Trải qua 64 năm, ngày 7/5/1954 đã đi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam và thế giới với chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta, mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới; tạo ra bước ngoặt lịch sử làm thay đổi hẳn cục diện chiến tranh, kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Ngay từ cuối năm 1953 đầu năm 1954, khi bắt đầu triển khai Kế hoạch Na-va, theo đánh giá giới quân sự Pháp và Mỹ thì Điện Biên Phủ ở vị trí chiến lược quan trọng đối với chiến trường Đông Dương, bởi vậy, thực dân Pháp đã điều động và bố trí lực lượng ở Điện Biên Phủ lúc cao nhất lên đến 16.200 quân cùng nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh, tại 49 cứ điểm với 3 phân khu: Phân khu Bắc, Phân khu Nam và Phân khu Trung tâm.
Trước âm mưu và hành động mới của địch, ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị đã thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận; đánh giá tầm quan trọng của chiến dịch này, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Với 5 đòn tiến công chiến lược vào Lai Châu, Trung Lào, Hạ Lào - Đông Bắc Cam-pu-chia, Bắc Tây Nguyên và Thượng Lào. Quân ta đã đập tan Kế hoạch Na-va, buộc phải phân tán binh lực.
Sau 3 đợt tiến công: Đợt 1 (từ 13 - 17/3/1954), đợt 2 (từ từ 17 giờ ngày 30/3 - 30/4/1954), đợt 3 (từ 1/5 - đến 17 giờ 30 ngày 7/5/1954). Trải qua 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường và anh dũng trong điều kiện “khoét núi ngủ hầm mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn…”, quân và dân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 16.200 sinh lực địch, thu toàn bộ vũ khí, trang bị quân sự, bắn rơi nhiều máy bay; xóa sổ hoàn toàn tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh nhất Đông Dương của Quân đội Pháp.
Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ là sự phát triển đến đỉnh cao của nghệ thuật quân sự, nghệ thuật chiến dịch Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, góp phần đánh bại Kế hoạch Na-va, làm tiêu tan hy vọng của Pháp và can thiệp Mỹ hòng xoay chuyển cục diện chiến tranh Đông Dương, tìm “lối thoát danh dự”; đồng thời tạo nên bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam, quyết định đến việc ký Hiệp định Giơ-ne-vơ về lập lại hòa bình ở Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia. Đó là “một cái mốc chói lọi bằng vàng” trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Điện Biên Phủ là một trong những trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử Việt Nam, là đòn tiến công tiêu diệt lớn nhất của quân đội ta, quyết định “số phận” quân đội viễn chinh Pháp trong cuộc chiến tranh Đông Dương. Chiến thắng đó không những là minh chứng hùng hồn cho sức mạnh, tính sáng tạo và độc đáo của chiến tranh nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, tầm nhìn chiến lược của Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự chủ động, sáng tạo của Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh, trực tiếp là Đảng ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch, mà còn thể hiện tinh thần chiến đấu mưu trí, dũng cảm, ngoan cường của quân và dân ta.
Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ khẳng định sự trưởng thành vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Khi mới thành lập, Quân đội ta mới có 34 chiến sỹ với vũ khí thô sơ, tầm vông, giáo mác, dưới sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Đảng và Bác Hồ, quân đội ta đã không ngừng lớn mạnh, càng đánh càng mạnh, trưởng thành về mọi mặt, góp phần làm nên một Điện Biên Phủ. Đây là cơ sở quan trọng để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta vững tin dám đánh, quyết đánh và đánh thắng Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã lùi sâu theo dòng chảy của thời gian nhưng ý nghĩa và giá trị lịch sử của nó vẫn còn nguyên giá trị đối với dân tộc Việt Nam và cả nhân loại yêu chuộng hòa bình trên thế giới; xứng đáng được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ XX và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét