ngày nay, trước sự bùng nổ cuộc cách mạng công nghệ 4.0 thì khát vọng tự học để
vươn lên làm chủ tri thức, làm chủ công nghệ của con người trở nên cần thiết
hơn bao giờ hết.
Nói đến việc tự học, bản thân
chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng để mọi người noi theo. Người đã tự học,
“tự đào tạo” để có đầy đủ phẩm chất kiến thức của người cộng sản chân chính,
lãnh đạo toàn dân đứng lên cứu nước. Từ làm thợ đốt lò trên tàu, làm đầu bếp ở
Mỹ, quét tuyết ở Anh… viết báo, viết truyện, viết kịch, làm thợ chụp ảnh…cho đến
khi trở thành Chủ tịch Nước, Bác Hồ vẫn không ngừng tự học, coi trọng và đề cao
trách nhiệm tự học ở mọi lúc, mọi nơi. Người khẳng định:“học ở trường, học ở
sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân”, “Học không bao giờ cùng, học mãi để tiến
bộ mãi. Càng tiến bộ…càng phải học thêm”. Trong tác phẩm Sửa đổi lối
làm việc (1947), Bác còn nhấn mạnh: “Lấy tự học làm cốt”.
Khắc sâu lời dạy của Bác, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, đồng bào ta hiện nay phải
luôn nêu cao ý thức “Tự học, tự nghiên cứu nâng cao trình độ, năng lực
toàn diện”. Đồng thời ngăn chặn đẩy lùi tệ nạn “thương mại hóa và sa sút đạo đức
trong giáo dục…”, gương mẫu trong đạo đức, lối sống, toàn tâm, toàn ý
cống hiến sức lực, trí tuệ để xây dựng gia đình, làng xã, quê hương ấm no, hạnh
phúc, góp phần xây dựng địa phương mình vững mạnh, giàu đẹp.
Khi nói đến mục đích của việc
tự học, chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ:“Học để làm việc, làm
người, làm cán bộ. Học để phục sự Đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng
sự Tổ quốc và nhân loại. Học để chung sống với người khác, học để khẳng định
mình, học để học cách học...”. Điều đó được hiểu là, trong cái sự bao
la, rộng lớn của tri thức nhân loại thì có những mục tiêu, thang giá trị thiết
thực nhất, gần gũi nhất và quan trọng nhất mà từ mỗi cán bộ cho đến từng người
dân trước hết phải hướng tới đó là học để làm việc, làm người tốt, làm một cán
bộ, đảng viên mẫu mực, đem hết nhiệt huyết của mình phục vụ sự nghiệp xây dựng
và bảo vệ Tổ quốc VNXHCN... Về phương pháp học, Người khẳng định: “phải
lấy tự học làm cốt”. Để làm được điều đó, mọi người phải tích cực học
Bác về sự cầu tiến bộ và quyết tâm tự học bất chấp thời gian, không gian và
trong mọi điều kiện khó khăn vẫn tự học tập, tự nghiên cứu để vươn lên làm chủ
tri thức. Từ đó có đủ “sức đề kháng” với những luận điệu sai trái xuyên tạc của
kẻ xấu; tự tu dưỡng đạo đức, lối sống, tự rèn luyện phương pháp công tác khoa học,
dân chủ, sâu sát, thận trọng và đặc biệt phải xác định đúng về động cơ của việc
tự học.
Động cơ tự học của từng cá nhân chỉ có được khi và chỉ
khi họ xác định đúng mục đích, vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc
tự học. Tức là, chủ thể của việc tự học phải trả lời được những câu hỏi: Tự học
để làm gì? Tự học có quan trọng không? Nếu chỉ thụ động trông chờ vào người
khác truyền đạt kiến thức mới học thì kết quả có tốt không?... Giá trị cốt lõi
của việc tự học là tự học để biết, tự học để dạy cho người học, để tự hoàn thiện
bản thân mình và để phục công việc hằng ngày... Ngược lại, nếu không học thì sẽ
không tiến bộ, không theo kịp sự phát triển của của xã hội. Trong buổi nói
chuyện tại Hội nghị nghiên cứu lịch sử Đảng của Ban tuyên giáo Trung ương,
28-11-1959, Bác dặn: “Chúng ta phải học, phải cố gắng học nhiều.
Không chịu khó học thì không tiến bộ được. Không tiến bộ là thoái bộ. Xã hội
càng đi tới, công việc càng nhiều, máy móc càng tinh xảo. Mình không chịu học
thì lạc hậu, mà lạc hậu là bị đào thải, tự mình đào thải mình...”
Tóm lại, tự học là một hoạt động
đã và đang được toàn xã hội hướng đến. Tuy nhiên, để hoạt động này diễn ra thường
xuyên, có chiều sâu và mang lại hiệu quả thiết thực, đòi hỏi từ các cơ quan chức
năng cho đến mọi người dân phải học Bác, khắc sâu lời dạy của Bác về tự học.
Kiên quyết đấu tranh chống lại những biểu hiện lười biếng, học qua loa, chiếu lệ,
học nhiều lý thuyết nhưng không biết vận dụng vào thực tế trong công việc hằng
ngày ... Đặc biệt, phải phải kịp thời loại bỏ tư tưởng ngại học tập, rèn luyện,
thích ăn chơi, hưởng thụ, chạy theo lối sống xa hoa, lãng phí trong giới trẻ hiện
nay./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét