Bàn về "Luật phòng chống tham nhũng" ở Trung Quốc

    Trung Quốc đã lần lượt thông qua các đạo luật phòng, chống tham nhũng như: Luật Chống hối lộ năm 1988; Luật Chống tham nhũng năm 1997. Bên cạnh đó, hành vi tham nhũng còn được tội phạm hóa trong Bộ luật Hình sự (BLHS) của Trung Quốc, với 15 điều, quy định các tội về tham nhũng như: tham ô, lạm dụng công quỹ, nhận hối lộ, đưa hối lộ, không nộp quà biếu hoặc lễ vật vào công quỹ, không chứng minh được nguồn gốc tài sản, phân chia tài sản trái phép… 
    Luật hình sự của nước này hình sự hóa một loạt các tội tham nhũng, trong đó bao gồm cả tham nhũng chủ động và thụ động trong khu vực công, tống tiền, rửa tiền và lạm dụng vị trí của công chức. Hành vi tham nhũng cấu thành tội phạm khi giá trị tài sản tham nhũng từ 10.000 nhân dân tệ trở lên. Hình phạt cao nhất được áp dụng với tội phạm tham nhũng là tử hình. Năm 1993, Trung Quốc đã ban hành Luật Cạnh tranh, quy định cả về hành vi tham nhũng trong lĩnh vực tư nhân, theo đó hành vi hối lộ của các công ty tư nhân và nhà quản lý để có được lợi thế không chính đáng là bất hợp pháp. Theo Tổ chức Minh bạch quốc tế, chỉ số CPI của Trung Quốc qua các năm được đánh giá là một trong những quốc gia có chính sách chống tham nhũng rất mạnh mẽ và cương quyết. Các biện pháp phòng, chống tham nhũng có hiệu quả của Trung Quốc cần được tham khảo, đó là:
    Trung Quốc coi việc giáo dục đạo đức cho công chức là một trong những biện pháp rất quan trọng trong việc phòng, chống tham nhũng bên cạnh việc xử lý nghiêm khắc các hành vi tham nhũng. Trung Quốc đã ban hành hàng loạt văn bản quy định về giáo dục đạo đức và xây dựng tác phong liêm chính. Việc đề ra và thực hiện các quy định nhằm giúp công chức tránh được tình trạng phải đối đầu với xung đột giữa lợi ích riêng và lợi ích chung . Theo đó, Trung Quốc quy định: cán bộ khi rời chức vụ lãnh đạo hoặc nghỉ hưu thì trong vòng 3 năm sau đó, không được kinh doanh ở những lĩnh vực có liên quan đến công việc trước đây mình phụ trách; vợ (hoặc chồng), con cán bộ lãnh đạo không được kinh doanh ở các lĩnh vực do chồng (hoặc vợ), cha mẹ mình quản lý. Từ năm 1997, Trung Quốc đã giải tán các cơ sở kinh doanh trong công an, quân đội, hải quan nhằm tránh lợi dụng quyền lực để tham nhũng.
      Tất cả công chức ở mọi vị trí đều phải kê khai tài sản của mình mỗi năm hai lần. Tất cả các nguồn thu nhập từ các nguồn khác nhau đều phải được kê khai đầy đủ. Cán bộ lãnh đạo phải kê khai rõ các khoản như: tiền tiết kiệm, cổ phiếu, trái phiếu, đồ dùng có giá trị trên 10.000 nhân dân tệ (khoảng 19 - 20 triệu đồng Việt Nam), ô tô, nhà riêng, đất đai, tranh cổ quý hiếm... Bộ Giám sát của Chính phủ theo dõi, giám sát việc kê khai và xem xét, xử lý những trường hợp có tài sản bất minh. Công chức không giải thích được nguồn gốc tài sản của mình thì bị coi là tham ô. Điều 395 BLHS Trung Quốc quy định: "Bất cứ công chức nào có tài sản vượt quá mức thu nhập và số lượng chênh lệch quá lớn thì bắt buộc phải giải trình nguồn gốc của tài sản. Nếu công chức đó không chứng minh được tài sản đó là hợp pháp thì sẽ bị kết án 5 năm tù giam và phần tài sản vượt quá mức thu nhập sẽ bị tịch thu".
    Trung Quốc cho rằng, việc áp dụng các hình phạt nghiêm khắc dành cho những cá nhân có hành vi tham nhũng sẽ là một công cụ hữu hiệu để trừng phạt những người vi phạm cũng như để răn đe, giáo dục các thành viên khác trong xã hội không tham nhũng. Theo quy định của pháp luật Trung Quốc, người thực hiện hành vi tham nhũng bị xử lý rất nghiêm khắc. Cụ thể là:
     + Tham ô dưới 2.000 nhân dân tệ (gần 300 đô-la Mỹ) thì bị xử lý hình sự, dưới mức đó thì xử lý ở mức hành chính.
     + Tham ô dưới 5.000 nhân dân tệ (gần 750 đô-la Mỹ) nhưng tự nguyện nộp tài sản cho Nhà nước và có hành vi ăn năn hối cải thì có thể được xét giảm trách nhiệm hình sự.
     + Tham ô từ 2.000 nhân dân tệ nhưng gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị phạt tù đến 2 năm.
     + Tham ô từ 2.000 nhân dân tệ đến 10.000 nhân dân tệ thì bị phạt tù từ 1 năm đến 7 năm.
     + Tham ô từ 50.000 nhân dân tệ trở lên, gây ảnh hưởng xấu đến chính trị, xã hội sẽ bị phạt tử hình.
Ngày 28/02/2010, Quốc hội Trung Quốc đã sửa đổi BLHS, thắt chặt hơn các quy định về chống tham nhũng. Bộ luật sửa đổi đã tăng hình phạt đối với các hành động chiếm hữu tài sản không kê khai. Điều chỉnh mới cũng tăng gấp đôi khung hình phạt tù tới 10 năm đối với các quan chức bị phát hiện chiếm hữu một số lượng lớn thu nhập hay tài sản mà họ không thể giải trình được nguồn gốc. Đáng chú ý là, BLHS của Trung Quốc còn quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong các tội về tham nhũng chứ không chỉ có trách nhiệm của cá nhân người phạm tội. Theo đó, cơ quan, tổ chức có người phạm tội về tham nhũng sẽ bị phạt tiền. Đồng thời, BLHS cũng truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những người trực tiếp lãnh đạo, quản lý công chức có hành vi tham nhũng.
      Hiện nay, Chính phủ điện tử là một biện pháp chống tham nhũng mới được áp dụng ở Trung Quốc nhưng các  nhà lãnh đạo của quốc gia này cho rằng, chính phủ điện tử là một yếu tố quan trọng của cải cách hành chính và là một cách thức hiệu quả để tăng hiệu quả và trách nhiệm giải trình. Các trang web của Chính phủ có chứa các liên kết đến tất cả các chính quyền cấp tỉnh và thành phố. Trung Quốc có khoảng 100.000 cổng thông tin web của Chính phủ. Các nội dung trên hầu hết các trang web của Chính phủ chỉ được viết bằng ký tự tiếng Trung Quốc đơn giản. Chỉ một số trang web, bao gồm cả các trang của những thành phố lớn, được cung cấp bằng tiếng Anh. Các cổng thông tin của Chính phủ đã được tăng cường bằng cách cung cấp thông tin toàn diện, các dịch vụ tích hợp nhiều hơn giữa các ngành khác nhau, và tương tác lớn hơn giữa các quan chức chính phủ và công dân. Nhận thức được tính chất nghiêm trọng của nạn tham nhũng, Trung Quốc luôn coi phòng, chống tham nhũng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, lâu dài, xuyên suốt quá trình phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng Nhà nước.
   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét